Ghi sâu trong tâm khảm và thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy về công tác cán bộ

14/04/2025 10:21 Số lượt xem: 30

Theo Bác, muốn có cán bộ tốt, phải chú trọng công tác cán bộ. Công tác cán bộ gồm 5 khâu: tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện, đánh giá, sử dụng và chính sách cán bộ. Đó là các khâu liên hoàn, trong đó việc lựa chọn cán bộ là khâu đầu tiên và rất quan trọng: “khâu chọn giống, nếu giống tốt át cây sẽ tốt”. Bác nói: “…nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi con người có ích cho công việc chung của chúng ta”..

  Việc lựa chọn cán bộ phải dựa theo các tiêu chí: “Những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh; những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng…Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn… Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc, không sợ khó khăn; Những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật”. Trong khâu huấn luyện, đào tạo cán bộ, Bác cho rằng “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Huấn luyện cán bộ về chuyên môn, nghiệp vụ, nghề nghiệp, theo phương châm làm việc gì học việc ấy.

  Đối với khâu xem xét, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, Bác căn dặn, khi xem xét, đánh giá cán bộ, phải thực sự khách quan, phải hiểu cán bộ.

Ngoài phẩm chất chính trị, tư cách đạo đức, thì việc đánh giá năng lực chuyên môn phải dựa trên kết quả công việc. Tuy nhiên, đây là việc rất phức tạp, bởi vì: “Trong thế giới, cái gì cũng biến hóa. Tư tưởng con người cũng biến hóa. Vì vậy, cách xem xét cán bộ, quyết không nên chấp nhất, vì nó cũng phải biến hóa…Quá khứ, hiện tại, tương lai của mọi người không giống nhau”. Việc xem xét, đánh giá cán bộ được Bác xem là việc rất hệ trọng, cho nên tổ chức Đảng, chính quyền và lãnh đạo cấp trên phải có cái nhìn toàn diện, bao quát, tổng thể về quá trình rèn luyện, phấn đấu của từng cán bộ. Để bố trí, sử dụng cán bộ được đúng, Bác yêu cầu phải bố trí “người nào việc nấy”, “dụng nhân như dụng mộc”; “phải cất nhắc cán bộ một cách cho đúng”; “Phải khéo dùng cán bộ”. Bác đưa ra quan điểm dùng cán bộ: “Mình phải có độ lượng vĩ đại thì mới có thể đối với cán bộ một cách chí công vô tư, không có thành kiến, khiến cho cán bộ khỏi bị bỏ rơi; Phải có tinh thần rộng rãi, mới có thể gần gũi những người mình không ưa; Phải có tính chịu khó dạy bảo, mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp cho họ tiến bộ; Phải sáng suốt mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây, mà cách xa cán bộ tốt; Phải có thái độ vui vẻ, thân mật, các đồng chí mới vui vẻ, gần gũi mình”. Việc sử dụng, bố trí cán bộ phải bảo đảm tính kế thừa và phát triển, giữa cán bộ trẻ, cán bộ mới với cán bộ lâu năm; Phải chú ý tạo nguồn cán bộ kế cận, phải bồi dưỡng cán bộ cách mạng cho đời sau, tránh việc sử dụng cán bộ “như vắt chanh, bỏ vỏ”.

  Bác Hồ là lãnh tụ điển hình về thực thi công tác cán bộ, sử dụng người tài, đức.

    Tháng 6 năm 1925, từ nhóm cách mạng đầu tiên, đồng chí Nguyễn Ái Quốc lập ra Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội nhằm tập hợp những thanh niên yêu Việt Nam có xu hướng cộng sản, có những người cộng sản làm hạt nhân lãnh đạo; Mở trường huấn luyện chính trị, bồi dưỡng cho họ những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác-Lênin, về đường lối cách mạng và phương pháp công tác. Từ năm 1925 đến năm 1927 đã mở được 10 khóa cho trên 200 học viên. Một số học viên được chọn cử đi học ở Trường đại học phương Đông của Quốc tế cộng sản, trong đó có đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng cộng sản Việt Nam. Một số được cử đi học quân sự. Phần lớn những cán bộ được đào tạo ở trường ra được đưa về nước hoạt động. Đây chính là đội ngũ trí thức cộng sản đầu tiên của nước ta- những người học trò và bạn chiến đấu của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, nhận trách nhiệm lịch sử đưa chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, dẫn đến sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nan ngày 3-2-1930.

Cách mạng tháng Tám thành công, trong thời điểm đất nước đang bộn bề khó khăn, bằng sự sáng suốt của mình, sau Lễ quốc khánh ngày 2-9-1945 ít ngày, Bác đã tìm đến tư gia của bác sỹ Trần Duy Hưng và đề nghị ông làm Thị trưởng Thành phố Hà Nội- khi đó ông mới 33 tuổi. Có lẽ quá bất ngờ trước vinh dự và trọng trách lớn lao đó, bác sỹ Trần Duy Hưng đã xúc động đáp lại rằng: “Thưa Cụ, chức Chủ tịch xin Cụ chọn người khác xứng đáng hơn, tôi không quen làm…”. Nghe vậy, Bác Hồ đã động viên: “Tôi có quen làm Chủ tịch nước đâu, chúng ta cứ làm rồi sẽ quen…”. Đặt trọng trách Chủ tịch thành phố đối với bác sỹ Trần Duy Hưng, Bác Hồ đã nhìn thấy ở ông một nhân cách, một tấm lòng hết mình vì dân, vì nước .

  Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Bác sỹ Trần Duy Hưng được giao trọng trách Thứ trưởng Bộ Nội vụ trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến và đến năm 1954 là Thứ trưởng Bộ Y tế. Tháng 10-1954, ông được cử giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội, dẫn đầu đại quân tiếp quản Thủ đô Hà Nội và ngay sau đó được bầu lại chức Chủ tịch Ủy ban hành chính Thủ đô, sau đó là Uỷ ban Nhân dân thành phố cho đến năm 1977.

  Trong tâm khảm của của mỗi người chúng ta, bác sỹ Trần Duy Hưng được biết đến không chỉ bởi ông là vị Chủ tịch đầu tiên của thành phố Hà Nội, một người đảm nhận cương vị này lâu nhất trong lịch sử, mà còn bởi tài năng và đức độ của một người lãnh đạo gần dân, yêu đân và đúng nghĩa là công bộc của dân như lời Bác Hồ từng dạy.

Đảm đương chức vụ Chủ tịch thành phố trong bối cảnh chính quyền còn non trẻ, thù trong giặc ngoài, giữa bề bộn công việc, với tác phong giản dị, gần gũi với người dân, lắng nghe và giải quyết kịp thời bất cứ phản ánh, nguyện vọng nào chính đáng của nhân dân, ông tự soạn thảo công văn, diễn văn, thư từ, điện tín. Ông thường xuyên tiếp dân ngay trong nhà mình bất kể lúc nào, nghe cụ thể từng vụ việc và sau đó giải quyết luôn cho dân…vv…

   Mỗi đảng viên và cán bộ, đặc biệt người đứng đầu cấp ủy các  cấp và cơ quan tham mưu về công tác tổ chức và cán bộ cần ghi sâu trong tâm khảm và thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy về công tác cán bộ./.

                                                                                            Đỗ Ngọc Uẩn

                                                                        60- Mai Bang- Suối Hoa- Bắc Ninh