Chiến thắng Điện Biên Phủ- ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời gặp muôn vàn khó khăn, thử thách trong bối cảnh “thù trong, giặc ngoài” - thực dân Pháp dã tâm quay trở lại xâm lược đất nước ta một lần nữa; vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, tập trung diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. 9 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ, với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, bằng đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, quân và dân ta đã giành được những thắng lợi to lớn cả về quân sự và chính trị.
Đặc biệt với Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (ngày 7/5/1954) đã góp phần quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam và cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa vô cùng quan trọng “như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử dân tộc. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”([1]).
Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi to lớn nhất của quân đội và nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong suốt cả cuộc kháng chiến, nhất là ở những thời điểm có tính bước ngoặt quan trọng của cuộc chiến tranh, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện nước ta, để phát động cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, xây dựng và sử dụng lực lượng vũ trang cách mạng làm nòng cốt; đánh địch bằng sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, đồng thời tranh thủ tối đa sự ủng hộ mọi mặt của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới; chủ động tạo nên sự chuyển hóa căn bản cả về thế và lực, làm cho sức ta càng đánh càng mạnh và đẩy quân địch vào tình thế ngày càng khốn đốn, phải đầu hàng vô điều kiện. Chiến thắng Điện Biên Phủ, bản anh hùng ca của cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ, thật xứng đáng “được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”([2]).
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ góp phần quyết định vào thắng lợi của Hội nghị Giơ-ne-vơ, đánh dấu sự phát triển lớn mạnh của ngoại giao Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đánh bại âm mưu của thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ muốn kéo dài, mở rộng chiến tranh xâm lược ở Đông Dương và đang tìm cách phá hoại Hội nghị Giơ-ne-vơ. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ kết thúc chiến tranh ở Đông Dương, hòa bình được lập lại trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam và hai nước Lào, Campuchia. Thắng lợi của Hội nghị Giơ-ne-vơ là một thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam và của nhân dân thế giới đang đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH, là một thất bại nặng nề của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã mở ra thời kỳ quan hệ ngoại giao rộng lớn của nước ta đối với nhiều quốc gia trên thế giới.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã có ảnh hưởng rộng lớn trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ không những là thắng lợi to lớn của nhân dân ta mà đã có sự ảnh hưởng rộng lớn trên thế giới. Điện Biên Phủ được coi là thắng lợi của các dân tộc nhỏ yếu đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, giành tự do và độc lập. Điện Biên Phủ đã trở thành niềm tự hào của các dân tộc bị áp bức, là một cống hiến lớn lao của nhân dân ta vào cao trào giải phóng dân tộc đang dâng lên mạnh mẽ, tạo động lực tinh thần, tiếp thêm ý chí chiến đấu cho các dân tộc thuộc địa, các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, nhất là các dân tộc thuộc địa ở Đông Nam Á, châu Mỹ La-tinh, châu Phi kiên quyết đứng lên đánh đuổi chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc, mang lại độc lập, tự do cho dân tộc mình, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chiến Điện Biên Phủ là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới”.
Với ý chí quyết chiến, quyết thắng của Điện Biên Phủ, 21 năm sau, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (ngày 30/4/1975), quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối, đưa cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức và đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[3]. Bên cạnh những thành tựu, mặt tích cực là cơ bản, đất nước cũng còn không ít khuyết điểm, hạn chế và đang phải đối mặt với những thách thức mới trong quá trình phát triển, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân phải có ý chí, niềm tin, khát vọng vươn lên, vì mục tiêu xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Kỷ niệm 69 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2023) là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc ra, tưởng nhớ đến công lao của Đảng, Bác Hồ; tri ân đến những đồng chí, đồng đội và đồng bào đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và hòa bình, dân chủ thế giới. Phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Điện Biên Phủ, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chủ động nắm bắt thời cơ, vượt mọi khó khăn, thử thách, kiên định Chủ nghĩa Mác Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, củng cố niềm tin vững chắc vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và công cuộc đổi mới mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã lựa chọn./.
Lê Thị An
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, t.14, tr.315.
[2] Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb thành phố Hồ Chí Minh, 1994, tr.579.
[3] Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam"