Quốc tế Cộng sản - Một tổ chức Cách mạng quốc tế, trung tâm lãnh đạo của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế (3/1919 - 5/1943)

12/03/2025 13:33 Số lượt xem: 50

Cùng với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, năm nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta kỷ niệm lần thứ 106 năm ngày thành lập Quốc tế cộng sản (3/1919- 3/2025).

Đại hội thành lập Quốc tế cộng sản tổ chức ở Mátxcơva từ ngày 2 đến 6-3-1919, có 51 đại biểu thay mặt cho 30 nước tới dự. Ngoài đại biểu phương Tây còn có đại biểu các nước phương Đông: Triều Tiên, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, chứng tỏ Quốc tế cộng sản là tổ chức của giai cấp lao động của cả các nước thuộc địa và phụ thuộc. Đại hội được tiến hành dưới sự lãnh đạo của Lê nin. Đề cương Về dân chủ tư sản và chuyên chính vô sản của Lê nin đã được thông qua. Đề cương vạch trần bản chất giai cấp của dân chủ tư sản, giải thích ý nghĩa của chính quyền Xô viết - một hình thức chuyên chính vô sản. Lê nin khẳng định: chỉ có nền dân chủ tư sản và dân chủ vô sản, không có nền dân chủ thứ ba. Dân chủ vô sản là nền dân chủ cao nhất, do vậy nhiệm vụ của Quốc tế cộng sản là phải xác lập được dân chủ vô sản.

Đại hội I thông qua Cương lĩnh của Quốc tế Cộng sản, “Cương lĩnh của Quốc tế cộng sản quy định rằng nhiệm vụ lịch sử của Quốc tế là tranh thủ đa số giai cấp công nhân và quần chúng lao động cơ bản về phía chủ nghĩa cộng sản, đấu tranh giành chuyên chính vô sản, thay thế chế độ tư bản chủ nghĩa bằng chế độ xã hội chủ nghĩa, tiêu diệt chế độ người bóc lột người”.

   Cương lĩnh trình bày những nguyên lý quan trọng nhất của chủ nghĩa Lê nin về chủ nghĩa đế quốc và lý luận cách mạng xã hội chủ nghĩa, xác định nhiệm vụ trước mắt của giai cấp vô sản và phương pháp đấu tranh.

    Đại hội thông qua Tuyên ngôn của Quốc tế Cộng sản gửi những người vô sản trên thế giới; Lời kêu gọi “gửi công nhân tất cả các nước'' và một số nghị quyết khác. Nguyên tắc tổ chức của Quốc tế Cộng sản là tập trung dân chủ. Một ban chấp hành được bầu ra gồm đại biểu cộng sản nhiều nước.

Sự thành lập Quốc tế Cộng sản có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Nó góp phần đẩy nhanh sự hình thành các Đảng cộng sản ở nhiều nước. Quốc tế cộng sản ra đời đánh dấu thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin với chủ nghĩa cơ hội - xét lại. Tất cả các đảng cách mạng chân chính đã đoàn kết dưới ngọn cờ Quốc tế  – trung tâm lãnh đạo của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, mà hạt nhân là Đảng Bônsêvích Nga và Lê nin.

Trong thời gian tồn tại của mình, Quốc tế Cộng sản đã tiến hành 7 kỳ đại hội. Từ Đại hội I đến Đại hội IV do Lê nin trực tiếp lãnh đạo. Đại hội V đến Đại hội VII do Xtalin lãnh đạo.

Đại hội V Quốc tế cộng sản họp ở Mátxcơva từ ngày 17- 6 đến ngày 8-7-1924, có 504 đại biểu thay mặt cho 49 đảng cộng sản tham dự. Nhiệm vụ chủ  yếu của Đại hội là xây dựng các Đảng cộng sản có tính chất quần chúng, tiếp thu kinh nghiệm Đảng Cộng sản (B) Nga. Đại hội chú trọng vấn đề dân tộc thuộc địa. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã đọc tham luận về vấn đề dân tộc và thuộc địa, lên án chủ nghĩa thực dân, phê phán một số đảng cộng sản Tây Âu, trước hết là Đảng Cộng sản Pháp, chưa chú ý đúng mức đến vấn đề thuộc địa. Lần đầu tiên tại Đại hội V, thuật ngữ chủ nghĩa Mác – Lênin được sử dụng chính thức, nói lên đầy đủ tầm quan trọng của chủ nghĩa Lê nin trong kho tàng lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học.

Đại hội VI Quốc tế Cộng sản họp từ ngày 17-7 đến ngày 11-9-1928, có 532 đại biểu, đại diện cho 57 đảng cộng sản, công nhân và 9 tổ chức quốc tế tham dự. Đại hội phân tích tình hình quốc tế và nhận định sẽ nổ ra chiến tranh đế quốc với đế quốc, chiến tranh của các đế quốc chống Liên Xô, chiến tranh giải phóng dân tộc. Đại hội định ra nhiệm vụ của các đảng cộng sản là đấu tranh chống nguy cơ chiến tranh đế quốc chủ nghĩa, chống nguy cơ phát xít, bảo vệ Liên Xô, cách mạng Trung Quốc, đấu tranh giành chính quyền, chống chủ nghĩa cơ hội hữu và “tả''. Đại hội thông qua Cương lĩnh mới, tổng kết kinh nghiệm đấu tranh của giai cấp công nhân trong các điều kiện cụ thể.

Cương lĩnh cho rằng: cách mạng vô sản có thể thắng lợi trước tiên ở một vài nước. Các nước lạc hậu, khi giai cấp vô sản giành được chính quyền, có thể bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa với điều kiện là có sự giúp đỡ của nhà nước chuyên chính vô sản và phong trào công nhân quốc tế. Cương lĩnh đề cập ba loại hình cách mạng cơ bản:

+ Ở những nước tư bản phát triển cao, có thể làm cách mạng vô sản, thiết lập ngay chuyên chính vô sản.

+ Ở những nước tư bản phát triển trung bình, có thể làm cách mạng dân chủ nhân dân, thiết lập chuyên chính công nông quá độ lên chuyên chính vô sản.

+ Ở những nước thuộc địa và phụ thuộc, có thể làm cách mạng phản đế, phản phong, thiết lập chuyên chính vô sản khi cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới đã thắng lợi.

Quốc tế Cộng sản đã đóng vai trò lịch sử lớn lao trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, thể hiện ở những điểm sau:

Một là, Quốc tế Cộng sản có công lao to lớn trong việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, chống lại mọi sự xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin từ hai phía “tả'' và ''hữu''.

Hai là, Quốc tế Cộng sản đã thực hiện được sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân trên phạm vi thế giới.

Ba là, Quốc tế Cộng sản đã phát triển lý luận mác xít như phát triển chiến lược, sách lược của đảng cộng sản.

Bốn là, giúp cho các đảng cộng sản, nhất là các đảng cộng  sản trẻ tuổi động viên quần chúng đứng lên bảo vệ lợi ích của nhân dân và chống chiến tranh đế quốc.

Năm là, củng cố tình đoàn kết giữa giai cấp công nhân các nước trên tinh thần của chủ nghĩa quốc tế vô sản.

Sáu là, Quốc tế Cộng sản định ra chiến lược, sách lược đúng cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cũng như phong trào giải phóng dân tộc các nước thuộc địa.

Bảy là, Quốc tế Cộng sản đã tạo ra tiền đề cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và các nước châu Á tạo nên một cột mốc chói lọi trong lịch sử phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Tháng 5-1943, Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản với sự tán thành của đa số các đảng cộng sản đã thông qua nghị quyết chấm dứt hoạt động của Quốc tế cộng sản. Quyết định ấy dựa trên cơ sở nhận định rằng các đảng cộng sản đã lớn mạnh, không cần và không nên chỉ đạo phong trào từ một trung tâm duy nhất. Sau quyết định ấy, Quốc tế cộng sản đi vào lịch sử của phong trào cộng sản và công nhân với những trang chói lọi niềm tự hào.

Quốc tế cộng sản đã có những đóng góp to lớn đối với cách mạng Việt Nam như đào tạo thế hệ lãnh đạo đầu tiên cho Đảng cộng sản Việt Nam: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng cộng sản Việt Nam, chính ở Liên Xô và nhờ hoạt động trong Quốc tế cộng sản những năm (1923- 1924) mà đồng chí Nguyễn Ái Quốc mới có điều kiện hoàn chỉnh những tư tưởng chính trị của mình.

Ngày nay, bên dưới các sự kiện bề nổi lịch sử, nhân loại vẫn hướng theo con đường chính mà các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học đã vạch ra để từng bước tiến lên phía trước. Mục tiêu xóa bỏ áp bức, giai cấp nô dịch dân tộc gạt bỏ mọi trở ngại để tất cả các dân tộc quốc gia cùng tiến tới trình độ phát triển. Xã hội văn minh, hòa bình và tiến bộ đang được đặt ra rõ rệt và bức thiết hơn bao giờ hết. Sự đoàn kết của giai cấp công nhân và nhân dân lao động là sức mạnh bất khả kháng để đi tới mục tiêu đó./.

Đỗ Ngọc Dung

Phòng Lý luận Chính trị, Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