Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể Dân ca Quan họ Bắc Ninh
Ngày 30/9/2009, hình thức diễn xướng văn hoá dân gian Quan họ đã được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là niềm tự hào và là động lực to lớn để Dân ca Quan họ tiếp tục phát triển vượt qua ranh giới quốc gia và lan toả rộng rãi. Những năm qua, Bắc Ninh không ngừng nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể Dân ca Quan họ Bắc Ninh
Ý thức được tầm quan trọng trong bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, bên cạnh chú trọng xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bắc Ninh luôn quan tâm, đầu tư nguồn lực để bảo tồn, phát huy các loại hình di sản văn hóa với các chính sách cụ thể của từng lĩnh vực bảo tồn di sản.
Công tác tuyên truyền, quảng bá được chú trọng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp và cộng đồng nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Tỉnh đã triển khai Đề án số hóa di sản để bảo tồn bền vững kho tàng di sản văn hóa của quê hương, đồng thời hoàn thành Đề án sản xuất phim tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa tiêu biểu, mở ra cơ hội cho di sản văn hóa Bắc Ninh “hội nhập” trong xã hội hiện đại.
Điển hình về sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Bắc Ninh là chuỗi chương trình hành động bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca Quan họ Bắc Ninh. Ngay sau khi được UNESCO vinh danh, tỉnh triển khai hàng loạt chủ trương, chính sách thiết thực để di sản dân ca Quan họ có được sức sống mới trong đời sống hiện đại. Bên cạnh thực hiện đầy đủ các cam kết với UNESCO, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá dân ca Quan họ Bắc Ninh trên các phương tiện truyền thông; đầu tư tổ chức nhiều sự kiện chính trị, ngoại giao văn hóa quy mô lớn để quảng bá di sản. Nổi bật là Chương trình Festival “Về miền Quan họ”, chương trình giao lưu văn hoá DCQH Bắc Ninh với Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Đờn ca tài tử Nam Bộ, các chương trình biểu diễn, giới thiệu, quảng bá DCQH tới bạn bè trong nước và quốc tế; duy trì tổ chức chương trình hát quan họ trên thuyền...
Việc truyền dạy Dân ca Quan họ được mở rộng với nhiều hình thức từ hệ thống các cơ sở giáo dục đến cộng đồng dân cư. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống thiết chế đặc thù (Nhà hát, Nhà chứa Quan họ) và ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích sự phát triển của các làng Quan họ thực hành. Tỉnh Bắc Ninh cũng dành nhiều kinh phí đầu tư hỗ trợ xây dựng các thiết chế văn hoá, các trang thiết bị liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Dân ca Quan họ.
Các nghệ nhân truyền dạy Quan họ trong nhà trường
Tỉnh phối hợp với Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các hình thức hát Quan họ truyền thống, một số phong tục đặc trưng trong sinh hoạt văn hoá Quan họ; sưu tầm, ghi âm, ghi hình các bài bản Quan họ cổ; ký âm các lời ca Quan họ. Kết quả sưu tầm đáp ứng công tác nghiên cứu và phát huy giá trị của DCQH Bắc Ninh. Triển khai sưu tầm được 44 hiện vật liên quan đến sinh hoạt văn hóa Quan họ: 02 bộ trang phục Quan họ nam, nữ cổ; 01 bộ bàn ghế gỗ gụ, bộ tràng kỷ gỗ gụ, nồi nấu cơm, soạn, mâm, bát, đĩa, ấm, tách, chén, bình vôi… đồ dùng trong sinh hoạt văn hoá Quan họ đầu thế kỷ XX. Các hiện vật bảo đảm tính khoa học, có nhiều giá trị quan trọng, được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. Từ năm 2013 đến nay, Nhà hát DCQH Bắc Ninh tiến hành ký âm được 160 bài, sưu tầm được 110 bài Quan họ cổ, phục dựng các hình thức hát Quan họ truyền thống.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có trên 600 câu lạc bộ Quan họ, trong đó được công nhận 44 làng Quan họ gốc, 150 làng Quan họ thực hành. Đặc trưng nổi bật của các Câu lạc bộ Quan họ này là hoạt động rất mạnh trên cơ sở tự nguyện của những người yêu thích đam mê DCQH Bắc Ninh, kinh phí hoạt động cơ bản do tự đóng góp (xã hội hóa). Các hoạt động ca hát Quan họ phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của địa phương. Hệ thống Câu lạc bộ được thành lập đã tạo nên một mạng lưới sinh hoạt rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở, trở thành một trong những “cái nôi” lưu giữ, nuôi dưỡng DCQH Bắc Ninh. Đây thực sự là mô hình sinh hoạt tập thể, hướng tới việc lưu giữ, bảo tồn, phát huy nhưng giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời là môi trường ươm mầm những tài năng nghệ thuật, nhất là thế hệ trẻ. Đặc biệt, một số Câu lạc bộ Quan họ đã góp phần tích cực vào phát triển du lịch cộng đồng, gắn phong trào văn hóa văn nghệ với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Du khách đến Bắc Ninh không chỉ tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, mà còn có thể tìm hiểu bản sắc văn hóa của mỗi địa phương thông qua các chương trình giao lưu văn nghệ tại các điểm du lịch, các làng văn hóa, cơ sở lưu trú…
Ngoài ra, trên địa bàn toàn tỉnh có 547 lễ hội được diễn ra trong cả năm, hầu hết, phần hội mang đậm sinh hoạt văn hóa Quan họ. Hát Quan họ đã trở thành nét đặc trưng, riêng có bao trùm lên lễ hội vùng Kinh Bắc...
Nhiều chính sách của tỉnh thời gian qua có ý nghĩa, tác động thiết thực đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Điển hình như chính sách tôn vinh, đãi ngộ các nghệ nhân, nghệ sĩ chuyên nghiệp; hỗ trợ các làng quan họ gốc, làng quan họ thực hành, các CLB quan họ tiêu biểu... Đó là nguồn khích lệ, động viên các nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân thêm hăng say trong nghề, tích cực cống hiến, truyền dạy, phát huy giá trị di sản trong đời sống cộng đồng; khích lệ tầng lớp nghệ nhân kế cận (những người trẻ) tích cực tham gia, cống hiến nhiều hơn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và dân ca Quan họ Bắc Ninh nói riêng.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tỉnh Bắc Ninh luôn đi đầu trong việc lan tỏa di sản văn hóa tới cộng đồng quốc tế. UBND tỉnh phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam tại Pháp tổ chức “Đêm Văn hoá Bắc Ninh - Kinh Bắc” nhân kỷ niệm 15 năm dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện nhân loại (2009-2024). Tại sự kiện, ngoài thưởng thức các làn điệu quan họ, các khách mời cũng trực tiếp nghe giới thiệu về nghệ thuật làm tranh dân gian Đông Hồ hết sức độc đáo của tỉnh Bắc Ninh.
Những nỗ lực không ngừng đó đã cho thấy cam kết của tỉnh Bắc Ninh tiếp tục dành ưu tiên cho nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người, tập trung nguồn lực, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch... góp phần giúp những di sản văn hóa đó mãi trường tồn với thời gian và lan tỏa ở mọi nơi.
Nguyễn Thị Mai – Văn phòng Tỉnh ủy