Xây dựng và phát triển văn hóa theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta bản Di chúc thiêng liêng, một văn kiện lịch sử cực kỳ quan trọng, kết tinh tư tưởng, văn hóa, trí tuệ, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của bậc vĩ nhân – Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta.
Trên hành trình cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chắt lọc, tổng hợp và kết tinh những giá trị văn hóa của Việt Nam với văn hóa phương Đông và phương Tây, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế, mà cốt lõi là sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Đến với chủ nghĩa Mác và quyết tâm đi theo con đường của Cách mạng Tháng Mười, Hồ Chí Minh trở về nước lãnh đạo Nhân dân Việt Nam “kiên quyết chiến đấu, tranh quyền thống nhất và độc lập cho nước nhà để cho văn hóa cũng như chính trị và kinh tế, tín ngưỡng, đạo đức đều được phát triển tự do”. Người thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thành lập Mặt trận đoàn kết dân tộc, tổ chức lực lượng vũ trang, vận động Nhân dân đấu tranh giành độc lập vào năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xây dựng chế độ dân chủ Nhân dân, giải phóng các tầng lớp Nhân dân lao động khỏi ách áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến, từng bước đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội để xóa bỏ tận gốc bóc lột, bất công và mở ra một thời đại mới cho nền văn hóa Việt Nam vốn có bề dày hàng nghìn năm lịch sử.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh lập tức đặt ra vấn đề phải sớm xây dựng được nền văn hóa mới. Cuộc cách mạng văn hóa, xây dựng nền văn hóa mới do Người khởi xướng và lãnh đạo được tiến hành với hàng loạt các chủ trương và biện pháp, từ cuộc vận động diệt giặc dốt thông qua các phong trào thanh toán nạn mù chữ, phong trào Bình dân học vụ đến các cuộc vận động xây dựng đời sống mới, sửa đổi lối làm việc, từ yêu cầu phát triển nền giáo dục và y tế quốc dân đến từng bước gây dựng phong trào văn nghệ Nhân dân... Tất cả cùng theo phương châm “văn hóa phải phục vụ sản xuất tiết kiệm, phục vụ Nhân dân, phục vụ đoàn kết, phục vụ Tổ quốc”.
Coi văn hóa là một mặt hợp thành toàn bộ đời sống xã hội, Hồ Chí Minh khẳng định văn hóa tồn tại và phát triển trong mối liên hệ biện chứng với các yếu tố kinh tế và chính trị và chịu sự quy định của kinh tế và chính trị. Không chỉ thấy vai trò quyết định của kinh tế và chính trị đối với văn hóa, Hồ Chí Minh còn thấy được vai trò to lớn của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Chính vì vậy, Người đòi hỏi “văn hóa phải thiết thực phục vụ Nhân dân, góp phần vào việc nâng cao đời sống vui tươi, lành mạnh của quần chúng. Vì vậy, nội dung văn hóa phải có ý nghĩa giáo dục... Văn hóa phải gắn liền với lao động sản xuất”. Văn hóa còn là một mặt trận để đấu tranh chính trị, “không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Như vậy, Hồ Chí Minh một mặt coi trọng vai trò quyết định của kinh tế, chính trị tới văn hóa; đồng thời Người cũng thấy được vai trò to lớn tác động trở lại của văn hóa đối với kinh tế, chính trị và xã hội, văn hóa là cơ sở và là động lực tinh thần cho sự phát triển vững chắc của mọi mặt đời sống xã hội, cho sự tiến bộ của xã hội.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của văn hóa, quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã đề ra đường lối, chủ trương, chính sách về văn hóa, được thể hiện thông qua các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Kết luận số 76-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, Kết luận của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021, nhấn mạnh: “Phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”….đã góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách của con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Văn hóa đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đúng mức trong các chính sách kinh tế - xã hội; quan hệ biện chứng giữa văn hóa với con người và những đặc trưng của văn hóa, đặc tính của con người Việt Nam được xác định đầy đủ hơn; vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và trách nhiệm của các đoàn thể chính trị - xã hội, của Nhân dân, đặc biệt của đội ngũ trí thức đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa được đề cao. Hệ thống thể chế, thiết chế văn hóa từng bước được tăng cường. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, từng vùng, miền được kế thừa và có bước khởi sắc, nhất là trong điều kiện hội nhập, giao lưu văn hóa với thế giới. Nhiều di sản văn hóa được bảo tồn, tôn tạo; xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng mở rộng. Văn học, nghệ thuật có bước phát triển mới; nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống được quan tâm đầu tư gìn giữ; nhiều tác phẩm về đề tài cách mạng và kháng chiến, về công cuộc đổi mới có chất lượng tốt…
Tỉnh Bắc Ninh, 55 thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đường lối, chủ trương, chính sách về văn hóa của Đảng, đã cụ thể hóa bằng nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch, trọng tâm là Chương trình hành động số 64-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Nghị quyết số 71-NQ/TU Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”; Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2016 - 2020”; Kết luận số 130- KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23- NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”…, đồng thời gắn kết chặt chẽ với triển khai thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...
Việc quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về văn hóa được các cấp, các ngành và chính quyền trong tỉnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả, tạo sự chuyến biến cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, phù hợp với yêu cầu thực tiễn xây dựng, phát triển của từng địa phương. Qua đó, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân về tầm quan trọng của việc thực hiện xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới. Công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người trên địa bàn tỉnh được quan tâm. Hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được phát huy giá trị. Trong đó, Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã được đầu tư bảo tồn, lan tỏa mạnh mẽ trong nước và quốc tế. Một số chuẩn mực đạo đức, lối sống của con người trong giai đoạn mới đã được đưa vào quy ước, hương ước làng xã; quy chế, quy định, nội dung, quy tắc của cơ quan, đơn vị, tổ chức.
Trong xây dựng môi trường văn hóa, quan tâm huy động các nguồn lực, đề cao tính tích cực của xã hội hóa, khơi dậy tinh thần đoàn kết, nghĩa tình, lòng nhân ái giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Hoạt động văn hóa cơ sở, tại cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được quan tâm, chú trọng tính thiết thực. Chất lượng các cuộc vận động văn hóa, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được nâng lên. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được chỉ đạo triển khai có hiệu quả, gắn với phát triển du lịch. Là tỉnh đi đầu của cả nước thực hiện các chế độ đãi ngộ đặc thù đối với tập thể, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, đặc biệt là đối với các nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên, huấn luyện viên, vận động viên. Hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm đầu tư, từng bước chuyển đổi cơ chế, phương thức hoạt động phù hợp với giai đoạn mới. Giao lưu, hợp tác văn hóa, thực hiện đa dạng hóa hình thức văn hóa đối ngoại, góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Bắc Ninh với bạn bè trong nước và quốc tế…
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được công bố cách đây 55 năm, nghĩa là chúng ta đã có 55 năm thực hiện Di chúc của Người. 55 năm qua, Đảng và Nhà nước ta lãnh đạo toàn dân thực hiện Di chúc và đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa. Tự hào về những thành tựu đạt được, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, nguồn lực văn hóa cùng những phẩm chất đặc trưng của con người Bắc Ninh sẽ là sức mạnh nội sinh, tạo nền tảng, động lực đưa quê hương Bắc Ninh vươn ra thế giới, đồng thời góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội…, Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, cùng với yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn quán triệt, thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trong đó cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ, thực hiện triệt để những giá trị khoa học và cách mạng của Người về xây dựng văn hóa Đảng trong bản Di chúc lịch sử./.
Nguyễn Quỳnh Giao, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy