Tập trung phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
Trong những năm qua, công tác Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh được cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm chỉ đạo với những cơ chế, chính sách cụ thể tạo điều kiện thuận lợi, công bằng cho các cơ sở GDNN triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác đào tạo nhằm xây dựng nguồn lao động có tay nghề đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hằng năm các cơ sở GDNN phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức hoạt động tư vấn hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh THCS trên địa bàn
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 796.608 người (chiếm 54,4% dân số); lao động khu vực kinh tế nhà nước chiếm 7,3%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm 54,7%; lao động khu vực đầu tư nước ngoài chiếm 38,0%; tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh là 76%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn 2.56%.
Toàn tỉnh có 58 cơ sở GDNN đang hoạt động, gồm 13 trường cao đẳng, 18 trường trung cấp, 17 trung tâm GDNN và 10 cơ sở có hoạt động GDNN), trong đó có 24 cơ sở GDNN công lập, 34 cơ sở GDNN tư thục; không có cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài; Trường Cao đẳng Công nghiệp được đầu tư và phát triển trở thành trường chất lượng cao vào năm 2025; 07 trường được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt lựa chọn đầu tư trường trọng điểm với 26 nghề trọng điểm, trong đó có 07 nghề cấp quốc tế, 04 nghề cấp khu vực ASEAN và 15 ngành, nghề cấp quốc gia. Với 3.164 nhà giáo trong các cơ sở GDNN, trong đó có 58 nhà giáo trình độ tiến sỹ (chiếm tỷ lệ 1,83%); có 575 nhà giáo trình độ thạc sỹ (18,17%); có 1.363 nhà giáo trình độ đại học (43,08%) và 1.170 nhà giáo trình độ khác (36,98%); có 489 cán bộ quản lý tại các cơ sở GDNN, trong đó 38 cán bộ trình độ tiến sỹ (chiếm 7,79%); 201 cán bộ trình độ thạc sỹ (40,98%), 218 cán bộ trình độ đại học (44,67%), 31 cán bộ trình độ khác (6,35%), 96.8% nhà giáo đạt chuẩn trở lên.
Mạng lưới cơ sở GDNN phát triển đa dạng về loại hình, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo và quy mô hoạt động. Đã quy hoạch mạng lưới trường nghề chất lượng cao và các nghề trọng điểm cấp quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế; duy trì nâng cao chất lượng một số cơ sở GDNN đặc thù đào tạo cho người khuyết tật, người mù và đào tạo các ngành nghề năng khiếu. Quy mô đào tạo trình độ cao đẳng và trung cấp, những năm gần đây tập trung chủ yếu nhóm ngành, nghề Kỹ thuật và công nghệ thông tin (chiếm 46%), chăm sóc sức khỏe (23%), Ngôn ngữ (8%), nhóm ngành, nghề khác (33%); Ở trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng, người học tập trung chủ yếu nghề lái xe, may công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, mây tre đan mỹ nghệ và một số ngành nghề nông nghiệp.
Chất lượng tuyển sinh và đào tạo ngày càng được nâng cao, phương pháp dạy và học tại các cơ sở GDNN từng bước được đổi mới theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực, độc lập, sáng tạo, tăng thời lượng thực hành, rèn luyện tay nghề cho người học. Nhiều cơ sở GDNN đã tích cực đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong thực hiện tuyển sinh, đào tạo theo địa chỉ và tuyển dụng việc làm sau tốt nghiệp. Sự gắn kết giữa doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động với cơ sở GDNN từng bước được nâng cao, hiện nay các cơ sở GDNN và doanh nghiệp đã có nhiều hình thức hợp tác: Doanh nghiệp tiếp nhận học sinh, sinh viên từ các cơ sở GDNN trên địa bàn đến thực hành, thực tập; doanh nghiệp tiếp nhận giáo viên, giảng viên đến thực hành, học tập công nghệ tại doanh nghiệp; doanh nghiệp phối hợp tham gia các hoạt động đào tạo, tập huấn kỹ năng nghề; phối hợp trong xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo; phối hợp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho cán bộ, kỹ sư của doanh nghiệp để có đủ điều kiện tham gia giảng dạy các chương trình phù hợp; tiếp nhận HSSV vào làm việc tại doanh nghiệp sau tốt nghiệp. Thường xuyên tổ chức các hội thảo chuyên đề về kết nối sự hợp tác giữa GDNN với doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả việc hợp tác, gắn kết giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp trong tuyển sinh, đào tạo, giải quyết việc làm. Trên địa bàn tỉnh có 21 cơ sở GDNN có hoạt động hợp tác với trên 200 doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động; có 12 cơ sở GDNN thành lập bộ phận/tổ chức làm đầu mối trong hoạt động hợp tác với doanh nghiệp.
Công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về GDNN được tăng cường; cơ bản các cơ sở GDNN chấp hành tốt các quy định của pháp luật về GDNN trong công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo, cấp phát văn bằng chứng chỉ GDNN, thực hiện chính sách ưu đãi cho người học.
Công tác triển khai tổ chức thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển GDNN đạt hiệu quả; nhận thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đã có những chuyển biến tích cực, giành sự quan tâm nhiều hơn đến công tác GDNN, góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương.
Tuy nhiên, trong công tác GDNN cơ cấu tuyển sinh, đào tạo nghề còn bất cập, phần lớn là trình độ Sơ cấp và dưới 3 tháng (tỷ lệ tuyển sinh trình độ Cao đẳng, Trung cấp trung bình hằng năm đạt 13%-15%); tuyển sinh GDNN ở những ngành nghề nặng nhọc, độc hại, ngành nghề năng khiếu gặp nhiều khó khăn.
Chất lượng đầu vào của người học tham gia học nghề còn thấp; một số cơ sở GDNN năng lực đào tạo còn hạn chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành chưa được chú trọng đầu tư, trình độ kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm của đội ngũ nhà giáo chưa đáp ứng được yêu cầu nên đã ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo (đặc biệt là ở lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đào tạo liên kết trình độ trung cấp ở các trung tâm GDNN-GDTX).
Công tác tuyển sinh ở một số cơ sở GDNN còn nhiều khó khăn, nhiều năm không tuyển đủ chỉ tiêu. Tính chủ động, năng động, linh hoạt trong tổ chức hoạt động GDNN ở một số cơ sở GDNN còn hạn chế, ngành nghề đào tạo chưa gắn với thị trường lao động do vậy chưa có sự hấp dẫn để thu hút người học tham gia học nghề.
Công tác hướng nghiệp trong các trường THCS, THPT chưa được quan tâm đúng mức, kết quả chưa cao. Nhiều địa phương quá tập trung đầu tư cho học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT; tốt nghiệp THPT vào đại học.
Việc hợp tác quốc tế trong GDNN còn hạn chế, nhất là hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao; việc liên kết giữa các cơ sở GDNN với các doanh nghiệp chưa sâu rộng; thiếu những giải pháp chiến lược, dài hạn về lao động để đảm bảo các hoạt động GDNN đáp ứng được nhu cầu sản xuất ngày càng cao của thị trường lao động.
Nhằm phát triển GDNN tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030 hướng tới xây dựng nguồn nhân lực đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và có cơ cấu hợp lý, cơ cấu ngành nghề phù hợp, có trình độ chuyên môn cao, có phẩm chất, nhân cách, năng lực nghề nghiệp, thành thạo về kỹ năng, tác phong chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo, đưa nhân lực trở thành lợi thế quan trọng nhất trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với các mục tiêu cụ thể: Quy mô tuyển sinh và đào tạo GDNN trên 50.000 người/năm; 85% trở lên người học có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; phấn đấu có từ 02 - 03 trường được kiểm định, đánh giá công nhận đạt tiêu chí trường chất lượng cao; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2030 đạt 90% trở lên.
Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác GDNN; chỉ đạo các cơ sở GDNN có đầu tư thỏa đáng và có nhiều giải pháp thiết thực để tuyên truyền tư vấn, hướng nghiệp nhằm nâng cao số lượng, chất lượng tuyển sinh học nghề góp phần thúc đẩy tỷ lệ lao động qua đào tạo, chuyển dịch cơ cấu lao động theo yêu cầu thị trường.
Xây dựng quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở GDNN tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030. Tập trung xây dựng thực hiện đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở GDNN công lập theo hướng mở và linh hoạt, đảm bảo quy mô, cơ cấu hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng. Sáp nhập hoặc giải thể các cơ sở GDNN yếu kém, hoạt động không hiệu quả, không đủ năng lực triển khai tự chủ; từng bước sáp nhập trường Trung cấp công lập vào trường Cao đẳng. Thực hiện hợp tác chặt chẽ giữa các trường Cao đẳng, Trung cấp với các Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện trong hoạt động GDNN để nâng cao chất lượng đào tạo.
Chú trọng thực hiện công tác thống kê dữ liệu về thị trường lao động; phân tích dự báo, cung cấp thông tin về cung - cầu lao động làm căn cứ cho các cơ sở GDNN xây dựng và thực hiện mục tiêu, kế hoạch đào tạo đáp ứng nguồn nhân lực tham gia thị trường lao động trên địa bàn tỉnh.
Tập trung nguồn lực đầu tư một số cơ sở GDNN chất lượng cao, ngành, nghề trọng điểm đã được quy hoạch theo các cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN, quốc gia. Khuyến khích thành lập mới cơ sở GDNN tư thục, cơ sở GDNN của doanh nghiệp và có vốn đầu tư nước ngoài. Đẩy mạnh phân luồng thu hút học sinh tốt nghiệp THCS vào học chương trình 9+; học sinh tốt nghiệp THPT vào học chương trình Cao đẳng nhằm đào tạo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có tay nghề cao cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề ở các cấp trình độ, thực hiện tốt công tác kiểm định chất lượng đào tạo. Chỉ đạo các cơ sở GDNN thực hiện rà soát, chuyển đổi, bổ sung ngành nghề đào tạo phù hợp với thị trường lao động; tập trung các nghề thuộc ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ hỗ trợ để phát triển ngành công nghiệp khác; đào tạo nguồn nhân lực nhằm giải quyết nhu cầu lao động cho khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác hợp tác, liên kết giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp trong tuyển sinh - đào tạo gắn với tuyển dụng việc làm sau tốt nghiệp nhằm tránh học sinh ra trường không có việc làm gây lãng phí cho gia đình và xã hội.
Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về GDNN đối với các cơ sở GDNN, cơ sở có hoạt động GDNN; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong tổ chức hoạt động GDNN./.
Triệu Bích Hồng, Văn phòng Tỉnh ủy