Bắc Ninh phát huy thế mạnh du lịch tâm linh gắn với du lịch làng nghề

12/03/2021 12:05 Số lượt xem: 1949

Với mật độ di tích lịch sử văn hoá dày đặc, nơi được mệnh danh là “xứ sở của hội hè” - Bắc Ninh được coi là địa phương hội tụ rất nhiều tiềm năng thuận lợi để phát triển ngành du lịch, nhất là du lịch văn hóa, tâm linh gắn với du lịch làng nghề.

Được biết đến là địa phương truyền nhập Phật giáo sớm ở nước ta với trung tâm phật giáo cổ xưa, tiêu biểu trong đó là chùa Phật Tích, chùa Dâu, Bắc Ninh có 1.589 di tích lịch sử, trong đó có 195 di tích cấp quốc gia, 386 di tích cấp tỉnh, 8 hiện vật, nhóm hiện vật bảo vật quốc gia…, tiêu biểu là 4 di tích quốc gia đặc biệt. Song song với các di tích, Bắc Ninh có 547 lễ hội truyền thống, 44 làng Quan họ gốc, phong phú các loại hình diễn xướng dân gian, 62 làng nghề truyền thống. Tại đây đều lưu giữ những giá trị tâm linh tín ngưỡng đặc thù độc đáo như: đền thờ tổ nghề, các tục tuyền nghề, tục đốt lò…

Đối với Bắc Ninh, phát triển du lịch tâm linh gắn với du lịch làng nghề được đánh giá là loại hình du lịch đầy tiềm năng. Bắc Ninh có lợi thế về hệ thống đền chùa, thắng cảnh đa dạng và phong phú, thỏa mãn nhu cầu của du khách thập phương với môi trường tự nhiên, xã hội, hướng về cội nguồn, hưởng thụ sinh hoạt văn hóa truyền thống... Hành trình du lịch có thể là cuộc hành hương đến đền chùa, thăm các cơ sở tôn giáo, các tuyến đường lịch sử văn hóa liên quan đến các di sản hữu hình và vô hình như lễ hội, âm nhạc, sân khấu, ẩm thực; hơn nữa, nghỉ tại nhà dân và tiêu dùng các sản phẩm du lịch được tạo ra bởi sự sáng tạo của con người địa phương sẽ đem lại những cảm nhận riêng cho du khách về một miền quê văn hiến.

Phát triển du lịch tâm linh, du lịch làng nghề cũng giúp người dân địa phương có cơ hội tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập, quảng bá văn hóa, sản phẩm quê hương mình, qua đó, thu hút  đông đảo du khách trong và ngoài nước, đóng góp vào phát triển kinh tế của tỉnh… Nhận diện được tiềm năng này, tỉnh đang xúc tiến quảng bá du lịch văn hóa tâm linh Bắc Ninh trở thành một điểm đến trọng điểm của du lịch đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Ngành du lịch đã bước đầu hình thành một số tour trọng điểm như: Bên dòng Như Nguyệt (gồm các điểm đến: đền Bà Chúa Kho - làng cổ Quan họ Viêm Xá - các di tích chiến tuyến sông Như Nguyệt - làng Tiến sỹ Kim Đôi - trải nghiệm làng nghề gốm Phù Lãng); Huyền thoại một dòng sông (gồm các điểm đến: Lăng Kinh Dương Vương - chùa Dâu- chùa Bút Tháp - làng tranh Đông Hồ - chùa Phật Tích - núi Thiên Thai, đền thờ Lê Văn Thịnh - làng mây tre Xuân Lai - khu di tích Lệ Chi Viên - chùa Đại Bi - đền thờ Cao Lỗ Vương  - bến Bình Than). Bên cạnh đó, làng nghề truyền thống có thể phát triển du lịch như làng tranh Đông Hồ (huyện Thuận Thành), gốm Phù Lãng (huyện Quế Võ), đúc đồng Đại Bái (huyện Gia Bình), làng mây tre đan Xuân Lai (huyện Gia Bình), làng sơn mài Đình Bảng (thị xã Từ Sơn), làng chạm khắc gỗ Phù Khê (thị xã Từ Sơn) …

Bên cạnh tiềm năng sẵn có, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy du lịch phát triển như tích cực đầu tư kinh phí bảo tồn di tích xuống cấp, khuyến khích đầu tư khách sạn, cơ sở lưu trú cao cấp và triển khai thực hiện chương trình quảng bá văn hóa và du lịch, nghề truyền thống được bảo tồn, phát triển… Ngoài ra, tại các điểm di tích nổi tiếng, các làng nghề tỉnh Bắc Ninh đều bố trí đội ngũ thuyết minh, đón tiếp, hướng dẫn du khách thắp hương, làm lễ theo đúng phong tục, tín ngưỡng. Các hoạt động bán hàng được đầu tư quy hoạch theo phân khu và có cam kết với tổ chức về chất lượng. Tỉnh đã quy hoạch các điểm du lịch, xây dựng cơ sở vật chất, đường giao thông… tạo điểm nối các di tích phục vụ tham quan các du khách.

Hàng năm, Bắc Ninh thu hút khoảng 3 triệu lượt khách du lịch, trong đó chủ yếu là khách chiêm bái, lễ Phật ở các di tích nổi tiếng và lễ hội. Tuy nhiên, khách du lịch đến với Bắc Ninh chủ yếu mang tính mùa vụ, lượng khách tập trung vào những tháng đầu năm. Đa số các di tích chỉ làm công tác bảo tồn đơn thuần, hầu hết vẫn chưa hướng về du lịch, các dịch vụ bổ sung phục vụ du lịch chưa phong phú. Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch và các doanh nghiệp làm du lịch vẫn còn yếu về vốn, năng lực chuyên môn. Các dịch vụ du lịch còn manh mún, nghèo nàn khiến cho các du khách cảm thấy đơn điệu, nhàm chán. Tại một số điểm du lịch, người dân nhiệt tình nhưng thiếu kỹ năng làm du lịch, chưa có chương trình bài bản giới thiệu cho du khách về lịch sử, đặc trưng văn hóa, tín ngưỡng của vùng.

Hiện tại, so với các hoạt động khác, du lịch văn hoá, tâm linh, làng nghề vẫn được coi là tiềm năng lớn và có sức hút nhất đối với du khách, nhất là du khách quốc tế, nhưng thử thách lớn nhất đối với ngành “công nghiệp không khói” này là phải vừa giữ được những nét hấp dẫn truyền thống vừa đưa vào những tiện nghi hiện đại để đáp ứng mọi kỳ vọng của du khách. Trong thời gian tới, song song với việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid 19, nhằm phát huy tối đa thế mạnh du lịch tâm linh, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư về vị trí, vai trò của du lịch, nhất là loại hình du lịch tâm linh gắn với du lịch làng nghề. Đặc biệt, Bắc Ninh đã và đang đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan, thông tin, dịch vụ du lịch, gắn kết xây dựng các cảng, bến tàu du lịch và kết cấu hạ tầng, cảnh quan di tích dọc theo tuyến đê sông Đuống, sông Cầu để nối các điểm du lịch tâm linh.

Ngoài ra, tỉnh sẽ xây dựng, thiết lập các chương trình du lịch tâm linh tiêu biểu như: Chương trình du lịch tâm linh qua ngôi cùa cổ; chương trình khám phá 7 chữ Tổ trên đất Bắc Ninh; chương trình du lịch miền Quan họ kết hợp nghe hát Quan họ trên thuyền định kỳ hàng tháng…Tỉnh chú trọng công tác bồi dưỡng nguồn nhân lực, có kế hoạch, chính sách hỗ trợ bồi dưỡng đội ngũ thuyết minh viên tại các điểm du lịch tâm linh.

Đối với các điểm du lịch, tỉnh tăng cường quản lý giá cả, thực hiện niêm yết giá công khai, thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch như: tăng cường kiểm tra, phát hiện, kịp thời ngăn chặn xử lý các đối tượng đeo bám, gây phiền hà cho khách du lịch…

Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm về du lịch đang triển khai để hoàn thành sớm, tạo sự phát triển bứt phá cho diện mạo du lịch của tỉnh; chú trọng việc phát triển, đa dạng hóa và hoàn thiện các sản phẩm du lịch; huy động các nguồn lực xã hội nghiên cứu và phát triển các khu, điểm, sản phẩm du lịch mới mang tính độc đáo, có lợi thế cạnh tranh cao như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao cao cấp, du lịch văn hóa, lịch sử...

Nguyễn Thị Mai

Văn phòng Tỉnh ủy