Nâng cao hiệu quả hoạt động quỹ Hỗ trợ nông dân
Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, nông dân, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó, Quỹ Hỗ trợ nông dân là một trong những nguồn tín dụng trợ giúp nông dân mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế ở các địa phương. Từ nguồn vốn vay này, nhiều gia đình hội viên đã xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững, vươn lên ổn định cuộc sống và có những đóng góp tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Thị Lệ Tuyết cho biết: Quỹ Hỗ trợ nông dân được triển khai thực hiện với mục tiêu ưu tiên cho vay để xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh; có sự liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; sản phẩm tạo ra phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng tới sản phẩm đạt chuẩn OCOP của địa phương; mô hình phải gắn với xây dựng tổ chức Hội và phong trào nông dân.
Nông dân Yên Phong tiếp cận nguồn vốn vay Quỹ HTND
Thực tế cho thấy nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân không chỉ giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, mà còn giúp thay đổi phương thức canh tác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương. Từ khi thành lập đến nay, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân được sử dụng cho vay đã hỗ trợ vốn cho trên 10.200 lượt hội viên nông dân, thực hiện trên 1.000 dự án, với doanh số cho vay lũy kế gần 1.000 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho trên 20.000 lao động nông thôn, bình quân vốn đạt trên 500 triệu đồng/01 dự án, dư nợ từ 50-100 triệu đồng/hộ vay. Hiện nay, tổng nguồn Quỹ HTND do Hội Nông dân các cấp trong tỉnh quản lý là trên 121 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn Quỹ, nông dân mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất
Đồng thời việc cho vay vốn theo dự án nhóm hộ (cùng sản xuất, kinh doanh một loại hình sản phẩm, ngành nghề), trong quá trình triển khai sẽ hình thành cách thức làm việc theo nhóm, thành lập các tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, chi Hội Nông dân nghề nghiệp là cơ sở cho việc thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp. Trên thực tế đã có một số tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động hiệu quả; một số dự án ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất thành công, nhiều sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh như: Nem bùi Ninh Xá, Bún sạch Khương Huy Nguyệt Đức (Thuận Thành); Gạo nếp, Bánh đa nem Yên Phụ (Yên Phong); rau, củ, quả Liên Ấp (Tiên Du); Dưa chuột Nhân Thắng (Gia Bình); Giò, chả Tân Hồng (Từ Sơn); Cá lồng trên sông Trung Kênh (Lương Tài); Khoai tây Đại Xuân (Quế Võ);…
Việc điều hành vốn thực hiện hợp lý, vốn cho vay đúng đối tượng, mục đích, phát huy hiệu quả đồng vốn, hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất; việc cho vay thực hiện đúng hướng dẫn của Ban Điều hành Quỹ hỗ trợ nông dânTrung ương Hội. Việc mở sổ sách, lập chứng từ kế toán, thu - chi phí Quỹ được thực hiện đúng quy định. Hầu hết các hộ vay đều thực hiện nghiêm các quy định về vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, đảm bảo trả phí đúng thời hạn. Đối với các cơ sở, hàng năm, cấp huyện xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất về hoạt động quản lý và cho vay vốn Quỹ HTND cũng như các nguồn quỹ cho vay do HND quản lý. Qua kiểm tra, từ công tác cho vay, tiến hành các thủ tục giải ngân, quản lý sử dụng vốn vay cho đến việc cập nhật, lưu giữ hồ sơ, sổ sách,… các cơ sở thực hiện tương đối tốt.
Tăng cường tập huấn, chuyển giao KHKT cho nông dân nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân, BTV Hội Nông dân tỉnh đã tham mưu và được UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Kiện toàn tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Ninh”. Đề án được xây dựng nhằm mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân; thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, các mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; phát huy vai trò nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Thông qua việc triển khai Đề án tạo điều kiện cho nông dân được vay vốn thuận lợi, với mức phí ưu đãi để đầu tư, mở rộng và áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh. Theo kế hoạch dự kiến tăng trưởng nguồn vốn hoạt động của Quỹ HTND giai đoạn 2025-2028 (do ngân sách nhà nước cấp) là 15 tỷ đồng (năm 2025); 17 tỷ đồng (năm 2026); năm 2027-2028: 18 tỷ đồng/năm.
Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Quỹ hỗ trợ nông dân; xác định đúng đối tượng được hỗ trợ và xây dựng dự án mới, phù hợp tình hình thực tế địa phương; tập trung chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến bao tiêu sản phẩm gắn với việc thành lập Chi, Tổ Hội nghề nghiệp; quan tâm huy động các nguồn lực nhằm tăng cường nguồn Quỹ gắn với triển khai các chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngân hàng thương mại khác giúp thêm nhiều hội viên được tiếp cận nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất./.
Nguyễn Thu
Hội Nông dân tỉnh