Ảnh hưởng của truyền thống quê hương, gia đình đến sự hình thành nhân cách, lý tưởng cách mạng của đồng chí Lê Quang Đạo

21/06/2021 10:34 Số lượt xem: 407

Đồng chí Lê Quang Đạo, người con ưu tú của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và Quân đội cùng Nhân dân Việt Nam tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyện, sinh ngày 8 tháng 8 năm 1921 tại xã Đình Bảng (nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) trong một gia đình, một dòng họ, một quê hương có truyền thống yêu nước, nơi phát tích Vương triều Lý và là một trong những cái nôi của cách mạng Việt Nam. Đình Bảng  đã bốn lần vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, căn dặn Nhân dân và cán bộ bao điều quý giá; Đơn vị AHLLVTND trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Đồng chí Lê Quang Đạo là con trai của ông Nguyễn Đức Cung (tức ông Thơ La từng là thơ ký Hội đồng hương chính xã) và bà Nguyễn Thị Lạc (bà Thơ La) ở thôn Tỉnh Cầu, làng Đình Bảng. Từ xưa, nơi đây một làng là một xã, chín thôn chung trong một khoảnh tre. Thôn này liền thôn kia chung đường ngõ. Ra vào đi chung các cổng làng cổ kính trên đắp chữ nổi “Lý nhân vi mĩ” (người làng quê vua Lý làm việc thiện). Làng gắn liền với nước, Đình Bảng gần Thăng Long - Hà Nội, ngay phía bắc thủ đô, chỗ cây số 15 đường Quốc lộ 1A. Nông thôn đấy nhưng cũng rất vẻ thành thị. Người dân sống nối đời nông công thương cùng mở mang, quan hệ rộng với các miền đất nước, ra cả nước ngoài.

     Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, gia đình nhà Lê Quang Đạo vừa làm ruộng, vừa làm thủ công, nhuộm vải thâm và cả chạy chợ buôn bán vải, nhưng đời sống vẫn thiếu thốn nhiều. Sinh thời, đồng chí Lê Quang Đạo đã có tự sự: “Ngày ấy, đẻ tôi dù tảo tần, dè sẻn từng xu cho việc chi tiêu của gia đình, mà gia cảnh cứ ngày càng khó khăn...Tôi chịu ảnh hưởng của thầy tôi tình yêu thơ văn, còn từ đẻ tôi những bài học đối nhân xử thế qua những bài ca dao, những câu tục ngữ, những truyện cổ tích... Tôi vừa phải đi học vừa làm gia sư, vừa viết báo. Và có thể nói hoạt động cách mạng đầu tiên của tôi là hưởng ứng Hội truyền bá quốc ngữ kêu gọi dân làng đi học...”.

     Truyền thống quê hương và gia đình như gương soi, con người từ tuổi thơ được chịu ảnh hưởng để phát triển nhân cách. Đương nhiên còn ở bản lĩnh học tập, luyện rèn của mỗi con người có khác nhau và truyền thống gia đình ấy, tốt hay xấu. Mỗi con người sinh ra, lớn lên, rồi đến độ trưởng thành, nhân cách hình thành và phát triển đều chịu ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau, ít hay nhiều từ truyền thống quê hương và gia đình, phẩm chất đạo đức nếp sống trong nhà, trong họ, trong làng theo những gia qui, những hương ước lệ làng từ cái nhỏ đến cái lớn trong cuộc sống hằng ngày và sự giáo dục truyền dạy từ nhà trường, môi trường sống của xã hội. Nội dung này phong phú, gồm nhiều mặt: Nhân ái, yêu nước, hiếu học, hăng say lao động, cách đối nhân xử thế, lý tưởng cách mạng.  Nhân cách con người, bắt đầu từ nhân cách học trò, trẻ em tâm hồn trong trắng. Đối với đồng chí Lê Quang Đạo tiếp nối thì là nhân cách công dân, nhân cách nhà giáo, nhà báo, nhân cách đoàn viên, nhân cách đảng viên Cộng sản, nhân cách cán bộ của Đảng, của Nhà nước, của Mặt trận, của Quân đội, dần từ thấp lên cao. Nhân cách này có trong nhân cách kia, tô thắm cho nhau để hoàn thiện nhân cách con người trong thời đại cách mạng “độc lập tự do, vì Chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc Nhân dân!” chẳng thể tách rời nhau.

       Đồng chí Lê Quang Đạo là con thứ bảy trong gia đình. Sáu chị trước qua đời sớm. Cha mẹ thường đi lễ bái cầu xin ở các đền chùa trong vùng nên khi sinh được con trai, đặt tên cho là Nguyễn Đức Nguyện, cảm ơn thần linh đã cho được               “như nguyện”. Nguyện cầu, lòng thành lại nguyện hứa nên người nhân cách tốt. Nguyễn Đức Nguyện còn có em trai là Nguyễn Đức Nghiêm.

     Lê Quang Đạo là tên gọi của Nguyễn Đức Nguyện có từ khi đồng chí đã trưởng thành, thoát ly đi hoạt động cách mạng chuyên nghiệp cuối năm 1941, lúc vừa tròn 20 tuổi. Ý là đi con đường sáng “Đường cách mạng” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đường cách mạng vô sản của Lê Nin.  Đồng chí còn lấy bút danh là Ái Dân (nghĩa là yêu dân), là Minh (luôn giữ sự minh mẫn, đi đường sáng) v.v...

     Trong gia đình của đồng chí Lê Quang Đạo, ông nội là cụ Nguyễn Đức Khôi (hiệu Tự Phúc Trung). Dân làng gọi là cụ Đám Khôi, bởi cụ từng làm Quan Đám của làng, nhân cách đẹp gương mẫu đạo đức, đứng đầu trong các nghi lễ cúng tế thần linh của làng và các Tiên vương triều Lý, Thành hoàng và Lục Tổ. Dân làng kính trọng cụ Nguyễn Đức Khôi là một tấm gương đạo đức từ nhà ra đến làng, chăm chỉ việc làng, việc nước, am hiểu lẽ đời, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quan Đám chỉ một lần và chỉ trong một năm để rồi mãi được tiếng thơm lưu danh ở làng là cựu Quan Đám. Làng đã tặng cụ một bức hoành phi chữ to sơn mài truyền thống quê hương, trên chạm bốn chữ lớn “ TUẤN DƯƠNG THANH TỤNG” (ý nghĩa thật sâu xa: Con người tài hoa tuấn tú có sức như tuấn mã vươn xa. Nơi dương thế, tiếng thơm truyền tụng mãi). Ý nghĩa bức đại tự này, ông nội có giảng cho con cháu nghe, nhắc nhở toàn gia sống sáng trong đạo đức để xứng đáng với dân làng đã kính trọng yêu quý. Nhưng lúc đó Nguyễn Đức Nguyện còn nhỏ chưa hiểu được. Ông nội mất năm Nguyễn Đức Nguyện mới 5 tuổi, Nguyện thương nhớ ông lắm, vẫn thường hỏi thầy, hỏi các bác, các chú, các cô về ông nội Nguyễn Đức Khôi, Quan Đám của làng và bức hoành phi làng tặng. 

     Ngôi nhà của gia đình đồng chí Lê Quang Đạo trong làng Đình Bảng đã có trên một trăm năm ở sâu trong ngõ, trên miếng đất rộng gần một sào. Có nhà trên ba gian, gian giữa để hương án thờ, hai gian bên kê giường phản và tràng kỷ. Ngoài cùng là hai buồng hai bên. Nhà dưới ba gian, nhà ngang ba gian, nhà bếp một gian đều tường gạch, lợp ngói, sân nhỏ giữa nhà trên, nhà dưới, nhà ngang, vườn nhỏ sau nhà ngang và một gian bếp. Trong sân, đối diện với nhà ngang có bể chứa nước mưa do máng từ giọt mái nhà trên, mái nhà dưới cùng chảy vào, đủ nước mát lành dùng cả năm lấy nước rửa mặt, đun nước pha trà. Đầu bể có cây hương, trong có bát hương xây cao thờ thổ địa. Bên cây hương có mấy cây hoa hồng bạch, thường nhiều hoa và hoa rất thơm. Ông Nguyễn Đức Cung bảo phải chăm tưới những cây hoa đó cho tươi tốt làm cảnh đẹp cho nhà. Vả lại nếu con trẻ có ho thì lấy cánh hoa bôi chút mật ong vào hấp chín, ngậm vài lần là khỏi.

     Tất cả khu nhà đó nằm giữa những ngôi nhà ngói san sát của láng giềng thuộc thôn Tỉnh Cầu, liền thôn Đình có ngôi Đình lịch sử, trung tâm của làng. Cùng thầy Nguyễn Đức Cung yêu cây hoa, chăm sóc cây hoa, Nguyễn Đức Nguyện thêm yêu say nếp nhà.  

