Lương Tài : Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng Nông thôn mới

19/03/2024 10:17 Số lượt xem: 130

Lư­ơng Tài là một huyện thuần nông, là một trong những vùng sản xuất nông nghiệp quan trọng của tỉnh Bắc Ninh, có điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu rất thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong những năm qua, huyện Lương Tài đã đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế của đơn vị, địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; tập trung tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết, tích tụ ruộng đất; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm OCOP; đặc biệt từng bước hướng đến nông nghiệp thông minh gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm nông nghiệp;...

Mô hình trồng ớt xuất khẩu xã Phú Hòa, Lương Tài

Để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, huyện đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tại địa phương; huy động mọi nguồn lực nâng cao chất lượng các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương, đường giao thông,... phục vụ tốt cho sản xuất; chú trọng công tác tập huấn, cung ứng giống, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thuốc diệt chuột; tăng cường đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất như: Làm đất, gieo cấy, tưới, tiêu, chăm sóc, thu hoạch,... đã giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất cây trồng, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, huyện khuyến khích các doanh nghiệp, hộ dân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là đầu tư ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường;...

Hiện nay, toàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng cao; nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Tỏi, cà rốt, ớt; các mô hình trồng trọt ứng dụng công nghệ cao áp dụng gieo trồng trong nhà lưới, nhà màng, áp dụng hệ thống tưới phun tự động, sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, VietGAP như: Trồng tía tô trong nhà màng tại xã Lâm Thao; sản xuất rau măng tây xanh, cà rốt, dưa chuột, cà chua trong nhà lưới, nhà màng áp dụng theo quy trình VietGAP tại xã Minh Tân; trồng cây ăn quả áp dụng hệ thống tưới phun tự động tại xã Quảng Phú; trồng hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế cao trong nhà lưới, nhà màng tại xã Phú Hoà;... Thu hút một số doanh nghiệp sản xuất, chế biến, liên kết tiêu thụ sản phẩm như: Công ty TNHH Nông nghiệp cao Hồ Gươm, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong, Công ty Cổ phần Agritex, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vĩnh Cửu, Công ty TNHH Nông sản xanh;… đã và đang có những đóng góp quan trọng vào thúc đẩy phát triển nông nghiệp của huyện. Mặt khác, huyện tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP và một số nông sản thế mạnh của địa phương; năm 2023, huyện Lương Tài có tổng 15 sản phẩm của 07 chủ thể được UBND tỉnh phê duyệt danh mục sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.

Đi đôi với đó, huyện tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi tập trung xa khu dân cư theo hướng an toàn sinh học; hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại, hình thành và nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị; nâng cao chất lượng nuôi, trồng vùng chuyển dịch, vùng bãi ngoài đê, khai thác tốt diện tích mặt nước sông Thái Bình nuôi cá thâm canh có năng suất, chất lượng cao. Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản. Hiện nay, toàn huyện có 22 tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi lợn thịt, gia cầm; đặc biệt hầu hết các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn đã lắp đặt bể Biogas và sử dụng đệm lót sinh học để xử lý phân, nước thải chăn nuôi, góp phần đảm bảo môi trường các khu vực chăn nuôi.

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, triển khai thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm chương trình xây dựng nông thôn mới với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; bởi vậy đến hết năm 2019, huyện Lương Tài có 13/13 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019; năm 2021 xã An Thịnh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Trong năm 2023, huyện tập trung chỉ đạo triển khai Kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022-2025; chỉ đạo UBND các xã rà soát, đánh giá các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt theo Bộ tiêu chí nông thôn mới tại Quyết định số 104/QĐ-UBND, ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh; đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với sự đồng tình hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đến nay, toàn huyện có tổng số 152 tiêu chí nông thôn mới (trong đó, 13/13 xã đạt dưới 15 tiêu chí, bình quân đạt 11,7 tiêu chí/xã); 123 tiêu chí nông thôn mới nâng cao (trong đó, 13/13 xã đạt dưới 15 tiêu chí, bình quân đạt 9,5 tiêu chí/xã).

Qua đó, đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn nhiều khởi sắc, sản xuất phát triển, an ninh chính trị được duy trì ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, tạo tiền đề quan trọng để huyện Lương Tài phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới, huyện Lương Tài tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Thứ nhất, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, nghị quyết, chính sách của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, của tỉnh và của huyện, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 về nông nghiệp, nông thôn và nông dân;… trên cơ sở đó cụ thể hóa vào tình hình thực tiễn của ngành, đơn vị, địa phương mình một cách phù hợp. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 03-NQ/HU, ngày 02/10/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa và Kết luận số 08-KH/HU, ngày 19/12/2020 của Ban Thường vụ Huyện ủy về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2018-2020, kế hoạch chuyển đổi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 11-NQ/HU, ngày 08/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn huyện;…

Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện Đề án quy hoạch khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Lương Tài đến năm 2030 phù hợp với điều kiện, lợi thế từng địa phương. Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá, tập trung, quy mô lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao; ưu tiên công nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, nông nghiệp sạch, sinh thái, gắn với chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm (OCOP); khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao;....

Phát triển chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm chất lượng cao theo hướng tăng dần sản lượng con giống, từng bước đưa sản xuất con giống gia cầm là sản phẩm chủ lực của ngành chăn nuôi, đem lại giá trị gia tăng cao. Phát triển chăn nuôi theo hướng xa khu dân cư, giảm dần và tiến tới xóa bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư; quy hoạch vùng phát triển sản xuất chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; hình thành các khu chăn nuôi tập trung gắn với xây dựng hệ thống các cơ sở giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm soát, khống chế dịch bệnh và xử lý môi trường; đảm bảo ngành chăn nuôi phát triển bền vững, hiệu quả. Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, có định hướng thị trường rõ ràng, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương, huy động các nguồn lực xã hội từng bước đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật ngành du lịch, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào địa bàn, xây dựng các khu vui chơi, giải trí, mô hình trải nghiệm nông nghiệp,… Nghiên cứu, xây dựng thí điểm 1-2 mô hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm nông thôn, kết hợp với quảng bá sản phẩm làng nghề, các sản phẩm OCOP; phấn đấu mỗi năm toàn huyện có 3 - 5 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, 05 sản phẩm OCOP đạt 4 sao.

Thứ ba, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn đồng bộ và hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa; đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn. Chỉ đạo các xã tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới đã đạt; phấn đấu hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2022-2025, đó là: Xã Trung Kênh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024; xã Lâm Thao đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024; thôn Ngọc Quan, xã Lâm Thao đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024; đến năm 2025, có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu./.

Nguyễn Thị Mai – Văn phòng Tỉnh ủy