Tình hình thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh
Được triển khai từ năm 2018, đến nay, Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm (OCOP) đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ từ các cấp, ngành, các chủ thể và người tiêu dùng. Chương trình đã góp phần thay đổi nhận thức, tư duy của các chủ thể tham gia, tạo ra những sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, được thị trường đón nhận.
Sản phẩm của Công ty TNHH Nano care R&D, Xuân Lai, Gia Bình được công nhận OCOP 4 sao năm 2024
Toàn tỉnh hiện có 302 sản phẩm OCOP, trong đó: Có 208 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 94 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, các sản phẩm OCOP 4 sao được UBND tỉnh Bắc Ninh cấp Giấy chứng nhận, được sử dụng biểu trưng OCOP gắn với thứ hạng sao in trên bao bì, nhãn mác sản phẩm theo quy định và được khen thưởng theo quy định, giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP 4 sao có giá trị trong thời hạn 36 tháng.
Ngành Nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, địa phương, các chủ thể OCOP đẩy mạnh áp dụng công nghệ, chuyển đổi số, đưa sản phẩm OCOP ra thị trường tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng phần mềm quản lý thực hiện chương trình có các tính năng về quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, quy trình chấm điểm, phân hạng sản phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm với các sàn thương mại điện tử, tiếp nhận phản hồi sản phẩm từ khách hàng tới chủ thể và cơ quan quản lý Chương trình OCOP cấp tỉnh. Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã được bán trên các sàn thương mại online, như: Sen đỏ, Lazada, Vỏ sò… cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến dễ dàng, an toàn và nhanh chóng. Các sản phẩm tiêu biểu như mắm tép chưng thịt PTK của Công ty trách nhiệm hữu hạn PTK 879 Việt Nam (thị trấn Lim, huyện Tiên Du); tỏi bà Lý của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ du lịch và giáo dục Gia An (xã An Thịnh, huyện Lương Tài); bánh khoai, bánh ngũ sắc gia truyền của hộ bà Nguyễn Thị Nhung (phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh); nem Bùi Tuấn Liên (phường Ninh Xá, thị xã Thuận Thành); bánh phu thê Minh Thu (phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn); gạo nếp cái hoa vàng Yên Phụ (huyện Yên Phong)…
Mục tiêu trong năm 2024-2025, toàn tỉnh phấn đấu công nhận ít nhất 100 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, ít nhất có 2 sản phẩm OCOP đạt 5 sao (mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 25 sản phẩm OCOP được công nhận); ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 20% chủ thể OCOP là HTX và 30% chủ thể là các doanh nghiệp; có ít nhất 30% làng nghề trên địa bàn tỉnh có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển các làng nghề; ít nhất 40% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi; sàn giao dịch thương mại điện tử;…); xây dựng 3 mô hình thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng gắn với hình thành phát triển chuỗi sản phẩm OCOP. Để tạo sức lan tỏa của Chương trình OCOP, thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng tới các doanh nghiệp, HTX và hộ dân hiểu về lợi lích của việc tham gia Chương trình OCOP, nhất là những chính sách ưu đãi, hỗ trợ của tỉnh đối với các sản phẩm OCOP. Ngoài ra, ngành sẽ tích cực tham mưu tỉnh có những chính sách đặc thù đối với các sản phẩm truyền thống, thế mạnh của từng địa phương, trong đó chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng nhằm gìn giữ, phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, xây dựng NTM./.
Nguyễn Thị Mai – Văn phòng Tỉnh ủy