     Ông Nguyễn Đức Cung yêu đồng quê xưa có rừng cây Báng lớn, nhiều hồ nước, dấu tích sông Tiêu Tương. Ngoài việc làng, ông làm ruộng và đi quăng lưới bắt cá tôm ở chỗ dòng cổng Đình đoạn sông Tiêu Tương trước làng để có thêm con cá, con tôm cho bữa cơm gia đình đầm ấm. Chán thời cuộc giặc Tây thống trị mà chưa tìm được lối thoát, ông thường hay uống rượu và trầm ngâm, nhưng lại thích ngắm rồi đọc chữ ở cổng, thích ngắm rồi đọc những hoành phi, câu đối có ở trong nhà, có lúc lại giảng cho các con nghe.

     Cổng nhà đồng chí Lê Quang Đạo, sát trước cột trụ phải có gắn một con chó đá chỉ to hơn nắm tay, bảo đó là nghĩa khuyển giữ nhà. Cổng hướng nam này không để ngõ đâm thẳng vào mà xây lệch sang phía đông vài mét theo phong thủy tạo ra bút thích giác điền. Con cháu sẽ học chăm, học giỏi, nên người.

     Bên trên cổng vào nhà có bốn chữ nho lớn “CÀN KHAI - KHÔN HẠP” có nghĩa là “Trời mở - Đất đóng”. Giữa chữ “CÀN KHAI” và “KHÔN HẠP” có ba chữ nho viết theo chiều dọc “Kỷ Dậu niên” chỉ mốc thời gian xây dựng ngôi nhà này, như là một cách ghi mốc thời gian của lịch sử, ông cha truyền lại cho.

     Chữ trên cổng nhà chỉ là phần nhỏ trong nét văn hóa nhà, văn hóa làng quê Việt Nam, nhưng đậm tính tư tưởng giáo dục. Từ tuổi thơ nếu được hiểu biết qúa khứ lịch sử ngôi nhà mình ở với những nét thân quen cả khổ đau và hạnh phúc sẽ như một tia nắng xuân sớm chiếu vào hun đúc, làm sáng lên bản lĩnh nhân cách để trưởng thành mà sống chân chính trong hiện tại và tương lai.      

     Trong ngôi nhà trên (hướng đông) của gia đỉnh đồng chí Lê Quang Đạo, tại gian giữa, trên ban thờ treo bức hoành phi có hai chữ “TỈNH THUẬT” thư pháp đẹp (có nghĩa rất rộng là luôn phải xem xét, kiểm tra mọi nơi, mọi lúc). Câu này đúng với truyền thống gia đình. Tác động ít nhiều, gián tiếp hay trực tiếp cho bé Nguyện ngày nhỏ đã học được nếp sống thiện tâm nền nếp trách nhiệm với làng, với nước.

     Bên phải, ở gian cạnh treo bức hoành phi có hai chữ “DUY TẮC” (có nghĩa là  theo phép tắc, giữ vững kỷ cương phép tắc qui định đã có). Nghĩa gọn, dễ nhớ. Gia quy lễ độ với người trên. Ái thân với đồng gia, đồng tộc, đồng hương. Bữa cơm gia đình nồng ấm, thân thiết chuyện nhà, không vô cảm với đời. Lời cám ơn với người làm tốt cho mình. Lời xin lỗi khi mình làm phiền người khác. Nếp nhà theo thành ngữ “Gọi dạ, bảo vâng”, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng “, “học ăn, học nói, học gói, học mở”... Nguyện luôn chăm chú. Chăm chỉ học tập, lao động. “DUY TẮC” như một mệnh lệnh, người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan, luôn nhân lên cái tốt nghìn lần thương để cái xấu phải hổ mình co lại. Từ ông bà nội nhắc, đến thầy đẻ dạy răn, ”DUY TẮC” đã rèn Nguyễn Đức Nguyện sống nền nếp, kỷ cương từ nhỏ, việc đã đề ra thì làm đến nơi đến chốn. Lớn lên trưởng thành là Bí thư Chi bộ đầu tiên của Đình Bảng (tháng 8 năm 1940) khi mới trơn 19 tuổi đời, tích cực cùng đồng chí trong Chi bộ và Nhân dân thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ xây dựng Đình Bảng là An tòan khu I (ATK) của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ thời kỳ 1940 - 1945, rồi hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, làm bí thư Ban cán sự Đảng của Đảng bộ phủ Từ Sơn, làm bí thư Ban cán sự của Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh, của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang, Đảng bộ thành phố Hà Nội, Đảng bộ thành phố Hải Phòng, Đảng bộ tỉnh Phúc Yên, Bí thư liên tỉnh ủy Hà Nội - Hà Đông, từng tham gia Thường vụ xử ủy Bắc Kỳ rồi là cán bộ cấp cao hơn. Khi đã là Trung tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; là: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mà mỗi lần về làng, cho ô tô đậu xa ngoài cổng làng, đi bộ về, gặp ai cũng thân ái chào hỏi, tranh thủ thăm láng giềng, thăm họ hàng, hỏi thăm sức khỏe và cuộc sống. Người Đình Bảng rất quý đồng chí Lê Quang Đạo về nhân cách này. Nhân cách con người học nhau mà rèn luyện ở tâm có đức, có trí, có nghề. Học và hành để sống có nhân cách. Trưởng thành chức quyền càng cao, càng có điều kiện để lan tỏa “nhân cách vì nước, gần dân, trọng dân, vì dân”. Giá trị và ảnh hưởng của nhân cách lớn lắm. Được Nhân dân đánh giá là “người có nhân cách” thật là phúc đức lớn.

     Bên trái, ở gian cạnh treo bức hoành phi có hai chữ “THƯ HƯƠNG” có nghĩa là sách thơm. Nói đến việc học hành khoa cử, truyền thống đọc sách để học tập. Nghĩa gốc chỉ tâm tinh ham đọc sách, cảm nhận mùi hương của bột giấy từ trong sách bay ra. Gia thế thư hương, Thế đại thư hương, Thư hương chi tộc (con cháu nối đời kế thừa đạo học, đọc sách thanh hiền, lưu truyền tiếng thơm). Bức hoành phi này như nhắc nhở phải biết quý trọng sách, qúy trọng tri thức mà chăm chỉ học hành. Nhỏ tuổi chăm đọc sách, nghe truyện sẽ sớm thông minh. Trang sách, trang đời. Chọn sách tốt mà đọc, mà học tập, mà làm theo. Thầy đẻ cho tiền tiêu vặt thì Nguyễn Đức Nguyện dùng vào mua hoặc thuê sách báo ở cửa hàng sách Phạm Văn Hảo ở Phủ Từ Sơn mang về nhà đọc. Nhiều nội dung cuốn sách đồng chí Lê Quang Đạo đọc rồi, hiểu rồi, lại thường kể lại cho người thân, bạn bè nghe. Đọc nhiều, học nhiều nên giỏi, đặc biệt môn văn và sống có nhân cách. Có vốn tri thức uyên bác, đồng chí nói chuyện có duyên, sâu sắc, có sức truyền cảm lớn.

     Tại hai cột gỗ trước bên hương án thờ ở gian giữa nhà đồng chí Lê Quang Đạo có treo đôi câu đối chữ Hán rất đẹp, sơn son thếp vàng như để tôn vinh nội dung ý nghĩa mà ông cha trân trọng:  

                                        “Đạo đức tài bồi vinh quốc sủng

                                         Quang huy tế thế chấn gia thanh

           Tạm dịch nghĩa: 

                                         “Trau dồi đạo đức vinh ở nước

                                           Sáng nơi nối nghiệp nổi tiếng nhà”.

     Tại hai cột sau bên hương án thờ có đôi câu đối ý nghĩa sâu xa:

                                         “D hậu trường lưu phong khỉ trạch

                                           Phụng tiên bạc điện giản tần hương

           Tạm dịch nghĩa là:

                                          “Đời sau đầy đủ, ơn lộc lâu dài, phong phú

                                            Phụng thờ Tổ tiên, lễ bạc lòng thành, lưu hương”

    

     Ông Nguyễn Đức Cung thường nhắc con cháu trong gia đình ý nghĩa câu đối này, tâm đắc lắm. Khi ông uống rượu còn cao giọng ngâm nga, giảng giải, thể như muốn ai cũng nên nuốt lấy lời này. “Lời vàng, ý ngọc chẳng hề phai”. Chắc chắn từ tuổi thơ đến khi trưởng thành, Nguyễn Đức Nguyện thấm nhuần tinh thần này.

     Những bức hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng trong nhà đồng chí Lê Quang Đạo ở chốn quê, cội nguồn Tổ tiên như một cái bảng học vấn, quả có ý nghĩa như danh ngôn. Trong gia đình chọn treo lên ở nơi trang trọng linh thiêng để nối đời thực hiện như một gia quy, thành truyền thống nếp nhà. Đó là nét sáng văn hóa làng Việt Nam, văn hóa gia đình Việt Nam.

      Một lần, nhân ngày Tết, họp mặt gia đình, họ hàng, tôi có hỏi đồng chí Lê Quang Đạo: “ Chú có biết những chữ Hán trong những bức hành phi, câu đối này không?”. Đồng chí Lê Quang Đạo đã nói: “Ông nội và Thầy tôi có giảng cho, tôi có biết! Đó là những câu chữ có ý nghĩa và có nội dung giáo dục sâu sắc, gọn và tinh túy lắm. Trong đó có khát vọng nhân cách . Tất nhiên đó phải là những câu chữ hay. Người xưa chọn câu chữ viết hoành phi, câu đối nếu không đủ tài năng viết được thì thường phải nhờ đến người giỏi văn học, hiểu lịch sử, có tâm đức lớn chọn câu chữ cho”.

     Ở Đình Bảng, xưa con cái gọi người sinh thành ra mình là “Thầy, Đẻ” vậy nên Nguyễn Đức Nguyện gọi bà Thơ La Nguyễn Thị Lạc là Đẻ, rất thân thương. Bà Thơ La từ nhỏ đã được mẹ đẻ và các bà cùng ngõ xóm truyền khẩu, nên  thuộc truyện “Kim Vân Kiều” của danh nhân Nguyễn Du, các truyện nôm khuyết danh, như: “Thạch Sanh”, “Tống Chân - Cúc Hoa”, “Phạm Tải - Ngọc Hoa” và cả một kho truyện cổ tích. Nhiều buổi tối, bên ngọn đèn dầu, bà kể cho cả nhà nghe, tình cảm lắm. Thỉnh thoảng bà dừng lại, nói nhân vật này đáng yêu, nhân vật kia đáng ghét, hoặc hỏi Nguyện: “Con thấy người này thế nào?”. Nguyện nghe chăm chú, vẻ suy ngẫm và cũng thường trả lời ngay, được Đẻ khen một câu: “Con thông minh lắm!”.

     Được nghe Đẻ kể những câu chuyện, Nguyện rất thích, dễ nhớ và tưởng tượng ra bao điều cổ tích bổ ích. Thật sự ảnh hưởng tốt về tình thương, trách nhiệm, sự tin tưởng, hăng hái trên đường vào đời.

     Trước khi cho con đi học tiểu học ở trường làng, ở nhà ông Nguyễn Đức Cung đã dạy cho con học. Dạy cho biết đọc, biết viết và cần gì học nấy. Ông luôn truyền cho Nguyện lòng yêu quê, yêu nước, tình thương đồng bào. Thường tranh thủ những buổi chiều quê đưa Nguyện đi thăm các ngõ xóm của làng, giải nghĩa cho biết sự tích tên gọi mỗi thôn xóm. Thăm các di tích của làng, giảng cho biết về lịch sử văn hóa đền Đô thờ Lý Bát Đế. Đền Rồng thờ Lý Chiêu Hoàng. Chùa Cổ Pháp còn gọi là chùa Ứng Thiên Tâm, chùa Dận nơi Lý Công Uẩn ra đời và giải nghĩa bài thơ “Tức sự” của Lý Công Uẩn, thích câu: “Đêm khuya chẳng dám dang chân ruỗi / Chỉ sợ Sơn Hà Xã tắc nghiêng”. Thăm chùa Kim Đài - Quỳnh Lâm Tự, nơi Lý Công Uẩn từng làm tiểu. Chùa Giỏ - Quảng Đổ Tự nơi ánh sáng chiếu vào cho mọi người đến cầu phúc. Thăm Thọ lăng Thiên Đức nơi yên nghỉ của các vị vua triều Lý, trong đó có lăng Lý Thái Tổ gọi là lăng Lòng Chảo ở giữa trũng tròn hồ nước, đẹp như gương nhụy hương của một bông sen. Thăm Đình Đình Bảng gọi là đình làng Báng (vì làng xưa có rừng cây báng lớn), kiến trúc tuyệt xảo thờ Thần Hoàng và Lục Tổ của làng do cụ Nguyễn Thạc Lượng và bà vợ rất đảm là Nguyễn Thị Nguyên đã hưng công cùng dân làng khởi dựng từ năm 1700, xong vào năm 1736. Về sự tích ao làng thôn Trung Hòa gọi là ao Làn (làn nước thuyền Quan họ lướt hát vui), ao làng có ao Cả trên, ao Cả dưới, ao Tròn v.v... Ông cũng kể cho Nguyện nghe về những người đáng kính của quê nhà. Đó là những tấm gương yêu nước tham gia chống kẻ thù xâm lược.

     Những năm tháng tuổi thơ của đồng chí Lê Quang Đạo chịu ảnh hưởng của gia đình rất nhiều. Đó là gương soi hằng ngày để rèn mình lớn lên. Ông bà nội qua đời, còn ông bà ngoại, còn cả gia đình lớn, bao người yêu thương. Ai cũng đều là người đáng kính. Đó là gương soi đạo đức tuổi thơ cho Nguyễn Đức Nguyện nên người là Lê Quang Đạo.

