Kết quả bước đầu triển khai mô hình “Tỉnh nắm đến xã; huyện nắm đến thôn và xã nắm đến đoàn viên, hội viên” trên toàn tỉnh
Năm 2024, mô hình “Tỉnh nắm đến xã, huyện nắm đến thôn, xã nắm đến người dân, đoàn viên, hội viên” được Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và hiệu quả, thể hiện sự sáng tạo trong công tác xây dựng Đảng của Tỉnh ủy, tạo được sự đồng tình của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Hội LHPN thành phố Bắc Ninh ra mắt mô hình“Tỉnh nắm đến xã; huyện nắm đến thôn và xã nắm đến đoàn viên, hội viên” tại khu phố Thanh Sơn, phường Vũ Ninh
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến đến cán bộ, hội viên, đoàn viên; ban hành kế hoạch thực hiện, hướng dẫn triển khai trong hệ thống của ngành từ tỉnh đến cơ sở; thí điểm xây dựng 8 mô hình từ tỉnh đến 8 huyện, thị xã, thành phố; 8 xã, phường, thị trấn; 8 thôn, làng, khu phố trên địa bàn tỉnh. Mỗi đơn vị MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh triển khai xây dựng thí điểm 01 mô hình tới 01 huyện (thị xã, thành phố), 01 xã (phường, thị trấn), 01 thôn (làng, khu phố) và người dân, đoàn viên, hội viên thôn đó. Riêng MTTQ tỉnh và LĐLĐ tỉnh xây dựng 02 mô hình ở 02 địa phương.
Mô hình được triển khai trong năm 2024 với các nội dung: Hình thành mạng lưới nắm tình hình người dân, đoàn viên, hội viên trong cơ quan MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở, nhằm nâng cao chất lượng công tác nắm, dự báo, phản ánh tình hình; đề xuất các giải pháp giúp cấp ủy, chính quyền các cấp đề ra những quyết sách đúng đắn, giải quyết, xử lý kịp thời những vấn đề phức tạp nảy sinh; tạo đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng các nền tảng mạng xã hội, tiện ích công nghệ trong hoạt động nắm bắt thông tin và trao đổi hai chiều về thông tin, tổng hợp tình hình dư luận xã hội; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan chuyên trách làm công tác vận động quần chúng trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở theo phương châm hướng về cơ sở, nắm chắc tình hình nhân dân, gắn bó mật thiết với cán bộ, đảng viên, người dân, đoàn viên, hội viên, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị…
Đến nay, Ban Dân vận cấp ủy, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội của các địa phương đã lựa chọn, triển khai xây dựng thí điểm được 58 mô hình tại cơ sở, đã tích cực phối hợp với hệ thống MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh tiếp tục nhân rộng và đạt 104 mô hình trải đều trên toàn địa bàn, điển hình là huyện Quế Võ nhân rộng thêm 45 mô hình.
Với việc triển khai xây dựng mô hình này, bước đầu hệ thống MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh tới cơ sở đã xây dựng được lực lượng cán bộ theo dõi, cộng tác viên nắm bắt kịp thời tình hình, diễn biến tư tưởng, các vụ việc nổi cộm, các vấn đề cần giải quyết xử lý… góp phần truyền tải nhanh, kịp thời các chủ trương của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đến đoàn viên, hội viên và người dân; tăng cường mối quan hệ gắn bó, mật thiết trong đội ngũ cán bộ MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh tới cơ sở, với người dân; đặc biệt là việc kiến nghị giải quyết ngay từ cơ sở các vụ việc nhỏ, phát sinh trong quá trình lao động - sinh sống, các vấn đề của người dân.
Thông qua mô hình, ước tính đã có trên 300 lượt kiến nghị, phản ánh của đoàn viên, hội viên, người dân; trong đó có trên 270 kiến nghị, phản ánh được gửi tới các cơ quan có thẩm quyền (đạt 90%) và đã có trên 260 kiến nghị, phán ánh được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết (đạt 86,66%). Nội dung chủ yếu của các phản anh kiến nghị về tình hình phát triển kinh tế xã hội; dư luận xã hội; những vẫn đề phát sinh trong đời sống thường ngày, công tác quản lý đất đai, công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo; điều kiện cơ sở vật chất, trong đó có cả các vấn đề mang tính lợi ích, quyền lợi cá nhân của người dân…
Việc xây dựng mô hình cũng là một trong những cách làm mới, sáng tạo trong việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”; cũng là một trong những phương thức đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, hướng về cơ sở, hướng tới cá nhân từng đoàn viên, hội viên và mỗi người dân; Phát huy có hiệu quả vai trò của trưởng ban công tác mặt trận, trưởng các đoàn thể tại cơ sở trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh và địa phương, triển khai thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước; tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo ở địa phương…
Bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, còn một số vấn đề còn hạn chế, điển hình như: Chưa có cơ chế rõ ràng, quy định cụ thể, căn cứ pháp lý từ việc tiếp nhận thông tin của người dân và phản ánh tới cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết; một số kiến nghị, phản ánh mang tính chất chung chung, chưa rõ người, rõ việc và có những kiến nghị mang tính lợi ích cá nhân, thiếu tính khả thi, chưa có nhiều các nội dung mang tính chất xây dựng phong trào chung của địa phương; một số đơn vị có xu hướng lựa chọn các địa phương, địa bàn cơ sở có tình hình ổn định để xây dựng mô hình, nên chưa có nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện…
Qua 01 năm triển khai Mô hình “Tỉnh nắm đến xã; huyện nắm đến thôn và xã nắm đến đoàn viên, hội viên” đã dần đi vào nền nếp; khẳng định phù hợp với phương thức lãnh đạo của các cấp ủy theo chủ trương hướng về cơ sở và đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Việc thực hiện mô hình giúp cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh gắn bó mật thiết với nhân dân ở địa bàn dân cư; kịp thời nắm chắc tình hình cơ sở, truyền đạt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cấp ủy cơ sở và nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tạo điều kiện để Nhân dân thực hiện việc giám sát cán bộ, đảng viên.
Nguyễn Thị Mai – Văn phòng Tỉnh ủy