Nâng cao chất lượng, hiệu quả tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh
Với mục tiêu được lắng nghe nhiều hơn ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, Đoàn ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp trong tỉnh đã không ngừng đổi mới, đa dạng hoạt động tiếp xúc cử tri. Ngoài tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri truyền thống, các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử của tỉnh còn chú trọng tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, thông qua đó vừa đảm bảo lắng nghe ý kiến cử tri trên diện rộng, vừa có chiều sâu.
Các đại biểu trao đổi với cử tri xã Quảng Phú, huyện Lương Tài
Trong thời gian qua, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Đoàn ĐBQH và đại biểu HĐND được thực hiện nghiêm túc, việc tiếp xúc cử tri được tiến hành trước và sau 2 kỳ họp thường lệ hàng năm, bảo đảm đúng quy định, đồng thời có sự đổi mới, nâng cao chất lượng. Các cuộc tiếp xúc cử tri đã thu hút được sự quan tâm, tham dự của cử tri và nâng cao ý thức về trách nhiệm giải trình, tiếp thu của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương; thể hiện rõ mối liên hệ giữa đại biểu và cử tri. Vai trò, trách nhiệm, kỹ năng của đại biểu trong tiếp xúc đã nâng lên theo hướng đi vào những vấn đề cụ thể, sát với nội dung kỳ họp và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương; không chỉ ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhiều đại biểu còn trực tiếp thông tin, trao đổi lại, giải đáp rõ về các kiến nghị đã được cơ quan chức năng giải quyết, qua đó góp phần hạn chế việc cử tri kiến nghị nhiều lần.
Bên cạnh hình thức tiếp xúc thường lệ, Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đã tổ chức một số cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, hướng đến đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của chính sách dự kiến ban hành để có thêm nhiều thông tin phục vụ việc xem xét, quyết định tại kỳ họp. Hoạt động TXCT còn được đổi mới, tạo thuận lợi cho cơ sở theo hướng lồng ghép tiếp xúc cử tri đối với 2 hoặc 3 cấp (như tiếp xúc của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu HĐND huyện). Việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri được thực hiện đầy đủ, trung thực, phản ánh kịp thời những vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội; các kiến nghị của cử tri và Nhân dân đều được nghiên cứu, phân loại, chuyển tới các cơ quan có trách nhiệm giải quyết. Việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri được tiến hành chặt chẽ, thường xuyên, theo quy định. Về cơ bản, các kiến nghị của cử tri và Nhân dân được các cơ quan có thẩm quyền, xem xét giải quyết, trả lời kịp thời.
Cùng với đó, vai trò, trách nhiệm, kỹ năng của đại biểu trong tiếp xúc đã nâng lên theo hướng đi vào những vấn đề cụ thể, sát với nội dung kỳ họp và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Không chỉ ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri, hầu hết đại biểu dân cử còn trực tiếp thông tin, trao đổi lại, giải đáp rõ về các kiến nghị đã được cơ quan chức năng giải quyết, góp phần hạn chế việc cử tri kiến nghị nhiều lần.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Đoàn ĐBQH tỉnh và HĐND các cấp trong tỉnh tiếp tục phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc xây dựng kế hoạch tiếp xúc cử tri cho đại biểu HĐND đảm bảo khoa học. Thông tin đầy đủ và rộng rãi đến cử tri địa phương biết để tham dự giảm bớt tình trạng “đại cử tri”, “cử tri chuyên nghiệp”. Tổng hợp, nắm bắt trước các ý kiến, kiến nghị của cử tri để gửi đến các đại biểu HĐND nghiên cứu; trong buổi TXCT có thể kết hợp đại diện thông qua tổng hợp các ý kiến của cử tri và cử tri phát biểu trực tiếp để giúp tránh tình trạng cử tri diễn đạt không trọng tâm, dài dòng và không rõ ý. Nên lựa chọn những nội dung quan trọng của kỳ họp HĐND để thông tin đến cử tri nghiên cứu có ý kiến đóng góp hiệu quả. Các nội dung chuẩn bị để báo cáo trước cử tri cần ngắn gọn, súc tích, đúng trọng tâm; dành thời gian để cử tri trao đổi, phản ánh, đề xuất, kiến nghị. Ngoài ra, các cuộc tiếp xúc cử tri cần mở rộng về tận thôn, xóm, bản, tổ dân phố và thời gian tiếp xúc cử tri linh hoạt (có thể ngày nghỉ hoặc buổi tối) để thu hút đông đảo cử tri tham gia; đồng thời tăng cường tổ chức các hoạt động TXCT theo chuyên đề với các nhóm cử tri.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm của đại biểu Quốc hội và HĐND trong việc tiếp xúc cử tri. Trước khi tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh cần dành thời gian nắm tình hình địa bàn tiếp xúc, những vấn đề bức xúc mà cử tri quan tâm đang còn tồn đọng, chưa được giải quyết và những vấn đề mới phát sinh, những vấn đề cử tri thường quan tâm; đặc biệt là các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được địa phương tổng hợp lại thông qua Thường trực HĐND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, cấp xã.
Người điều hành hội nghị tiếp xúc cử tri cần nắm chắc nội dung, trình tự và nhiệm vụ cụ thể hội nghị đặt ra; biết xử lý tình huống linh hoạt, gợi ý thu hút nhiều cử tri phát biểu ý kiến đúng trọng tâm, trọng điểm vào nội dung chương trình đã thông qua; dẫn dắt, định hướng sự đóng góp ý kiến của cử tri đối với chủ trương, chính sách, các giải pháp hữu hiệu để tổ chức thực hiện tốt nội dung tại hội nghị tiếp xúc cử tri; đặc biệt là cần gợi mở để cử tri tham gia nhiều hơn vào nội dung, chương trình kỳ họp, nội dung các nghị quyết trình kỳ họp nhất là các nghị quyết có tác động sâu rộng đến kinh tế - xã hội và liên quan đến đời sống của người dân.
Nâng cao chất lượng công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; các ý kiến, kiến nghị của cử tri phải được tổng hợp đầy đủ, trung thực, có chọn lọc, có tính khái quát cao, tránh trùng lặp. Các kiến nghị cử tri cần nêu cụ thể họ tên, địa chỉ của cử tri có ý kiến để thuận lợi cho việc trả lời ý kiến cử tri, hạn chế việc nội dung trả lời cử tri nhưng cử tri không được biết, nên kiến nghị nhiều lần. Cần phân loại những ý kiến, kiến nghị cần giải quyết gấp để sớm gửi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết kịp thời. Thực hiện việc phân loại ý kiến kiến nghị của cử tri để gửi đến các cơ quan chức năng phù hợp, tránh tình trạng gửi các ý kiến cử tri đến các cơ quan, đơn vị không đúng thẩm quyền giải quyết.
Tăng cường công tác giám sát của Thường trực HĐND, các Ban HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND liên quan việc giải quyết kiến nghị cử tri. Tích cực, quyết liệt “theo đuổi” đến cùng kiến nghị cử tri để góp phần đẩy nhanh tiến độ các cơ quan có thẩm quyền giải quyết kiến nghị cử tri cũng như nâng cao trách nhiệm của các cơ quan. Đặc biệt, đối với những kiến nghị cử tri nhiều lần, cần xem xét, đánh giá tính khả thi của việc giải quyết, đề nghị UBND tỉnh, các cấp, các ngành đề ra giải pháp, lộ trình giải quyết dứt điểm kiến nghị cử tri…
Nguyễn Thị Mai –Văn phòng Tỉnh ủy