Tỉnh uỷ tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và một số chỉ thị, nghị quyết, quy định, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XIII

19/05/2025 10:15 Số lượt xem: 13

Sáng 18/5/2025, Tỉnh uỷ tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và một số chỉ thị, nghị quyết, quy định, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá  XIII theo hình thức trực tuyến kết nối với điểm cầu Trung ương và tiếp song truyền hình trực tiếp trên VTV1, VOV, VOV1, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh. Toàn tỉnh có 69 điểm cầu trực tiếp (01 điểm cầu cấp tỉnh, 12 điểm cầu cấp huyện, 56 điểm cầu cấp xã); 652 điểm truyền hình trực tiếp.

Đồng chí Vương Quốc Tuấn, Uỷ viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí nguyên Thường trực Tỉnh ủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Các đồng chí Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Trưởng, phó các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các Ban HĐND tỉnh; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; báo cáo viên cấp tỉnh; Đại diện lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn.

Tại điểm cầu các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, có các đồng chí Thường trực; Ủy viên Ban Thường vụ; Ủy viên ban chấp hành Đảng bộ; Ủy viên Ủy ban kiểm tra các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, Đảng uỷ trực thuộc; trưởng, phó ban, phòng, đoàn thể thuộc huyện ủy, ủy ban nhân dân cấp huyện; trưởng, phó ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội cấp huyện; các đồng chí báo cáo viên cấp huyện; toàn thể cán bộ, đảng viên của cơ quan huyện ủy, chính quyền cấp huyện; đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp trên địa bàn; cán bộ lãnh đạo ban thường vụ cấp huyện đã nghỉ hưu trên địa bàn.

Tại điểm cầu cấp xã có các đồng chí Thường trực, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cấp xã; trưởng, phó ban, ngành, đoàn thể; bí thư chi bộ khu dân cư, tổ dân phố; trưởng, phó cấp thôn; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học, mầm non đóng trên địa bàn xã; toàn thể cán bộ, đảng viên của cơ quan đảng ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn; đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp trên địa bàn; cán bộ lãnh đạo ban thường vụ cấp xã đã nghỉ hưu.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu cấp tỉnh

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giới thiệu chuyên đề "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW".  Thủ tướng khẳng định kinh tế tư nhân ngày càng có vai trò quan trọng, thể hiện rõ qua Nghị quyết của các kỳ Đại hội. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển về kinh tế tư nhân. Hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện trên cơ sở cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm, định hướng của Đảng, tạo khung pháp lý thống nhất, thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, bảo đảm quyền tự do kinh doanh bình đẳng đồng thời nhấn mạnh, Nghị quyết 68/NQ-TW mới được ban hành tròn 2 tuần, nhưng đã được cả hệ thống chính trị, toàn dân nhiệt liệt hưởng ứng, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, hộ kinh doanh hồ hởi đón nhận, xem đây là một bước tiến đột phá về tư duy phát triển, trở thành một "cuộc cách mạng về tư duy và thể chế" cho kinh tế tư nhân, tạo lập và củng cố niềm tin, thúc đẩy kinh tế tư nhân vươn lên, bứt phá, đóng góp cho đất nước.

Nghị quyết 68-NQ/TW đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá về phát triển kinh tế tư nhân, đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 thể hiện tinh thần đổi mới, đột phá, cải cách mạnh mẽ, bảo đảm bám sát 3 đột phá chiến lược (về thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng) và trong tổng thể 4 Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị. Với những giải pháp mang tính cách mạng, đột phá, Nghị quyết số 68-NQ/TW là nguồn cảm hứng mạnh mẽ, “tiếp lửa” cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân dấn thân, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, vượt qua giới hạn của chính bản thân mình, tạo dựng những giá trị mới, cùng cả nước vươn lên trong kỷ nguyên mới

Tại Hội nghị Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW".

Việc ban hành Nghị quyết 66 là đòi hỏi khách quan của tiến trình đổi mới, nhằm tạo đột phá nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của đất nước. Những nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết 66-NQ/TW của Bộ Chính trị, bao gồm quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, Nghị quyết 66-NQ/TW chỉ rõ, để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới thì công tác xây dựng và thi hành pháp luật phải quán triệt sâu sắc 5 quan điểm chỉ đạo, 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp; quán triệt và triển khai thực hiện mục tiêu trung hạn và dài hạn cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật, trong đó xác định điểm nhấn quan trọng là đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật. Pháp luật phải thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương của Đảng; xuất phát từ lợi ích toàn cục của đất nước, ưu tiên bảo đảm quyền con người và quyền công dân. Luật pháp được xác định là lợi thế cạnh tranh của đất nước, do đó Nghị quyết yêu cầu dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” - thay vào đó phải khuyến khích sáng tạo, khơi thông nguồn lực phát triển; Đồng thời, yêu cầu công tác xây dựng pháp luật được phải rất chủ động trong nghiên cứu chiến lược và tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng chính sách; phải hoàn thiện quy trình lập pháp minh bạch, chuyên nghiệp và công khai ý kiến đóng góp, không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp phải hướng đến mục tiêu chung: tạo dựng một nền pháp lý tiên tiến, hiện đại, minh bạch, tạo động lực mạnh mẽ cho khát vọng vươn lên của dân tộc.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, những đổi mới, cải cách mà chúng ta đang triển khai không chỉ là yêu cầu khách quan của phát triển mà còn là mệnh lệnh từ tương lai của dân tộc. Những đổi mới, cải cách tập trung vào bốn đột phá là: Nghị quyết số 57 của Bộ chính trị về thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Nghị quyết số 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, Nghị quyết số 68 về phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân và Nghị quyết số 66 về đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật. Tổng Bí thư lưu ý, điểm đột phá chung của cả bốn nghị quyết là tư duy phát triển mới: từ “quản lý” sang “phục vụ”, từ “bảo hộ” sang “cạnh tranh sáng tạo”, từ “hội nhập bị động” sang “hội nhập chủ động”, từ “cải cách phân tán” sang “đột phá toàn diện, đồng bộ và sâu sắc”. Đây là bước chuyển tư duy căn bản, kế thừa thành tựu đổi mới 40 năm qua và phù hợp với xu thế toàn cầu trong kỷ nguyên số. Bốn nghị quyết lớn của Bộ Chính trị nêu trên là “Bộ tứ trụ cột” giúp Việt Nam cất cánh, trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. 

