“Khơi dậy tinh thần yêu nước” và “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là nguồn lực nội sinh, động lực to lớn của dân tộc

08/02/2021 08:08 View count: 2651

Một trong những điểm nhấn nổi bật nhất trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đó là “khơi dậy tinh thần yêu nước và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Đây được coi là nguồn năng lượng nội sinh và động lực to lớn đối với dân tộc ta trong điều kiện cách mạng mới hiện nay.

Tinh thần yêu nước và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc được hiểu như thế nào?

Tinh thần yêu nước là cảm xúc, tình cảm, tinh thần yêu thương, tích cực về quê hương, đất nước hay cội nguồn của một cá nhân hay tập thể, trong đó quê hương có thể là một vùng, một thành phố nhưng thông thường thì khái niệm này gắn với khái niệm quốc gia. Nó gồm những quan điểm như: tự hào về thành tựu hay văn hóa của quê hương, đất nước; mong muốn được cống hiến hết mình cho quê hương, đất nước. Tinh thần yêu nước giúp con người cảm thấy yêu mến, tự hào, sống có trách nhiệm hơn đối với với quốc gia, dân tộc.

Như vậy, tinh thần yêu nước là một khái niệm có nội hàm rất rộng. Tuy nhiên, cho dù có thể được hiểu ở những phạm vi khác nhau thì đối với mỗi con người, tinh thần yêu nước là một giá trị thiêng liêng nhất. Việc khơi dậy tinh thần yêu nước chính là nâng cao tình cảm, tinh thần yêu thương và trách nhiệm của bản thân mỗi con người đối với quê hương, đất nước; đối với mỗi giá trị vật chất, tinh thần của bản thân, gia đình và cộng đồng mà mình gắn bó.

Theo nghĩa chung nhất, khát vọng được hiểu là một trạng thái tinh thần, phản ánh sự ước ao, “mong muốn, đòi hỏi với một sự thôi thúc mạnh mẽ”(2). Theo Kết Đ. Ha-reo (Keith D. Harrell) - thuyết trình gia nổi tiếng nước Mỹ: ý nghĩa của khát vọng như là một dạng thức tích cực của thái độ con người đối với cuộc sống. Theo ông, khát vọng chính là nguồn động lực có sức mạnh to lớn trong mỗi con người, được thể hiện qua những hoạt động liên tục, không ngơi nghỉ để con người không bao giờ từ bỏ ước mơ, không bao giờ chịu khuất phục trước mọi khó khăn của hoàn cảnh.

“Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là sự cộng hưởng những khát vọng vươn tới những giá trị tốt đẹp của cộng đồng, của con người cùng quốc gia - dân tộc, tạo thành nguồn năng lượng nội sinh to lớn, sống động và sức mạnh to lớn”. Đó chính là động lực quyết định sự thắng lợi  của một quốc gia - dân tộc trên con đường đi tới một tương lai tốt đẹp. Đối với Việt Nam, một dân tộc có truyền thống yêu nước, đoàn kết, văn hiến, anh hùng, khát vọng phát triển đất nước thật sự là một sức mạnh nội sinh phi thường, cội nguồn tạo nên những kỳ tích trong suốt tiến trình hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Tinh thần yêu nước chính là cội nguồn sâu xa của khát vọng phát triển. Khát vọng phát triển chính là động lực để hiện thực hóa tinh thần yêu nước.

Vì sao “khơi dậy tinh thần yêu nước và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là nguồn lực nội sinh và động lực to lớn của dân tộc?

Khơi dậy tinh thần yêu nước và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc chính là nguồn nội lực và động lực quyết định sức mạnh của dân tộc và sự thành công của mục tiêu cao cả: xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản: giải phóng giai cấp, giải phóng hoàn toàn con người. Đó chính là động lực để thôi thúc mỗi con người trong cộng đồng và cộng hưởng sức mạnh của cả cộng đồng cùng vươn tới những giá trị tốt đẹp về vật chất và tinh thần, xây dựng một xã hội phồn vinh, cuộc sống hạnh phúc.

