Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở tỉnh Bắc Ninh

23/04/2025 14:50 Số lượt xem: 13

Tỉnh Bắc Ninh hiện có 8 huyện, thị xã, thành phố (gồm: 02 thành phố, 02 thị xã, 04 huyện); 121 xã, phường, thị trấn, 730 thôn, tổ dân phố. Đảng bộ tỉnh có 12 đảng bộ trực thuộc, 558 tổ chức cơ sở đảng, 2.168 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với hơn 62.700 đảng viên.

Thành lập Đảng bộ các cơ quan Đảng tỉnh Bắc Ninh

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2027 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã đạt kết quả quan trọng, góp phần tinh gọn tổ chức, tỉnh giản biên chế, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Sau hơn 07 năm thực hiện, công tác xây dựng, sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là:

Đối với hệ thống tổ chức của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và biên chế của các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy theo Quy định số 04-QĐi/TW, ngày 25/7/2018 và Quy định số 137-QĐ/TW, ngày 01/12/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng "Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương"; theo đó, từ năm 2018 đến nay, giảm 8 đơn vị cấp phòng thuộc các Ban, cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; 8 đơn vị cấp phòng thuộc các cơ quan MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội tỉnh; 03 khoa, phòng thuộc các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy; 05 phòng, ban do hợp nhất Đảng bộ Khối các Cơ quan tỉnh và Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh thành Đảng ủy khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy trên cơ sở hợp nhất Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy

Đối với mô hình tổ chức chính quyền địa phương, trên cơ sở các quy định của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan trực thuộc UBND tỉnh và UBND cấp huyện thực hiện rà soát, sáp nhập, sắp xếp, kiện toàn, quy định lại chức năng, nhiệm vụ các đơn vị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Toàn tỉnh đã giảm 228 đầu mối, gồm: Giải thể Sở Ngoại vụ và thành lập Phòng Ngoại vụ trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh; giảm 25 phòng chuyên môn và 10 Chi cục trực thuộc các Sở ngành, 58 phòng, Trạm thuộc các Chi cục, 48 đơn vị sự nghiệp công lập, 86 khoa, phòng tổ thuộc Trung tâm. Như vậy toàn tỉnh đã giảm 228 cấp trưởng và 185 cấp phó.

Thường trực Tỉnh ủy trao quyết định về công tác cán bộ

Đối với mô hình thí điểm, nhất thể hóa, kiêm nhiệm một số chức danh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Hiện nay, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy là trưởng các ban của Tỉnh ủy. 08/08 huyện, thị xã, thành phố bố trí đồng chí thường vụ cấp ủy, trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện; đồng chí trưởng ban tuyên giáo đồng thời là giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Hầu hết các các địa phương trong tỉnh đã thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã.

Đối với việc thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm mục tiêu, yêu cầu đề ra. Ngày 17/4/2018, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 100/2018/NQ-HĐND về việc hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, lao độn hợp đồng nghỉ công tác theo nguyện vọng. Sau 02 năm triển khai thực hiện có 536 đối tượng thôi việc và được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh (Công chức: 38 người; Cán bộ, công chức cấp xã: 143 người; Người làm việc (viên chức): 339 người; Hợp đồng lao động theo Nghị định 68: 12 người; Biên chế Hội: 01 người; Biên chế tự chủ: 03 người). Có thể thấy, Nghị quyết 100/2018/NQ-HĐND của tỉnh đã giải quyết tốt chính sách, tạo được sự ủng hộ tích cực cho cán bộ, công chức, viên chức chịu ảnh hưởng, tác động trực tiếp từ việc sắp xếp tổ chức bộ máy, góp phần không nhỏ vào kết quả tinh giản biên chế của tỉnh.

Như vậy, kết quả tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021, toàn tỉnh đã tinh giản là 5.140 biên chế; trong đó khối chính quyền là 5.020 biên chế, khối Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội là 120 biên chế tương ứng với 10,97% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; giai đoạn 2022-2026 thực hiện giảm 5% biên chế công chức và 10% biên chế viên chức theo đúng quy định.

Đối với việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và sáp nhập các thôn, tổ dân phố được Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt kết quả quan trọng. Giai đoạn 2023-2025, Bắc Ninh không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp; thực hiện sáp nhập 126 đơn vị hành chính cấp xã thành 121 đơn vị (giảm 5 đơn vị), sáp nhập 06 thôn, khu phố. Các địa phương sau sắp xếp đều bảo đảm sự đoàn kết trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, kinh tế - xã hội có bước phát triển tích cực.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) và xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của cơ quan, đơn vị, địa phương. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Đề án số 12-ĐQ/TU về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy theo Kết luận số 09-KL/BCĐ của Ban Chỉ đạo Trung ương. Trong quá trình triển khai thực hiện đã đạt một số kết quả chủ yếu, cụ thể:

Sáp nhập các ban, sở, ngành cấp tỉnh theo định hướng của Trung ương: (1) Hợp nhất Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và Ban Dân vận Tỉnh uỷ (Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện việc hợp nhất Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy); (2) sáp nhập Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính; (3) sáp nhập Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng; (4) sáp nhập Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ; (5) sáp nhập Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; (6) tổ chức lại Ban quản lý ATTP tỉnh trực thuộc Sở Y tế.

Kết thúc hoạt động của một số cơ quan, đơn vị gồm: (1) Kết thúc hoạt động của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ tỉnh, chuyển nhiệm vụ về Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Sở Y tế và Bệnh viện Đa khoa tỉnh; (2) kết thúc hoạt động của Đảng uỷ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; (3) kết thúc hoạt động của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; (4) kết thúc hoạt động của 03 ban cán sự đảng (UBND tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh) và 08 đảng đoàn (HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh).

Thành lập 02 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh uỷ, gồm: Đảng bộ cơ quan Đảng tỉnh gồm 24 Đảng bộ, chi bộ cơ sở với 640 đảng viên và Đảng bộ UBND tỉnh gồm 45 đảng bộ, chi bộ cơ sở với 5.027 đảng viên.

Trong gian tới, để thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chủ trương tiếp tục hoàn thiện tổ chức của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị của tỉnh theo yêu cầu Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII và Chương trình hành động số 44-CTr/TU ngày 25/01/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; Kết luận 138-KL/TW, ngày 28/3/2025 của Ban Bí thư về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Đồng thời điều chỉnh hợp lý về phân công quản lý nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực, khắc phục chồng chéo, trùng lấp về chức năng, nhiệm vụ giữa các sở, ban, ngành. Đảm bảo một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính, khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực. Thực hiện sắp xếp giảm đầu mối bên trong gắn với giảm biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức với số lượng hợp lý, có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thời kỳ mới. Chỉ đạo thực hiện đúng chế độ, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy như nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc và chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương từ ngân sách nhà nước; xây dựng kế hoạch chuyển giao, bàn giao tài chính, tài sản, xử lý cơ sở vật chất, trụ sở làm việc gắn với phương án khai thác, sử dụng hiệu quả, đúng quy định để tránh lãng phí; chủ động nghiên cứu xây dựng phương án tiếp nhận các tổ chức do các Bộ, ngành Trung ương chuyển giao về cho tỉnh (nếu có)…

Nguyễn Thị Mai – Văn phòng Tỉnh ủy