Đảng bộ Bắc Ninh lãnh đạo và tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945
Nhờ đường lối cách mạng đúng đắn, sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh đã quy tụ, đoàn kết xung quanh mình tất cả các giai cấp, tầng lớp nhân dân yêu nước, vận động, giáo dục, tập hợp quần chúng qua ba cao trào cách mạng. Tháng Tám năm 1945, nắm vững thời cơ lịch sử, với nghệ thuật lãnh đạo và khởi nghĩa tài tình, Đảng bộ đã lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền thành công.
Một góc thành phố Bắc Ninh hôm nay
Ngày 13/8/1945, hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc, thông qua quyết định phát động Tổng khởi nghĩa. Ngày 16/8/1945, khai mạc Đại hội Quốc dân tại Tân Trào, Đại hội thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Ngay sau Đại hội Quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào cả nước Tổng khởi nghĩa:
“Hỡi đồng bào yêu quý!
Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta.
… Chúng ta không thể chậm trễ.
Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.
Thực hiện chủ trương của Trung ương và lời kêu gọi của Bác Hồ, ngày 18/8/1945 Tỉnh Bắc Ninh ban hành lệnh khởi nghĩa giành chính quyền.
Ở Tiên Du, tri huyện Nguyễn Hữu Túy đã quy hàng Việt Minh từ những ngày đầu tháng 7/1945. Chính quyền cấp xã của Tiên Du cũng chỉ tồn tại về mặt hình thức, Mặt trận Việt Minh đã nắm thực quyền ở các địa phương. Do đó, 2 giờ chiều ngày 17/8/1945, lực lượng tự vệ cùng với quần chúng làng Bựu Trung và Bựu Thượng tiến vào huyện đường; tri huyện, nha lại, lính tráng xin hàng và nộp vũ khí, ấn tín, sổ sách cho quân khởi nghĩa. Cờ đỏ sao vàng được kéo lên, tự vệ tổ chức canh gác, bảo vệ huyện lỵ. Ít ngày sau, Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời được thành lập, đóng tại huyện lỵ Tiên Du.
Tại Gia Bình, ngày 5/8/1945, tự vệ Tam Á, Mão Điền (Thuận Thành) đột nhập huyện lỵ Gia Bình thu toàn bộ súng đạn của binh lính. Sau vụ đột nhập này, tri huyện Nguyễn Quý Đễ bị cách chức, bọn quan nha, lính tráng của huyện Gia Bình rút về đồn Yên Sơn. Chiều ngày 19/8/1945, một tổ tự vệ vào đồn Yên Sơn bắt lục sự, trợ tá về làng Xuân Lai. Sáng ngày 20/8/1945, ta huy động ngót ba nghìn quần chúng và tự vệ tiến về huyện lỵ Gia Bình dự mít tinh. Đại diện Việt Minh huyện tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai của phát xít Nhật, giải thích chương trình đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập, tự do cho nhân dân của Mặt trận Việt Minh.
Ngày 18/8/1945, ta tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở phủ Gia Lâm. Lực lượng khởi nghĩa là quần chúng và tự vệ ở hai tổng Đặng Xá và Lời. Quân khởi nghĩa tiến vào phủ đường từ hai phía (cổng trước và cổng sau). Lính gác phủ xin đầu hàng. Viên tri phủ chạy trốn nhưng không thoát. Ta thu toàn bộ vũ khí, thiêu hủy sổ sách, giải thích chính sách khoan hồng của Mặt trận Việt Minh và tha cho họ trở về quê quán. Ba ngày sau, cuộc mít tinh quần chúng được tổ chức tại phủ đường. Danh sách Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời phủ Gia Lâm được công bố.
Ở phủ Từ Sơn, sau khi tri phủ Phạm Gia Đĩnh bị trừng trị vì tội cố tình thu thuế, thu thóc cho Nhật, bọn nha lại, binh lính ở đây rất lo sợ, chính quyền bù nhìn tỉnh Bắc Ninh phải tăng cường lính bảo an đến đóng giữ phủ lỵ Từ Sơn. Sáng ngày 18/8/1945, lực lượng tự vệ và quần chúng các làng Phù Lưu, Cẩm Giang, Tam Lư... tiến về phủ lỵ. Lính bảo an định rút chạy nhưng bị tự vệ chặn lại ở phố Từ Sơn và tước vũ khí. Một số binh lính còn ở trong phủ rút lên chòi gác. Biết không thể chống được, bọn lính đã ra mở cổng, mang súng nộp xin Việt Minh tha tội. Lực lượng khởi nghĩa chiếm giữ và canh gác, bảo vệ phủ lỵ Từ Sơn.
Ngày 19/8/1945, bọn Đại Việt quốc gia liên minh cùng bọn phản động ở tỉnh lỵ Bắc Ninh tổ chức mít tinh ở sân vận động Suối Hoa- Thị Cầu để tung hô chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, đồng thời tranh chấp quần chúng với Việt Minh. Sáng ngày 19/8/1945, ta huy động hàng nghìn quần chúng, đội ngũ chỉnh tề tiến về sân vận động Suối Hoa, hô vang khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh”, kéo cờ đỏ sao vàng lên kỳ đài do bọn Đại Việt dựng lên, đại diện Việt Minh kêu gọi quần chúng tham gia quân khởi nghĩa.
Âm mưu của bọn phản động đã bị đập tan, uy tín của Mặt trận Việt Minh lan tỏa. Chính quyền tai sai của phát xít Nhật hoang mang. Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Ninh, đứng đầu là đồng chí Trần Đình Nam, đã quyết định gấp rút tiến hành giành chính quyền ở tỉnh. Sáng ngày 20/8/1945, từ đình Long Khám, 400 tự vệ tiến về tỉnh lỵ Bắc Ninh. Tại Đáp Cầu, Thị Cầu, các xã, các làng xung quanh tỉnh lỵ, quần chúng cùng tự vệ xuống đường hòa vào dòng người từ đường 16, 18, 38 và quốc lộ 1A, tiến vào công sở Ngụy quyền tay sai của phát xít Nhật ở huyện lỵ Võ Giàng, trại bảo an binh, thành Bắc Ninh. Chiều ngày 20/8/1945, đại diện quân Nhật đóng trong thành Bắc Ninh xin giao thành cho cách mạng. Đêm 20/8/1945, Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh thành lập. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ Bắc Ninh đã nổ ra kịp thời bằng bạo lực cách mạng và thành công tốt đẹp.
Ở Yên Phong, trước khi tiến quân, Mặt trận Việt Minh đã gửi thư cho tri huyện Yên Phong thuyết phục và buộc y phải đầu hàng giao chính quyền cho cách mạng. Sáng ngày 19/8/1945, y cho trải chiếu hoa giữa công đường, tập trung súng đạn, sổ sách chờ ta vào tiếp nhận. Trưa hôm đó, tự vệ làng Vạn An (Võ Giàng), tự vệ làng Vĩnh Phục (Yên Phong) cùng tiến thẳng vào huyện đường. Lực lượng khởi nghĩa thu vũ khí, ấn tín, sổ sách, giải tán lính và chiếm giữ huyện lỵ.
Đêm ngày 20/8/1945, tự vệ Liễu Khê đột nhập phủ lỵ Thuận Thành, binh lính trong phủ đầu hàng và nộp vũ khí. Toàn bộ quan nha, lính tráng ở nguyên tại chỗ. Sáng ngày 21/8/1945, trên 1.000 quần chúng và tự vệ từ chợ Dâu kéo đến phủ lỵ dự mít tinh. Trước đông đảo quần chúng, đại diện Mặt trận Việt Minh tuyên bố giải tán bộ máy chính quyền bù nhìn của phát xít Nhật, cho nha lại, binh lính về với gia đình.
Ở Lang Tài, đêm ngày 18/8/1945, tự vệ làng Lôi Châu được lệnh bắt tri huyện Phạm Văn Lệ tại chùa Lai Hạ khi y đi kiểm tra mực nước sông Thái Bình. Sáng ngày 19/8/1945, hai tên phản động khác bị xử ở chợ Đò. Chiều 19/8/1945, quần chúng và tự vệ từ chợ Đò tiến về Thứa. Cũng trong chiều ngày 19/8/1945, quần chúng, tự vệ Lâm Thao, Quảng Phú, Phá Lãng, Tử Nê... cũng rầm rập tiến quân về Thứa. Đúng 16 giờ ngày 19/8/1945, quần chúng cách mạng tiến vào huyện lỵ Lang Tài, đánh chiếm huyện đường, chiếm trại lính, thu ấn tín, đốt sổ sách và tuyên bố giải tán chính quyền tay sai của phát xít Nhật..
Tại huyện Văn Giang, ngày 21/8/1945, tên tri huyện Văn Giang đang đi trên đê sông Hồng, bị tự vệ bắt giải về huyện và buộc y phải ra lệnh cho lính mở cổng huyện và không được có hành động chống lại quân khởi nghĩa. Sau khi thu hết súng đạn, tự vệ lệnh cho tri huyện cùng nha lại, binh lính ra khỏi huyện. Lực lượng khởi nghĩa chiếm giữ huyện lỵ.
Ở Quế Dương, sáng ngày 22/8/1945, một cuộc mít tinh đã diễn ra tại núi Thành Rền, với hàng nghìn tự vệ và quần chúng của hàng chục làng, xã tham dự. Sau cuộc mít tinh, dưới sự chỉ huy của cán bộ Việt Minh, đội tự vệ cùng quần chúng tiến về huyện lỵ Quế Dương. Đây là cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Trần Trọng Kim - tay sai của phát xít Nhật trong toàn tỉnh Bắc Ninh.
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Bắc Ninh thắng lợi đã đập tan ách thống trị của thực dân Pháp ngót một trăm năm, chế độ phong kiến hàng nghìn năm. Chính quyền dân chủ nhân dân được thành lập. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân toàn tỉnh cùng với nhân dân cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Mỗi người dân trong tỉnh từ người nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
Thắng lợi vẻ vang đó do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan mang lại. Đó là sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ. Đó là truyền thống văn hiến, yêu nước của quê hương. Đó là tài năng lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Bắc Ninh, đội ngũ đảng viên của Đảng bộ được tôi luyện trong lò lửa đấu tranh cách mạng, trong lao tù đế quốc đã dũng cảm hi sinh, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, nhạy bén, sáng tạo trong hành động cách mạng. Trong 15 năm lãnh đạo và tổ chức nhân dân đấu tranh giành chính quyền, nhiều chiến sĩ cộng sản Bắc Ninh đã hi sinh. Đó là: Đồng chí Phạm Văn Chất- Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Hồ Ngọc Lân- Ủy viên Ban Tỉnh ủy; đồng chí Ngô Gia Tự, một trong những người sáng lập Đảng ta; đồng chí Nguyễn Văn Cừ- Tổng Bí thư của Đảng và còn biết bao đồng chí khác.
“Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, trong cuộc tưng bừng, vui vẻ hôm nay của những ngày Tháng Tám mùa thu lịch sử, được hưởng những thành quả ấm no, hạnh phúc của công cuộc đổi mới đất nước, lòng mỗi người chúng ta bùi ngùi, xúc động, thầm biết ơn Đảng cộng sản Việt Nam, Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh, một Đảng vì nước vì dân, đã cống hiến hàng nghìn người con yêu dấu, tận trung với nước, tận hiếu với dân để đổi lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc, cho quê hương và để cho đất nước và quê hương nở hoa, kết trái như ngày hôm nay./.
Đỗ Ngọc Dung
Phòng Lý luận chính trị, Lịch sử Đảng
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy