Đồng chí Lê Quang Đạo nhà quân sự xuất sắc của đảng, quân đội và cách mạng Việt Nam
Đồng chí Lê Quang Đạo tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyện, sinh ngày 08/8/1921 trong một gia đình có truyền thống hiếu học, yêu nước tại xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều công lao, đóng góp lớn cho Đảng và cách mạng Việt Nam, đặc biệt là đóng góp quan trọng vào việc bổ sung, phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam, xây dựng Quân đội về chính trị, tư tưởng, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Chân dung Trung tướng Lê Quang Đạo
Từ một học sinh yêu nước được giác ngộ cách mạng và tích cực tham gia các hoạt động trong phong trào dân chủ năm 1936-1939, đồng chí Lê Quang Đạo đã đem hết nhiệt huyết, tham gia xây dựng tổ chức đảng và phong trào cách mạng ở các địa phương, trở thành nhà chính trị - quân sự xuất sắc. Năm 1950, đồng chí Lê Quang Đạo được Đảng cử vào quân đội. Trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí được Quân ủy Trung ương giao phụ trách công tác đảng, công tác chính trị, trực tiếp tham gia lãnh đạo, chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, ở những hướng quan trọng, những chiến trường nóng bỏng, có tính chất quyết định đến cục diện chiến trường, tạo thế và lực xoay chuyển tình hình để Đảng đưa ra các quyết định chiến lược giành thắng lợi toàn diện. Với các trọng trách: Phó Chủ nhiệm Chính trị chiến dịch Biên giới 1950; Phó Chủ nhiệm Chính trị chiến dịch Điện Biên Phủ kiêm Chính ủy Đại đoàn 308 (1954); Bí thư Đảng ủy, Chính ủy chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (1968); Chính ủy Bộ Tư lệnh 500, Chính ủy chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971); Chính ủy Chiến dịch Trị - Thiên (1972), đồng chí Lê Quang Đạo cùng Đảng ủy, Chỉ huy Bộ Tư lệnh các chiến dịch luôn bám sát mặt trận, sâu sát chiến trường; đề xuất các chủ trương, biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị; gần gũi, thương yêu, cổ vũ, động viên bộ đội nêu cao ý chí, quyết tâm chiến đấu, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, phát huy sở trường, cách đánh của ta, hạn chế, ngăn chặn sức mạnh của địch; phát động các phong trào thi đua, huy động sức mạnh chiến tranh nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”... Khẩu hiệu “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường đỡ đổ máu” là sáng kiến của đồng chí Lê Quang Đạo trong phong trào thi đua “luyện hay, đánh giỏi”, trở thành phương châm chỉ đạo huấn luyện của bộ đội, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Ðồng chí Lê Quang Ðạo (thứ hai, từ trái sang) tại chiến dịch Ðường 9-Khe Sanh (năm 1968)
Trên cương vị Cục trưởng Cục Tuyên huấn đầu tiên (1951 -1955), đồng chí đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; xây dựng và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Quân đội với nhân dân; đặt nền móng cho sự phát triển của ngành Tuyên huấn ngay từ ngày đầu thành lập; kiến tạo và đề xuất tổ chức các đợt chỉnh huấn, chỉnh quân trở thành cuộc vận động lớn thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đồng thời, quan tâm xây dựng, phát triển ngành Tuyên huấn, gắn xây dựng đội ngũ với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuyên huấn các cấp; từng bước phát triển ngành Tuyên huấn về tổ chức, chuyên môn nghiệp vụ, hoạt động có nền nếp, chính quy, thống nhất, từ chỗ “Trước đây hầu như cán bộ chính trị cơ sở đều làm ăn mò mẫm” đến hoạt động “có cẩm nang, bài bản”.