“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” là sự khẳng định ý chí và quyết tâm sắt đá bảo vệ nền độc lập

13/12/2024 09:33 Số lượt xem: 45

  Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta bùng nổ khi những khả năng đàm phán hòa bình với thực dân pháp không còn nữa, khi thực dân pháp buộc nhân dân ta phải đứng dậy bảo vệ nền độc lập, tự do vừa mới giành được.

  Ngày 18 và ngày 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp Hội nghị mở rộng ở làng Vạn Phúc (Hà Đông) dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội nghị vạch ra đường lối cơ bản của cuộc kháng chiến. Đường lối đó được ghi trong Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” của Trung ương Đảng ngày 22/12/1946. Đường lối kháng chiến vạch rõ mục đích của cuộc kháng chiến chống thực dân pháp  xâm lược là  giành độc lập và thống nhất Tổ quốc. Đường lối chung chỉ đạo toàn bộ cuộc kháng chiến là: Toàn dân, toàn diện, trường kỳ,  tự lực cánh sinh.

  Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Lời kêu gọi rất ngắn nhưng tinh túy, hàm súc, chỉ có hơn 200 chữ nhưng đã vạch trần dã tâm xâm lược của thực dân Pháp; trình bày lập trường và nguyện vọng thiết tha với hòa bình của dân tộc ta, biểu lộ rõ ràng, thiết tha với hòa bình, càng kiên quyết đập tan mọi âm mưu, quỷ kế của bọn phá hoại hòa bình. Người viết:

   “Hỡi đồng bào toàn quốc!

  Chúng ta muồn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!

    Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

     Người cũng vạch ra chiến lược chiến tranh nhân dân là huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc:

    “ Hỡi đồng bào!

     Chúng ta phải đứng lên!

  Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân pháp, cứu tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy, gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân, cứu nước”.

  Đồng thời, Người khẳng định cuộc kháng chiến nhất định đi đến thắng lợi vẻ vang:

   “Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định thuộc về dân tộc ta”.

  Nghe, đọc lời kêu gọi của Người, mỗi người dân Việt Nam, dù tôn giáo, chính kiến, thành phần, dân tộc, nhận thức có khác nhau, song đều được gặp ở một điểm: Là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân pháp, bằng bất cứ thứ vũ khí gì, bằng bất cứ cách nào, miễn là góp được công sức cho cuộc kháng chiến của dân tộc.

  Đáp lời kêu gọi cứu nước của Hồ Chủ Tịch, theo đường lối kháng chiến đúng đắn do Đảng vạch ra, nhân dân cả nước đã anh dũng đứng lên đánh  giặc ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc kháng chiến:

                                  “Nửa đêm vang tiếng lệnh truyền

                         Phố giăng chiến luỹ, đường xuyên chiến hào”.

  Đêm 19/12/1946, cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân ta đã nổ ra ở nhiều thành phố, thị xã, mà tiêu biểu nhất là cuộc chiến đấu của nhân dân ta ở thủ đô Hà Nội. Với lòng căm thù giặc sâu sắc, với ý chí bất khuất kiên cường,  quân và dân Hà Nội đã nổ súng đánh trả bọn xâm lược, bác bỏ tối hậu thư của thực dân pháp, để bảo vệ chủ quyền dân tộc, bảo vệ thủ đô. Toàn thể nhân dân thủ đô nhất tề đứng dậy đánh giặc. Công nhân điện phá máy, tắt đèn, nổ súng tấn công. Tự vệ chặt cây, nổ mìn, ngả cột điện, đánh đổ toa xe lửa, xe điện. Nhân dân khuân giường, tủ, bàn, ghế… ra đường dựng vật chướng ngại chặn các mũi tiến quân của địch. Phụ nữ xung phong tải thương, cứu thương. Nông dân các huyện ngoại thành cùng bộ đội, tự vệ xây dựng chiến hào. Quân, dân thủ đô đã giáng cho địch những đòn đích đáng và giành giật với chúng từng căn nhà, từng góc phố… Quân và dân thủ đô đã giam chân một lực lượng quan trọng của địch, tiêu diệt và tiêu hao hơn 2000 tên giặc, bảo vệ các cơ quan lãnh đạo của Đảng, nhà nước và các đoàn thể, tạo điều kiện cho hàng vạn đồng bào nội thành rút sa khỏi thành phố, di chuyển nhiều máy móc, nguyên liệu ra vùng tự do, góp phần xây dựng hậu phương kháng chiến.

  Phối hợp với cuộc kháng chiến của quân dân Hà Nội, nhân dân các thành phố, thị xã và các địa phương cũng vùng lên giáng cho địch những đòn nặng nề.

  Ở Bắc Ninh, đêm 19/12/1946 pháo ta từ Cự Khối (Gia Lâm) bắn vào các vị trí của Pháp trong nội thành. Tự vệ Gia Lâm phối hợp với tự vệ bãi Phúc Xá (Hà Nội) đánh mìn phá hủy 100 mét mặt cầu Long Biên.

  Đêm ngày 19, 20 và 21/12/1946, đội “Cảm tử quân” Bắc Ninh phối hợp cùng tự vệ khu Ngọc Thụy đánh sân bay Gia Lâm, nhưng quân pháp canh phòng chặt chẽ, cả 3 đêm ta không nổ súng, đến giáp tết Đinh Hợi ta tiến đánh sân bay Gia Lâm. Ngày 31/12/1946 quân pháp rút về Cầu Đuống. Trên đường rút chạy qua dốc Lã, ta chặn đánh, tiêu diệt 60 tên…

  Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chỉ thị toàn dân kháng chiến của Trung ương Đảng là cương lĩnh của Đảng ta và của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đó là ngọn đèn pha soi đường, là tiếng kèn sung trận, động viên, dẫn dắt và tổ chức nhân dân ta đấu tranh giành thắng lợi trong 9 năm kháng chiến lâu dài, gian khổ và vô cùng anh dũng. Những quan điểm về chiến tranh cách mạng trong các văn kiện đó đã góp phần xây dựng kho tàng lý luận về chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta./.

                                                                                 Đỗ Ngọc Uẩn - 60, Mai Bang, Suối Hoa , Bắc Ninh