Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 – 1/8/2024) - NGÀNH TUYÊN GIÁO CHỦ ĐỘNG, ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, HOÀN THÀNH XUẤT SẮC NHIỆM VỤ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG TỈNH BẮC NINH GIÀU ĐẸP, VĂN MINH

01/08/2024 14:03 Số lượt xem: 133

Cách đây 94 năm, ngày 1/8/1930, Ban cổ động và tuyên truyền của Đảng cộng sản Việt Nam đã xuất bản tài liệu mang tên “Ngày quốc tế đỏ 1-8” để tuyên truyền, kêu gọi quần chúng đứng lên chống chiến tranh đế quốc, giải phóng dân tộc, bảo vệ hòa bình. Tài liệu vừa phát hành đã thổi bùng lên phong trào đấu tranh sôi nổi mang ý thức chính trị của quần chúng công- nông trên cả nước. Ngày 1/8 trở thành một mốc son lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Từ sự kiện đầu tiên có ý nghĩa lịch sử trên Mặt trận chính trị tư tưởng đó, đầu năm 2000, Bộ Chính trị (khóa VIII) quyết định lấy ngày 1/8 hàng năm làm ngày truyền thống ngành Tư tưởng- Văn hóa của Đảng. Năm 2007, sau khi hợp nhất Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) quyết định lấy ngày 01/8 hằng năm làm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng.

Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo (1/8) mang ý nghĩa chính trị, tư tưởng- văn hóa sâu sắc, đó là một mốc son lịch sử, đánh dấu sự ra đời, trưởng thành ngày càng vững mạnh của lĩnh vực công tác tuyên giáo của Đảng, lĩnh vực có lịch sử ra đời sớm nhất trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của công tác tư tưởng trong các hoạt động thành lập Đảng cũng như trong công tác lãnh đạo của Đảng.

Trải qua 94 năm xây dựng và trưởng thành, công tác tuyên giáo của Đảng đã góp phần quan trọng vào mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhất là sự thành công của công cuộc đổi mới.

Nối tiếp truyền thống quê hương Bắc Ninh ngàn năm văn hiến và cách mạng, ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX, những thanh niên, học sinh yêu nước tỉnh Bắc Ninh như Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo đã được giác ngộ cách mạng và trở thành những lãnh đạo xuất sắc của Đảng. Bằng những hoạt động tích cực của các chiến sỹ cộng sản tiền bối, ngày 4/8/1929 tại  núi Hồng Vân (núi Lim, huyện Tiên Du), Đảng bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Bắc Ninh- Bắc Giang đã được thành lập, đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng trong tỉnh. Từ đó, dưới sự hoạt động tích cực của các chiến sỹ cộng sản, công tác tuyên truyền, giác ngộ được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, vận động quần chúng tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công chưa được bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, cùng với cả nước nhân dân Bắc Ninh bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Đầu năm 1947 Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bắc Ninh được thành lập, với nhiệm vụ tuyên truyền, động viên nhân dân thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân toàn diện của Đảng. Cùng với cả nước, Bắc Ninh đã có nhiều đóng góp tích cực đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi mà đỉnh cao là Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, công tác tuyên truyền giáo dục có một vị trí quan trọng đặc biệt đã góp phần động viên, cổ vũ nhân dân ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới; tuyên truyền tích cực cho các phong trào thi đua “Sóng Duyên Hải”, “Gió Đại Phong”, “Cờ Ba Nhất”, “Mỗi người làm việc bằng hai”, “thanh niên ba sẵn sàng”, “phụ nữ ba đảm đang”, “tiếng hát át tiếng bom”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”… tạo nên khí thế thi đua yêu nước chi viện sức người, sức của cho miền Nam, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Trong mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lịch sử, do yêu cầu nhiệm vụ, tên gọi có khác nhau: Ban Tuyên huấn, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng, Ban Khoa giáo, Trường LLCT tại chức tỉnh, sau đó đến năm 1987 các cơ quan trên được sáp nhập thành Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Nhiệm vụ của ngành ngày càng nhiều, nặng nề hơn, bao quát nhiều lĩnh vực tư tưởng, dư luận xã hội, báo chí, văn hoá văn nghệ, lý luận chính trị, giáo dục truyền thống, khoa giáo, lịch sử… nhưng với tinh thần và trách nhiệm, những người làm công tác tuyên giáo đã đoàn kết, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. 

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhất là từ khi tái lập tỉnh đến nay, ngành tuyên giáo Bắc Ninh đã phấn đấu không ngừng và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đã chủ động, tích cực tham mưu Tỉnh ủy, các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tạo ra một số đột phá quan trọng. Nổi bật là công tác tổ chức quán triệt, học tập và cụ thể hóa nghị quyết của Đảng theo hướng phù hợp, sát thực, chất lượng, hiệu quả; Công tác tuyên truyền được thực hiện đồng bộ, hiệu quả phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; Công tác định hướng dư luận xã hội được kịp thời, nâng cao hiệu quả đấu tranh với các luận điệu sai trái, thù địch, giải quyết các vấn đề bức xúc nổi cộm; Chất lượng các hội nghị báo cáo viên, thông tin chuyên đề, Bản tin Sinh hoạt chi bộ thường xuyên được đổi mới, nâng cao; Công tác định hướng chính trị tư tưởng cho hoạt động báo chí và văn học nghệ thuật được quan tâm, đảm bảo báo chí, văn học nghệ thuật hoạt động đúng định hướng của Đảng, đáp ứng nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân trong tỉnh; Các lĩnh vực công tác khoa giáo có nhiều tiến bộ; Công tác giáo dục lý luận chính trị thường xuyên được quan tâm chỉ đạo, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả; Công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ địa phương, truyền thống (lịch sử ngành) được quan tâm thực hiện, đẩy mạnh tiến độ, nâng cao chất lượng, phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn; Công tác văn hóa-văn nghệ được triển khai toàn diện, đồng bộ; Triển khai thực hiện có hiệu quả việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với những cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương, đơn vị. Công tác tuyên giáo đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Tuyên giáo" cho 4 đồng chí cán bộ nhân kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 – 1/8/2024)

Phát huy truyền thống vẻ vang 94 năm công tác Tuyên giáo của Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức ngành Tuyên giáo Bắc Ninh nguyện luôn kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vững vàng trước mọi thử thách, nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, ra sức tu dưỡng đạo đức cách mạng, đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương pháp, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, phấn đấu xây dựng tỉnh Bắc Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại./.

Đỗ Thị Ngọc Dung

Phòng Lý luận chính trị, Lịch sử Đảng - Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