Đồng chí Hà Huy Tập-tấm gương kiên trung, bất khuất thuộc lớp cán bộ tiên phong thời kỳ dựng Đảng

22/04/2024 13:47 Số lượt xem: 32

      Đồng chí sinh ngày 24/4/1906, tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, Tỉnh Hà Tĩnh. Thân phụ của đồng chí là Hà Huy Tương, có đỗ đạt nhưng không ra làm quan mà ở quê dạy học và bốc thuốc giúp người. Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Lộc, một nông dân chất phác, cả cuộc đời gắn bó với đồng quê, thương chồng, tần tảo nuôi con.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước, Hà Huy Tập đã sớm thể hiện tư chất thông minh, hiếu học. Năm 1919, Hà Huy Tập học xong bậc tiểu học và thi tiếp vào bậc trung học. Sau bốn năm miệt mài đèn sách, Hà Huy Tập đã tốt nghiệp hạng ưu trường Quốc học Huế. Vì hoàn cảnh nhà nghèo không thể tiếp tục học lên bậc cao. Hà Huy Tập xin làm giáo viên tiểu học ở thành phố Nha Trang.

  Từ năm 1923 đến năm 1926, Hà Huy Tập dạy học ở Nha Trang. Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ và lòng yêu nước, Hà Huy Tập đã sớm bước vào cuộc đời hoạt động cách mạng từ năm 1925.

   Do những năm hoạt động tại Nha Trang, Hà Huy Tập đã bị chính quyền thực dân theo dõi và trục xuất khỏi Nha Trang vào giữa năm 1926. Không thể hoạt động ở Nha Trang, Hà Huy Tập chuyển về thành phố Vinh dạy học ở trường tiểu học Cao Xuân Dục và tham gia hoạt động trong Hội Phục Việt, một tổ chức bí mật của những người yêu nước được thành lập ở Vinh, sau đó đổi thành Hội Hưng Nam rồi Tân Việt Cách mạng Đảng.

  Nhận thấy sự nguy hiểm của Hội Hưng Nam và những hoạt động cách mạng của Hà Huy Tập, chính quyền thực dân ở Nghệ An đã sa thải đồng chí.       Tháng 3/1927, Hà Huy Tập chuyển vào Sài Gòn hoạt động và xin dạy học ở trường tư thục An Nam học đường để vừa che mắt địch, vừa kiếm sống và hoạt động cách mạng

  Tháng 6/1928, Hà Huy Tập bị sa thải khỏi An Nam học đường vì lý do “kích động học sinh bãi khóa nhiều lần”.

  Tháng 12/1928, để tránh khỏi sự khủng bố gắt gao của thực dân Pháp, cùng với hai đồng chí được Tổng bộ Tân Việt cách mạng Đảng cử sang Quảng Châu (Trung quốc) thương lượng với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên bàn việc hợp nhất, Hà Huy Tập lên đường sang Trung Quốc hoạt động.

  Thảnh 6/1929, được sự giúp đỡ của tổ chức cách mạng Việt Nam ở nước ngoài và lãnh sự quán Liên Xô ở Trung Quốc, Hà Huy Tập được giới thiệu  sang Liên Xô học tại trường đại học Phương Đông, khóa 1929-1932. Nhờ sẵn có trí thông minh, lại giỏi ngoại ngữ, đồng chí tiếp thu rất nhanh tư tưởng và lý luận của các nhà kinh điển Mác-lênin, đường lối cơ bản của Quốc tế Cộng sản về cách mạng thuộc địa theo con đường cách mạng vô sản. Vừa học lý luận, đồng chí vừa tranh thủ thâm nhập thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, đi thực tập, học nghề ở nhà máy, vận dụng lý luận đã học được để nhìn lại diễn biến của phong trào cách mạng Việt Nam , lịch sử ra đời và đấu tranh oanh liệt của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí viết nhiều bài: Lịch sử của Tân Việt Cách mệnh Đảng (1929); Hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương (1931); Thư gửi Ban Biên tập tạp chí Bôn sơ vích (1932); Kỷ niệm ba năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương thống nhất chỉ rõ tính tất yếu ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng thời tham gia viết nhiều tài liệu quan trọng khác.

