Ngọn Hải đăng trên đảo Song Tử Tây
Nằm cách đất liền hơn 300 hải lý (mỗi hải lý tương đương với 1,8 km), đảo Song Tử Tây có diện tích khoảng 0,22 km2, thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Đảo nằm ở vị trí tiền tiêu của Quần đảo Trường Sa, nhìn ra tuyến hàng hải quốc tế giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, chính vì thế, ngọn Hải đăng đảo Song Tử Tây được ví như “mắt thần” trên Biển Đông không chỉ ngày đêm chiếu sáng dẫn hướng cho tàu, thuyền qua lại an toàn, mà còn làm điểm chuyển hướng cho tàu qua lại trên tuyến hàng hải quốc tế, là ngọn đèn đánh dấu tọa độ, làm điểm tựa cho ngư dân Việt Nam khi ra Biển Đông khai thác, đánh bắt hải sản, là cột mốc khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ngọn Hải đăng trên đảo Song Tử Tây
Trạm trưởng Vũ Quang Cách cho biết: Trên các đảo và điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa có 9 ngọn Hải đăng ở các đảo như: Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Đá Lát, Đá Tây, An Bang, Tiên Nữ, Song Tử Tây và Trường Sa lớn thì ngọn Hải đăng đảo Song Tử Tây có nhiều điểm đặc biệt. Thứ nhất, đây là ngọn Hải đăng được xây dựng trên đảo khoảng năm 1993, được xây theo hình tháp tròn ở góc phía Đông của đảo. Tháp đèn cao khoảng 38m, tâm sáng 36m, đèn cấp 1, ánh sáng trắng, chớp đơn chu kỳ 15 giây, thân Hải đăng màu xám sẫm. Điểm đặc biệt thứ hai là trụ chính và các bậc cầu thang lên vị trí cao nhất nơi đặt đèn chiếu bên trong ngọn Hải đăng được làm hoàn toàn bằng gỗ lim nguyên khối. Điểm đặc biệt thứ ba là ngọn Hải đăng tầm chiếu xa ban ngày 22 hải lý, ban đêm 21 hải lý, có chiều cao lớn nhất trong số 9 ngọn Hải đăng trên Quần đảo Trường Sa. Hải đăng độc lập giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Trường Sa định hướng và xác định vị trí của mình.
Kỹ thuật viên Vũ Văn Nam cho biết: Tôi luôn tự hào được công tác tại Trạm Hải đăng. Những ánh sáng của đèn trong đêm như thôi thúc tôi tiếp tục nỗ lực, rèn luyện, cống hiến phục vụ. Trong việc duy trì hoạt động của ngọn hải đăng thì vất vả nhất là bảo dưỡng bóng đèn, bởi đây là vị trí cao nhất, mỗi khi biển động, công việc lau bóng đèn càng nguy hiểm, trên tháp đèn, gió thổi mạnh khiến các tấm kính rung bần bật. Theo quy định, đèn Hải đăng Song Tử Tây hoạt động từ 17 giờ 30 phút ngày hôm trước đến 5 giờ 30 phút sáng hôm sau. Ngày nào có dông gió, sương mù, thời tiết xấu thì phải mở đèn sớm hơn và tắt muộn hơn. Khi gặp sự cố, đèn chính bị hỏng thì đèn phụ được bật lên để thay thế và ngay lập tức phải khắc phục sự cố đèn chính. Trong bất luận điều kiện nào, đèn hải đăng không được tắt.
Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Trường, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây cho biết: Việc xây dựng và vận hành ngọn Hải đăng trên đảo được tuân theo luật pháp quốc tế và được Cơ quan Quỹ đạo quốc tế và Hiệp hội Báo hiệu hàng hải quốc tế ghi nhận trên hải đồ quốc tế. Từ khi được xây dựng, ngọn Hải đăng trên đảo đóng vai trò rất quan trọng, là “mắt thần” của đảo đúng như tên gọi mà quân và dân ở đây đã đặt… Hỗ trợ đắc lực cho hoạt động của các tàu trên biển đảm bảo an toàn, góp phần hiện đại hóa giao thông đường biển và khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Ngoài ra còn tích cực giúp cho việc cứu hộ, cứu nạn trên biển được thuận lợi, nhanh chóng, kịp thời.
Được biết, bước sang năm nay, Trạm Hải đăng Song Tử Tây được đầu tư hệ thống điện gió và điện năng lượng mặt trời cùng hệ thống điều khiển có cảm biến ánh sáng để tự động bật tắt đèn khi trời tối. Tuy nhiên, cán bộ quản lý vận hành ở đây vẫn dự phòng máy nổ phát điện để đảm bảo vận hành đèn dẫn hướng bình thường hỗ trợ đảm bảo an toàn tàu thuyền trên biển, trong mọi điều kiện giúp ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần khẳng định chủ quyền, bảo vệ từng tấc đất, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Lưu Văn Tuấn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy