Nhớ mãi những cái tết của Bác Hồ.
Mỗi xuân về càng thêm nhớ Bác, cả dân tộc nhớ Bác, cả dân tộc vào xuân. Nhớ mãi những cái tết của Người.
1.Tết Bính Ngọ (1906) của Bác Hồ thời gian ở Huế cùng gia đình.
Sau khi cụ thân sinh của Bác Hồ là Nguyễn Sinh Sắc chính thức nhận chức Thừa biên Bộ lễ thì gia đình Bác mới được xếp một ngôi nhà ở thành Huế. Lúc ấy cũng sắp đến tết Bính Ngọ. Tết đến trong cảnh “gà trống nuôi con” nhưng cụ Phó Bảng cũng cho lập bàn thờ ở gian ngoài trong ngôi nhà đơn sơ, thiếu thốn. Tuy không có gì nhiều,, nhưng bên cạnh những nén hương tỏa khói cũng có thêm những thứ cam, chuối, bánh trưng mang hương vị của ngày tết.
Tối ngày 30 tết, khi đêm giao thừa vừa buông xuống giữa thành phố cố đô yên tĩnh bên dòng sông Hương thơ mộng, cả mấy bố con cụ Phó Bảng đang ngồi quây quần bên nhau, nhớ về quê hương, đất nước, nghĩ về bà Hoàng Thị Loan, về gia cảnh…tiếng pháo nổ râm ran nhưng vẫn không át được những lời luận bàn về việc nước trong căn nhà giữa hai thế hệ. Đã qua phút giao thừa và suốt cả đêm đầu của tết Bính Ngọ anh Thành thức trọn. Anh nghĩ về lời bà ngoại nói: “ ghế ấy ai ngồi xin chớ thờ ơ/ dân vạn đại quan nhất thời/ yêu dân dân lập đền thờ/ hại dân dân đái ngập mồ thối xương”; nghĩ về hững người yêu nước đang bôn ba nước ngoài đã bao nhiêu cái tết họ không được đón giao thừa với quê hương, gia đình, đất nước...
Anh thấy hình như trong giờ phút này, cả kinh thành Huế cũng đang trăn trở.
2.Những cái tết của Bác Hồ ở nước ngoài.
Tết Nhâm Tí (1912): Tết đầu tiên Bác Hồ ở xa Tổ quốc, Người đón xuân tại Niu-oóc (Mỹ). Ở đây Người vừa đi làm thuê ở Bruclin để sống, vừa tranh thủ thời gian để đi tham quan các danh lam thắng cảnh, thăm các khu cư trú của người lao động da đen. Người nhận thấy: “Ánh sáng trên đầu thần tự do tỏa rộng khắp trời xanh, và dưới chân tượng thần tự do thì người da đen đang bị trà đạp. Bao giờ người da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới?”. Xuân trên đất Mỹ mà lòng người quặn đau nghĩ về xuân đất nước: Ở Việt Nam đồng bào ta đang phải sống trong cảnh lầm than khổ cực dưới ách áp bức của thực dân phong kiến.
- Tết Giáp Tí năm 1924: Người đón xuân trên đất Nga- quê hương Cách mạng Tháng Mười vĩ đại:
“Tháng giêng Mạc Tư Khoa tuyết trắng/ Một người đi quên rét buốt xương”
Khi nghe tin Lênin qua đời, Người xúc động nói: “Thế la tôi chưa được gặp Lênin, đó là điều ân hận nhất trong đời tôi”; “Khi còn sống, Người là cha, là thầy học, đồng chí và là cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cách mạng xã hội”; “Lênin bất diệt sống mãi ttrong sự nghiệp của chúng ta”.
-Tết Canh Ngọ năm 1930: Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã chủ động triệu tập và chủ trì Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng cộng sản Việt Nam. Hội Nghị diễn ra từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 2 năm 1930 tại Cửu Long, Hương Cảng (Trung Quốc). Hội nghị thông qua chính cương vắn tắt, sách lược vắn tắt và chương trình tóm tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Các văn kiện đó hợp thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.
Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản có ý nghĩa như Đại hội thành lập Đảng cộng sản Việt Nam.
-Tết Nhâm Thìn năm 1932: Người đón xuân trong ngục Victoria ở Hồng Kông (Trung Quốc) và được vợ chồng luật sư Lôdơbai, bà Xtenla Benxơ đến thăm. Luật sư Noen Prit mến mộ tài năng và đức độ của Người, đã tự nguyện bào chữa miễn phí cho Người và đã thành công. Tòa án đế quốc phải tuyên vô tội và trả tự do ngay.
3.Tết Tân Tỵ năm 1941- Tết đầu tiên sau 30 năm xa Tổ quốc.
Sau 30 năm xa Tổ quốc để tìm đường cứu nước, giải phóng đồng bào, ngày 28 tháng 1 năm 1941 (tức ngày mùng 2 tết Tân Tỵ) Bác Hồ bí mật về nước qua mốc 108 (cũ) trên biên giới Việt- Trung, tại xóm Pác Pó, xã Trường Hàng, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, được hai bên thống nhất giữ làm di tích lịch sử, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam; xây dựng Cao Bằng thành căn cứ địa cách mạng của cả nước. Sau này Người kể lại: “Bao nhiêu năm thương nhớ, đợi chờ. Hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cái bia giới tuyến lòng Bác vô cùng cảm động”.
4.Bác Hồ với tết độc lập đầu tiên- tết Ất Dậu năm 1945.
Đêm ba mươi tết, trời rét và mưa lất phất. Ăn cơm tối xong, Bác đi đến chỗ đồng chí Trần Duy Hưng, Chủ tịch Thành phố Hà Nội, bảo đưa Bác đi chúc tết một số gia đình nghèo ở xóm lao động. Trong đó có một gia đình làm nghề xe kéo, chủ nhà bị ốm năm trên chiếc chõng tre, đắp chiếc chiếu mỏng. Bác nói: “Ba mươi tết mà không thấy tết” .
Khoảng 20 giờ đêm, Bác chia tay đồng chí Trần Duy Hưng, trở về nhà số 8 phố Vua Lê. Đến nhà, Bác bảo chuẩn bị để ra phố đón giao thừa với đồng bào. Bác mặc áo the, quần trắng, mắt đeo kính trễ xuống trông thật giống một ông đồ nho. Đồng chí giúp việc thì mặc quần dài trắng, áo láng đen, chân đi dép da.
Hai bác cháu đi bộ ra đền Ngọc Sơn, hòa vào dòng người đang chen chúc trên cầu Thê Húc để vào đền và hái lộc, Trong đền khói hương mù mịt….
Giao thừa đến, còi thành phố vang lên, chiêng, trống từ các đình, chùa và tiếng chuông Nhà thờ Lớn đổ dồn, tiếng pháo nổ ran tưởng như không thể dứt…
Một không khí thiêng liêng như hồn đất nước đang dâng lên trong lòng mọi người. Bác Hồ đứng lặng, nét mặt xúc động. Một giọt nước mắt long lanh bên khóe mắt. Đã bao nhiêu năm, đêm nay Bác mới được hưởng cái tết cổ truyền của dân tộc ở giữa thủ đô đã thoát khỏi ách nô lệ.
5-Tết Kỷ Dậu năm 1969, tết cuối cùng của Bác Hồ:
Bác đã làm bài thơ chúc tết nổi tiếng, trong đó có lời kêu gọi tiên chi:
“Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”.
Tết này- Tết Quý Mão, kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng, cả dân tộc lại nhớ những cái tết của Bác, nhớ những bài thơ chúc tết của Bác, cả dân tộc lại vào xuân theo tiếng gọi của Người với khí thế mới “Tiến Lên”, với thắng lợi mới to lớn hơn trong sự nghiệp đổi mới đất nước, ngăn chặn và đẩy lùi “giặc nội xâm” tham nhũng, xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh như lời căn dặn của Người trong Di Chúc.
Đỗ Ngọc Uẩn
60, Mai Bang, Suối Hoa Bắc Ninh