Tổng Bí thư đề nghị toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quán triệt rõ tinh thần: Phát triển kinh tế tư nhân trở thành “một động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc gia. Doanh nhân Việt Nam là “chiến sĩ trên mặt trận kinh tế” trong thời kỳ mới, không chỉ góp phần làm giàu cho bản thân mà còn thực hiện sứ mệnh cao cả, đó là dựng xây đất nước hùng cường và thịnh vượng. Tạo đột phá thực sự về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, coi đây nền tảng phát triển và lực đẩy chủ yếu cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên mới. Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Đây là yếu tố sống còn, quyết định sự thành công của quá trình vươn mình của dân tộc; là nền tảng vững chắc để bảo vệ quyền con người, quyền công dân và là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Xây dựng pháp luật phải đi trước một bước, bảo đảm tính dự báo cao, phù hợp thực tiễn và yêu cầu của sự phát triển nhanh chóng. Trong đó, phân cấp, phân quyền rõ ràng, gắn với trách nhiệm giải trình, xóa bỏ cơ chế “xin-cho”, triệt tiêu các lợi ích cục bộ và đặc quyền nhóm. Hội nhập quốc tế của đất nước là động lực chiến lược để Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình; chủ động, sáng tạo, đoàn kết thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân, làm cho nhân dân có đời sống thực sự ngày một tốt hơn. Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam phải trở thành chiến sĩ tiên phong trên mặt trận phát triển đất nước. Lãnh đạo các cấp, từ Trung ương đến địa phương, phải gương mẫu, tiên phong trong đổi mới tư duy và hành động; dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích quốc gia, thậm chí dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung. Các chương trình hành động phải được triển khai quyết liệt, bài bản, lấy hiệu quả thực tế làm thước đo năng lực và kết quả công tác. Người dân và doanh nghiệp phải được xác định là trung tâm và chủ thể sáng tạo trong phát triển. Cần bồi đắp mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp quốc gia, khơi dậy nguồn lực đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội, phát triển kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đưa Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường hiện đại hóa, hội nhập.

Phát biểu Kết luận Hội nghị tại điểm cầu tỉnh, đồng chí Vương Quốc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của 2 Nghị quyết 66, 68 và bài phát biểu chỉ đạo sâu sắc, trí tuệ, truyền cảm hứng của Tổng Bí thư Tô Lâm. Để triển khai thực hiện hiệu quả 2 Nghị quyết trên địa bàn tỉnh, đề nghị các cơ quan truyền thông, cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung đa dạng hóa công tác tuyên truyền trên kênh thông tin, đặc biệt kênh truyền thông đa phương tiện đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, tạo sự chuyển biến từ nhận thức thành hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là bộ phận tham mưu trong việc xây dựng, thi hành chính sách pháp luật, chính sách đặc thù của địa phương và cán bộ trực tiếp phục vụ cho người dân, doanh nghiệp, tạo động lực, khát vọng dám dấn thân vươn lên làm giàu của đội ngũ doanh nhân, hộ kinh doanh, người trẻ tuổi, các Startup khởi nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn phát biểu tại Hội nghị

Giao Sở Tư pháp, Sở Tài chính tiếp thu hoàn chỉnh Dự thảo về kế hoạch triển khai thực hiện 2 Nghị quyết 66 và 68 để Tỉnh ủy chính thức ban hành; phối hợp với Sở Tư pháp và Sở Tài chính Bắc Giang khẩn trương hình thành dự thảo của tỉnh Bắc Ninh mới để triển khai thực hiện ngay sau khi công bố Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập tỉnh Bắc Ninh mới. Cấp ủy, chính quyền các cấp, từng cơ quan, đơn vị phải đưa nội dung triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội và Chính phủ vào chương trình công tác, định kỳ báo cáo hàng tuần, đặc biệt đối với 4 Nghị quyết (57, 59, 66, 68). Đồng thời nhấn mạnh: Các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải triển khai bằng sản phẩm cụ thể, không chấp nhận cán bộ trong hệ thống nhận thức về chức trách, nhiệm vụ mà không có kết quả, sản phẩm trong việc triển khai thực hiện. Đối với cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị phải tự cập nhật, tự học để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong kỷ nguyên mới của dân tộc.

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghiên cứu và giới thiệu tóm tắt nội dung của các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XIII, do Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ ban hành.

Một số hình ảnh Hội nghị tại các điểm cầu trong tỉnh

 

Điểm cầu Thành uỷ Từ Sơn

Điểm cầu phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh

Lê Thị Hằng,

Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