Bắc Ninh: Một số kết quả phát triển kinh tế - xã hội nổi bật năm 2024
Năm 2024, Bắc Ninh gặp những thuận lợi và khó khăn, thách thức do tình hình thế giới và trong nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn đã ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, thường xuyên là Thường Trực Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy; sự giám sát, đồng hành hiệu quả của HĐND tỉnh; với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; sự vào cuộc của người dân và doanh nghiệp, tỉnh Bắc Ninh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa; an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Dây chuyền sơn tĩnh điện của Công ty Cổ phần Công nghiệp KIMSEN (KCN Yên Phong)
Năm 2024, toàn tỉnh tập trung, quyết liệt thúc đẩy phục hồi kinh tế và đạt nhiều chuyển biến tích cực; Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước 232,8 nghìn tỷ đồng (giá HH), tăng 6,03% so với năm 2023; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,15%; công nghiệp - xây dựng tăng 6,00%; dịch vụ tăng 7,04%; thuế sản phẩm tăng 5,13%. Thu nhập bình quân đầu người ước 73 triệu đồng, tăng 14,8%.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhẹ ở khu vực dịch vụ: khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 70,3%; dịch vụ chiếm 22,34%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 3,02%; khu vực thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,34% (tương ứng năm 2023 là: 72,2% - 20,7% - 2,9% - 4,3%).
Sản xuất nông nghiệp được quan tâm chỉ đạo, đặc biệt là các biện pháp phòng, chống, khắc phục sự cố do Bão số 3 (Yagi) gây ra; nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, chương trình OCOP, ngành nghề nông thôn và xây dựng nông thôn mới được thông qua; đến nay, diện tích gieo trồng đạt 57.314 ha, giảm 2,2% so với năm 2023; chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; tổng sản lượng cá thịt ước 38,8 nghìn tấn, giảm 1,3%; có 181 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó có 66 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Ban hành Nghị quyết số 193-NQ/TU, ngày 29/11/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn các huyện Lương Tài, Gia Bình đến năm 2030.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được đẩy nhanh; dự kiến năm 2024 có thêm 20 xã nông thôn mới nâng cao, 01 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 30 thôn nông thôn mới kiểu mẫu.
Sản xuất công nghiệp được tập trung chỉ đạo quyết liệt; thu hút, cấp mới nhiều dự án công nghệ cao trong nhóm ngành công nghiệp trọng điểm của tỉnh; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 5,7% so với năm 2023; trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 5,6%; chỉ số sử dụng lao động toàn ngành công nghiệp giảm 4,75%, trong đó khu vực FDI giảm 5,2%. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp mới được thành lập: Thuận Thành I, VSIP II, Gia Bình và Gia Bình II; Quế Võ III- phân khu 2; Cụm công nghiệp Lâm Bình (Lương Tài)...
Hoạt động thương mại - dịch vụ và du lịch tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước 101 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2023; phát triển nhiều sản phẩm du lịch có giá trị kinh tế; tổng lượt khách du lịch ước 2,3 triệu lượt khách, tăng 40%; doanh thu du lịch ước 1,9 nghìn tỷ đồng, tăng 50%.
Hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp được đẩy mạnh; thực hiện xúc tiến đầu tư, hợp tác phát triển tại 19 quốc gia; tổ chức gặp mặt doanh nhân hằng tháng (từ tháng 10/2024); gặp mặt các doanh nghiệp FDI tiêu biểu để đồng hành, tháo gỡ những khó khăn, kiến nghị của doanh nghiệp. Cấp mới 359 dự án FDI (tăng 2,9% so năm 2023) với tổng vốn đăng ký 1,8 tỷ USD (tăng 70,7%); điều chỉnh vốn 174 dự án với vốn điều chỉnh tăng gần 3 tỷ USD; thu hồi 79 dự án; lũy kế đến nay, có 2.418 dự án còn hiệu lực với tổng vốn 29,8 tỷ USD. Cấp mới 49 dự án trong nước (tăng 2,2 lần) với tổng số vốn đăng ký 13,6 nghìn tỷ đồng (tăng gấp 3 lần), cấp điều chỉnh 107 dự án với tổng số vốn tăng 1,9 nghìn tỷ đồng; lũy kế đến nay có 1.600 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn 274,4 nghìn tỷ đồng. Thành lập mới 3.517 doanh nghiệp (tăng 10,1%) với tổng vốn 35,5 nghìn tỷ đồng (tăng 9,8%) và 1.141 đơn vị trực thuộc; giải thể 407 DN (tăng 34%); tạm dừng hoạt động 1.865 (tăng 2,1%); 981 hoạt động trở lại (tăng 17%).
