Sức mạnh cội nguồn

30/08/2022 08:26 Số lượt xem: 324

Mỗi khi mùa thu về, cả nước ta lại kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh mùng 2 tháng 9, một chiến thắng hào hùng của dân tộc, chiến thắng đã đi vào lịch sử của dân tộc anh hùng.

Thời gian trôi nhanh thật, mới đó đã gần 80 năm nhân dân ta dưới ngọn cờ của Đảng cộng sản Việt Nam, đã vùng lên đập tan xiềng xích nô lệ, giành độc lập tự do. Ngày 16 tháng 8 năm 1945 Quốc dân đại hội họp ở Tân Trào, Tuyên Quang - Thủ đô kháng chiến.  Trong thời khắc thiêng liêng ấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước tổng khởi nghĩa.  Người kêu gọi “Giờ quyết định cho vận mệnh của dân tộc đã đến, Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”.  Với sức mạnh cội nguồn 4000 năm lịch sử, chỉ trong vòng 15 ngày nhân dân ta đã vùng lên đập tan xiềng xích chính quyền thực dân phong kiến, giành thắng lợi vĩ đại.  Từ đây chấm dứt hàng nghìn năm đô hộ của phong kiến, hàng trăm năm của đế quốc cướp đi của dân tộc ta quyền sống, quyền làm người.

Với sức mạnh hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc, nhân dân ta đã làm nên cách mạng Tháng Tám năm 1945 và chỉ 9 năm sau, bằng cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp ta đã giành chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, tiếp đó là bản hùng ca đại thắng mùa xuân năm 1975, non sông thu về một mối, thống nhất đất nước.

 Thời gian trôi đi nhưng lịch sử như dòng chảy vẫn tiếp tục bồi đắp, gạn lọc và kết tinh những giá trị mới. Các thế hệ người Việt Nam nối tiếp nhau “Quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” (Tuyên ngôn Độc lập). Những chiến công vang dội qua các thời kỳ lịch sử bao giờ cũng được thế hệ sau trân trọng, nhắc nhở cùng với truyền thống vẻ vang của dân tộc, bởi truyền thống là các nền, các  cốt hun đúc hết thảy,  như dòng sông mẹ chảy mọi vùng đất,  mọi thời đại, đó là lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần bất khuất, ý chí độc lập và tự lực, tự cường của dân tộc.

 Trong các thời kỳ lịch sử, lúc cách mạng tiến lên như dòng thác lớn hòa cùng dòng thác thời đại hay trong những khúc quanh của lịch sử,  vào những lúc khó khăn nhất, truyền thống luôn nhắc bài học đoàn kết  “Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” đương nhiên phải có sự dẫn đường của một Đảng tiền phong về lý luận cách mạng,  ngoài lợi ích của nhân dân, của dân tộc không có bất kỳ một lợi ích nào khác.

 Tinh thần đổi mới sáng tạo ấy, chúng ta thấy rõ trong các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng,  gần đây nhất là nghị quyết Trung ương 5.  Nhờ sáng tạo mà con mắt nhìn dòng sông cuộn xiết nhận ra ngay những xoáy nước, những hiểm nguy rình rập, thậm chí cả những bèo bọt, phù du không ích gì cho kết lắng phù sa. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc tới tinh thần đổi mới liên tục triệt để, sáng tạo ấy trong những mục tiêu quan trọng sắp tới là “Xây dựng nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, quán triệt thực hiện nghiêm túc quan điểm “Dân là gốc”. Lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, có bước đi phù hợp, chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo đúng tình hình, kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước”...

 Công việc của hôm nay là sự tiếp nối và làm sáng đẹp hơn những trang sử hào hùng. Đây là lúc chúng ta cùng nhau nhớ lại tinh thần Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945.  Đó là cơ sở pháp lý vững chắc, không chỉ có giá trị lịch sử mà còn nóng hổi tính thời sự.   Năm tháng qua đi nhưng Tuyên ngôn độc lập vẫn sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam. Không chỉ giá trị lịch sử pháp lý mà bởi giá trị nhân văn cao cả về quyền con người, quyền của dân tộc được sống trong độc lập tự do.

Công việc hôm nay nhắc mọi người, nhất là những cán bộ được giao trọng trách trong bộ máy lãnh đạo, quản lý không bao giờ được sao nhãng những trách nhiệm trên vai, bớt say sưa về những bó hoa trên tay, “Bớt lòng ham muốn về vật chất” mà nghĩ nhiều hơn về đạo đức, danh dự, sự giàu có về văn hóa. Chúng ta phải nói đi đôi với làm…. Niềm tin của người dân bắt đầu từ việc nhìn thấy trên đường phố, dưới bóng tre, trong doanh nghiệp, chứ không phải ở những lời hứa như cái khuôn đúc sẵn. Công cuộc phòng chống tham nhũng tiêu cực của Đảng, Nhà nước được nhân dân đồng tình ủng hộ, đó chính là yếu tố căn bản để xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh, thật sự của dân, do dân, vì dân.

Chúng ta phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa là tiền đề để thực hiện tốt các nhiệm vụ khác. Hiện nay Đảng, Nhà nước ta chủ trương phát triển “Tam nông”,  phát triển hàng hóa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng miền, địa phương gắn kết chặt chẽ với nhau, giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp; giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” (Nghị quyết Trung ương 5) suy cho cùng cũng là nhằm làm cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, để nơi nào trên đất nước ta cũng là nơi đáng sống.

 Nền kinh tế cả nước đang phục hồi và phát triển, đó là những tín hiệu đáng mừng, mặc dù còn một số khó khăn chưa thể lường hết được trong điều kiện tình hình trong nước và thế giới còn những diễn biến phức tạp khó lường, song bước đầu Việt Nam đã ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo cân đối lớn... Chúng ta tin tưởng rằng dưới ngọn cờ bách chiến, bách thắng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân ta sẽ đi tới chân trời mới. Chúng ta tin hơn những mùa thu đất nước không ngừng đổi mới và phát triển./.  

Nguyễn Đăng Lâm, Phó Chủ tịch

Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bắc Ninh