Tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954 – 21/7/2024)

01/04/2024 15:40 Số lượt xem: 130

Ngày 27/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Ninh ban hành Hướng dẫn số 95-HD/BTGTU, tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954- 21/7/2024). Theo đó, các hoạt động nhằm tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng và xã hội giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức sâu sắc về đường lối và sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng trong cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc, đặc biệt là trên mặt trận ngoại giao góp phần mở ra cục diện mới cho cách mạng Việt Nam; qua đó củng cố niềm tin, kế thừa, phát huy cao độ những bài học kinh nghiệm từ việc đàm phán, ký Hiệp định Giơ-ne-vơ trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Phiên họp toàn thể bế mạc Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao ở Geneve tháng 7/1954. (Ảnh tư liệu)

Thông qua các hoạt động tuyên truyền để tri ân, tôn vinh những cống hiến, đóng góp lớn lao của các tầng lớp Nhân dân đã làm nên thắng lợi vẻ vang của nền ngoại giao nói riêng và cách mạng Việt Nam nói chung; củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác, ủng hộ, giúp đỡ của Nhân dân, bạn bè quốc tế đối với công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và cuộc đấu tranh chính nghĩa bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Công tác tuyên truyền kỷ niệm cần được tiến hành bằng các hình thức sinh động, thiết thực, hiệu quả, bảo đảm đúng quy định, có trọng tâm, trọng điểm, mang tính giáo dục sâu sắc; kết hợp chặt chẽ với tuyên truyền đối ngoại, tuyên truyền các ngày lễ lớn và sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, nhất là kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và phù hợp với tình hình thực tế.

Chủ đề tuyên truyền kỷ niệm: “Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 – Thắng lợi to lớn của Nhân dân Việt Nam trên con đường bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ”.

Nội dung tuyên truyền: Khẳng định đường lối ngoại giao và sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ. Bối cảnh quốc tế và trong nước dẫn tới Hội nghị Giơ-ne-vơ 1954 về hòa bình ở Việt Nam, Đông Dương; quá trình chuẩn bị của Việt Nam; vai trò của các bên tham gia, thành phần tham dự. Diễn biến và kết quả Hội nghị Giơ-ne-vơ, nội dung cơ bản của Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa của Hiệp định này đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và đối với các phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Trong đó khẳng định Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã đi vào lịch sử, cùng với Hiệp định sơ bộ 6/3/1946 và Hiệp định Paris 1973 đã trở thành 3 văn kiện ngoại giao quan trọng nhất trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc ta; Hiệp định là một thắng lợi ngoại giao quan trọng trong cuộc đàm phán quốc tế đa phương đầu tiên mà Việt Nam tham gia; Hiệp định đã tạo nên một cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh sau này, đặc biệt là trong cuộc đàm phán với Mỹ tại Hội nghị Paris về Việt Nam.

Những bài học kinh nghiệm từ việc đàm phán, ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam và sự vận dụng các bài học kinh nghiệm đó trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Tôn vinh và tri ân công lao, đóng góp to lớn của các tầng lớp Nhân dân đối với nền ngoại giao Việt Nam, đặc biệt là các thành viên trong đoàn đại biểu và những cán bộ, chiến sĩ đã phục vụ cuộc đấu tranh ngoại giao của Việt Nam tại Hội nghị Giơ-ne-vơ. Cùng với đó, chú trọng tuyên truyền sự ủng hộ, giúp đỡ chân thành của bạn bè quốc tế đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa vì độc lập, tự do của Nhân dân Việt Nam và trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế.

Chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, chính sách ngoại giao của Nhà nước Việt Nam, những thành tựu của ngoại giao Việt Nam 70 năm qua, nhất là trong gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

Đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điểm sai trái, xuyên tạc, phủ nhận kết quả, ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam và đường lối đối ngoại hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay.

Các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm ở các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị bằng nhiều hình thức, như: Tuyên truyền trên báo chí, Internet và mạng xã hội; ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền; sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức chính trị - xã hội; các hoạt động cổ động trực quan (triển lãm, văn hóa - văn nghệ, thể thao…).

Căn cứ các nội dung, hoạt động tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đề nghị các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và địa phương cơ quan, đơn vị triển khai công tác tuyên truyền tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu:

Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh: Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm bảo đảm thiết thực, phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị; chú trọng kiểm tra, đôn đốc các hoạt động tuyên truyền, nhất là trên báo chí, Internet, mạng xã hội và các phương tiện cổ động trực quan.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền kỷ niệm; phát hành đề cương tuyên truyền. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm ở các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị. Chỉ đạo nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội về sự kiện; kịp thời đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, xuyên tạc về sự kiện, chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.

Sở Thông tin - Truyền thông: Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy quản lý chặt chẽ các hoạt động thông tin, truyền thông, nhất là việc đăng tải thông tin trên báo chí, trên Internet và mạng xã hội. Phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong việc đăng tải thông tin sai trái, xuyên tạc về sự kiện, chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.

Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch: Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở căn cứ vào tình hình cụ thể của đơn vị tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, như: triển lãm, nói chuyện chuyên đề, thông tin cổ động… về sự kiện. Chỉ đạo ngành dọc tổ chức các hoạt động cổ động trực quan tuyên truyền về sự kiện.

Báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Tạp chí Người Kinh Bắc, Cổng thông tin điện tử tỉnh: Các cơ quan báo chí, Cổng thông tin điện tử tỉnh bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; bảo đảm nguồn thông tin, tư liệu chính thống do các cơ quan có thẩm quyền cung cấp, phát hành. Chỉ khai thác những thông tin có lợi cho quốc gia, dân tộc; không khai thác những vấn đề có tính chất “phức tạp”, “nhạy cảm”, còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức phát sóng phim tài liệu do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất.

Khẩu hiệu tuyên truyền:

1. Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 – Thắng lợi to lớn của Nhân dân Việt Nam trên con đường bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ!

2. Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 - Thắng lợi của đường lối chính trị, quân sự và đối ngoại đúng đắn của Đảng!

3. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, mở ra cục diện mới của cách mạng Việt Nam!

4. Hiệp định Giơ-ne-vơ – Dấu son của ngoại giao Việt Nam!

5. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế!

6. Không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam!

7. Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!

8. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!

9. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

Xem nội dung Đề cương tuyên truyền bên dưới liên kết

/documents/20195/0/De_cuong_tuyen_truyen_Hiep_dinh.Gionevo_075252.docx/36bd33c4-f699-4c48-93cc-9e77be15f2d0

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