Con đường dẫn Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác- Lê Nin

31/05/2023 10:50 Số lượt xem: 1395

Cách đây 112 nă m vào ngày 5 tháng 6 năm 1911, tại Bến Nhà Rồng, người thanh niên Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc sang Pháp, với mục đích xem các nước trên thế làm như thế nào, rồi trở về giúp đồng bào.

Sinh ra và lớn lên giữa cảnh nước mất nhà tan, nhân dân khốn khổ, đau xót trước cảnh lầm than của đồng bào và sớm có lòng yêu nước và ý chí đánh đuổi thực dân Pháp. Khâm phục các phong trào yêu nước cảu các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám,  Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, nhưng Nguyễn Tất Thành không hoàn toàn tán thành cách làm của những người đi trước. Người quyết tâm đến tận “sào huyệt” của chủ nghĩa tư bản để tìm ra con đường cứu nước. Nguyễn Tất Thành đã tìm hiểu cuộc cách mạng Mỹ năm 1776, cuộc cách mạng Pháp 1789, phong trào giải phóng của các nước thuộc địa chống chủ nghĩa thực dân. Nguyễn Tất Thành nhận thấy cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp nêu cao khẩu hiệu tự do, bình đẳng, nhưng không đưa lại tự do, bình đẳng thật sự cho quần chúng lao động “Tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”([1]).

Năm 1917, Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại Pháp lấy tên là Nguyễn Ái Quốc. Đây là một dịp để Người tìm hiểu sâu về cách mạng tư sản Pháp, về Công xã Pari năm 1871 và về cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga.

Nguyễn Ái Quốc đã tc lại Hội những người Việt Nam yêu nước để tập hợp những Việt kiều yêu nước trên đất Pháp. Người hoạt động trong phong trào công nhân Pháp và tham gia Đảng Xã hội Pháp. Với tinh thần học tập không biết mệt mỏi và ý chí phấn đấu kiên cường vượt qua những thử thách của cảnh nghèo túng, thiếu thốn trên đất Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã tiến những bước dài trong quá trình  tìm tòi con đường cứu nước. Chính tại đây Nguyễn Ái Quốc đã tìm đến đỉnh cao của trí tuệ thời đại là Chủ nghĩa Mác- Lênin.

 Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, các nước thắng trận họp ở Véc- xây (Versailles) để phân chia thị trường thế giới. Nhân dịp này Nguyễn Ái Quốc thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp đã gửi đến Hội nghị bản yêu cầu “tám điểm” đòi nước Pháp và các cường quốc phải thừa nhận quyền tự do và bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Nhưng yêu cầu của Nguyễn Ái Quốc không được Hội nghị chấp nhận.

Thất vọng về những thủ đoạn bịp bợm của tư bản phương Tây, Nguyễn Ái Quốc hiểu thêm bản chất của giai cấp tư sản, Người rút ra kết luận “Chỉ có bản thân nỗ lực đấu tranh mới mong giải phóng được”.

Thắng lợi của cách mạng tháng Mười Nga (1917) đã mở ra thời kỳ mới trong phong trào cách mạng các nước, cộng với sự ra đời của Quốc tế Cộng sản (1919) làm cho cuộc đấu tranh giữa hai đường lối trong Đảng Xã hội Pháp diễn ra gay gắt, tiếp tục theo Quốc tế II (tức là con đường cải lương), hay là đi theo Quốc tế III của Lênin (con đường cách mạng mà Mác- Ăngghen đã vạch ra). Nhờ tham gia cuộc đấu tranh trong Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã tìm được con đường đúng. Năm 1920, qua báo Nhân đạo, Nguyễn Ái Quốc đã đọc được bản “Luận cương về các vấn đề thuộc địa và dân tộc” của Lê nin. Từ đó Người đã có một sự lựa chọn tán thành Quốc tế III. Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy con đường cứu nước. Cũng từ đây Người hoàn toàn tin theo Lê nin và Quốc tế III.

Năm 1920, Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp diễn ra tại thành phố Tua, tiến hành bỏ phiếu quyết định việc Đảng ở lại Quốc tế II hay gia nhập Quốc tế III. Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản).

Luận cương của Lênin đã giúp Nguyễn Ái Quốc khẳng định: Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ. Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác hơn là con đường cách mạng vô sản. Đây là bước ngoặt lịch sử trong đời sống hoạt động cách mạng của Người, đồng thời là bước ngoặt của phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam.

Bằng hành động lịch sử gia nhập Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã gắn phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào cách mạng thế giới và cũng bằng việc làm ấy, Nguyễn Ái Quốc người Cộng sản Việt Nam đầu tiên đã gắn ngọn cờ độc lập dân tộc với ngọn cờ chủ nghĩa xã hội, mở đường cho Chủ nghĩa Mác-Lênin thâm nhập vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, gắn phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào công nhân quốc tế, đưa nhân dân Việt Nam đi theo con đường mà chính Người đã trải qua, từ Chủ nghĩa yêu nước đến Chủ nghĩa Mác- Lênin.

Từ năm 1921 đến năm 1929, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã cùng với những người Cộng sản Việt Nam đầu tiên tiến hành cuộc đấu tranh kiên cường, gian khổ, trên phạm vi quốc tế cũng như ở trong nước, truyền bá Chủ nghĩa Mác- Lê nin vào giai cáp công nhân, nông dân, trí thức và những người Việt Nam yêu nước, tích cực chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức để thành lập một chính Đảng ở Việt Nam- Đảng Cộng sản, một chính đảng sau này đã lãnh đạo con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi cam go thử thách, hoàn thành thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, đưa đất nước tiến theo con đường chủ nghĩa xã hội.

Lê Thị An

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy 

 

[1] Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương: Nguyễn Ái Quốc- Đường Cách mệnh, các tổ chức tiền thân của Đảng, Hà Nội 1977, tr 32-33.