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trên cương vị Phó Chủ nhiệm Chính trị Chiến dịch kiêm Chính ủy Đại đoàn 308, đồng chí Lê Quang Đạo nêu quan điểm: “Quân đội cách mạng không chỉ chiến đấu bằng sức mà phải chiến thắng quân địch bằng tinh thần, bằng trí tuệ, bằng mưu lược”. Từ thực tiễn kinh nghiệm chiến đấu của Đại đoàn 308, đồng chí đã đề xuất cách đánh mới, sáng tạo, đó là cách “Đánh lấn”. Cách đánh này đã được Bộ chỉ huy Chiến dịch phê chuẩn, phổ biến rộng rãi trên toàn mặt trận. Với cách đánh mới đã tạo ra sức tiến công mạnh mẽ, đẩy quân Pháp vào thế bị động, bất ngờ và thất bại hoàn toàn, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954; đồng thời, bổ sung, phát triển và tạo nên nét đặc sắc của nền nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Trên cương vị Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị phụ trách công tác tuyên huấn (1955 - 1978), đồng chí Lê Quang Đạo đã đề xuất thực hiện những quan điểm có ý nghĩa sâu sắc về lý luận và thực tiễn để “giải quyết tốt mấy vấn đề công tác chính trị hiện nay trong việc đẩy mạnh xây dựng Quân đội lên chính quy, hiện đại”, nhằm thực hiện tốt chế độ lãnh đạo của Đảng và chế độ chỉ huy trong Quân đội; nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, bồi dưỡng ý chí chiến đấu và hiện đại hóa Quân đội. Đồng thời, quán triệt, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là đường lối quân sự, đường lối chiến tranh nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó có cán bộ chính trị, cơ quan chính trị và đơn vị cơ sở trong Quân đội vững mạnh toàn diện. Những quan điểm của đồng chí thấm đậm tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, tư tưởng, có giá trị thực tiễn sâu sắc góp phần làm nên chiến thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Thiếu tướng Lê Quang Đạo (ngoài cùng bên phải) tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ khai mạc Bảo tàng Quân đội, ngày 22/12/1959
Cuối năm 1973, với trọng trách Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, kiêm Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Học viện Chính trị quân sự, đồng chí Lê Quang Đạo cùng Ban Giám đốc Học viện đề ra chủ trương, biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo cán bộ chính trị cho Quân đội, chú trọng bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng; gắn tổng kết thực tiễn với nghiên cứu phát triển lý luận và hoạt động khoa học, góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội chính quy, hiện đại.
28 năm trong quân ngũ, đồng chí Lê Quang Đạo luôn giữ vững hình ảnh tiêu biểu về phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, đem hết tài năng, trí tuệ, sức lực cống hiến cho sự nghiệp xây dựng Quân đội, đóng góp quan trọng vào việc tăng cường và phát huy vai trò của công tác đảng, công tác chính trị - linh hồn, mạch sống của Quân đội; khẳng định vai trò quyết định của nhân tố chính trị tinh thần trong chiến tranh chính nghĩa. Đồng chí là người chỉ huy ưu tú của Quân đội, một vị tướng lĩnh hội tụ đầy đủ phẩm chất đạo đức cách mạng: Trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung.
Với những thành tích xuất sắc trong những năm tháng phục vụ Quân đội và những cống hiến to lớn trong hoạt động cách mạng, đồng chí được Đảng và Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng năm 1958, thăng quân hàm Trung tướng năm 1974; được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Chiến thắng hạng nhất, Huân chương Ít-xa-la hạng nhất do Nhà nước Lào truy tặng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Đồng chí Lê Quang Đạo là nhà chính trị, quân sự tài năng của Đảng, của Quân đội, của cách mạng Việt Nam và là người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh, đã để lại tấm gương cao đẹp: Về nhân cách một người cộng sản mẫu mực, gần gũi, khiêm tốn, chân thành, thủy chung, nhân ái; về tinh thần hết lòng, hết sức phụng sự cách mạng, phục vụ nhân dân; về ý chí kiên cường với tinh thần tiên phong quả cảm; về đạo đức sáng trong cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cho các thế hệ sau học tập, noi theo./.
TS Nguyễn Văn Hùng,
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy