Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác tư tưởng và đổi mới công tác tư tưởng
Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của công tác tư tưởng trong đời sống xã hội, trong sự nghiệp cách mạng nói chung và xây dựng Đảng nói riêng. Mở đầu cuốn sách “Đường Kách mệnh”, Người trích câu nói của Lênin: “Không có cách mệnh thì không có cách mệnh vận động”. Người cũng yêu cầu toàn thể cán bộ, đảng viên, toàn bộ hệ thống chính trị phải tích cực, chủ động, sáng tạo trong quá trình thực hiện công tác tư tưởng.Bản thân Người cũng là một mẫu mực trong việc đổi mới nội dung và phương thức công tác tư tưởng. Tư tưởng của Người về công tác tưởng và đổi mới công tác tư tưởng tập trung ở những vấn đề cơ bản sau:
Giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khảng định: Lý luận là gốc, tư tưởng dẫn đầu, làm cách mạng phải “Có chủ nghĩa làm cốt”. “ Đảng không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tầu không có bàn chỉ nam”. Người khẳng định, chủ nghĩa Mác-Lênin là “Chân chính nhấtt, chắc chắn nhất, cách mạng nhất”.
Về nhiệm vụ của công tác tư tưởng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng”. Người nhấn mạnh: “ Mục đích của chính Đảng là nâng cao tư tưởng và trình độ chính trị của đảng viên và cán bộ, làm cho đảng viên và cán bộ theo đúng qua điểm và lập trường vô sản”.
Công tác tư tưởng phải đi trước một bước, là khâu đột phá đầu tiên, là chiếc chìa khóa bắt đầu tiến hành bất kỳ một quá trình, một hoạt động tự giác nào của con người, của mọi tổ chức. Trong cuốn “ Đường Kách mệnh”, Người đã nêu rõ lý do vì sao phải viết sách này là “Để giác ngộ đồng bào, đồng chí làm cách mạng”. Người viết “Sách náy chỉ ước sao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm kách mệnh”. Người nói “Trước hết là bằng tinh thần: bại không nản, thắng không kiêu…, đồng tâm nhất trí”; “Nếu đảng viên tư tưởng và hành động không nhất trí, thì khác nào một mớ cắt rời, “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”. Như vậy thì không thể lãnh đạo quần chúng, không thể làm cách mạng”.
Công tác tư tưởng và việc tổ chức, vận động quần chúng, xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng.
Người khảng định vai trò và nhiệm vụ của công tác dân vận “trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”.
Người nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, Người đã bằng nhiều hình thức để giáo dục các điển hình tiên tiến, chỉ đạo biên soạn sách “Người tốt việc tốt”…Người không dừng lại ở lý luận mà chuyển những nguyên lý lý luận thành những chuẩn mực đạo đức xã hội để hướng dẫn hành vi con người qua nhiều thế hệ như: “Trung với nước, hiếu với dân”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Học để làm việc, để làm người”, “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”…
Người đề cao tính sáng tạo, độc lập suy nghĩ, tự do tư tưởng.
Người viết: “Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng”; “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do…Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bầy tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý”.
Về xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng và phương thức công tác tư tưởng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tư tưởng và công tác tư tưởng là một mặt trận và cán bộ, đảng viên “phải là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Người nhắc nhở “Tiến lên chủ nghĩa xã hội phải có người, mà trong số người muốn lên chủ nghĩa xã hội thì cán bộ là đầu tiên và cốt cán. Như vậy, cán bộ phải có tư tưởng lên chủ nghĩa xã hội…”.
Người chỉ rõ công tác tư tưởng, chính trị phải kết hợp chặt chẽ với công tác tổ chức “Tư tưởng thông, mọi người hăng hái thực hiện kế hoạch mới tốt”. Người dạy nói và viết phải giản dị, ai cũng hiểu được, phương pháp huấn luyện, tuyên truyền phải sát đối tượng, phải thiết thực. Người tuyên truyền phải tự thông tư tưởng trước”.
Công tác tư tưởng và vấn đề xây dựng con người mới.
Người nói, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết cần phải có những con người xã hội chủ nghĩa. Người nhấn mạnh: “Để cải tạo xã hội, một mặt phải cải tạo vật chất như tăng gia sản xuất, một mặt phải cải tạo tư tưởng. Nếu không có tư tưởng xã hội chủ nghĩa thì không làm việc xã hội chủ nghĩa được…Mỗi người phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa đúng đắn. Bác coi các đợt vận động chỉnh huấn xây đựng Đảng, chính quyền là các cuộc vận động lớn về tư tưởng trong Đảng, trong nhân dân “ Nhằm xây dựng những con người xã hội chủ nghĩa, có tư tưởng và tác phong xã hội chủ nghĩa”.
Trong mỗi giai đoạn cách mạng. Người đều khái quát lại những tiêu chuẩn cơ bản của con người mới. Ví dụ, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, Người nhấn mạnh con người mới là con người “vừa hồng, vừa chuyên”. Đối với các tầng lớp nhân dân Người đều khái quát những tiêu chuẩn cơ bản thành những điều dễ thuộc, dễ nhớ để mọi người noi theo như: Năm điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng; sáu điều Bác Hồ dạy công an nhân dân…
Công tác tư tưởng và nhiệm vụ đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền của địch. Người viết: “…Không những chiến tranh xâm lược bằng quân sự, chúng còn chiến tranh bằng tuyên truyền. Chúng dùng báo chí và phát thanh hàng ngày, tranh ảnh và sách vở in rất đẹp, các nhà hát, các trường học, các lễ cúng bái ở nhà thờ và chùa chiền, các cuộc họp…để tuyên truyền. Chúng lợi dụng tôn giáo, phong tục, tập quán; chúng bịa đặt những câu sấm và những tin đồn nhảm để tuyên truyền…Nhất là chúng lợi dụng những sai lầm, khuyết điểm của cán bộ ta để tuyên truyền”.
Đối với địch, Người căn dặn: Phải nêu những cái xấu của chúng ra…, phải giải thích cho nhân đân hiểu.
Đối với nội bộ, “phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân chính, đúng đắn, chứ không phải để cho địch lợi dụng”.
Những quan điểm tư tưởng trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những cơ sở về nội dung va phương pháp luận của việc đổi mới công tác tư tưởng. Kỷ niệm 91 năm thành lập ngành tư tưởng văn hóa (1/8/1930-1/8/2021), các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ ngành tư tưởng văn hóa cần quán triệt sâu sắc để tiếp tục đổi mới , nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư tưởng văn hóa trong thời kỳ mới.
Đỗ Ngọc Uẩn
60-Mai Bang-Suối Hoa-Bắc Ninh