Thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển bền vững giáo dục và đào tạo tỉnh Bắc Ninh
Kết thúc năm học 2021 - 2022, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục giữ vững vị thế tốp đầu toàn quốc về các chỉ số giáo dục, ngành GD&ĐT đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và UBND các huyện, thị, thành triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ giáo dục.
Phòng học tiếng anh hiện đại trường PTTH Ngô Gia Tự, TP Từ Sơn
Quy mô, mạng lưới giáo dục của tỉnh tiếp tục được mở rộng, bố trí hợp lý, đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân. Công tác quản lý, chỉ đạo có nhiều đổi mới. Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ tiếp tục được duy trì, củng cố vững chắc ở mức cao theo Nghị định số 20/2014/NĐ-CP của Chính phủ với tỷ lệ người dân biết chữ trong độ tuổi 15-60 đạt trên 99,0%. Cơ sở vật chất trường học, xây dựng trường chuẩn quốc gia được đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, theo hướng đồng bộ và hiện đại với tỷ lệ 100% trường công lập được kiên cố hóa và đạt chuẩn quốc gia. Chương trình “Sữa học đường” được triển khai hiệu quả ở 100% các cơ sở giáo dục mầm non và các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Chất lượng đội ngũ các cấp học được nâng lên với tỷ lệ 96,7% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn; trình độ trên chuẩn đạt 40,6%, đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, truyền thống văn hóa cho học sinh, sinh viên theo Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) và Kết luận số 42-KL/TU ngày 04/12/2020 của Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/8/2016 của Tỉnh ủy tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả. Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn đạt kết quả cao: Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2022 đoạt 67 giải (88,2%); đứng thứ Nhất toàn quốc về tỷ lệ đoạt giải và số giải Nhất; Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, tỉnh Bắc Ninh có điểm trung bình các môn xếp thứ 6 toàn quốc tăng 13 bậc so với năm 2021; Các cuộc thi, sân chơi trí tuệ khác năm học 2021 - 2022 đều đạt kết quả cao, trong tốp đầu cả nước...
Với mục tiêu phát triển phong trào giáo dục và đào tạo của tỉnh Bắc Ninh đứng trong nhóm đầu của cả nước một cách Toàn diện - Vững chắc - Vượt trội hướng tới nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và quốc tế; những năm qua việc đẩy mạnh đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập đã tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng giáo dục mũi nhọn. Kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thi khu vực và quốc tế luôn ở tốp dẫn đầu cả nước.
Phong trào giáo dục và đào tạo của tỉnh đứng trong nhóm đầu của cả nước
Trong giai đoạn 2011 - 2022, đã có 623 lượt học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, trong đó có 37 giải Nhất, 173 giải Nhì, 239 giải Ba; các kỳ thi Olympic: Quốc tế đoạt 03 huy chương Bạc; khu vực châu Âu đoạt 01 huy chương Bạc, 01 huy chương Đồng và 01 Bằng khen; khu vực châu Á - Thái Bình Dương đoạt 02 Bằng khen. Kết quả thi tốt nghiệp THPT hàng năm có sự tăng trưởng (những năm gần đây, điểm trung bình năm 2020 là 6,36, xếp thứ 26; năm 2021 là 6,53 xếp thứ 19; năm 2022 là 6,77 xếp thứ 6 toàn quốc).
Công tác nghiên cứu khoa học, phong trào khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên đạt nhiều kết quả tốt, giai đoạn 2011 - 2022 đã có 1.167 dự án KHKT dự thi cấp tỉnh và 355 dự án đạt giải; có 51 dự án tham gia và 40 dự án đạt giải cấp quốc gia; 02 dự án tham gia cuộc thi KHKT quốc tế ISEF các năm 2018 và 2021, trong đó 01 dự án đạt giải Ba năm 2021.
Công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông có nhiều cố gắng. Đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt kế hoạch phát triển giáo dục hàng năm đảm bảo chỉ tiêu không quá 70% số học sinh tốt nghiệp THCS vào học các trường THPT công lập.
Các hoạt động hợp tác quốc tế được đẩy mạnh; có nhiều giáo viên người nước ngoài giảng dạy tại các trung tâm ngoại ngữ; chất lượng dạy học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục được nâng lên, số học sinh đạt các chứng chỉ quốc tế tham gia tuyển thẳng vào các trường đại học và du học ngày càng tăng...
Để tích hợp vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững giáo dục và đào tạo của tỉnh đến năm 2030, ngành Giáo dục Bắc Ninh tập trung vào các mục tiêu tổng quát: Quy mô, mạng lưới trường, lớp học hợp lý; đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất đạt chuẩn; cơ chế, chính sách phù hợp; chất lượng giáo dục duy trì nhóm dẫn đầu cả nước; đảm bảo phát triển theo phẩm chất, năng lực người học, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, hội nhập quốc tế; xây dựng, phát triển ở người học các giá trị gắn với truyền thống quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc.
Để hiện thực hóa các mục tiêu này, những năm tới, ngành Giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là: Tập trung nguồn lực đầu tư, đảm bảo các điều kiện phát triển bền vững giáo dục và đào tạo
- Tiếp tục tham mưu xây dựng các chủ trương, cơ chế, chính sách về giáo dục phù hợp để huy động tối đa các nguồn lực nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển bền vững giáo dục trên địa bàn tỉnh.
- Quy hoạch phát triển mạng lưới từng giai đoạn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và nhu cầu học tập của nhân dân. Phát triển hài hòa các mô hình trường phổ thông công lập, ngoài công lập chất lượng cao, trường mầm non, phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế.
- Đảm bảo nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách tài chính; khuyến khích các cơ sở giáo dục tại các vùng thuận lợi xây dựng phương án tự chủ tài chính. Trang bị cơ sở vật chất và thiết bị dạy học theo hướng đồng bộ, hiện đại và phù hợp với nhu cầu thực tế; coi trọng nhiệm vụ bảo quản, sử dụng đúng mục đích, thường xuyên tu sửa đảm bảo an toàn, chống xuống cấp các công trình, các trang thiết bị dạy học ở từng cơ sở giáo dục. Đảm bảo nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia thực hiện các nhiệm vụ dạy và học, nhất là đáp ứng việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Hai là: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động của ngành
- Chú trọng phát triển chương trình giáo dục địa phương, chương trình nhà trường theo hướng khoa học, phù hợp.
- Đổi mới công tác quản lý ngành và quản trị trường học. Quản lý ngành theo hướng tích hợp, tinh gọn, chú trọng hiệu lực, hiệu quả, trong đó: tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính; ứng dụng các thành tựu của công nghiệp 4.0, triển khai chuyển đổi số trong trường học; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý; xây dựng hệ thống học liệu mở; đẩy mạnh các hoạt động hội nghị, họp, tập huấn, sinh hoạt chuyên môn bằng hình thức trực tuyến; sử dụng hiệu quả các hoạt động học tập thông qua hình thức trực tuyến. Nâng cao năng lực tự chủ, trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục; nâng cao tiêu chí, tiêu chuẩn, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục. Xác định việc đánh giá chất lượng các cơ sở giáo dục dựa trên các tiêu chí chất lượng đầu ra của học sinh, sinh viên và người học đóng vai trò chính.
- Tập trung xây dựng một môi trường giáo dục toàn diện. Chú trọng xây dựng các mô hình trường học phù hợp, hội nhập; phát huy hiệu quả vai trò của trường THPT Chuyên và các trường THCS trọng điểm; xây dựng mô hình trường phổ thông chất lượng cao, mô hình trường mầm non, phổ thông theo xu hướng hội nhập quốc tế, tạo cơ hội tiếp cập, trở thành công dân toàn cầu cho người học trên địa bàn tỉnh. Thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo; gắn nhiệm vụ nâng cao chất lượng phổ cập với các nhiệm vụ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phát triển văn hóa học đường gắn với việc tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống văn hóa cho học sinh, sinh viên theo Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy. Quan tâm tới các hoạt động thực hành, thực tiễn, hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ vào cuộc sống cho học sinh, sinh viên; tiếp tục nâng cao chất lượng các phong trào nghiên cứu trong học sinh trung học, khuyến khích học sinh, sinh viên có các sản phẩm ứng dụng mang tính thương mại, đem lại lợi ích cho xã hội; chú trọng phát triển các mô hình giáo dục trải nghiệm, phát triển năng lực người học thông qua liên kết với các đơn vị sản xuất, kinh doanh tạo môi trường thực hành cho học sinh, sinh viên. Đẩy mạnh hoạt động phân luồng, hướng nghiệp kết nối với đào tạo nhân lực, phối hợp với các trường dạy nghề tổ chức kết hợp đào tạo nghề cho học sinh các trường THPT. Đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; phối hợp chỉ đạo các Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động nền nếp, hiệu quả hơn nhằm xây dựng môi trường học tập suốt đời, phát triển mô hình trung tâm học tập cộng đồng kết hợp với trung tâm văn hóa thể thao xã hoạt động hiệu quả.
Ba là: Thực hiện hiệu quả mục tiêu giáo dục từng cấp học
- Đối với giáo dục mầm non. Thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục mầm non sau sửa đổi; vận dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến của các nước trong khu vực và quốc tế phù hợp với từng địa phương, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế; tăng cường các hoạt động thực hành, trải nghiệm cho trẻ, chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng học đọc, học viết theo quy định tại Chương trình giáo dục mầm non theo hướng liên thông Chương trình lớp 1. Thực hiện hiệu quả các chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm; mô hình phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ; Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo theo Thông tư của Bộ GDĐT. Thực hiện tốt chương trình sữa học đường; đẩy mạnh các nguồn lực đầu tư từ xã hội trong tổ chức bán trú. Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo hành trẻ. Phát triển hệ thống trường, nhóm, lớp mầm non ngoài công lập, đặc biệt chú trọng đảm bảo tại các khu đô thị, khu công nghiệp và nơi đông dân cư.
- Đối với giáo dục tiểu học. Phát triển chương trình đảm bảo thực hiện mục tiêu giáo dục, tiếp cận nền giáo dục tiên tiến, phù hợp với điều kiện địa phương; nâng cao chất lượng dạy học 2 buổi/ngày, bán trú, dạy học ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống, kỹ năng toàn cầu. Tạo điều kiện để học sinh được trải nghiệm; đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất và năng lực người học; đổi mới cách thức kiểm tra đánh giá, chống tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục.
- Đối với giáo dục trung học. Xây dựng và thực hiện tốt chương trình giáo dục nhà trường đảm bảo theo yêu cầu của Bộ GDĐT và chương trình địa phương, tiếp cận từng bước với chuẩn khu vực và quốc tế. Tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, phát huy vai trò chủ động, tự học và sáng tạo của học sinh; giúp học sinh tự khám phá, thực nghiệm, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống; đẩy mạnh hướng dẫn học sinh trong nghiên cứu khoa học. Trong đổi mới kiểm tra, đánh giá cần chú trọng đánh giá sự tiến bộ của học sinh, đánh giá lẫn nhau giữa các học sinh và của cha mẹ học sinh. Duy trì chất lượng hiệu quả trường THPT Chuyên và các trường THCS trọng điểm; phát huy mô hình trường phổ thông chất lượng cao, mô hình trường công lập tự chủ chi thường xuyên.
- Đối với giáo dục thường xuyên. Quản lý chất lượng các cơ sở giáo dục thường xuyên, các chương trình liên kết đào tạo; chú trọng chất lượng dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề cho người học. Thực hiện tốt các chương trình giáo dục thường xuyên đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người.
Nguyễn Thị Mai – Văn phòng Tỉnh ủy