Vai trò của Nguyễn Văn Cừ trong việc đưa đảng ta trở lại đường lối cách mạng của Nguyễn Ái Quốc cuối những năm 30

24/06/2022 08:02 Số lượt xem: 821

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 2/1930 đã thảo luận và thống nhất thông qua đường lối chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Đường lối đó là “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”, có nhiệm vụ là đánh đổ đế quốc Pháp, bọn phong kiến và tư sản phản cách mạng làm cho nước Việt Nam được độc lập, tự do. Lực lượng cách mạng là công nhân, nông dân, tiểu tư sản, trí thức, còn phú nông, trung tiểu địa chủ và tư sản thì lợi dụng hoặc trung lập, đồng thời phải liên lạc với các dân tộc bị áp bức và vô sản thế giới. Tiếc rằng, đường lối cách mạng đó của Nguyễn Ái Quốc, do nhiều nguyên nhân, không những không thực thi một cách triệt để mà còn bị nghi ngờ. Hầu hết các luận điểm trong các văn kiện bị những người lãnh đạo của Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Đông Dương coi như “phạm một sai lầm” và thiếu sót, gây nên hậu quả nghiêm trọng cho phong trào cách mạng.

Những năm 30 của thế kỷ XX, sự xuất hiện của chủ nghĩa phát xít làm cho tình hình thế giới hết sức căng thẳng, một cuộc chiến tranh thế giới đang đến gần. Quốc tế Cộng sản đã nhận định rằng cách mạng vô sản ở các nước phương Tây sẽ nổ ra và giành thắng lợi ngày một ngày hai, rằng cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa phải đặt dưới và phục tùng cách mạng vô sản ở các nước chính quốc. Vì vậy, Quốc tế Cộng sản chủ trương chỉ tập hợp lực lượng cách mạng là giai cấp công nhân và nông dân, gạt bỏ những lực lượng dân chủ, tiến bộ trong giai cấp tư sản. Quan điểm “đấu tranh giai cấp là trên hết” đã làm tình hình căng thẳng và phân tán lực lượng trong giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Về phương pháp hoạt động, Quốc tế Cộng sản đã không tính đến những đặc thù riêng của từng dân tộc, từng khu vực, từng thời kỳ.

Thực tiễn cách mạng trong nước và trên thế giới những năm 30 của thế kỷ XX đã dần làm sáng tỏ và xác nhận đường lối cách mạng của Nguyễn Ái Quốc là hoàn toàn đúng đắn. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là người đã có những đóng góp to lớn trong việc đưa Đảng ta trở lại đường lối cách mạng của Nguyễn Ái Quốc.

Sinh trưởng trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước, Nguyễn Văn Cừ sớm nhận được nền giáo dục tốt đẹp của gia đình. Năm 16 tuổi khi học ở trường Bưởi, Hà Nội, Anh được tiếp cận với phong trào đấu tranh yêu nước của học sinh, sinh viên. Sau đó được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, được tìm hiểu các tác phẩm như: Bản án chế độ thực dân Pháp, Đường cách mệnh..., Nguyễn Văn Cừ đã nắm vững những lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc. Từ đó Anh đã xác định được con đường cứu nước của mình. Nguyễn Văn Cừ đã hăng hái tham gia vào phong trào “vô sản hóa” và trở thành nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp của Đảng. Tháng 3/1938, Đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Đảng.

Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, trước biến động mau lẹ của tình hình thế giới và trong nước, Đồng chí đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng họp từ ngày 6 đến 8/11/1939 tại Bà Điểm, quyết định những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Từ sự phân tích đặc điểm và thái độ chính trị của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội Việt Nam, Nguyễn Văn Cừ đã khẳng định vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc: “Đảng Cộng sản Đông Dương là Đảng của vô sản giai cấp, bênh vực quyền lợi của thợ thuyền, nông dân, tất cả nhân dân bị áp bức, lãnh đạo đấu tranh để hoàn toàn giải phóng cho thợ thuyền và quần chúng bị bóc lột”([1]).

Về vấn đề giải phóng dân tộc, mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, dân tộc và quốc tế, đồng chí khẳng định: Mỗi nước trên bán đảo Đông Dương có mối quan hệ kinh tế, chính trị, những điều kiện lịch sử, văn hóa, truyền thống khác nhau nhưng đều bị áp bức bóc lột thậm tệ của thực dân Pháp. Vì vậy phong trào giải phóng dân tộc ở các nước có mối quan hệ hữu cơ với nhau vì phải dựa vào nhau. “Không một dân tộc nào có thể giải phóng riêng rẽ vì Đông Dương ở dưới quyền thống trị duy nhất của đế quốc Pháp về mặt chính trị, kinh tế và binh bị. Không có thể một bộ phận nào thoát khỏi nền thống trị ấy mà chẳng liên quan đến cả toàn thể nền thống trị của đế quốc Pháp. Sự liên hiệp các dân tộc Đông Dương không nhất thiết bắt buộc các dân tộc phải thành lập một quốc gia duy nhất ... Mỗi dân tộc có quyền giải quyết vận mệnh theo ý muốn của mình”([2]). Tổng Bí thư đã xác định vấn đề giải phóng dân tộc ở nước ta là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản thế giới, nhằm đánh đổ kẻ thù chung là chủ nghĩa tư bản. Đảng ta quyết định đặt vấn đề giải phóng dân tộc lên trên tất cả mọi quyền lợi khác, thống nhất lực lượng là điều kiện cốt yếu để đánh đổ đế quốc, đó là nhiệm vụ trung tâm của giai đoạn cách mạng lúc này và là vấn đề sống còn của các dân tộc Đông Dương.

Chiến lược cách mạng tư sản dân quyền cũng thay đổi cho phù hợp với tình hình mới, mặc dù cách mạng phản đế và điền địa là hai vấn đề mấu chốt có quan hệ với nhau, nhưng trong tình hình hiện tại thì phải: “Đứng trên lập trường giải phóng dân tộc, lấy quyền lợi dân tộc làm tối cao, tất cả mọi vấn đề của cách mệnh, cả vấn đề điền địa cũng nhằm vào cái mục đích ấy mà giải quyết”. Tuy khẩu hiệu ruộng đất tạm thời gác lại, nhưng vẫn cố gắng bảo vệ quyền lợi cho nông dân: chống địa tô cao, tịch thu ruộng đất của thực dân đế quốc và địa chủ đã phản lại quyền lợi của dân tộc chia cho dân nghèo. Đó là sự chuyển hướng quan trọng bậc nhất về chỉ đạo chiến lược của cách mạng tư sản dân quyền sao cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn phong trào cách mạng hiện tại, nhằm giải quyết tốt mối quan hệ hữu cơ giữa nhiệm vụ cơ bản của cách mạng phản đế và phản phong.

Trước những chuyển biến mới của phong trào cách mạng, dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Văn Cừ, Đảng ta quyết định thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương. Hình thức mặt trận đó phản ánh việc xác định lực lượng cách mạng theo quan điểm của Nguyễn Ái Quốc đầu năm 1930.

Một vấn đề cực kỳ quan trọng được Nguyễn Văn Cừ đề cập đến trong dự thảo và được toàn thể Hội nghị tháng 11/1939 nhất trí là vấn đề khởi nghĩa vũ trang: “Phải biết xoay tất cả phong trào đấu tranh lẻ tẻ vào cuộc đấu tranh chung, phản đối đế quốc chiến tranh, chống đế quốc Pháp và bè lũ, dự bị những điều kiện bước tới bạo động làm cách mệnh giải phóng dân tộc”(3). Đó là lần đầu tiên trong lịch sử từ ngày Đảng ta ra đời, đã khẳng định giải phóng dân tộc là nhiệm hàng đầu của cách mạng Việt Nam mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh đã đề ra từ năm 1930 với Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt... tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng để thực hiện có hiệu quả cao nhất mục đích đó, phải chuẩn bị từng bước để tiến hành khởi nghĩa vũ trang nhằm lật đổ chính quyền phản động của đế quốc, phong kiến và thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân. Chính vì vậy, Nguyễn Văn Cừ với Nghị quyết của Trung ương Đảng tháng 11/1939 đã thực sự là người có vai trò quan trọng đưa Đảng ta trở về với đường lối cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, trở thành một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặc dù Nguyễn Văn Cừ chưa bao giờ được gặp Người./.

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.6. tr.527.

 

[2], 3 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, HN. 2000, t.6. tr.541- 542, 537

Lê Thị An

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy