Đẩy mạnh công tác phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh

06/09/2023 13:36 Số lượt xem: 40

Thời gian qua, công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh ngày càng được quan tâm, đẩy mạnh, qua đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng lao động, đảm bảo an sinh, xã hội.

Sinh viên tốt nghiệp các trường nghề tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm có thu nhập ổn định đạt trên 80%

Với mục tiêu là tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động ổn định, đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh - tế xã hội của tỉnh, trọng tâm là nhân lực chất lượng cao, nhân lực số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và các nhóm ngành dịch vụ, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao. Thông qua các hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp bắt đầu hình thành và vận hành khá tốt trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở GDNN đã chủ động hơn, thuận lợi hơn khi tìm đến doanh nghiệp; các doanh nghiệp đã tích cực hơn trong việc tiếp cận, tìm đến các nhà trường; mô hình đào tạo tại doanh nghiệp được hình thành.

Tính đến giữa nhiệm kỳ 2022 -2025, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đầu tư, phát triển với tổng số cơ sở hiện nay là có 58 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trong đó có 13 trường cao đẳng, 18 trường trung cấp, 17 trung tâm GDNN và 10 cơ sở khác có hoạt động GDNN; về cơ bản các cơ sở GDNN đã được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn và trên chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ theo quy định. Kết quả công tác kiểm định chất lượng và điều kiện hoạt động, 100% các cơ sở GDNN đều đảm bảo điều kiện để thực hiện quy mô tuyển sinh và tổ chức đào tạo theo giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN được cấp.

Hiện tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề hoạt động trên địa bàn tỉnh đáp ứng quy mô tuyển sinh và đào tạo hàng năm là 6.000 sinh viên hệ cao đẳng và 7.000 học sinh hệ trung cấp. Thống kê kết quả đào tạo giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2019-2022, bình quân hàng năm hệ thống cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tuyển sinh và đào tạo trên 50.000 lao động, trong đó trình độ cao đẳng và trung cấp nghề đạt 7.000 – 8.000 lao động/ năm (chiếm 13,5% tổng số tuyển sinh), còn lại là trình độ nghề sơ cấp, nghề ngắn hạn, đào tạo thường xuyên. Chất lượng đào tạo GDNN ngày càng được cải thiện (tỉ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm có thu nhập ổn định đạt trên 80%).

Công tác tuyên truyền về giáo dục dạy nghề cũng được quan tâm, chú trọng tổ chức thực hiện với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh cũng tăng cường phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn ở các cấp độ và phạm vi khác nhau về phát triển nâng cao chất lượng GDNN gắn với nhu cầu thị trường, giải quyết việc làm bền vững; Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp đối với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trung cấp…

Hầu hết các trường trung cấp, cao đẳng đều thành lập các phòng, tổ công tác tuyển sinh trực tiếp đến các địa phương, cơ sở giáo dục phổ thông để tuyên truyền, tư vấn GDNN. Đặc biệt, nhiều trường đã trực tiếp phối hợp với các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh nhằm giúp các em nắm bắt đầy đủ thông tin về GDNN, từ đó có cơ sở để lựa chọn ngành nghề.

Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo kết hợp với xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí trường chất lượng cao và ngành, nghề trọng điểm ở ba cấp độ sớm hoàn thành và đi vào hoạt động là địa chỉ đào tạo chủ lực góp phần xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, nhất là nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao.

Tuy nhiên, cơ cấu tuyển sinh, đào tạo nghề còn bất cập, chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng (tỷ lệ tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp trung bình hàng năm đạt 12 -15%); tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp ở những ngành nghề nặng nhọc, độc hại, ngành nghề năng khiếu gặp nhiều khó khăn. Chất lượng đầu vào của người học tham gia học nghề thấp; một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp có năng lực đào tạo còn hạn chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành chưa được chú trọng đầu tư, trình độ kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm của đội ngũ nhà giáo chưa đáp ứng được yêu cầu nên đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo (đặc biệt là ở lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đào tạo liên kết trình độ trung cấp ở các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, trung tâm Giáo dục thường xuyên). Công tác tuyển sinh ở một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều khó khăn, nhiều năm không tuyển đủ chỉ tiêu; một số trường trung cấp chỉ tuyển sinh đào tạo hệ sơ cấp. Công tác hướng nghiệp trong các trường THCS, THPT chưa được quan tâm đúng mức, kết quả chưa cao. Việc hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, nhất là hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao; việc liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp chưa sâu rộng; thiếu những giải pháp chiến lược, dài hạn về lao động để đảm bảo các hoạt động giáo dục nghề nghiệp đáp ứng được nhu cầu sản xuất ngày càng cao của thị trường lao động.

Để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị số 21-CT/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thời gian tới, toàn ngành tiếp tục thực hiện tốt nội dung Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo của các cơ sở GDNN; quan tâm, đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong GDNN đủ năng lực, trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ; liên kết và cân đối giữa các bậc đào tạo, ngành nghề đào tạo để phát triển nguồn nhân lực đạt chất lượng.

Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác GDNN; Chỉ đạo các cơ sở GDNN có đầu tư thỏa đáng và có nhiều giải pháp thiết thực để tuyên truyền tư vấn, hướng nghiệp nhằm nâng cao số lượng, chất lượng tuyển sinh học nghề góp phần thúc đẩy tỷ lệ lao động qua đào tạo, chuyển dịch cơ cấu lao động theo yêu cầu thị trường.

Tăng cường tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp nhằm thu hút lực lượng thanh niên tham gia học nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực lao động có tay nghề cao cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phục vụ phát triển kinh tế xã hội gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề ở các cấp trình độ, thực hiện tốt công tác kiểm định chất lượng đào tạo. Chỉ đạo các cơ sở GDNN hoạt động trên địa bàn tỉnh thực hiện rà soát, chuyển đổi, bổ sung ngành nghề đào tạo phù hợp với thị trường lao động; tập trung các nghề thuộc ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ hỗ trợ để phát triển ngành công nghiệp khác; đào tạo nguồn nhân lực nhằm giải quyết nhu cầu lao động cho khu công nghiệp, cụm công nghiệp để đảm bảo thanh niên học nghề có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Tăng cường công tác thống kê dữ liệu về thị trường lao động; phân tích dự báo, cung cấp thông tin về cung - cầu lao động làm căn cứ cho các cơ sở GDNN xây dựng và thực hiện mục tiêu, kế hoạch đào tạo đáp ứng nguồn nhân lực tham gia thị trường lao động trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác hợp tác, liên kết giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp trong tuyển sinh - đào tạo gắn với tuyển dụng việc làm sau tốt nghiệp nhằm tránh học sinh ra trường không có việc làm gây lãng phí cho gia đình và xã hội.

Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về GDNN đối với các cơ sở GDNN, cơ sở có hoạt động GDNN; Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong tổ chức hoạt động GDNN./.

Nguyễn Thị Mai - Văn phòng Tỉnh ủy