Bắc Ninh: Đa dạng các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh

19/11/2024 09:46 Số lượt xem: 87

Để giảm thiểu tai nạn giao thông và nâng cao ý thức chấp hành an toàn giao thông (ATGT) cho học sinh, Bắc Ninh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phối hợp giữa các cơ quan, nhà trường và gia đình. Đây là nỗ lực nhằm xây dựng môi trường giao thông an toàn cho lứa tuổi học sinh.

Lực lượng Cảnh sát giao thông tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh tại Trường THCS Tiền An, TP Bắc Ninh

Bắc Ninh hiện có hệ thống giáo dục phát triển rộng khắp, với 506 trường học, 11.554 nhóm trẻ/lớp học từ cấp học mầm non đến THPT. Trong năm học 2023-2024, toàn tỉnh ghi nhận 1.025 trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tạm giữ 512 xe mô tô, 179 xe máy điện; trấn áp, bắt hơn 200 đối tượng thiếu niên lạng lách, đánh võng, các đối tượng tụ tập, tàng trữ, sử dụng dao kiếm, vũ khí thô sơ. Những con số này đã cho thấy tính cấp bách của việc triển khai các giải pháp an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bắc Ninh đã phối hợp với Công an tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh và các trường học trên địa bàn để thực hiện các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn cho học sinh về quy định pháp luật giao thông, đồng thời phát triển nhiều mô hình quản lý an toàn giao thông tại trường học. Các giải pháp này được triển khai phù hợp với từng lứa tuổi, từng địa bàn và tình hình thực tế.

Ngay từ đầu năm học, các nhà trường trong toàn tỉnh đã yêu cầu giáo viên và học sinh tuân thủ nghiêm các quy định giao thông; phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự Công an các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các buổi tuyên truyền về kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho toàn thể giáo viên và học sinh. Bên cạnh đó, các Nhà trường cũng phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh để vận động phụ huynh nhắc nhở con em chấp hành luật giao thông và cam kết không giao xe máy, xe gắn máy cho con điều khiển khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe; Đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; Giáo dục con cái chấp hành tốt mọi quy định về ATGT khi tham gia giao thông trên đường (đi đúng phần đường, không vượt đèn đỏ…). Qua những biện pháp này, nhận thức của học sinh và gia đình về ATGT đã được cải thiện đáng kể.

Bên cạnh việc tuyên truyền tại trường học, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Bắc Ninh còn triển khai nhiều mô hình hay, thực hiện các buổi tập huấn ngoại khóa lồng ghép với giáo dục pháp luật giao thông, giúp học sinh nhận diện những hành vi vi phạm phổ biến và hiểu rõ hậu quả của tai nạn giao thông. Mô hình “Đi đến trường an toàn - Về đến nhà an toàn” đã được Ban ATGT triển khai tại 100 trường Tiểu học và THCS góp phần cải tạo bất cập về hạ tầng và tổ chức giao thông xung quanh khu vực cổng trường, cung cấp hệ thống trang thiết bị giảng dạy ATGT hiện đại cho nhà trường. Mô hình “Nút giao thông an toàn” phát huy sức mạnh của các lực lượng tại cắm chốt ở các nút giao trên tuyến đường gần trường học vào giờ cao điểm để tổ chức, điều tiết, hướng dẫn, phân luồng giao thông. Mô hình “Cổng trường ATGT”, “Xếp hàng đón con” tạo được hiệu ứng lan rộng, giúp hình thành thói quen cho các em học sinh, phụ huynh tạo nên nét đẹp văn hóa giao thông trước cổng trường học.

Khu nhà xe của học sinh được sắp xếp ngăn nắp, khoa học

Đặc biệt, mô hình “Nhà xe học sinh, sinh viên ATGT” được triển khai thí điểm từ đầu năm 2023, đến nay đã nhân rộng ra 100%, cơ sở giáo dục trong tỉnh. Đây là mô hình do Sở GD-ĐT, Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh phối hợp thực hiện, hướng tới tuyên truyền, quản lý, kiểm soát chặt chẽ các điều kiện liên quan đến phương tiện, độ tuổi điều khiển phương tiện, việc chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên ngay từ trong nhà trường, giảm thiểu tai nạn khi tham gia giao thông; góp phần xây dựng văn hóa giao thông của người Bắc Ninh từ lứa tuổi học sinh và bền vững trong nhiều thế hệ…

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, lực lượng CSGT sẽ tiếp tục phối hợp cùng các địa phương, trường học tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho các em trong lứa tuổi học sinh các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ; các kỹ năng điều khiển phương tiện, kỹ năng xử lý tình huống khi tham gia giao thông; thông tin những hành vi, lỗi vi phạm thường gặp đối với độ tuổi học sinh khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông… nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông cho học sinh. Tổ chức cho học sinh, phụ huynh học sinh, cá nhân, tổ chức có phương tiện đưa, đón học sinh ký cam kết không vi phạm các quy định về giao thông, không chở học sinh khi phương tiện không đủ điều kiện, không giao xe cho học sinh khi không đủ điều kiện điều khiển phương tiện.

Ngoài ra, các địa phương, đoàn thể chính trị - xã hội tích cực phát huy vai trò tổ chức đa dạng các hoạt động tuyên truyền, vận động gia đình nhắc nhở con em trong độ tuổi thanh, thiếu niên tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông; chú trọng thông báo, trao đổi về việc xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông của học sinh giữa địa phương - nhà trường - gia đình cùng quản lý và giáo dục về an toàn giao thông với học sinh, tuyệt đối không giao mô tô, xe máy, xe máy điện cho con em điều khiển tham gia giao thông khi không đủ điều kiện theo quy định.

Đây là điều kiện quan trọng không chỉ góp phần thực hiện mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông mà còn hình thành ý thức chấp hành tốt pháp luật về ATGT của học sinh, hướng đến xây dựng văn hóa tham gia giao thông tại địa phương./.

Nguyễn Thị Mai – Văn phòng Tỉnh ủy