Thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
Hiện nay, Bắc Ninh đã cơ bản đáp ứng tiêu chí tỉnh công nghiệp hiện đại, song nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định chính trị, xã hội. Tuy nhiên, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa; khí hậu biến đổi phức tạp, dịch bệnh trên người, cây trồng, vật nuôi khó kiểm soát; áp lực lạm phát cao làm giá đầu vào phục vụ sản xuất biến động mạnh, giá nông sản bấp bênh, không ổn định… là những thách thức rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà. Để giải bài toán cho các vấn đề này, thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) là xu hướng tất yếu.
Sản xuất rau sạch với công nghệ nhà màng
Nông nghiệp CNC là một nền nông nghiệp ứng dụng hợp lý những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững.
Xác định tầm quan trọng của nông nghiệp ứng dụng CNC, Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025, xác định phương hướng, nhiệm vụ đối với ngành nông nghiệp Bắc Ninh: “… tiếp tục thu hút, phát triển nông nghiệp CNC, nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ thông tin. Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp nông thôn, trọng tâm là đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với xây dựng và phát triển nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu…”. Để hoàn thành nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, ngày 14/9/2021, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng CNC, sản xuất hàng hoá, giai đoạn 2021-2025, đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật khoa học, công nghệ, nhất là CNC vào sản xuất. Ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Bắc Ninh luôn có chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là chính sách thu hút đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC.
Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh ngày càng được mở rộng và phát triển. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến đã được đưa vào ứng dụng rộng rãi trong sản xuất. Cơ giới hóa được triển khai đồng bộ đã góp phần giảm công lao động, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế và giá trị sản xuất. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC được đầu tư theo hướng hiện đại, bền vững và cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân trong sản xuất nông nghiệp... Điều này đã góp phần không nhỏ vào việc duy trì giá trị sản xuất nông nghiệp trong điều kiện diện tích đất ngày càng bị thu hẹp; giá trị sản phẩm trên một ha đất canh tác liên tục tăng (năm 2022 ước đạt 138,7 triệu đồng/ha, tăng khoảng 25% so với năm 2017), góp phần quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, an ninh lương thực được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng nông thôn ngày càng được nâng cao. Một số kết quả nổi bật cụ thể trên các lĩnh vực:
Đối với lĩnh vực trồng trọt: Các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng đã được thử nghiệm và ứng dụng vào sản xuất đại trà cho hiệu quả cao như: các giống lúa năng suất cao (VNR20, BC15,...); giống lúa chất lượng cao (Bắc thơm số 7, TBR225, nếp PD2, BM 9603,...); giống ngô chuyển gen kháng sâu đục thân và chống chịu thuốc trừ cỏ; giống hoa Phong lan, chuối tiêu hồng nuôi cấy mô,...
Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành và phát triển được 72 cơ sở trồng trọt ứng dụng CNC với tổng diện tích 161,65ha. Trong đó 25 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩnVietGAP với tổng diện tích 132,52ha; 47 cơ sở sản xuất rau, hoa trong nhà lưới,nhà màng, nhà kính với tổng diện tích29,13 ha, cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Ngoài ra, tỉnh đã xây dựngđược 06 thương hiệu thuộc sở hữu chung của cộng đồng đượcbảo hộ sở hữu trí tuệ bằng các hình thứcChỉ dẫn địa lý (sản phẩm Tỏi An Thịnhcủa huyện Lương Tài), Nhãn hiệu chứngnhận (04 sản phẩm: Khoai tây Quế Võ,Cà rốt Gia Bình, Gạo nếp Nhung Tam Sơn,Nếp cái hoa vàng Yên Phụ) và Nhãn hiệu tập thể (sản phẩm Gạo tẻ thơm Quế Võ).
Cơ giới hóa luôn được coi trọng, cơ bản đã cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch. Khâu phun thuốc BVTV đạt khoảng 80%, trong đó dịch vụ phun thuốc bằng thiết bị bay siêu nhẹ không người lái đã hình thành và từng bước phát triển; khâu gieo, cấy đạt khoảng 15% và đang dần được triển khai mở rộng.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi: Các tiến bộ kỹ thuật được ứng dụng phổ biến trong sản xuất chăn nuôi của tỉnh hiện nay như: công nghệ chuồng kín với hệ thống làm mát, điều khiển nhiệt độchuồng nuôi, máng ăn và nước uống tự động; các tiến bộ kỹ thuật trong lai tạo giốngvật nuôi, công nghệ sinh học... Ngoài ra, hiện nay đa số các cơ sởchăn nuôi tập trung đã đưa công nghệ xử lý chất thải DEWATS, công nghệ thôngtin, tự động hóa vào sản xuất. Trên địa bàntỉnh hiện có 72 trang trại chăn nuôi áp dụng công nghệ chuồng kín, máng ăn và nướcuống tự động, trong đó có 02 cơ sở chăn nuôi đã thực hiện tự động hóa toàn bộ quátrình sản xuất, 04 cơ sởchăn nuôi ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đàn giống.
Công tác cải tiến, nâng cao chất lượng đàn giống vật nuôi được đẩy mạnh
như giống lợn siêu nạc cao sản 3-4 máu ngoại; giống gà, vịt, ngan siêu thịt, siêu trứng, kiêm dụng; các giống vật nuôi bản địa như gà Mía, gà Hồ, gà Đông Tảo, gà Chọi, gà ri, lợn rừng... được lưu giữ, phục tráng và nhân giống đưa vào sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo tồn nguồn gen động vật quý hiếm.
Đối với lĩnh vực thủy sản: Công nghệ nuôi cá thâm canh có sử dụng quạt nước, thức ăn công nghiệp và chế phẩm vi sinh trong xử lý môi trường ao nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao đang được mở rộng. Toàn tỉnh đã hình thành162 vùng nuôi cá trong ao đất tập trung (quy mô 10 ha trở lên) với diện tích 2.757,6 ha; 22 vùng nuôi cá lồng trên sông. Trong đó có 153 cơ sở nuôi trồng thủy sản được đánh giá chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, có 01 HTX (Hợp tác xã Chăn nuôi Thủy sản Trường Mạnh) đã được Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận thương hiệu cá sạch, cung cấp ra thị trường 400-500 tấn cá/năm, doanh thu đạt 18 - 20 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế đó là: tỷ trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC còn thấp;tỷ lệ công nghệ thông tin và công nghệ tự động hóa còn hạn chế;cơ bản mới hình thành các cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC chứ chưa hình thành được vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đảm bảo tiêu chí về quy mô diện tích theo quy định của Chính phủ...
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại trên là do ruộng đất của tỉnh còn nhỏ lẻ, manh mún, giá thuê đất cao, còn tâm lý giữ đất chờ đền bù dự án của một bộ phận nông dân,... nên việc tập trung, tích tụ ruộng đất gặp nhiều khó khăn.Mặt khác, mặt bằng giá nhân công cao, việc tiếp cận các nguồn vốn vay còn hạn chế do yêu cầu người vay phải có tài sản thế chấp, trong khi đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đòi hỏi trình độ và vốn lớn,rủi ro caonên chưa khuyến khích được các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư, phát triển.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, giải quyết những tồn tại, hạn chế trên, trong thời gian tới ngành Nông nghiệp và PTNT cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu như sau:
Một là, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHCN trong sản xuất nông nghiệp:Tuyển chọn các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, khả năng kháng dịch bệnh tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu để đưa vào sản xuất nhân rộng; Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, các quy trình canh tác tiên tiến (VietGAP, VietGAHP, hữu cơ, an toàn sinh học, công nghệ chuồng kín, công nghệ 4.0 gắn với xử lý môi trường, công nghệ Biofloc, sông trong ao, sản xuất tuần hoàn...) trong sản xuất, để tạo ra những sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn, chất lượng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Quan tâm phát triển công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch để giảm thiểu tổn thất, chủ động thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả nông sản.
Hai là, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC: Quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng tập trung, quy mô lớn trên địa bàn tỉnh đến năm 2035, định hướng đến năm 2050 phù hợp với điều kiện tự nhiên và lợi thế của từng vùng. Đồng thời, tiếp tục thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tập trung, tích tụ ruộng đất; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC tập trung đất đai theo hình thức thuê hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Ba là, đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, sản xuất hàng hóa: Phối hợp với các Cục, Vụ, Viện, Trường Đại học trong việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, quản lý về nông nghiệp ứng dụng CNC cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật chủ chốt của tỉnh, huyện, xã, các doanh nghiệp, HTX, chủ cơ sở sản xuất, các trang trại trên địa bàn tỉnh.Đồng thời, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo huấn luyện về nông nghiệp ứng dụng CNC… giúp các tổ chức, cá nhân tiếp cận kịp thời những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới để áp dụng vào sản xuất.
Bốn là, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, xúc tiến thương mại: Thường xuyên tuyên truyền các chủ trương, chính sách, mô hình, điển hình tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp CNC trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng TTĐT tỉnh...Tăng cường kết nối, xúc tiến thương mại giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực. Đồng thời, quan tâm xây dựng các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, khai thác mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh qua các kênh tiêu thụ: các cơ sở chế biến, chợ đầu mối, hệ thống các siêu thị, cửa hàng ăn uống, các bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; đa dạng hóa các hình thức xúc tiến, giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Năm là, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC: Tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo hình thức FDI, đặc biệt là một số ngành nghề đòi hỏi vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại mà các doanh nghiệp trong nước khó thực hiện như giết mổ, chế biến, bảo quản nông sản, ...
Sáu là, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ: Tổ chức thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của Trung ương và của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, sản xuất hàng hóa theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm phù hợp với thực tiễn./.
Triệu Bích Hồng, Văn phòng Tỉnh ủy