     Bác trưởng Nguyễn Đức Nhạ khi làm lý trưởng của làng, vì bảo vệ dân chống lệnh quan trên, che giấu các nghĩa quân của Hoàng Hoa Thám về làng nên ông bị chính quyền bảo hộ cách chức, bắt đi tù. Ra tù trở về nhà làm ruộng, nhuộm vải thâm, lại giúp đỡ ủng hộ các đồng chí cách mạng mà đồng chí Lê Quang Đạo đưa về nhà nhờ giúp đỡ bảo vệ. Ông là người hiền từ, hay viết chữ “Phúc - Đức” trên giấy hồng điều tặng bà con để treo bên hương án thờ, luôn khuyến khích các con tham gia cách mạng và ủng hộ cách mạng. Con trai trưởng của bác trưởng là anh Nguyễn Đức Tốn, từng là học sinh giỏi của trường Tiểu học Đình Bảng, vào Sài Gòn hoạt động cách mạng từ năm 1941, làm cán bộ tuyên huấn của Đảng, hy sinh năm 1946, liệt sĩ “Tổ quốc ghi công”. Con thứ của ông là anh Nguyễn Đức Giao, tiếp là chị Nguyễn Thị Nụ, mỗi người ở nhà riêng, nhưng đều gây dựng cơ sở giúp đỡ bảo vệ nhiều đồng chí cán bộ cách mạng của Trung ương Đảng, của Xứ ủy Bắc Kỳ đi về hoạt động, đặc biệt đối với những việc, những cán bộ được đồng chí Lê Quang Đạo đưa về đề nghị giúp dỡ thì luôn sẵn sàng, đều đã cùng được Nhà nước tặng bằng “Có công với nước”. Con trai út của bác trưởng là Nguyễn Đức Thìn tuổi thiếu niên đã tham gia đội Thiếu niên du kích Đình Bảng anh hùng, trưởng thành là Anh hùng Lao động - Nhà giáo Nhân dân.

     Bác ruột thứ là ông Nguyễn Đức Quỳnh đã hưng công, dâng làng nhiều gạch đá lát đường, là cán bộ Mặt trận Việt Minh hoạt động bí mật, rất giỏi đánh cờ, rất chăm lo việc của đoàn thể cách mạng giao, được Nhà nước tặng Bằng và kỷ niệm chương “Có công với nước”. Con trai lớn của ông Nguyễn Đức Quỳnh là anh Nguyễn Đức Tuyền sớm là đảng viên, thân thiết, đồng tâm cùng ý chí với đồng chí với Lê Quang Đạo, từng là Bí thư chi bộ Đình Bảng năm 1947 rồi thoát ly làm cán bộ tuyên huấn của Đảng, luôn trách nhiệm việc làng, việc nước. Nhà ông Nguyễn Đức Quỳnh là cơ sở hoạt động của Xứ ủy Bắc Kỳ. Đồng chí Nguyễn Văn Trân đã bí mật đi về đây những năm tháng hoạt động cách mạng giải phóng Dân tộc.

     Cậu ruột của đồng chí Lê Quang Đạo là Nguyễn Duy Thân, em trai của mẹ, là người có ảnh hưởng lớn đối với đồng chí từ thời học sinh, trực tiếp giác ngộ dìu dắt Nguyễn Đức Nguyện vào Đoàn Thanh niên dân chủ, rồi Đoàn Thanh niên phản đế, vào Đảng Cộng sản, đề cử đồng chí Lê Quang Đạo là Bí thư Chi bộ đầu tiên của Đình Bảng. Đồng chí Nguyễn Duy Thân đã tham gia giành chính quyền trong những ngày cách mạng tháng Tám năm 1945 ở thủ đô Hà Nội rồi đã là Đại biểu Quốc hội khoá Một...

     Truyền thống quê hương, gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành nhân cách, lý tưởng cách mạng. Đồng chí Lê Quang Đạo tuổi thanh niên là một Trai Đình Bảng chí lớn mà khiêm nhường học tập rèn luyện trưởng thành, đi đây đi đó. Làng gắn liền với nước tình cảm sâu thẳm trong tim, qua cổng Thọ Môn của làng ra đường quốc lộ 1A là gắng đi xa, làm theo nếp làng “Lý nhân vi mĩ”. Càng trưởng thành lại càng cố gắng. Tổ quốc rộng lớn theo mỗi bước đi xa, gắn bó với đông đồng bào, đồng chí. Trí tuệ, bản lĩnh văn võ song toàn.  

     Năm 1962 khi về thăm trường cũ Tiểu học Đình Bảng, khi đó là trường cấp III Từ Sơn (nay là trường PTTH Lý Thái Tổ, Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới), theo yêu cầu của nhà trường, đồng chí Lê Quang Đạo đã thân tình kể về trường Kiêm bị Tiểu học Đình Bảng xưa, về thời học sinh của mình. Trường Kiêm bị tiểu học Đình Bảng (École Primaire complemantaire Đình Bảng) được thành lập ngày 29 tháng 11 năm 1929. Chín tuổi, Nguyễn Đức Nguyện mới bắt đầu vào học lớp đầu cấp tiểu học trường làng mới thành lập. Dáng người nhỏ nhắn, gương mặt xinh xinh nhưng phong cách đã có vẻ chững chạc của học trò trong bộ cánh áo dài đen, quần trắng, đầu đội mũ cát trắng, chân đi guốc mộc. Trường tiểu học Đình Bảng thời đó là một môi trường xã hội đối với Nguyễn Đức Nguyện vì ở đó được tiếp xúc với nhiều người ở các làng xã trong cả vùng năm huyện nên quen thân. Học ở thầy, học ở bạn được bao điều. Nguyễn Đức Nguyện sớm là học trò giỏi.

     Đồng chí đã kể năm học lớp Nhất cuối bậc tiểu học, thầy giáo cho đề văn “Miêu tả làng quê em”. Bài làm viết bằng Pháp văn. Khi thu bài, thầy giáo đọc ngay bài của Nguyễn Đức Nguyện, khen hay. Thầy gọi Nguyễn Đức Nguyện lên đọc bài đó trước lớp. Cả lớp vỗ tay, đề nghị cho sao chép để học tập. Rồi được đọc trước toàn trường, Thầy bạn đều khen. Khi về nhà, biết chuyện, cậu Nguyễn Duy Thân bảo Nguyễn Đức Nguyện lồng viết thêm ý yêu quê phải chống xâm lược. Nguyện đã làm theo ý cậu Thân, khéo léo tuyên truyền lòng yêu quê, yêu nước.                                                                                

     Trong thời gian học ở trường trung học tư thục Thăng Long - Hà Nội (1937-1939), vào ngày nghỉ Nguyễn Đức Nguyện vẫn về quê hoạt động bí mật trong tổ chức Đoàn thanh niên Dân chủ, rồi Đoàn thanh niên Phản đế ở làng và thật bản lĩnh tuyên truyền việc đi học như đã sáng kiến tổ chức đám rước xe hoa đăng đi cổ động khắp làng, thu hút nhiều người xem để rồi tuyên truyền “Hò đi học” do mình sáng tác ra.

     Ông Nguyễn Đức Cung đã khen ngợi và cổ vũ việc làm của con trai mình, tạo điều kiện cho đồng chí Lê Quang Đạo sau đó thoát ly hoạt động cách mạng.

     Năm 1990, về dự Lễ hội Đền Đô, gặp ngài Đại sứ Pháp từ Hà Nội về thăm chào, đồng chí Lê Quang Đạo lúc đó là Chủ tịch Quốc hội về với Hội quê đã bắt tay hữu nghị và rất cởi mở, rất vui vẻ giới thiệu bằng tiếng Pháp về lịch sử quê hương nhà Lý, về Đền Đô và Lễ hội Đền Đô. Ngài Đại sứ Pháp đã rất thích thú được niềm vinh dự hạnh phúc nghe Chủ tịch Quốc hội Việt Nam nói về quê mình với tình yêu lớn, mà nói tiếng Pháp chuẩn, rất duyên. Chứng kiến cảnh đó, tôi đã chụp ảnh tư liệu khoảnh khắc đó đưa vào phòng truyền thống của làng.          

     Ham thích viết văn, viết báo từ nhỏ, khi trưởng thành là cán bộ của Đảng từ ở xã, huyện, tỉnh, xứ ủy Bắc Kỳ và Trung ương, đồng chí Lê Quang Đạo là nhà báo cách mạng của Đảng, từng là biên tập viên các báo “Cứu quốc”,”Cờ Giải phóng”, “Quyết thắng” của Đảng. Xuất thân từ gia đình gia giáo của một làng quê có truyền thống “Địa linh nhân kiệt xuất nhập hanh thông”, cách mạng kiên cường, lý luận sắc bén, nhưng không quên tính hài hước. Đồng chí và gia đình đã lập tủ sách gia đình với nhiều sách quý, cả nhà cùng đọc và học tập. Đồng chí Lê Quang Đạo và phu nhân Nguyễn Thị Nguyệt Tú cũng đã nhiều lần tặng nhiều sách qúi cho tủ sách ở trường quê. Mong các nhà giáo và các em học sinh coi trọng văn hóa đọc, chọn sách quý đọc, học tập và làm theo.

