Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp

03/04/2024 15:13 Số lượt xem: 363

Chuyển đổi số đang trở thành xu thế chung của mọi lĩnh vực kinh tế. Trong những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều chính sách đầu tư, khuyến khích chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó, nhiều cơ sở, HTX, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư đưa công nghệ cao vào sản xuất, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích canh tác. Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ nông dân ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp; góp phần thay đổi tập quán, tư duy trong sản xuất nông nghiệp truyền thống.

Bắt nhịp xu thế phát triển, thời gian qua sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã có bước chuyển biến tích cực. Kết quả này đến từ việc người dân, doanh nghiệp… đã mạnh dạn áp dụng, phổ biến chuyển đổi số trong nông nghiệp như: sử dụng thiết bị bay không người lái trong phun thuốc bảo vệ thực vật; lắp đặt hệ thống cảm biến điều khiển chế độ dinh dưỡng, tưới nước tự động từ xa qua điện thoại thông minh; dán tem truy xuất nguồn gốc; nhiều nông sản và sản phẩm OCOP của địa phương đã được kết nối, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử… Đơn cử như Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm (xã Lâm Thao, huyện Lương Tài) đầu tư xây dựng hơn 11,4 ha nhà màng, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, hệ thống quạt gió, điều khiển qua máy tính hoặc điện thoại thông minh để trồng tía tô xuất khẩu sang Nhật Bản; Doanh nghiệp tư nhân cây xanh Phú Lâm (xã Phú Lâm, huyện Tiên Du) đầu tư xây dựng 1.500m2 nhà kính có hệ thống cảm biến điều tiết nhiệt độ theo chu kỳ giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây thông qua điện thoại để sản xuất hoa lan Hồ điệp; Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong (xã Minh Tân, huyện Lương Tài) đầu tư xây dựng hơn 2 ha nhà màng, nhà kính áp dụng công nghệ tưới tự động trong sản xuất rau, củ, quả các loại, thực hiện gắn nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, mã số, mã vạch cho sản phẩm; HTX nuôi trồng thủy sản Chiến Thắng (xã Đức Long, huyện Quế Võ) với hơn 300 lồng chuyên nuôi cá thương phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap, có gắn tem truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra một số cơ sở, HTX, doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh đã đưa chuyển đổi số trong một khâu hay một công đoạn sản xuất nào đó nhằm góp phần nâng cao hiệu quả, giảm chi phí trong sản xuất.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động của Công ty Hải Phong (xã Minh Tân, Lương Tài)

Trong bối cảnh diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, giá nông sản bấp bênh, dịch bệnh hại phát sinh với diễn biến phức tạp… chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là xu thế tất yếu của sản xuất nông nghiệp hiện đại. Giúp hạn chế tối đa dùng sức lao động, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, tăng năng suất cây trồng trên một đơn vị diện tích, nâng cao chất lượng sản phẩm… Thực tế cho thấy chuyển đổi số trong sản xuất không những góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự cạnh tranh lành mạnh mà còn là cơ hội để để ngành nông nghiệp thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún kém hiệu quả, thiếu chuỗi liên kết sang một nền nông nghiệp minh bạch nguồn gốc, thông tin giúp nông nghiệp vươn xa và có trách nhiệm với người tiêu dùng. Đồng thời giúp người sản xuất tăng lợi nhuận, tăng hiệu quả đầu tư, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị. Qua đó khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ sinh học, phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn. Theo chị Nguyễn Thị Trâm – Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong (xã Minh Tân, huyện Lương Tài): “Việc thực hiện chuyển đổi số, áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, giúp trang trại của tôi có thể kiểm soát được quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng; điều chỉnh chế độ chăm sóc cho phù hợp, quản lý thời gian thu hoạch các sản phẩm, đồng thời kiểm soát tốt thời gian hoạt động của trang trại ngay cả khi không có mặt trực tiếp, từ đó tối ưu hóa được chi phí sản xuất, tăng cường lợi nhuận.”

Còn đối với anh Trần Đình Hùng – Công ty TNHH Dược liệu Việt Kết (xã Thái Bảo, huyện Gia Bình) thì chuyển đổi số được anh ứng dụng hiệu quả trong việc nghiên cứu, sáng tạo ra những mẫu mã phù hợp với từng loại sản phẩm, trong việc bán hàng online trên các nền tảng số, các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội như Facebook, zalo, tiktok… Theo anh Hùng việc mở rộng thị trường tiêu thụ trên các nền tảng số giúp doanh nghiệp tiếp cận với tệp khách hàng mới, phù hợp với xu thế tiêu dùng của khách hàng hiện nay, thúc đẩy doanh số tăng lên đáng kể.

Sản phẩm của Công ty TNHH Dược liệu Việt Kết đa dạng về mẫu mã, chủng loại

Tuy nhiên, ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế, rời rạc, chưa đồng bộ, trình độ cơ giới hóa còn thấp; công nghiệp phụ trợ (cơ khí, chế biến sâu, kiểm nghiệm sản phẩm sau thu hoạch…) chưa tương xứng; chi phí đầu tư ban đầu cho hệ thống đồng bộ tương đối cao; nguồn nhân lực có chuyên môn cao phục vụ chuyển đổi số còn nhiều hạn chế… Do vậy nhiều cơ sở sản xuất, HTX còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Nhằm hỗ trợ cho hội viên, nông dân và các cơ sở sản xuất từng bước tiếp cận và ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và của tỉnh trong phát triển kinh tế số, thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp. Ký kết Chương trình phối hợp với Bưu điện tỉnh triển khai hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa; tiến hành rà soát, hỗ trợ 4.067 hộ đăng ký tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử POSTMART; tập huấn, hướng dẫn phương thức bán hàng trên sàn thương mại điện tử cho 800 hội viên, nông dân; tập huấn về về sở hữu trí tuệ cho 200 hội viên, nông dân.

HND tỉnh tổ chức tập huấn về sở hữu trí tuệ và hướng dẫn sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “mỳ gạo Tử Nê” cho hội viên, nông dân xã Tân Lãng, Lương Tài

Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai, hướng dẫn hội viên, nông dân thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh; chú trọng việc sử dụng các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream)… để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, tạo bước chuyển cơ bản về giá trị sản phẩm hàng hóa, thu hút, tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng nông thôn mới./.

Nguyễn Thu

Hội Nông dân tỉnh