Thu, chi ngân sách và hoạt động ngân hàng: Ước thu ngân sách Nhà nước 33.169 tỷ đồng, đạt 106,18% dự toán; chi ngân sách địa phương ước 21.046 tỷ đồng, đạt 99,7% dự toán. Hoạt động tiền tệ, tín dụng, ngân hàng ổn định, nguồn vốn đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị được tập trung cao: Tổ chức thành công Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Ninh năm 2024; tập trung hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh; phê duyệt 26/29 đồ án Quy hoạch phân khu , là một trong các tỉnh có tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu cao của cả nước; chấp thuận chủ trương điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Hồ và phụ cận, Quy hoạch vùng huyện Gia Bình, Lương Tài; thành lập thị trấn Nhân Thắng, huyện Gia Bình; tỷ lệ đô thị hóa duy trì mức 60,3%. Ban hành danh mục dự án thu hút đầu tư tỉnh Bắc Ninh năm 2024, định hướng năm 2030; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội; khởi công xây dựng dự án Nhà ở xã hội tại thị xã Quế Võ.
Công tác quản lý đầu tư công được tăng cường hiệu lực, hiệu quả: Kịp thời rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; thực hiện phân bổ công khai, minh bạch vốn đầu tư công theo đúng quy định. Tập trung nguồn vốn đầu tư tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đáp ứng tiêu chí đô thị loại I. Chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Kết luận số 745-KL/TU, ngày 21/6/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT trên địa bàn tỉnh. Phát động phong trào thi đua “100 ngày cao điểm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn”; “455 ngày đêm hoàn thành xây dựng đường song hành (đường đô thị) đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội”; tổ chức khởi công Cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương; Dự án Sân bay Gia Bình. Quyết liệt chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư và khởi công, khánh thành một số công trình, dự án trọng điểm: Đường Vành đai 4, TL295C, TL285B, TL277B, Cầu Nét, Cầu Kênh Vàng...
Công tác quản lý tài nguyên, đất đai, bảo vệ môi trường được tập trung cao và có chuyển biến tích cực. Hoàn thành việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 của các huyện, thị xã, thành phố; ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định các tiêu chí để quyết định thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất; Quy định đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất; triển khai kế hoạch thu ngân sách từ các dự án sử dụng đất; thông qua danh mục các khu đất thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất; quyết liệt chỉ đạo kiểm tra, rà soát các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất, vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn tỉnh; tập trung tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB, tái định cư, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm của tỉnh. Thành lập 04 Đoàn công tác của tỉnh đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý các trường hợp giao đất ở không đúng thẩm quyền, sử dụng đất lấn chiếm, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thực hiện các dự án đất dân cư dịch vụ trên địa bàn thành phố Bắc Ninh, Từ Sơn, thị xã Thuận Thành, huyện Tiên Du. Tăng cường xử lý ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê, Cụm công nghiệp Phú Lâm và xã Văn Môn…
Quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế. Tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho nhân dân; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, chương trình tiêm chủng mở rộng; triển khai có hiệu quả chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế theo Đề án 06; hoàn thành việc đưa các Trung tâm y tế đa chức năng về UBND cấp huyện quản lý.
Chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục được nâng lên. Chất lượng giáo dục toàn diện ổn định ở mức cao, đứng thứ 5 cả nước về điểm trung bình kỳ thi tốt nghiệp THPT, có 13 thủ khoa và tỷ lệ thí sinh đạt điểm trên 26,5 các khối A, D, A1 dẫn đầu toàn quốc, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2024 đạt 99,81%, tăng 0,15% so với năm 2023. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định; có 79/86 thí sinh đoạt giải kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia năm học 2023-2024 , đứng thứ 2 cả nước; 03/03 thí sinh đoạt giải kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế (01 HCV, 02 HCĐ).
Tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 15 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; ban hành quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, khu phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh.
Triển khai hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục các sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh, giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, xử phạt 26 cơ sở chưa đảm bảo an toàn thực phẩm. Năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm với 04 người mắc, không có ca tử vong.
Ban hành nhiều chủ trương, chính sách đặc thù hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội, nhà giáo, học sinh, sinh viên trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ngành công nghiệp bán dẫn; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 79%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 2,18%. Đẩy nhanh triển khai Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh; Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội; mở rộng đối tượng vay vốn, hạn mức ủy thác nguồn vốn ngân sách địa phương. Thăm, tặng quà dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024 trên 124 tỷ đồng; năm 2024 tỉnh Bắc Ninh công bố không còn hộ nghèo (hoàn thành trước 01 năm so kế hoạch).
Hoạt động khoa học công nghệ, thông tin truyền thông được đẩy mạnh: Tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc và ký số văn bản điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đạt và vượt chỉ tiêu được giao (cấp tỉnh đạt 97,27%; cấp huyện 98,38%; cấp xã 99,19%); tỷ lệ xử lý trên ứng dụng Phản ánh kiến nghị đạt 86%; đứng thứ 6/250 đơn vị trong Diễn tập an toàn thông tin mạng quốc tế ACID năm 2024.
Công tác nội vụ, cải cách hành chính được chú trọng: Ban hành Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 (đã sắp xếp giảm 02 phường, 03 xã) và thành lập Thị trấn Nhân Thắng thuộc huyện Gia Bình; xây dựng Đề án thành lập thành phố Bắc Ninh trực thuộc Trung ương; thị xã Quế Võ, Thuận Thành được nâng cấp lên đơn vị hành chính loại I; rà soát, sửa đổi, bổ sung Nghị quyết của HĐND tỉnh về một số chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, khu phố và người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, khu phố; ban hành Quy chế tuyển dụng công chức cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thành công Hội nghị Cải thiện các chỉ số điều hành, quản trị địa phương Bắc Ninh năm 2024; tỉnh Bắc Ninh đứng thứ 03 cả nước và đứng thứ nhất vùng Đồng bằng Sông Hồng về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023.
Công tác thanh tra có trọng tâm, trọng điểm; quyết liệt chỉ đạo tăng cường thanh tra công vụ, quyết liệt xử lý triệt để hiện tượng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng vặt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên các lĩnh vực.
Quân sự, quốc phòng địa phương được đảm bảo, chuẩn bị tốt nhiệm vụ diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định; kiềm chế sự gia tăng tội phạm. Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ huyện Tiên Du; diễn tập phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn huyện Lương Tài.
Công tác đối ngoại mở rộng, hợp tác, hội nhập quốc tế được tăng cường. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ, địa phương, đơn vị nhằm nâng cao vị thế của tỉnh; các đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh thăm, làm việc và tham dự các Hội nghị, sự kiện xúc tiến đầu tư tại Trung Quốc, Kazakhstan, Châu Âu, Hoa Kỳ, Cuba, Đức, Séc, Hung-ga-ri, Thuỵ Sĩ, Italia, Monaco... Hiện có trên 2.100 doanh nghiệp của 41 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Bắc Ninh, với hơn 20.000 người nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 đề ra, toàn tỉnh tập trung thực hiện chủ đề năm “Tập trung sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; quyết tâm hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI; tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại đáp ứng tiêu chí đô thị loại I vào cuối năm 2025; tạo chuyển biến rõ nét về bảo vệ môi trường, đột phá về chuyển đổi số, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”, cùng với 5 quyết tâm chính trị:
(1) Thực hiện đồng bộ các giải pháp, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025; phấn đấu hoàn thành 10 công trình và khởi công 10 công trình trọng điểm, tiêu biểu chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, tạo niềm tin, khí thế, động lực cho giai đoạn phát triển mới. Tập trung hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; các dự án có nhiều khó khăn, vướng mắc phải điều chỉnh tiến độ thực hiện trong năm 2025. Chủ động thực hiện các bước khảo sát chuẩn bị đầu tư một số dự án trọng điểm để khởi công khi cân đối được nguồn lực bổ sung.
(2) Tiếp tục nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư; triển khai ít nhất 02 dự án khu đô thị thông minh, hiện đại đẳng cấp quốc tế; hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội công nhận huyện Yên Phong và huyện Tiên Du lên đô thị loại III; xây dựng Đề án thành lập thành phố Yên Phong và thành phố Tiên Du trực thuộc tỉnh.
(3) Đẩy nhanh tiến độ triển khai Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số năm 2025; duy trì thứ hạng bộ chỉ số chuyển đổi số (DTI) của tỉnh trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu toàn quốc toàn quốc; hoàn thành việc thí điểm mô hình chuyển số toàn diện cấp phường trên địa bàn thành phố Bắc Ninh; tăng hiệu quả tương tác giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp thông qua ứng dụng di động tập trung có sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
(4) Tiếp tục tăng cường xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh, trong đó: xử lý cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại phường Phong Khê, cụm công nghiệp Phú Lâm và xã Văn Môn; tiếp tục rà soát, đưa ra các giải pháp xử lý cơ bản các điểm nóng ô nhiễm môi trường còn lại trên địa bàn tỉnh; phấn đấu đưa Bắc Ninh trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước xử lý toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày bằng công nghệ đốt rác phát năng lượng công nghệ cao.
(5) Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức lãnh đạo xây dựng tỉnh phát triển nhanh và bền vững; siết chặt kỷ luật kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ, ngăn ngừa các biểu hiện đùn đẩy né tránh, chống lãng phí, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý kỷ luật đấu tranh phòng chống tham nhũng./.
Nguyễn Thị Mai – Văn phòng Tỉnh ủy