      Em trai của đồng chí Lê Quang Đạo là Nguyễn Đức Nghiêm, sinh thời được sự nuôi dưỡng của gia đình, trong đó có sự giúp đỡ chỉ bảo của anh cũng trưởng thành là Biên tập viên nhà xuất bản Sự Thật, rồi là Viện phó Viện Quốc tế, Viện Mác - Lê Nin (nay là Học viện Hồ Chí Minh).   

     Đồng chí Lê Quang Đạo có nhạc phụ là danh họa Nguyễn Phan Chánh, một gia đình nghệ sĩ trí thức cách mạng. Có phu nhân là nhà văn - nhà báo Nguyễn Thị Nguyệt Tú, một phụ nữ đảm đang, một đảng viên ưu tú, góp phần rất tích cực chăm lo việc nhà cho đồng chí yên tâm, vững bước đường công tác.

     Những tấm gương ấy, truyền thống gia đình ấy đều ảnh hưởng tới sự hình thành một nhân cách lớn đẹp cho đồng chí Lê Quang Đạo. Và đồng chí lại có ảnh hưởng tới sự phát triển nhân cách tới các con cháu trong gia đình. Đó là trưởng nữ Tiến sĩ Nguyễn Nguyệt Tĩnh, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thắng, Thiếu tướng Tiến sĩ Nguyễn Quang Bắc, Cử nhân Nguyễn Đức Tuệ... Tất cả đều đang cùng đi con đường sáng theo gương bố mẹ đã đi.

     Bôn ba nên người khá giả thì hồn vẫn nặng tình quê. Đồng chí Lê Quang Đạo luôn nhớ về cội nguồn. Khi phải dưỡng bệnh trong bệnh viện đã nói với các con gái và trai, rằng: “Sau này, khi bố không đủ sức khỏe thì các con cố gắng thay bố thăm hỏi họ hàng, quê nhà. Dù trong hoàn cảnh nào của đời sống và sự nghiệp cũng luôn nghĩ đến quê hương. Nếu có thể giúp gì được cho quê nhà thì nên làm”.

     Vì tình cảm ấy mà đồng chí Lê Quang Đạo cùng cả gia đình đã góp công sức cùng cả làng và dân nước công đức, phục dựng, tôn tạo bảo tồn cả cụm di tích lịch sử văn hóa trên quê hương, làm hạ tầng đặc biệt để phát huy nội lực trong sự nghiệp đổi mới, phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc anh hùng.

     Kính trọng nhân cách Nguyễn Đức Nguyện Lê Quang Đạo, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện đề tài “Giáo dục truyền thống quê hương. Từ giáo dục truyền thống nâng lên giáo dục lý tưởng để đẩy mạnh hành động cách mạng”, sau ngày đồng chí Lê Quang Đạo qua đời, năm 2000, trường THCS Đình Bảng được Đảng ủy Đình Bảng cho Liên đội TNTP trường Đình Bảng được mang tên Lê Quang Đạo trong tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh để học tập hình thành nhân cách cho đội viên, đoàn viên “Vì Lý tưởng của Bác Hồ vĩ đại, vì Chủ nghĩa xã hội, theo Đảng, chúng ta đi!”. Vui say học gương sáng đồng chí Lê Quang Đạo làm người có phẩm chất nhân cách tốt. Hoàn cảnh nào cũng coi trọng rèn giữ phẩm chất nhân cách tốt.

      Kính nhớ đồng chí Lê Quang Đạo, trên quê hương Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh ngày nay có con đường mang tên Lê Quang Đạo song song một đoạn với Quốc lộ 1A trên đất xưa Cổ Pháp, nối tiếp ngã tư vào đường Lý Thái Tổ của thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, sáng niềm tin tưởng Đảng, ngày ngày bao người, bao xe cộ đi lại trên con đường rộng thênh thang đổi mới ấy, xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước, cùng vinh danh hào khí Thăng Long, vinh danh thời đại Hồ Chí Minh.

     Ngôi nhà cổ của gia đinh đồng chí Lê Quang Đạo hiện được bảo tồn là Nhà Lưu niệm đồng chí Lê Quang Đạo. Đảng và Nhà nước đầu tư xây dựng Công viên Lê Quang Đạo ở vị trí đắc địa bên đường Lý Thái Tổ sau Đền Đô nơi Nguyễn Đức Nguyện 19 tuổi đã được Chi bộ Đình Bảng khi vừa mới thành lập tháng 8/1940 bầu là Bí thư Chi bộ đầu tiên của quê hương thật rất sâu sắc ý nghĩa về giáo dục truyền thống theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

 

Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân NGUYỄN ĐỨC THÌN