Đồng chí Ngô Gia Tự, tấm gương lớn về chí hướng và khát vọng cho các thế hệ học tập và noi theo

02/12/2024 16:45 Số lượt xem: 48

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước tại xóm Xanh, làng Tam Sơn, Tổng Tam Sơn, Phủ Từ Sơn (nay là phường Tam Sơn, thành phố Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh, Ngô Gia Tự là một người thông minh, hiếu học và sớm giác ngộ cách mạng. Ngay từ đầu năm 1926, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Ngô Gia Tự đã tham gia phong trào đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Chu Trinh và bị thực dân Pháp đuổi học. Trở về quê nhà, đồng chí Ngô Gia Tự vừa hoạt động cách mạng, vừa tự học và thi đỗ bằng tú tài Tây phần thứ nhất. Giữa năm 1926 đồng chí Ngô Gia Tự được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên và sau đó tham gia lớp huấn luyện tại Bản Đáy (Trung Quốc) do Nguyễn Ái Quốc tổ chức.

Sau khi hoàn thành lớp huấn luyện ở Bản Đáy, đồng chí Ngô Gia Tự trở về nước, tích cực hoạt động, tuyên truyền cách mạng, phát triển tổ chức và trở thành một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của phong trào cách mạng Việt Nam những năm 1928 - 1930 với cương vị Bí thư Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Ninh, Ủy viên Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ (1928), Ủy viên Trung ương của Đông Dương Cộng sản Đảng (6/1929), Bí thư Chấp ủy lâm thời Đảng bộ Nam Kỳ (1930)… Từ một thanh niên yêu nước, dưới ánh sáng Đường cách mệnh của Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Ngô Gia Tự đã trở thành nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp của nước ta.

Tháng 9/1928, Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Bắc Kỳ mở hội nghị đã đưa ra cuộc vận động phong trào “vô sản hóa”, đưa các hội viên vào nhà máy, hầm mỏ, đồn điền để lao động, tự rèn luyện; đồng thời tuyên truyền giác ngộ, tổ chức vận động công nhân và nhân dân lao động đi theo cách mạng. Là người đầu tiên trực tiếp tham gia vào phong trào “vô sản hóa”, Ngô Gia Tự đã có những đóng góp to lớn vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở nước ta.

Đồng chí Ngô Gia Tự cùng các đồng chí của mình đã tích cực tuyên truyền, vận động, ủng hộ việc thành lập Đảng Cộng sản. Ngày 01/5/1929, Đại hội toàn quốc của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên họp ở Hương Cảng (Trung Quốc). Đoàn đại biểu Kỳ bộ Bắc Kỳ do đồng chí Ngô Gia Tự dẫn đầu dự Đại hội đưa ra đề nghị giải tán Hội để thành lập Đảng Cộng sản. Đề nghị đó không được Đại hội chấp thuận, đoàn đại biểu Kỳ bộ Bắc Kỳ bỏ Đại hội ra về. Ngày 17/6/1929, tại số nhà 312, Khâm Thiên, Hà Nội, Đông Dương Cộng sản Đảng chính thức ra đời, ra Tuyên ngôn, Điều lệ Đảng và Chính cương, xuất bản báo Búa liềm làm cơ quan ngôn luận của Đảng, lập ra Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Ngô Gia Tự làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng đã đáp ứng được yêu cầu cấp bách của cách mạng, đặc biệt là phong trào công nhân, cổ vũ và đưa phong trào phát triển lên một bước mới, cả bề rộng và chiều sâu, đồng thời mở đường cho việc thành lập các tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Ngay sau đó, đồng chí đã về Bắc Ninh lập ra Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí, ngày 4/8/1929, Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Bắc Ninh - Bắc Giang ra đời, kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng hai tỉnh.

Thực hiện sự phân công của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng, cuối tháng 8 năm 1929 đồng chí Ngô Gia Tự đã vào Nam Kỳ để tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng. Ngày 03/02/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, các tổ chức cộng sản được hợp nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ngay sau khi được bầu làm Bí thư Xứ uỷ Nam Kỳ, đồng chí đã tích cực, chủ động đến các cơ sở để chủ trì việc thành lập và giao nhiệm vụ cho các chi bộ, làm cơ sở để nhân rộng phong trào cách mạng ra khắp mọi nơi. Trong thời gian này, đồng chí Ngô Gia Tự cũng thường xuyên xuống cơ cở mở một số lớp huấn luyện ngắn hạn cho cán bộ, đảng viên về nhận thức chính trị, nghệ thuật vận động quần chúng, công tác củng cố, phát triển tổ chức đảng... Đây thực sự là những cống hiến thực tiễn của đồng chí ở các mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức trong công tác xây dựng Đảng những năm đầu sau khi thành lập Đảng.

Cuối năm 1930, giữa lúc phong trào cách mạng cả nước và Nam Kỳ phát triển mạnh mẽ thì đồng chí Ngô Gia Tự bị địch bắt tại Sài Gòn. Thực dân Pháp giải đồng chí từ Nam Kỳ ra Bắc Kỳ để xét xử. Ban đầu đồng chí bị giam tại Hỏa Lò, Hà Nội, sau đó bị đày ra Côn Đảo. Tại địa ngục trần gian Côn Đảo, tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng của đồng chí Ngô Gia Tự vẫn không hề bị đòn roi, tra tấn của kẻ thù vùi dập. Đồng chí đã cùng các bạn tù - những chiến sỹ cộng sản “biến ngục tù đế quốc thành trường học cách mạng”. Ngô Gia Tự thường nói với anh em, đồng chí: “Phải biến nhà tù đế quốc thành trường học, không nên bỏ phí thì giờ. Bất kỳ ở đâu chúng ta cũng có thể hoạt động cho chủ nghĩa cộng sản được”[1].

Trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là sự đàn áp dã man của chế độ lao tù thực dân, Ngô Gia Tự đã cùng các bạn tù của mình luôn nêu tấm gương sáng về tinh thần học tập, học tập văn hóa qua chính trị. Càng tiến bộ về chính trị thì càng tiến bộ về văn hóa. Học cách xử thế, học để đoàn kết, học để đấu tranh. Những năm tháng bị giam cầm trong nhà tù, đồng chí Ngô Gia Tự luôn kiên trì tinh thần cách mạng, dưới đòn roi và chế độ lao tù khắc nghiệt của kẻ thù, đồng chí vẫn lạc quan, tin tưởng vào tương lai tất thắng của cách mạng. Đồng chí Ngô Gia Tự đã trở thành người thầy giáo cách mạng xuất sắc giữa lòng nhà tù đế quốc. Trong hoàn cảnh ngục tù lao khổ, Ngô Gia Tự vẫn không hề nản ý chí và quyết tâm, đồng chí vẫn hoạt động không mệt mỏi, luôn đứng đầu các cuộc đấu tranh tuyệt thực, chống đánh đập tù nhân, đòi cải thiện chế độ nhà tù. Đồng chí vẫn viết báo, viết sách, giảng dạy lý luận trong tù... Tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng tiến công và chủ nghĩa anh hùng cách mạng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng cao đẹp của đồng chí Ngô Gia Tự.

Trước quân thù, đồng chí Ngô Gia Tự luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản, luôn ở thế tiến công, nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất, khí phách anh hùng. Dù bị tra tấn hết sức dã man nhưng trong các lần hỏi cung, Ngô Gia Tự vẫn một mực không khai, không làm tổn hại tới tổ chức Đảng. Đứng trước các phiên tòa xét xử của thực dân Pháp, Ngô Gia Tự vẫn kiên cường dùng những lời lẽ đanh thép để đấu tranh với quân thù, biến phiên tòa đế quốc thành nơi luận tội chúng.

Đầu năm 1935, Chi bộ Đảng Nhà tù Côn Đảo quyết định cử đồng chí Ngô Gia Tự và một số đồng chí khác vượt ngục trở về đất liền để tiếp tục hoạt động. Nhưng cuộc vượt ngục không thành, đồng chí Ngô Gia Tự cùng một số đồng chí khác đã hy sinh giữa biển khơi. Khi đó, đồng chí Ngô Gia Tự mới 27 tuổi.

Đồng chí Ngô Gia Tự là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, thể hiện phẩm chất đạo đức cách mạng cao đẹp của người đảng viên cộng sản: tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, suốt đời phấn đấu hi sinh vì lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân. Trong những năm tháng hoạt động bí mật, cũng như lúc bị địch bắt, tra tấn, tù đày, đồng chí luôn nêu cao tinh thần bất khuất, giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản kiên cường, vượt qua mọi gian nguy, thử thách. Toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí là một mẫu mực về phẩm chất cao quý của người cộng sản, là tiêu biểu cho thế hệ những thanh niên yêu nước Việt Nam, sớm giác ngộ cách mạng, cống hiến trọn cuộc đời mình cho cách mạng, cho nhân dân, cho Đảng, là tấm gương sáng cho thế hệ hôm nay và mai sau học tập./.

Đỗ Ngọc Uẩn

60 Mai Bang, Suối Hoa, Bắc Ninh

[1] Chương trình sưu tầm tài liệu viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam: Ngô Gia Tự tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.190.