Đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị trong nông nghiệp

23/04/2025 14:45 Số lượt xem: 13

Trong sản xuất nông nghiệp, liên kết là xu hướng tất yếu, là chìa khóa giúp phát triển một nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia. Qua đó nâng tầm giá trị và sức cạnh tranh của nông sản, gia tăng hiệu quả kinh tế của ngành nông nghiệp.

Xã Việt Đoàn (huyện Tiên Du) là một trong những điểm sáng trong sản xuất rau an toàn ở Bắc Ninh với sự phát triển mạnh mẽ của HTX Rau, củ, quả an toàn Liên Ấp. Với khởi đầu hiệu quả từ mô hình Tổ hợp tác trồng rau do Hội Nông dân xã hướng dẫn thành lập. Năm 2018, Hội Nông dân xã tiếp tục hướng dẫn Tổ hợp tác thành lập HTX Rau, củ, quả an toàn Liên Ấp. Sau thành lập, HTX được tiếp cận vay 500 triệu đồng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân nguồn tỉnh. Nhờ đó, đến nay, HTX đã thu hút hơn 130 thành viên tham gia. Diện tích trồng rau màu an toàn tăng lên 20ha, cây ăn quả 10ha. Các thành viên HTX đều nắm vững và tuân thủ tuyệt đối quy trình sản xuất các loại nông sản an toàn. Các sản phẩm chủ yếu là các loại rau xanh, dưa chuột Nhật, cà chua, hành, tỏi, táo, ổi, đu đủ…

HTX Rau, củ, quả an toàn Liên Ấp mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ nông dân

Ông Nguyễn Văn Hiệp - Giám đốc HTX rau, củ, quả an toàn Liên Ấp cho biết: Hiện nay, bình quân mỗi ngày, HTX sản xuất và cung ứng ra thị trường gần 8 tạ nông sản an toàn. Trong đó, hơn 70% nông sản được Ban Giám đốc ký kết cung ứng cho các bếp ăn tập thể khu công nghiệp, các siêu thị, cửa hàng bán sản phẩm nông nghiệp an toàn trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận theo chuỗi giá trị với giá thành ổn định; gần 30% bán ra thị trường tự do. Tổng doanh thu của HTX ước đạt 7 - 8 tỷ đồng/năm. Một số thành viên trồng 8 sào - 1,2 mẫu có nguồn thu nhập ổn định 250 - 400 triệu đồng/năm.

Thực tế cho thấy, trong điều kiện kinh tế hội nhập hiện nay, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị là con đường tất yếu khi hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hiện đại. Mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp là tổng thể các hoạt động liên quan đến ngành nông nghiệp, bao gồm các hoạt động có quan hệ với nhau: “cung cấp đầu vào => tổ chức sản xuất => chế biến => tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”. Mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp giúp các mắt xích phát triển rời rạc liên kết với nhau để tăng giá trị, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, tạo ra hệ sinh thái sản xuất mới tại nông thôn với cơ hội mới cho người sản xuất, kinh doanh. Khác với phương thức sản xuất truyền thống, hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu các khâu từ cơ giới hóa, tăng khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu thị trường, từ đó tăng sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản. Khi liên kết được thiết lập, có thể tạo cầu nối hỗ trợ lẫn nhau và chia sẻ rủi ro, nhờ đó thiết lập sự cân bằng của quá trình sản xuất, giảm bớt tình trạng được mùa - mất giá...

Trong những năm qua, tỉnh Bắc Ninh rất quan tâm phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn. Song song với việc đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã; tỉnh đã ban hành nhiều chính sách như chính sách hỗ trợ 10 triệu đồng đối với các HTX dịch vụ nông nghiệp tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX 2012; Nghị quyết 147/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 về việc ban hành quy định hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 07/NQ-HĐND ngày 07/7/2022 về ban hành các quy định hỗ trợ nông nghiệp, chương trình OCOP và ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh; các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân, các HTX, liên hiệp HTX, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ KHKT, giống mới, đầu tư cho sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn, hữu cơ; hình thành liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản chủ lực theo chuỗi giá trị, kết nối thị trường, gắn sản xuất với chế biến, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và phát triển sản phẩm OCOP.

HTX DVNN Đức Lân (Yên Phong) quan tâm xây dựng thương hiệu gạo nếp cái hoa vàng

Toàn tỉnh hiện có 1 Liên hiệp HTX nông nghiệp và 562 HTX nông nghiệp. Trong đó có 71 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 65 HTX nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; 2 HTX được cấp mã số vùng trồng. Một số HTX tiêu biểu chú trọng việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm như: HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Lân (Yên Phong), HTX rau, củ, quả Liên Ấp (Tiên Du), HTX dịch vụ nông nghiệp Ngăm Mạc, HTX nông nghiệp sạch Việt Nam (Gia Bình)… đã tham gia bán sản phẩm trên sàn Postmart.vn, Voso.vn, phân phối sản phẩm tại các siêu thị, nhà hàng, các cơ sở kinh doanh, trường học, bếp ăn công nghiệp... Không ít HTX đạt mức doanh thu hàng tỷ đồng, tạo thu nhập thường xuyên cho người lao động. Đồng thời, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, tiêu chuẩn cao, trở thành đầu mối tiêu thụ nông sản ở các địa phương.

Tuy nhiên, hiện tại số lượng hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, hiệu quả trong liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã còn chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chính sách phát triển nông nghiệp của Nhà nước và của tỉnh.

Để sản xuất nông nghiệp bền vững thì sản xuất theo chuỗi giá trị có ý nghĩa vô cùng to lớn, nhất là nước ta đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, sản phẩm nông nghiệp hướng tới xuất khẩu. Đòi hỏi mỗi người sản xuất, chủ trang trại, hợp tác xã cần chủ động liên kết với nhau, kết nối với các nhà khoa học, doanh nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm; giới thiệu, quảng bá rộng rãi nông sản ra thị trường trong nước và quốc tế; từ đó nâng tầm giá trị, tăng sức cạnh tranh, khẳng định thương hiệu của sản phẩm nông nghiệp./.

Nguyễn Thu

Hội Nông dân tỉnh