Một số kết quả nổi bật sau 05 năm triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017-2022 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

23/09/2022 14:28 Số lượt xem: 340

Trong những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017-2022 (gọi tắt là Đề án 939) với nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt đã ban hành chính sách riêng của Bắc Ninh trong việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp vay vốn ưu đãi từ nguồn ngân sách của tỉnh, ủy thác qua Ngân hàng Ngân hàng chính sách xã hội, đây là một trong những chính sách ưu đãi quan trọng, nhằm hỗ trợ cho phụ nữ có cơ hội và điều kiện phát triển kinh tế, thành lập doanh nghiệp, mở rộng sản xuất kinh doanh... trên cơ sở những ý tưởng khởi nghiệp và nhu cầu khởi sự kinh doanh của phụ nữ

Mô hình khởi nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn của chị Nguyễn Thị Trâm ở huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh

Thực hiện Quyết định số 939/QĐ-TTg, ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định số 530/QĐ-UBND ngày 06/10/2017 về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” trên địa bàn tỉnh; trong đó, giao trách nhiệm cho Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh là cơ quan chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo hiệu quả. HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 105/NQ-HĐND ngày 17/4/2018; Nghị quyết số 75/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 về việc thông qua chủ trương sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) để cho vay đối với Phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã phê duyệt Phương án quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH để cho vay đối với Phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Nhằm tạo dựng môi trường khởi nghiệp thuận lợi, khơi dậy và hun đúc tinh thần khởi nghiệp, làm giàu trong nhân dân; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp thông qua  những chính sách, công cụ hỗ trợ đầu tư kinh doanh, các quỹ đầu tư, các tổ chức ươm tạo và đào tạo nhân lực, phát triển ý tưởng khởi nghiệp, các hoạt động tư vấn và phát triển doanh nghiệp. Tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Đề án xây dựng chương trình hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2017-2020; tích cực đẩy mạnh hợp tác giữa giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng thời, triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 và tổ chức cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Bắc Ninh năm 2022. Trong đó đề ra các chương trình cụ thể về: Truyền thông khởi nghiệp, sàng lọc và triển khai ý tưởng khởi nghiệp, từ đó có phương án hỗ trợ hiện thực hóa ý tưởng. Hỗ trợ về vốn thông qua xây dựng cơ chế tài chính hỗ trợ doanh nghiệp từ Quỹ đầu tư phát triển; bổ sung đối tượng doanh nghiệp (kể cả Hợp tác xã) khởi nghiệp vào danh mục đầu tư trực tiếp và cho vay của Quỹ nhằm hỗ trợ tài chính cho các dự án khởi nghiệp có tiềm năng phát triển. Triển khai ký kết các thỏa thuận hợp tác với các tổ chức, ngân hàng, doanh nghiệp, trường đại học nước ngoài về việc hỗ trợ nguồn vốn vay, chương trình đào tạo cho cộng đồng khởi nghiệp Bắc Ninh. Hỗ trợ về gia nhập thị trường như tư vấn và hỗ trợ pháp lý miễn phí hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp cho doanh nghiệp khởi nghiệp, hộ kinh doanh chuyển đổi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính. Tạo thuận lợi trong tiếp cận đất đai, thuê mặt bằng theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp khởi nghiệp có tiềm năng phát triển và ý tưởng đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận thông tin pháp luật, hạn chế các rủi ro trong kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực hiện chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch... Hỗ trợ về tiếp cận thị trường thông qua tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Giới thiệu đối tác, nhà đầu tư, hỗ trợ thủ tục cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước thông qua các đại diện Việt Nam ở nước ngoài để tiếp cận thị trường thế giới. Hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động làng nghề để tạo việc làm, tăng thu nhập và thúc đẩy khởi nghiệp làng nghề, khởi nghiệp vùng nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế. Tạo môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp trong nước và và doanh nghiệp FDI, trên cơ sở thực hiện lồng ghép các chính sách và giải pháp về phát triển công nghiệp hỗ trợ và cung cấp dịch vụ cho các khu công nghiệp.

Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội tỉnh được giao chủ trì, tổ chức các hoạt động ươm tạo doanh nghiệp, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. UBND các huyện, thành phố trong vùng quy hoạch đô thị rà soát về quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp tiếp cận mặt bằng, thúc đẩy khởi nghiệp đô thị. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao bổ sung, lồng ghép các chỉ tiêu khởi nghiệp trong các chương trình phát triển đã có của ngành, địa phương, đơn vị phụ trách; chỉ đạo triển khai đồng bộ, lồng ghép hiệu quả với các chương trình này, kết hợp với cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); cải cách hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin; chuẩn hóa quy trình theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông; ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, tập trung vào các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, tạo thuận lợi cho cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp; rà soát, bổ sung chính sách hỗ trợ tài chính (khuyến công, xúc tiến thương mại, thương mại đầu tư, nông nghiệp nông thôn, chuyển đổi hộ kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp...) nhằm hỗ trợ phát triển Hợp tác xã (HTX) khởi nghiệp.

Giai đoạn 2017-2022, tổng số nguồn vốn trích từ ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng CSXH được ghi cho nhiệm vụ thực hiện Đề án 939 là 90 tỷ đồng, đã cấp 80 tỷ (thời điểm từ năm 2018 đến tháng 6/2022). Phê duyệt chính sách riêng cho vay hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp (PNKN), cụ thể mỗi ý tưởng/dự án được vay vốn thời hạn tối đa là 5 năm, với mức lãi suất ưu đãi 5%/năm (bằng xấp xỉ 0,42%/tháng).

Từ nguồn vốn vay trên, đã có 167 dự án được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD), với  tổng số vốn lũy kế đã giải ngân là 129 tỷ đồng, trong đó có 13 HTX và 24 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ được hỗ trợ vay vốn, các dự án do Phụ nữ khởi nghiệp làm chủ đã góp phần tạo việc làm cho 956 lao động tại địa phương (trong đó có 725 lao động nữ); 70% số dự án được vay vốn phát triển SXKD có mức tăng trưởng lợi nhuận tăng từ 3-6 lần so với khi chưa được hỗ trợ từ Đề án.

Các cấp Hội LHPN đã tiếp nhận 916 ý tưởng phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. 100% ý tưởng đã tiếp nhận được hỗ trợ, giúp đỡ theo nhu cầu cụ thể dưới các hình thức như hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ nguồn PNKN của tỉnh, tập huấn kiến thức, liên kết hoạt động giữa sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP, tiếp cận chính sách hỗ trợ nông nghiệp của tỉnh… 100% các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án và bố trí ngân sách thực hiện từ 40-50 triệu đồng/đơn vị/năm.

Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, Hội LHPN các cấp đã phối hợp tư vấn, giúp đỡ thành lập mới 12 doanh nghiệp; 15 HTX nông nghiệp kiểu mới, do phụ nữ làm chủ, với tổng số 251 thành viên; 18 tổ liên kết với 325 thành viên (đạt 165% chỉ tiêu Kế hoạch Đề án ); 622 doanh nghiệp do phụ nữ quản lý được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (đạt 38,9% chỉ tiêu Kế hoạch thực hiện Đề án).

Năm 2018, 2020, Hội LHPN tỉnh tham mưu tổ chức hội nghị lãnh đạo tỉnh đối thoại với phụ nữ khởi nghiệp; các đồng chí lãnh đạo tỉnh gặp gỡ, trao đổi với nữ chủ doanh nghiệp, kịp thời quan tâm, tạo điều kiện tháo gỡ 15 vấn đề vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách của tỉnh cho các doanh nghiệp nữ, như: Chính sách hỗ trợ BHXH, BHYT cho giáo viên trong lĩnh vực GDMN tư thục; chính sách cấp phép cho doanh nghiệp trong các làng nghề thuê đất 50 năm; chính sách hỗ trợ lãi xuất vay vốn cho doanh nghiệp, hỗ trợ 50% giá điện cho doanh nghiệp sản xuất chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thành lập doanh nghiệp, mở rộng sản xuất kinh doanh; tỉnh Bắc Ninh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp về các hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu; hướng dẫn xây dựng và thực hiện chương trình khuyến công, phát triển thương mại điện tử; giải pháp khuyến khích SXKD, tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao kiến thức cho doanh nghiệp trong việc xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm... Xây dựng Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ đến năm 2025; Chương trình phát triển, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2022-2025. Đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện các hoạt động: Bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu, đăng ký doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; các doanh nghiệp tham dự Giải thưởng chất lượng Quốc gia năm 2022. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp...

Triệu Bích Hồng, Văn phòng Tỉnh ủy