Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, di tích lịch sử, gắn với phát triển du lịch, văn hóa thị xã Thuận Thành
Thị xã Thuận Thành, một trong những vùng đất cổ của người Việt - quê hương của những huyền thoại - lịch sử, cái nôi của văn minh lúa nước. Trải qua bao biến cố, thăng trầm, mảnh đất và con người Luy Lâu - Siêu Loại - Thuận Thành đã tạo dựng nên những giá trị văn hoá giàu tính nhân văn và đậm đà sắc thái riêng có của người Bắc Ninh - Kinh Bắc.
Chùa Dâu là “Tổ đình của Phật giáo Việt Nam”
Thời gian qua, Thị ủy, UBND thị xã Thuận Thành thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức quán triệt, triển khai đầy đủ, kịp thời các nội dung quy định, nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá và danh thắng gắn với phát triển du lịch. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền và thực hiện tốt công tác bảo tồn các giá trị di tích lịch sử - văn hóa bằng các hình thức đa dạng, phong phú phù hợp.
Hiện nay Thuận Thành là một trong những địa bàn có số lượng di tích lớn nhất tỉnh Bắc Ninh. Theo số liệu kiểm kê, hiện trên địa bàn thị xã có 234 điểm di tích. Tính đến nay, toàn thị xã có 85 di tích được Nhà nước xếp hạng, trong đó có 02 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt là Chùa Dâu và Chùa Bút Tháp, 22 di tích xếp hạng quốc gia và 61 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Ngoài ra, trên địa bàn thị xã còn có 07 bảo vật và nhóm bảo vật quốc gia được lưu giữ tại Chùa Bút Tháp xã Đình Tổ, chùa Linh Ứng phường Gia Đông và hệ thống chùa Tứ Pháp vùng Dâu- Luy Lâu, đặc biệt năm 2024, Thuận Thành tiếp tục có Bộ mộc bản Chùa Dâu được công nhận bảo vật quốc gia.
Bên cạnh các loại hình văn hóa vật thể: Đình, đền, chùa, thành, lăng mộ… Thuận Thành còn bảo tồn, giữ gìn và phát huy được các giá trị văn hóa phi vật thể hết sức độc đáo, đa dạng và phong phú như: Tranh dân gian Đông Hồ, Múa rối nước Đồng Ngư, hát Ca trù Thanh Khương, hát Trống quân Bùi Xá... Hiện nay tranh dân gian Đồng Hồ và Hát trống quân Bùi Xá đã được Nhà nước xếp hạng công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Tranh dân gian Đông Hồ đang đệ trình UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Toàn thị xã có 16 nghệ nhân được tỉnh xét công nhận nghệ nhân văn hóa phi vật thể (có 06 nghệ nhân thuộc loại hình hát trống quân, 10 nghệ nhân múa rối nước Đồng Ngư) và 04 nghệ nhân làng nghề Tranh dân gian Đông Hồ.
Lăng mộ Kinh Dương Vương - Thủy tổ của người Việt cổ
Hệ thống di tích ở Thuận Thành phản ánh chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước và quá trình giao thoa, tiếp biến, phát triển văn hóa của người Việt. Tiêu biểu như lăng và đền thờ Kinh Dương Vương - Thủy tổ của người Việt cổ; chùa Dâu - Tổ đình của Phật giáo Việt Nam; danh lam cổ tự chùa Bút Tháp; các di tích thờ Sĩ Nhiếp - Nam giao học tổ... Gắn liền với di tích lịch sử văn hóa là gần 90 lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm với nhiều nghi thức, phong tục độc đáo, đặc sắc. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể của quê hương Thuận Thành cũng được nhận diện, kiểm kê, đưa vào danh sách bảo tồn và phát huy, tiêu biểu như: Múa rối nước Đồng Ngư, hát Ca trù ở Thanh Khương, hát Trống Quân ở Ninh Xá, Song Liễu, hát Chèo ở Gia Đông... Ngoài ra còn có các làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như Tranh dân gian Đông Hồ, gốm Luy Lâu... cùng nhiều sản vật, món ăn ngon nức tiếng: Gà Hồ, Nem Bùi Xá, Đậu phụ Trà Lâm, bánh cuốn Mão Điền, cháo Thái, Tương Đình Tổ...
