Bắc Ninh: Tập trung huy động mọi nguồn lực, với nhiều mô hình, giải pháp thiết thực trong giảm nghèo bền vững

11/11/2024 13:37 Số lượt xem: 174

Xóa đói, giảm nghèo toàn diện, bền vững là một trong những mục tiêu xuyên suốt, quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện bản chất tốt đẹp của nhân dân ta. Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác này, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã nỗ lực, quyết liệt thực hiện hiệu quả các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đưa Bắc Ninh trở thành điểm sáng của cả nước trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.

Bắc Ninh phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Trung ương; sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị; sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của cộng đồng xã hội và các tầng lớp nhân dân, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đưa Bắc Ninh trở thành một trong những “điểm sáng” của cả nước trong thực hiện giảm nghèo bền vững. Công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được đẩy mạnh, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đối với công tác giảm nghèo bền vững.

Bắc Ninh luôn chú trọng nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là công tác chăm lo đối tượng chính sách, an sinh xã hội. Đến nay, 100% học sinh là con hộ nghèo đang học tại các cấp phổ thông trong tỉnh được miễn, giảm một phần học phí; 100% người nghèo, người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 100% hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu về vốn để sản xuất, kinh doanh được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội; 100% hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện theo quy định…

Người dân giao dịch tại điểm giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Quế Võ

Đặc biệt, với quyết tâm chính trị đến năm 2025 tỉnh không còn hộ nghèo, trong 2 năm 2023 - 2024, Bắc Ninh đã ban hành thêm nhiều chính sách mới, đặc thù, tập trung vào lĩnh vực trọng yếu nhằm đảm bảo an sinh xã hội. HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 06/2024/NQ-HĐND ngày 28/6/2024 quy định chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh. Đến nay đã có hơn 2.800 hộ với hơn 6.800 nhân khẩu được hưởng trợ cấp hơn 53,7 tỷ đồng; qua đó đảm bảo mức thu nhập cao hơn so với mức chuẩn nghèo hiện hành.

Theo kết quả rà soát đến tháng 10/2024, Bắc Ninh đã chính thức không còn hộ nghèo (bằng 0%), còn hơn 3.000 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,82%, vượt xa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã tạo điều kiện để người dân ở các vùng nghèo tiếp cận với các dịch vụ cơ bản; giúp các địa phương có thêm nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, như đường giao thông, cầu, trường học, bệnh viện... Đặc biệt, Chương trình đã huy động được sự tham gia tích cực của các địa phương, cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ; tăng cường sự tương tác và gắn kết giữa các cơ quan nhà nước với các đơn vị liên quan trong việc giải quyết vấn đề nghèo đói và phát triển kinh tế - xã hội; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh. Trong việc hỗ trợ nhà ở, tính từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh đã hoàn thành hỗ trợ về nhà ở theo chương trình mục tiêu quốc gia cho 7.926 hộ gia đình người có công với cách mạng và hộ nghèo với tổng kinh phí gần 400 tỷ đồng. Thực hiện mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 tỉnh Bắc Ninh không còn hộ nghèo, 

Trong thời gian tới, hệ thống chính trị toàn tỉnh sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cụ thể để hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững, xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn tỉnh vào năm 2025, góp phần thắng lợi mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, đó là:

Thứ nhất, đảm bảo các quy định, cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả để thực hiện chương trình; bảo đảm không hình thức, màu mè, công trình phải có chất lượng và đúng đối tượng thụ hưởng; sử dụng đúng nguồn lực. công khai minh bạch, chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư chương trình MTQG. Các sở, ngành chức năng nâng cao trách nhiệm, tích cực đấu nối với các bộ, ngành Trung ương, các sở, ngành liên quan để tranh thủ những giải pháp, hướng dẫn. Từ đó, chủ động hướng dẫn các đơn vị, địa phương giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, toàn xã hội và đối tượng người nghèo đối với công tác giảm nghèo; thông tin kịp thời, đầy đủ chủ trương, chính sách của Trung ương, cơ chế, chính sách của tỉnh, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; khắc phục hiện tượng không muốn thoát nghèo để được hưởng trợ cấp của Nhà nước. Nâng cao trách nhiệm và phát huy vai trò của các lực lượng tại cơ sở, trước hết là Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, lực lượng công an, quân đội, giáo viên,... trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ người nghèo, hộ nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo.

Thứ ba, thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ cận nghèo hằng năm và từng giai đoạn, làm cơ sở để xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, đề án, kế hoạch, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp. Triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo; phát huy nguồn lực và đóng góp của người dân trong thực hiện các dự án phát triển sản xuất, chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết, gắn phát triển sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Thứ tư, khuyến khích, mở rộng hoạt động tạo việc làm cho lao động thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thông qua các dự án mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, kết nối việc làm. Huy động nguồn lực của doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hảo tâm và đóng góp của Nhân dân cho công tác giảm nghèo; bảo đảm nguồn vốn tín dụng ưu đãi để hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Khơi dậy ý chí nỗ lực vươn lên và xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người nghèo, cận nghèo... coi đây là các giải pháp then chốt, đột phá để giảm nghèo nhanh và bền vững.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện sâu rộng, hiệu quả phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; kịp thời phát hiện, tôn vinh, khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp cho công tác giảm nghèo và gương sáng, điển hình, tiêu biểu về thoát nghèo trong cộng đồng. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai thực hiện các phong trào, cuộc vận động, nhất là cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, “Tháng hành động vì người nghèo”,... tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh./.

Nguyễn Thị Mai – Văn phòng Tỉnh ủy