Trong bối cảnh quốc tế thay đổi nhanh chóng, có những thuận lợi và khó khăn đan xen, việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa nội lực và ngoại lực là vấn đề cực kỳ quan trọng. Nếu như ngoại lực là môi trường và điều kiện thuận lợi để phát triển thì nội lực là động lực quyết định sự thành công của sự phát triển. Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam từ thời Hùng Vương dựng nước cho đến thời đại Hồ Chí Minh đã minh chứng cho sự đúng đắn của việc phát huy sức mạnh quyết định của nội lực; xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa nội lực và ngoại lực. Trong những thời điểm khó khăn, hiểm nghèo nhất của lịch sử dân tộc, chính bản lĩnh, ý chí, trí tuệ và sức mạnh của con người Việt Nam đã giúp chúng ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, hiểm nguy. Đó chính là sức mạnh nội sinh của dân tộc được khơi dậy từ tinh thần yêu nước. Khi đất nước còn trong cảnh giặc ngoại xâm chiếm đóng, đô hộ; cả dân tộc cùng hướng về mục tiêu đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Trong nghèo nàn, lạc hậu, cả dân tộc cùng một ý chí, khát khao xây dựng một Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng; để mỗi người dân đều có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc; “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” hướng tới xã hội giàu mạnh, văn minh. Khi đất nước phải đối mặt với vô vàn khó khăn của thiên tai, dịch bệnh, cả dân tộc chung một ý chí bước vào những “cuộc chiến” mới: Cuộc chiến để dành lại sự sống cho mỗi người dân và cộng đồng bị rủi ro; phải dành chiến thắng để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Sức mạnh của dân tộc được khơi dậy từ chính tinh thần yêu nước, yêu đồng bào và khát vọng vì sự bình yên của mỗi người dân đất Việt. Khi đất nước hội nhập với thế giới, cả dân tộc đều hướng tới xây dựng môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển, nâng cao vị thế đất nước, dân tộc; chia sẻ với thế giới những giá trị tốt đẹp và lợi ích chung vì sự thịnh vượng chung của nhân loại.

Kế thừa những tinh hoa văn hóa của nhân loại, từ sự đúc kết truyển thống lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc; phát huy trí tuệ, bản lĩnh của con người Việt Nam trong thời kỳ đẩy mgnhj công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, với tư duy nhạy bén và tầm nhìn chiến lược, trong bài viết: “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Động lực và nguồn lực cho phát triển đất nước trong giai đoạn mới là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”. Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội XIII của Đảng cũng khẳng định trong quan điểm chỉ đạo: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Như vậy, khơi dậy tinh thần yêu nướckhát vọng phát triển đất nước là một trong những nội dung nổi bật nhất được Đại hội XIII của Đảng bàn thảo, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược và niềm tin vững chắc của Đảng vào tương lai của dân tộc trước những thời điểm có tính chất bước ngoặt của lịch sử.

“Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc bắt nguồn sâu xa từ tinh thần yêu nước, yêu thương con người; khát vọng phát triển không phải là một huyễn tưởng xuất phát từ ngẫu hứng chủ quan, duy ý chí”, mà là một khát vọng bắt nguồn từ niềm tin vững chắc. Ngược dòng lịch sử dân tộc để thấy rõ hơn cơ sở của niềm tin ấy. Trên thế giới, không có dân tộc nào như dân tộc Việt Nam:  trải qua suốt hơn 1000 năm đô hộ của phong kiến phương Bắc mà không bị đồng hóa. Điều đó khẳng định sức sống trường tồn của văn hóa, con người Việt Nam trước những thử thách khắc nghiệt của lịch sử. Cũng trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, chính bản lĩnh, ý chí và sức mạnh của lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết đã giúp dân tộc Việt Nam lập nên những chiến công hiển hách nhất trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước và hội nhập với thế giới. Chúng ta có niềm tin vào cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước sau gần 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới; vào bản lĩnh và những kinh nghiệm dày dạn mà Đảng, nhân dân ta đã kiểm nghiệm, đúc kết trong thực tiễn lao động, sáng tạo suốt mấy chục năm qua. Niềm tin vào tinh thần yêu nước và khát vọng phát triển của đất nước càng được củng cố vững chắc hơn khi đất nước đang đứng trước những thời cơ và vận hội lớn: xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo; Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư tạo ra những cơ hội phát triển nhanh chóng cho các quốc gia trong đó có Việt Nam. Vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được khẳng định rõ ràng từ thành công của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, trong cuộc chiến chống dịch Covid 19, cho đến nay, Việt Nam là một trong những nước được đánh giá khá thành công trong việc khống chế đại dịch. Thành công đó, khiến thế giới một lần nữa ngưỡng mộ Việt Nam như một hình mẫu trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh. Thành công đó cũng một lần nữa khẳng định bản lĩnh, ý chí, trí tuệ và sức mạnh của lòng yêu nước; tình thương yêu con người; những giá trị nhân văn cao cả của xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang phấn đấu xây dựng. Những giá trị đó cũng chính là khát vọng vươn tới của xã hội loài người. Trong hội nhập, chúng ta đã cùng chia sẻ với cộng đồng thế giới để cùng nhau hướng tới những giá trị chung đó.

Bên cạnh những thời cơ trên đây, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường; trong khó khăn, mỗi dân tộc càng phải luôn khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí độc lập tự chủ, tự lực tự cường và khát vọng phát triển. Đối với Việt Nam, đây là nguồn năng lượng nội sinh vô tận đã từng khơi dậy ý chí và khát vọng của cả dân tộc để vượt qua muôn vàn thử thách của lịch sử trong khi các nguồn lực khác đều chỉ có giới hạn và dần vơi cạn. Một dân tộc không thể phát triển bền vững  và sánh vai cùng thời đại nếu nguồn lực con người: là ý chí, khát vọng, trí tuệ và sức mạnh của tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo không được phát huy cao độ. Có thể khẳng định: khơi dậy tinh thần yêu nước và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc là yêu cầu có tính chất khách quan hiện nay đối với tất cả các dân tộc trong đó có Việt Nam.

Khơi dậy tinh thần yêu nước và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng không phải là giản đơn, xuôi chiều, mà là khát vọng được bồi đắp trên cơ sở phân tích, dự báo, lường đoán kỹ lưỡng những thời cơ, thuận lợi có thể nắm bắt, phát huy; đồng thời, tỉnh táo cân nhắc, tính toán những khó khăn, thách thức bên ngoài, những yếu kém, trở ngại bên trong cần phải kiên quyết khắc phục, thích ứng, vượt qua với phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”, nhạy bén chớp thời cơ, chủ động ứng phó với nguy cơ, chuyển hóa nguy cơ thành vận hội phát triển./.

Nhằm góp phần kịp thời đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, việc cập nhật những nội dung mới, nổi bật trong các văn kiện vào nghiên cứu, tuyên truyền là việc làm cần thiết và nhất thiết phải sớm được thực hiện. Tinh thần yêu nước và khát vọng phát triển là những giá trị rất cơ bản của con người và văn hóa Việt Nam cần phải được cụ thể hóa bằng những suy nghĩ và hành động cụ thể. Mỗi bài viết, bài nói về nội dung này cần phải truyền cho người học, người đọc nguồn cảm hứng sáng tạo, năng lượng dồi dào để khơi dậy trong họ niềm tự hào và sự khát khao cống hiến cho quê hương, đất nước./.

Tài liệu tham khảo:

(1). Đảng Cộng sản Việt Nam(2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tập 1, NXBCTQG Sự thật; Tr 110

 (2). Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” Tạp chí Cộng sản, số 949 (9-2020), tr. 10 - 11;

(3). GS. TS. Phùng Hữu Phú - Khát vọng phát triển đất nước và đổi mới sáng tạo - Điểm nhấn của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Thông tin Báo cáo viên - số 12/2020;

ThS Nguyễn Thị Thanh Hà

Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