Một cuộc chiến tranh đáng lẽ không xảy ra
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta kết thúc đã gần 50 năm nhưng ý nghĩa âm hưởng của nó vẫn còn vang mãi ngàn năm. Đây là cuộc chiến tranh do Mỹ tiến hành trên đất nước Việt Nam và nó bắt đầu từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai năm 1945, nó xuất phát từ chủ nghĩa “Chiến tranh lạnh” của Tổng thống Mỹ H.Tru - man nhằm chống Liên Xô và chống Trung Quốc (Sau năm 1949).
Đường lối chính sách của chính quyền Mỹ là nhằm ngăn chặn sự bành trướng thêm nữa của chủ nghĩa Cộng sản ở Châu Á. Lập tức Đông Dương trở thành phòng tuyến đặc biệt, chính vì thế thực dân Pháp đã được Mỹ giúp sức đổ tiền của cho để đẩy mạnh chiến tranh ở Việt Nam. Nhưng sau đó, chính Pháp nhận thấy sự thất bại không thể tránh khỏi, đi vào thương lượng ký hiệp định hòa bình ở Giơnevơ nhưng Mỹ kiên quyết chống lại, đòi Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh để giữ Đông Dương, trong quỹ đạo của Phương Tây. Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ lúc đó nêu: “Mục đích của Mỹ Không có gì khác hơn là một thắng lợi quân sự”.
Việt Nam là một nước nhỏ, nghèo nàn và lạc hậu đã bị thực dân Pháp đô hộ gần 100 năm. Một dân tộc đã có hàng nghìn năm lịch sử, có quyết tâm cao bảo vệ nền độc lập của mình, đã đứng lên làm cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công; sau đó buộc phải tiếp tục cuộc kháng chiến 9 năm gian khổ với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi. Quân dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; miền Bắc hoàn toàn giải phóng và đi lên chủ nghĩa xã hội.
Với dã tâm xâm lược nước ta, ở miền Nam nhà cầm quyền Mỹ đã dựng lên chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm và xây dựng đội quân tay sai 15 vạn người. Phát xít hóa bộ máy, lê máy chém đi khắp miền Nam, tạo nên làn sóng vô cùng căm phẫn, thổi bùng ngọn lửa cách mạng khắp miền Nam.
Không có một thành công nào, khi chính sách đi ngược lại lòng dân Việt Nam. Lúc đó là Hòa Bình - Độc lập - Thống nhất Tổ quốc, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc đó là nguyện vọng thiết tha của người dân Việt Nam.
Theo Hiệp định Giơnevơ, ngày bầu cử dân chủ trong cả nước sẽ diễn ra vào tháng 7/1956, nhưng đế quốc Mỹ đã phá bỏ Hiệp định, trà đạp lên tất cả và nhân dân Việt Nam buộc phải tiếp tục đứng lên chiến đấu bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Nhà cầm quyền Mỹ đã không hiểu được sức mạnh của dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã từng chiến thắng quân Nguyên Mông ba lần trong vòng 30 năm chiến tranh ở thế kỷ thứ XIII…
Tất cả những việc ấy là tuyên cáo, đồng thời là những hành động chiến tranh thực sự chống lại nhân dân Việt Nam của chính quyền Mỹ - Diệm. Đó là thời kỳ chiến tranh một phía lúc bấy giờ, phong trào chống Mỹ Diệm toàn miền Nam nổi lên rất mạnh bằng các phong trào đồng khởi Bến Tre, Ấp Bắc…
Chính trong áp lực của phong trào cách mạng quần chúng, Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 15 và chỉ rõ con đường cách mạng quần chúng mới giải quyết được tình thế mà đấu tranh hòa bình pháp lý lâu nay không hiệu lực.
Khi cả một dân tộc đứng lên quyết tâm bảo vệ độc lập tự do, thống nhất thì không có sức mạnh nào, vũ khí hiện đại nào thắng nổi; nhân dân đồng loạt nhất trí, có quyết tâm cao, có lãnh đạo đúng vì lợi ích sống còn của mình thì họ có đủ mọi phương tiện, mọi kiểu cách đấu tranh, chiến đấu, với nhiều sáng tạo độc đáo để mà sống còn, để mà chiến thắng. Nhưng đường lối của chính quyền Mỹ lại quyết giành thắng lợi bằng quân sự với chiến lược “Phản ứng linh hoạt”.
Chiến tranh bắt đầu phát triển như vậy; đó là một cuộc chiến tranh của Mỹ nhằm mục đích chống cộng trên thế giới, áp đặt lên người Việt Nam. Chiến tranh cũng có thể giành được thậm chí dễ dàng nếu ta biết tôn trọng quyền của con người, nguyện vọng của mỗi dân tộc vì độc lập và toàn vẹn lãnh thổ.
Phong trào đồng khởi của nhân dân miền Nam đã sinh ra Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Mặt trận là sản phẩm tất yếu của phong trào cách mạng quần chúng, bao gồm tất cả các tầng lớp nhân dân, không phân biệt xu hướng chính trị. Mặt trận chủ trương một miền Nam Việt Nam độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, thành lập một chính quyền liên minh dân tộc và dân chủ và đặt quan hệ ngoại giao với tất cả các nước không phân biệt chế độ xã hội…
Một lần nữa cơ hội quý báu để dập tắt chiến tranh, đưa lại hòa bình ở Việt Nam và cả Đông Nam Á bằng cách thừa nhận Mặt trận dân tộc giải phóng với các chủ trương đúng đắn của họ đúng vào lúc Chính phủ mới của Mỹ nên cầm quyền, Chính phủ của Tổng thống Ken – nơ - đi. Khi đó ở miền Nam Việt Nam chính quyền Diệm độc tài phát xít bị nhân dân Việt Nam và thế giới lên án mạnh mẽ, Mặt trận dân tộc giải phóng trở thành lực lượng được nhân dân Việt Nam ủng hộ và có chủ trương ôn hòa, hợp lý lẽ ra Chính phủ Mỹ trở lại với Hiệp định Giơnevơ. Nhưng không, Chính phủ Mỹ tiếp tục con đường phát động chống nhân dân Việt Nam với chiến lược “Phản ứng linh hoạt” của Mác – xo - en Tay - lo. Thực chất là tiếp tục chiến tranh lạnh, chống Liên Xô và các phong trào đấu tranh của các dân tộc bị áp bức. Cuộc thị sát Nam Việt Nam của Phó Tổng thống Giôn - sơn (Tháng 5/1961) Mỹ đã quyết định đưa quân đội Mỹ vào tham chiếm. Chiến tranh một phía trở thành chiến tranh hai phía. Mỹ hình thành bộ máy chiến tranh khổng lồ, lúc này Ngô Đình Diệm tuyên bố: Ranh giới nước Mỹ tới tận vĩ tuyến 170 của Việt Nam.
Sau đó, Giôn - sơn lên Tổng thống, hắn đã lao mạnh vào con đường chống cộng, chống Liên Xô, chống Trung Quốc.
Vào năm 1963 - 1964 khi mà Diệm bị lật đổ, Dương Văn Minh nên thay đi vào thương lượng đôi bên để đi đến tuyển cử tự do. Lúc bấy giờ Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng gửi thông điệp cho Giôn - sơn yêu cầu mở hòa đàm. Tổng thống Pháp Đ.C. Đờ - gôn cũng đề nghị làm trung gian để giúp Việt Nam đem lại hoà bình và thống nhất. Và ngay Tổng thư ký Liên Hiệp quốc cũng đề nghị phía Mỹ ủng hộ Chính phủ Liên hiệp ở Nam Việt Nam còn Tổng thống Nam Việt Nam là Dương Văn Minh cũng tỏ ý muốn thương lượng tuyển cử tự do thành lập một chế độ trung lập, một Chính phủ Liên hiệp cho Nam Việt Nam. Phong trào phật giáo và sinh viên ở miền Nam cũng rầm rộ phản đối chiến tranh và đòi một giải pháp trung lập, nhưng Giôn - sơn đã cự tuyệt mọi hòa đàm, chống mọi xu hướng trung lập. Y đã điện cho đại sứ Mỹ ở Sài Gòn là “Đánh gục mọi ý nghĩ về trung lập khi nó ngóc đầu xấu xa của nó dậy” rồi gạt bỏ Dương Văn Minh đưa Nguyễn Khánh lên thay, hô hào “Bắc tiến”, đưa thêm vũ khí và quân đội Mỹ vào leo thang thành cuộc “Chiến tranh cục bộ”. Cơ hội ngàn vàng chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình bị gạt bỏ một cách độc ác của chính quyền Mỹ và tay sai.
Sự kiện tết Mậu Thân năm 1968 đã tạo ra bước ngoặt quyết định cho cuộc chiến tranh đã kéo dài quá hao tiền, tốn của và xương máu cho cả hai bên. Đưa hai bên tới vừa đánh, vừa đàm. Nhưng sau đó cũng không đi đến kết quả cho cả hai bên. Phía Mỹ đẩy mạnh chiến tranh, với các chiến dịch càn quét và bình địch cấp tốc và thủ đoạn “Phương Hoàng độc ác”.
Trong năm 1969 – 1970, chúng mở rộng chiến tranh sang Campuchia, lật đổ Xi – ha - núc đánh lên đường 9 Nam Lào hòng giành lại thế chủ động trên chiến trường.
Về phía ta, vừa xây dựng củng cố lực lượng, vừa tấn công địch ở nhiều hướng và giành nhiều thắng lợi ở Quảng Trị, Sa Thầy (Tây Nguyên) và Lộc Ninh… Trước những thất bại thảm hại cuối năm 1971, Mỹ lại liều lĩnh mở chiến dịch dùng máy bay B52 ném bom 12 ngày đêm ở thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng nhưng cũng bị thất bại thảm hại, buộc phải ký Hiệp định Paris.
Theo Hiệp định, ngày 28/01/1973 là ngày ngừng bắn có hiệu lực, nhưng cả phía Mỹ và chính quyền tay sai Nguyễn Văn Thiện vẫn trắng trợn vi phạm Hiệp định, tiếp tục mở nhiều cuộc lấn chiếm ra vùng giải phóng của ta và vì thế quân dân ta lại phải tiếp tục chiến đấu để có ngày 30/4/1975. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.
Con đường chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam trải qua 30 năm với biết bao chông gai, thử thách, song cuối cùng nhân dân Việt Nam vẫn giành thắng lợi bởi có Đảng, Bác Hồ và đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp quy luật lịch sử và hợp lòng dân; được nhân dân hưởng ứng, bạn bè và nhân dân thế giới ủng hộ./.
Nguyễn Đăng Lâm,
Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bắc Ninh