Thuận Thành trên đường phát triển, sớm trở thành thị xã thuộc tỉnh Bắc Ninh
Thuận Thành là một vùng đất cổ - một trong những cái nôi của dân tộc Việt. Huyện có 117,83 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 199.577 người, có 18 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Hồ và 17 xã.
Trung tâm Văn hóa Luy Lâu - nơi quảng bá, giới thiệu về văn hóa truyền thống và hiện đại, các thành tựu trong thời kỳ đổi mới; phục vụ các hoạt động chính trị, văn hóa xã hội của địa phương
Huyện Thuận Thành còn là địa phương có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, lịch sử cách mạng với 126 điểm di tích, trong đó có 72 di tích lịch sử văn hóa đã được công nhận và xếp hạng, gồm: 20 di tích cấp quốc gia, 02 di tích quốc gia đặc biệt, 06 bảo vật quốc gia, 50 di tích cấp tỉnh phát huy truyền thống và phát triển du lịch, tiêu biểu như: Đền thờ Kinh Dương Vương, chùa Bút Tháp, thành cổ Luy Lâu,… Phần lớn các công trình này đều đã có từ lâu đời, mang nét đẹp tâm linh và nét kiến trúc cổ xưa. Bên cạnh đó, huyện còn có một kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc như làng tranh dân gian Đông Hồ, làng gốm Luy Lâu. Những di tích lịch sử này, hàng năm đã thu hút hàng vạn lượt khách đến tham quan du lịch và chiêm bái, góp phần mang lại những nguồn lợi kinh tế để Thuận Thành nói riêng và tỉnh Bắc Ninh nói chung phát triển mạnh mẽ ngành thương mại - dịch vụ, du lịch trong thời điểm hiện tại và tương lai.
Nằm ở phía Nam của tỉnh Bắc Ninh, đô thị Thuận Thành được định hướng là đô thị dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; nằm trên hành lang kết nối 06 phân khu đô thị Bắc Ninh - Tiên Du - Từ Sơn - Quế Võ - Yên Phong - Thuận Thành và giữ vai trò liên kết giữa đô thị Bắc Ninh với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên thông qua những tuyến giao thông huyết mạch quan trọng như: Quốc lộ 38 đi thành phố Bắc Ninh và tỉnh Hưng Yên; quốc lộ 17 đi thành phố Hà Nội; tuyến đường tỉnh 280 nối liền thị trấn Hồ với thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình và thị trấn Thứa, huyện Lương Tài;...
Trong những năm trở lại đây, huyện Thuận Thành đã và đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp một cách hợp lý; ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Dưới sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, UBND huyện tiếp tục triển khai hoàn thiện kết cấu hạ tầng đối với các khu, cụm công nghiệp đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, tập trung cao nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh tại huyện. Trên địa bàn huyện Thuận Thành tập trung nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp, 03 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích đạt 9,90 km2 (KCN Thuận Thành I với điện tích 2,50 km2; KCN Thuận Thành II với diện tích 3,0 km2; KCN Thuận Thành III với diện tích 4,0 km2) và 03 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 1,48 km2 (CCN Xuân Lâm 0,49 km2; CCN Thanh Khương 0,11 km2; CCN Hà Mãn - Trí Quả 0,75 km2) với các mặt hàng cơ khí lắp ráp, điện tử, chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may và sản xuất hàng tiêu dùng,... tạo công ăn việc làm cho gần 60.000 lao động địa phương và các vùng lân cận, trong đó số lao động của huyện Thuận Thành chiếm gần 80% tổng số lao động trong các KCN. Cơ sở vật chất và trang thiết bị của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài, các doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, máy móc tự động hoá góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Hai năm vừa qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tuy nhiên với sự đồng hành, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ban ngành từ Trung ương đến địa phương với phương châm thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo UBND huyện Thuận Thành đưa ra các phương án, giải pháp phù hợp nhằm ứng phó với dịch bệnh. Đồng thời, triển khai các biện pháp hỗ trợ các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bên cạnh đó, huyện cũng chuẩn bị các điều kiện để tận dụng cơ hội “vàng” đón làn sóng đầu tư mới, những dòng vốn FDI chất lượng; các doanh nghiệp chú trọng mở rộng các hoạt động thương mại và phát triển các loại hình dịch vụ phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế thị trường, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế. Cụ thể: tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của huyện 03 năm (2019 - 2021) đạt 9,35% cao hơn so với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 03 năm (2019 - 2021) toàn tỉnh Bắc Ninh là 3,69%. Năm 2021, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện đạt 18.546,45 tỷ đồng; trong đó: ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 76,63%, ngành thương mại - dịch vụ chiếm 16,91%, ngành nông - lâm - thủy sản chiếm 6,46%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 68,7 triệu đồng/người/năm, cao hơn so với cả nước là 1,36 lần. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao; công tác xoá đói giảm nghèo được quan tâm chú trọng, tỷ lệ hộ nghèo trung bình giai đoạn (2019 - 2021) toàn huyện là 1,04%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ hộ nghèo trung bình 03 năm của toàn tỉnh Bắc Ninh (1,12%).
Không những được định hướng trở thành đô thị dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh theo Quyết định số 1369/QĐ-TTg ngày 17/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, mà huyện Thuận Thành còn giữ vai trò là trung tâm tổng hợp (kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục, du lịch, dịch vụ), đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng phía Nam sông Đuống và khu vực lân cận. Bên cạnh việc tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, UBND huyện Thuận Thành đã bám sát lộ trình phát triển theo Quy hoạch, Kế hoạch và Chương trình phát triển đô thị của tỉnh, Đồ án quy hoạch chung đô thị Hồ và vùng phụ cận, đặc biệt thực hiện đúng quy hoạch các phân khu chức năng đô thị,… tạo nên những chuyển biến rõ nét về kiến trúc cảnh quan. Thuận Thành cũng tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Các công trình phúc lợi công cộng, đường giao thông, hệ thống điện chiếu sáng mỹ thuật, công viên, cây xanh,... được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, với nỗ lực phấn đấu, quyết tâm của chính quyền và nhân dân địa phương, đến nay 17/17 xã đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới theo Quyết định 846/QĐ-TTg ngày 17/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, về việc công nhận huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019.
Với những nỗ lực không mệt mỏi, đô thị Hồ mở rộng (đô thị Thuận Thành), tỉnh Bắc Ninh được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại IV theo Quyết định số 1710/QĐ-BXD, ngày 30/12/2020. Đây là tiền đề có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao vị thế, tạo động lực thu hút được các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đến đầu tư mở rộng sản xuất cũng như đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị theo hướng hiện đại, góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nói chung và của huyện Thuận Thành nói riêng.
Cùng với sự phát triển rất nhanh về kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa cao và sự phát triển, lấp đầy của các khu, cụm công nghiệp đã kéo theo lực lượng lao động từ các địa phương khác tới làm việc và sinh sống, làm tăng áp lực cho hệ thống cơ sở hạ tầng như: nhà ở, giao thông, y tế,… đồng thời tạo ra những khó khăn, áp lực nhất định trong công tác quản lý hành chính, trật tự an toàn xã hội, trật tự xây dựng, quy hoạch, kiến trúc, kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên đất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông, cấp thoát nước, điện, nhà ở xã hội, quản lý về kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế, thương mại - du lịch, hộ khẩu và các thiết chế xã hội,… đối với bộ máy quản lý hành chính Nhà nước được tổ chức theo mô hình chính quyền nông thôn hiện nay của huyện. Việc thành lập thị xã Thuận Thành nhằm tổ chức bộ máy chính quyền phù hợp để quản lý, giải quyết những bất cập do sự phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hiện nay.
Thành lập thị xã Thuận Thành thuộc tỉnh Bắc Ninh là phù hợp với hiện trạng phát triển và tốc độ đô thị hóa của huyện trong thời gian qua, tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức chính quyền phù hợp, tạo tiền đề cho huyện Thuận Thành hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước. Bên cạnh đó, việc thành lập thị xã Thuận Thành thuộc tỉnh Bắc Ninh trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Thuận Thành phù hợp với Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030 theo Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 338/QĐ-UBND ngày 04/8/2014 của UBND tỉnh Bắc Ninh, về việc phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030; và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Hồ và phụ cận huyện Thuận Thành đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 836/QĐ-UBND ngày 10/12/2019 của UBND tỉnh Bắc Ninh; Quyết định số 518/QĐ-UBND ngày 12/9/2018 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc phê duyệt Chương trình phát triển đô thị Thuận Thành giai đoạn 2017 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Việc thành lập thị xã Thuận Thành không làm mất đi vị thế chiến lược của huyện mà còn củng cố hơn nữa cho Thuận Thành trong thế trận phòng thủ, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội trong tương lai, đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững lâu dài của đô thị. Đây cũng là cơ hội thuận lợi giúp khơi dậy và phát huy những lợi thế, tiềm năng sẵn có để huyện Thuận Thành bứt phá vươn lên, phát triển bền vững, vì mục tiêu ngày càng nâng cao chất lượng, điều kiện cuộc sống đô thị cho người dân địa phương, góp phần xây dựng tỉnh Bắc Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng “Hiện đại, văn minh, hài hòa và bền vững”. Do đó, việc thành lập thị xã Thuận Thành là thực sự cần thiết; đồng thời đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh nói chung và huyện Thuận Thành nói riêng.
Về điều kiện: Thành lập thị xã Thuận Thành và 10 phường thuộc thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã đảm bảo 5/5 điều kiện quy định tại khoản 2, Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Về tiêu chuẩn thành lập thị xã Thuận Thành: Huyện Thuận Thành đạt 5/5 tiêu chuẩn của thị xã trực thuộc tỉnh quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH, ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính về: Quy mô dân số, Diện tích tự nhiên, Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đã được công nhận là đô thị loại IV. Về tiêu chuẩn số đơn vị hành chính trực thuộc: Quy định tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã là từ 50% trở lên; dự kiến thành lập 10 phường/18 đơn vị hành chính cấp xã gồm: Hồ, An Bình, Song Hồ, Gia Đông, Thanh Khương, Hà Mãn, Trạm Lộ, Trí Quả, Xuân Lâm, Ninh Xá, đạt tỷ lệ là 55,56%.
Ngày 28/10/2022, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có Tờ trình số 496/TTr-UBND đề nghị Chính phủ xem xét, quyết định Thành lập thị xã Thuận Thành thuộc tỉnh Bắc Ninh trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 117,83 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 199.577 người; 18 đơn vị hành chính cấp xã của huyện Thuận Thành.
Việc thành lập thị xã Thuận Thành thuộc tỉnh Bắc Ninh là phù hợp với hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa của huyện trong thời gian qua; tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức chính quyền, phù hợp giúp Thuận Thành hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên bộ mặt mới cho đô thị Thuận Thành trong giai đoạn phát triển và hội nhập. Đồng thời, đây cũng là động lực mạnh mẽ tăng cường thu hút đầu tư, khơi dậy và phát huy mọi lợi thế, tiềm năng sẵn có để huyện bứt phá vươn lên, phát triển bền vững trở thành đô thị văn minh, hiện đại, là tiền đề hướng tới hoàn thành nhiệm vụ đưa tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030 theo hướng “Hiện đại, văn minh, văn hiến, hài hòa, sinh thái, bền vững”./.
Triệu Bích Hồng, Văn phòng Tỉnh ủy