Những năm qua, Thuận Thành luôn quan tâm, tích cực huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị di tích, chú trọng bảo tồn di sản văn hóa gắn liền với phát triển du lịch văn hóa. Thị xã cũng tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh nghiên cứu phát huy giá trị di tích, từng bước biến tiềm năng di sản văn hóa trở thành nguồn tài nguyên quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thị xã như xây dựng quy hoạch phát triển du lịch, thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành thiết kế các tour, tuyến, điểm du lịch... Thị xã đưa vào hoạt động website có tên miền “disanvanhoathuanthanh” nhằm giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa tiêu biểu bằng công nghệ 3D, giúp du khách cập nhật, khai thác, tìm hiểu sâu hơn về văn hóa, truyền thống lịch sử văn hiến của quê hương; quảng bá di sản văn hóa thông qua các lễ hội lớn... Cơ quan, ban, ngành của thị xã và chính quyền các xã, phường trong thị xã cũng tích cực phối hợp, cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi giúp các cơ quan báo chí tìm hiểu tư liệu, sản xuất phim, phóng sự, tin, bài tuyên truyền quảng bá di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương. Bên cạnh đó, phối hợp thực hiện các cuộc khai quật khảo cổ học, lập hồ sơ xếp hạng di tích, kiểm kê di sản văn hóa... Ước tính mỗi năm Thuận Thành đón khoảng 200 nghìn lượt khách du lịch, góp phần tạo việc làm và thu nhập cho một bộ phận người dân địa phương. Thị xã Thuận Thành cũng khuyến khích sáng tạo, đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; thường xuyên phối hợp với các Công ty lữ hành để nâng cấp các điểm đến, tour, tuyến du lịch, gắn hoạt động tín ngưỡng, lễ hội với tham quan trải nghiệm, vui chơi giải trí của du khách; nghiên cứu tổ chức các chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật và đưa vào khai thác, phục vụ khách du lịch trong những không gian, thời gian phù hợp; quan tâm thúc đẩy sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống, các sản vật quý của địa phương để phục vụ nhu cầu mua sắm, làm quà tặng du lịch.
Tuy vậy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch ở Thuận Thành còn nhiều khó khăn bức thiết cần được tháo gỡ như: Du lịch chưa phát triển tương xứng; Khả năng thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực phát triển du lịch còn hạn chế; Cơ sở hạ tầng dù được quan tâm đầu tư nhưng thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch; Hoạt động quản lý và phát huy giá trị tại các di tích chưa hiệu quả cao...
Thời gian tới, để thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, di tích lịch sử, gắn với phát triển du lịch trên địa bàn thị xã Thuận Thành, xứng đáng với đặc trưng của vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc, thị xã tập trung thực hiện đồng bộ nhóm giải pháp dưới đây:
Thứ nhất, xây dựng đề án và có kế hoạch phát triển du lịch, văn hóa di sản phù hợp, cần có sự lựa chọn sản phẩm du lịch dựa trên nền tảng phát huy giá trị di sản văn hóa, phát triển du lịch có trách nhiệm gắn với văn hóa cộng đồng, nâng cao nhận thức, bảo vệ lợi ích và phát huy vai trò của cộng đồng.
Thứ hai, tập trung đầu tư về hạ tầng du lịch và phát triển sản phẩm du lịch mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách khi đến Thuận Thành, Bắc Ninh. Quan tâm đầu tư, nâng cấp, mở rộng khu tâm linh đền và lăng Nam giao học tổ Sỹ Nhiếp (Khu phố Tam Á, phường Gia Đông) để từng bước hình thành chuỗi du lịch tâm linh trên địa bàn thị xã và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; chỉnh trang không gian du lịch toàn diện và đồng bộ hơn. Tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế và tính chuyên nghiệp trong các hoạt động văn hóa, nhất là các kỳ Festival.
Thứ ba, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên trong lĩnh vực du lịch sáng tạo, thích ứng.
Thứ tư, đẩy nhanh xây dựng hệ thống dữ liệu số hóa về di sản văn hóa Thuận Thành. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khai thác di sản văn hóa và phát triển du lịch di sản, tâm linh. Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư có thương hiệu, tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực du lịch di sản, tâm linh… Cùng với đó là việc mở rộng quan hệ quốc tế, hợp tác phát triển trên các lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, đầu tư phát triển du lịch, quảng bá du lịch,... với các tỉnh, thành phố, tổ chức quốc tế./.
Nguyễn Thị Mai – Văn phòng Tỉnh ủy