 Nhờ những thành tích xuất sắc đó, Hà Huy Tập được đánh giá là “được đào tạo tốt về chính trị, là một chiến sĩ tích cực của Đảng” và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Liên Xô. Chưa tốt nghiệp, Hà Huy Tập đã được Quốc tế Cộng sản dự kiến cử về tăng cường cho Lê Hồng Phong.Trong thư của Mi phơ và Va xzliêva giới thiệu Hà Huy Tập với Lê Hồng Phong ngày 10/2/1932, Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản đánh giá rất cao về Hà Huy Tập: là một đồng chí rất chắc trong đường lối về phương diện chính trị, được huấn luyện tốt về lý thuyết và có kinh nghiệm trong công tác quần chúng. Một tháng sau, chưa nhận được thư trả lời, Quốc tế Cộng sản lại gửi cho Lê Hồng Phong một thư tiếp, khảng định lại những phẩm chất tốt của Hà Huy Tập, “ một đồng chí trung thành, vững vàng về tính đảng và tích cực phi thường”.

   Tháng 4/1933, Hà Huy Tập rời Liên Xô lên đường về nước qua đường Trung Quốc. Tại Ma Cao, tháng 3/1934, Hà Huy Tập đã cùng với Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Dựt thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng do Lê Hồng Phong làm Thư ký.Hà Huy Tập được phân công: phụ trách tuyên truyền cổ động kiêm Tổng Biên tập tạp chí Bôn sơ vích (sau chuyển thành cơ quan lý luận của Đảng Cộng sản Đông Dương).

   Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng, tháng 3/1935, Hà Huy Tập được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Ban Thường vụ.

    Ngày 26/7/1936, Hội nghị Trung ương đã bầu đồng chí Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư của Đảng. Sau Hội nghị, đồng chí bí mật về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng, tổ chức lại Ban Chấp hành Trung ương.

   Ngày 1/5/1938, do có nội phản chỉ điểm, Đồng chí Hà Huy Tập bị địch bắt giam. Hết hạn tù, đồng chí được trả tự do và bị quản thúc ở quê nhà.

   Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, ngày 30/3/1940, thực dân Pháp ra lệnh bắt Hà Huy Tập, đưa về giam ở Khám Lớn Sài Gòn.

   Tháng 11/1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ, sau cuộc khởi nghĩa, chính quyền thực dân mở phiên tòa đại hình ngày 25/3/1941đưa ra xét xử hàng trăm chiến sĩ cộng sản, trong đó có Hà huy Tập. Mặc dù cuộc khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra trong lúc Hà Huy Tập vẫn đang bị giam giữ trong tù, nhưng chúng vẫn buộc đồng chí phải “chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam kỳ” và khép đồng chí vào tội tử hình cùng với nhiều đồng chí khác. Trước toa án đế quốc, nêu cao khí tiết của người cộng sản, bác lời cầu xin của trạng sư bào chữa, đồng chí khảng khái tuyên bố: “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống, tôi vẫn sẽ tiếp tục hoạt động”.

  Ngay từ những năm tuổi trẻ, khi đã tự nguyện dấn thân vào con đường cách mạng gian khổ, Hà Huy Tập đã sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh, hiến dâng cuộc sống của mình cho sự nghiệp lớn lao của Đảng và của dân tộc. Đồng chí viết thư về khuyên giải gia đình: “Nếu tôi phải chết thì ở nhà không nên thờ cúng, điếu phúng, không cần tìm người thờ tự. Gia đình và bạn hữu chớ xem tôi như là người đã chết mà buồn, trái lại nên xem tôi như người còn sống, nhưng đi vắng vô hạn…mà thôi”.

  Tổng Bí thư Hà Huy Tập ngã xuống với niềm vững tin vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng; dưới họng súng của kẻ thù ngày 28/8/1941 tại Hóc Môn-Gia Định (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh). Tinh thần Hà Huy Tập bất tử. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí còn sống mãi trong lịch sử vinh quang của Đảng và dân tộc Việt Nam.

                                                                                Đỗ Ngọc Uẩn

                                                                 60- Mai Bang-Suối Hoa-Bắc Ninh