Hoàng Quốc Việt – Người Cộng sản kiên cường vì Đảng, vì dân
Đồng chí Hoàng Quốc Việt (tức Hạ Bá Cang) thuộc lớp chiến sỹ cộng sản đầu tiên của Đảng ta, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 1925 đang học ở Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng, đồng chí Hoàng Quốc Việt bị đuổi học vì tham gia phong trào đấu tranh đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Chu Trinh. Trở về quê đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng, được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên - Tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay.
Sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập, đồng chí Hoàng Quốc Việt được kết nạp vào Đảng và được đoàn thể cử vào Nam Kỳ hoạt động bí mật, sau đó sang Pari để bắt liên lạc với Đảng Cộng sản Pháp. Đầu năm 1930, trong một chuyến công tác đồng chí bị địch bắt ở Hải Phòng, kẻ thù tra tấn dã man nhưng đồng chí Hoàng Quốc Việt quyết giữ trọn khí tiết của người chiến sỹ cách mạng.
Ngày 27/01/1931, tại phiên tòa Đại hình Kiến An (Hải Phòng), đồng chí Hoàng Quốc Việt dõng dạc trả lời: “Tôi không cần từ chối gì về hoạt động cách mạng của tôi, vì đó là bổn phận của tôi phải góp sức cứu vớt 20 triệu đồng bào và đánh đổ giai cấp tư sản đế quốc”1. Sau khi bị bắt, đồng chí Hoàng Quốc Việt bị địch đưa về giam giữ ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) và bị đày ra Côn Đảo - nơi được coi là địa ngục trần gian, nhưng cũng chính nơi đây là trường học rèn đúc ý chí cách mạng, tích lũy nhiều bài học kinh nghiệm cho các chiến sỹ cộng sản.
Vừa đặt chân đến Côn Đảo, đồng chí Hoàng Quốc Việt nhanh chóng chắp nối với cơ sở đảng, tổ chức học văn hóa, lý luận chính trị và luôn đi đầu trong các cuộc đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù; tuyên truyền cảm hóa nhiều người trong hàng ngũ tù Quốc dân Đảng như Tô Chấn, Trần Xuân Độ…
Đầu năm 1936, Mặt trận nhân dân Pháp lên cầm quyền, bọn thống trị ở Đông Dương buộc phải thi hành lệnh ân xá tù chính trị, đồng chí Hoàng Quốc Việt được trả tự do và tiếp tục hoạt động, làm việc ở tờ báo Ý kiến chung (Le Trarail) báo công khai của Đảng ta; tích cực tham gia củng cố tổ chức, khôi phục Xứ ủy và được phân công giữ chức vụ Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ (năm 1937). Nhân ngày quốc tế lao động (1/5/1938), đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ đạo và tổ chức cuộc mít tinh quần chúng lớn với hàng nghìn người tham gia tại khu Đấu Sảo (Hà Nội); tuyên truyền xây dựng cơ sở cách mạng, thành lập chi bộ Đảng ở nhiều địa phương thuộc hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.
Trong cao trào cách mạng 1939 – 1945, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã tích cực hoạt động xây dựng cơ sở cách mạng, an toàn khu (ATK) ở vùng đồng bằng, nông thôn (Bắc Bộ); tham gia, tổ chức và chủ trì nhiều lớp huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ.
Thời cơ giành chính quyền đã đến, ngày 16/8/1945 Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào và thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng. Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch ra lời kêu gọi tổng khởi nghĩa và ngay sau đó đồng chí Hoàng Quốc Việt đã được Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trọng trách thay mặt Trung ương và Tổng bộ Việt Minh vào Nam Bộ kiểm tra và chỉ đạo Tổng khởi nghĩa. Mười ngày sau, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã điện ra Bắc “Hai mươi mốt tỉnh tôi đi qua đều đã giành được chính quyền, khắp lục tỉnh Nam Bộ cũng đã xong”2. Ngày 2/9/1945 đồng chí Hoàng Quốc Việt đã có mặt ở Sài Gòn – Chợ Lớn cùng Ủy ban cách mạng và hàng vạn đồng bào tổ chức tuyên bố độc lập tại Nam Bộ Phủ trong không khí tràn ngập niềm vui chiến thắng.
Là một chiến sỹ Cộng sản tiền bối, có lập trường quan điểm vững vàng, tác phong làm việc sâu sát, cụ thể, gần gũi quần chúng, đồng chí Hoàng Quốc Việt được Trung ương Đảng, Bác Hồ giao nhiều trọng trách từ Ủy viên Thường vụ Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, sau là Ủy viên Trung ương phụ trách công tác Dân vận, Mặt trận, Tổng Công đoàn, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí luôn phục tùng tổ chức, toàn tâm, toàn ý cố gắng tập trung chí lực làm tròn nhiệm vụ. Trong hồi ký “Con đường theo Bác” đồng chí Hoàng Quốc Việt viết: “Học Bác về lý tưởng cách mạng và cách làm cách mạng, học Bác về tổ chức một đoàn thể. Học Bác về chủ nghĩa yêu nước, thương dân, ghét bọn ăn bám, bóc lột. Bài học đầu tiên mà Bác dạy chúng tôi là bài học tư cách người cách mạng. Ai không có tư cách hoặc không đủ tư cách không thể làm cách mạng, làm cán bộ. Kẻ tuy mẫn tiệp nhưng ích kỷ, nhỏ nhen hoặc hào phóng nhưng đầu óc u tối đều không thể đứng trong đội ngũ tiên phong. Người cách mạng mà Bác dạy chúng tôi gồm những phẩm chất và năng lực, lòng vị tha và tình bác ái, Bác là lá cờ vĩ đại về đại đoàn kết…”3.
Gần 70 năm hoạt động cách mạng, dù ở đâu, làm bất cứ việc gì, đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn cống hiến hết sức lực, trí tuệ cho Đảng, cho dân. Đồng chí để lại cho chúng ta tấm gương sáng về một chiến sỹ cách mạng bất khuất, trung kiên, liêm khiết, giản dị, chân thành và cởi mở với đồng chí, đồng bào, đặc biệt quan tâm đến người lao động, tính nguyên tắc kết hợp với tính linh hoạt, rất nghiêm khắc nhưng rất khoan dung, được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta yêu mến và kính trọng.
Học tập và noi gương đồng chí Hoàng Quốc Việt Đảng bộ và nhân dân Bắc Ninh nguyện nêu cao tinh thần tiến công cách mạng, đẩy mạnh các phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng thông minh, hiện đại.
-----------
1. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh – Xuất bản năm 2010 – trang 66.
2. Hoàng Quốc Việt – Con đường theo chân Bác (Hồi ký) – trang 285.
3. Hoàng Quốc Việt – Chiến sỹ Cộng sản kiên cường và mẫu mực – Xuất bản năm 2005 – trang 251.
Nguyễn Đăng Lâm,
Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh