Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
Trong những năm qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao tại Bắc Ninh đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội bền vững của địa phương, nhất là từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 06/6/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao” đến nay.
Học sinh, sinh viên tham gia học nghề tại Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh
Nhận thức được tầm quan trọng đó, các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 37-CT/TW. Bên cạnh việc ban hành các văn bản phù hợp để triển khai thực hiện, các cấp, các ngành trong tỉnh còn xác định những chỉ tiêu, nhiệm vụ về đào tạo phát triển nhân lực trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương. Công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao được triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về công tác đào tạo nguồn nhân lực nói chung và đào tạo nhân lực có tay nghề cao nói riêng, tạo chuyển biến tích cực trong quá trình triển khai thực hiện, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Công tác quản lý Nhà nước về đào tạo nhân lực có tay nghề cao được chú trọng. Toàn tỉnh hiện có 56 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trong đó có 13 trường cao đẳng, 18 trường trung cấp, 17 trung tâm GDNN và 8 cơ sở khác có hoạt động GDNN, trong đó có 19 cơ sở GDNN công lập, 34 cơ sở GDNN tư thục; không có cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài; 01 trường được đầu tư và phát triển trở thành trường chất lượng cao vào năm 2025; 09 trường được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt lựa chọn đầu tư trường trọng điểm với 30 nghề trọng điểm trong đó có 07 nghề cấp quốc tế, 04 nghề cấp khu vực ASIAN và 19 ngành, nghề cấp quốc gia. Việc quy hoạch, sắp xếp hệ thống các cơ sở đào tạo được thực hiện kịp thời, phát huy hiệu quả hoạt động, khắc phục được tình trạng chồng chéo, lãng phí nguồn lực xã hội. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn chất lượng TCVN ISO 9001:2008 trong đào tạo, góp phần chuẩn hóa công tác quản lý đào tạo, bảo đảm chất lượng đầu ra. Tỷ lệ lao động qua đào tạo hàng năm đều được nâng lên, ót nhất 80% số học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng nghề được đào tạo, 100% học sinh sinh viên tốt nghiệp hệ trung cấp nghề bậc 2/5, hệ cao đẳng nghề bậc 3/5 của tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và có trình độ tin học đạt tiêu chuẩn IC3 hoặc tương đương.
Công tác xây dựng phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đào tạo nhân lực có tay nghề cao được quan tâm. Hiện nay, đội ngũ nhà giáo có 3.643 cán bộ quản lý, giảng viên dạy nghề, trong đó 1486 giảng viên có trình độ đại học, 858 thạc sỹ, 98 tiến sỹ; 100% giáo viên đạt chuẩn quy định, có trình sộ tin học IC3 hoặc tương đương, trình độ ngoại ngữ tiếng Anh đạt 350 điểm TOEIC hoặc tương đương, 100% cán bộ quản lý của trường được cấp chứng chỉ đào tạo về nghiệp vụ quản lý dạy nghề. Tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 78%, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 35,6% lực lượng lao động đang làm việc. Lao động có chuyên môn kỹ thuật bậc cao chiếm hơn 9% tổng số lao động, chuyên môn kỹ thuật bậc trung chiếm 11,5%.
Việc đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ chương trình, nội dung đào tạo nhân lực có tay nghề cao trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung đào tạo theo hướng “nhà trường gắn liền với doanh nghiệp”, phối hợp thực hiện học kỳ tại doanh nghiệp, góp phần giúp cho học viên có kiến thức thực tế, sau khi tốt nghiệp bảo đảm đạt chuẩn đầu ra, có cơ hội tìm được việc làm đúng với ngành nghề đào tạo. Việc đánh giá kết quả học tập, công nhận tốt nghiệp được thực hiện theo đúng Quy chế thi, kiểm tra và công nhận tốt nghiệp.
Trong 10 năm qua, bên cạnh việc đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa, tranh thủ các nguồn lực xã hội để đầu tư, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ nhu cầu đào tạo nghề của tỉnh. Mặt khác, các trường đào tạo nghề đã tăng cường liên kết đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, cung ứng lao động, gửi học sinh, sinh viên thực tập, kiến tập; gửi giảng viên tham gia thực tập sản xuất và cùng doanh nghiệp quản lý học sinh, sinh viên thực tập tốt nghiệp. Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp được thành lập, nhu cầu về lao động có tay nghề cao rất lớn nên các cơ sở dạy nghề đã chuyển hướng, tập trung mở các lớp đào tạo như: Điện công nghiệp, Hàn công nghệ cao, Công nghệ ô tô, May thời trang… kịp thời cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp.
Công tác hợp tác, hội nhập quốc tế về giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao được quan tâm tạo điều kiện cho cán bộ giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, chuyến giao công nghệ và hợp tác quốc tế để vận dụng những thành tựu khoa học - công nghệ vào công tác đào tạo nghề. Công tác hợp tác quốc tế trong GDNN tập trung ở một số cơ sở có quy mô và chất lượng như Trường CĐ Công nghiệp Bắc Ninh, Trường CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh, Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật và Thủy sản, Trường CĐ ngoại ngữ và công nghệ Việt Nhật… Ngoài ra một số trường đã định hướng hợp tác quốc tế là mục tiêu chính phát triển của mình như Trường Trung cấp Future Việt Nam.
Trong thời gian tới, tỉnh xác định tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông về giáo dục nghề nghiệp, nhân rộng các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, kịp thời biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục nghề nghiệp. Tiếp tục rà soát điều chỉnh, bổ sung kịp thời các ngành nghề nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của doanh nghiệp được cụ thể hóa tại các Đề án của tỉnh. Đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đào tạo có chiều sâu, tập trung chuyên sâu cho các mô đun chuyên ngành, không dàn trải có tính chất kế thừa, phát triển, đặc biệt những nghề trọng điểm quốc gia đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt. Mở rộng quy mô đào tạo các ngành, nghề chất lượng cao, ưu tiên các ngành nghề lĩnh vực trọng điểm như công nghiệp công nghệ cao, công nghệ xanh, thông minh, công nghiệp chế biến, chế tạo, điển tử…; hỗ trợ đào tạo nghề liên quan đến ngành công nghiệp số đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng, cập nhật nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bảo đảm “học đi đôi với hành”; đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác công tư nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nhiều nguồn lực cho phát triển GDNN; thúc đẩy sự hỗ trợ, tài trợ của các nước phát triển các tổ chức quốc tế đầu tư cho GDNN…
Nguyễn Thị Mai – Văn phòng Tỉnh ủy