Bắc Ninh: Nỗ lực đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo động lực mới phát triển kinh tế toàn diện

31/07/2024 15:44 Số lượt xem: 488
Được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh, các hoạt động xúc tiến đầu tư (XTĐT) được triển khai đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và định hướng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Bắc Ninh với hạ tầng hiện đại, đồng bộ trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư từ hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ

Chủ động, linh hoạt cách tiếp cận

Để nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện các chính sách thu hút đầu tư, nổi bật là tập trung cải thiện các thủ tục hành chính, minh bạch hóa môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu, triển khai dự án trên địa bàn. Tỉnh cũng quan tâm nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù, cạnh tranh để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước vào đầu tư. Đặc biệt, tỉnh đã tận dụng tốt các cơ hội, thiết lập mối quan hệ với các tổ chức tư vấn, các tập đoàn lớn để xúc tiến, mời gọi đầu tư.

Năm 2024, Bắc Ninh thực hiện mục tiêu “kép” trong công tác xúc tiến đầu tư: Vừa chủ động tiếp xúc với các đối tác tiềm năng tại nước ngoài, vừa tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo động lực mới phát triển toàn diện các ngành kinh tế theo hướng bền vững.

Tỉnh đã chỉ đạo các các đơn vị, địa phương triển khai tổ chức các hoạt động tiếp xúc, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp theo từng nhóm ngành, lĩnh vực, đặc biệt quan tâm đến doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực hiện quyết liệt giải quyết các điểm nghẽn, các nút thắt, các rào cản để tạo thuận lợi nhất cho công tác thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp... đặc biệt triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn trong quá trình đầu tư xây dựng như: giải phóng mặt bằng, thiếu đất san lấp, xử lý chất thải xây dựng… Cùng với đó thực hiện rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy trình thủ tục hành chính; triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là những khó khăn về vốn, thị trường, lưu thông hàng hóa, thủ tục hành chính, khắc phục tình trạng thiếu điện sản xuất tại các khu công nghiệp…; quan tâm đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông kết nối và các hạ tầng phụ trợ khác. Thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tiếp tục phát huy lợi thế,  đẩy mạnh thu hút đầu tư

Các hoạt động XTĐT có nhiều đổi mới, xác định trọng tâm, trọng điểm vào các khu vực, đối tác lớn; đã ký nhiều biên bản ghi nhớ với các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan... nhằm thu hút và đẩy nhanh các hoạt động đầu tư. Thu hút đầu tư đạt kết quả vượt bậc, trong đó nổi bật là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, không chỉ gia tăng mạnh về số lượng dự án và số vốn đầu tư mà làn sóng đầu tư từ các nước lớn tại khu vực Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm, chất bán dẫn càng khẳng định rõ nét những thay đổi đáng kể về chất trong thu hút vốn FDI vào Bắc Ninh.

Ngành công nghiệp Bắc Ninh giải quyếtviệc làm cho lao động của nhiều địa phương

Trong nhiều năm qua, Bắc Ninh luôn là “thương hiệu” nổi bật trong thu hút đầu tư, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tỉnh đã trở thành một ví dụ điển hình về sự phát triển mạnh mẽ, bền vững và hiệu quả trong thu hút đầu tư.

Bắc Ninh xác định tăng trưởng xanh là sự nghiệp của toàn Đảng bộ, toàn dân, các cấp chính quyền, doanh nghiệp và tổ chức xã hội. Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, cách làm hướng tới phát triển hài hòa, bền vững, bao trùm; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu của sự phát triển; tham gia sâu rộng, có hiệu quả vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu trên quan điểm không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Để tạo nên thương hiệu đó là cả một quá trình dài, đòi hỏi tư duy chiến lược mang tính đột phá và quan điểm nhất quán về thu hút đầu tư có chọn lọc. Tỉnh Bắc Ninh không áp dụng phương châm thu hút đầu tư bằng mọi giá, mà ưu tiên thu hút đầu tư các dự án thuộc các ngành công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường và ít thâm dụng lao động. Do vậy, đến nay hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung và hệ thống quan trắc tự động. Trong đó, tỷ lệ cơ sở sản xuất xây dựng mới đều đã áp dụng công nghệ tiên tiến, trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, nhiều khu công nghiệp đã tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả quỹ đất, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà máy của các nhà đầu tư quốc tế.

Các hoạt động hỗ trợ phục vụ xúc tiến đầu tư - thương mại trong và ngoài nước được quan tâm đẩy mạnh. Các tọa đàm tiếp xúc, gặp gỡ doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư được tỉnh xác định là trọng tâm trong các chương trình làm việc của lãnh đạo tỉnh tại các quốc gia như: Trung Quốc, Ấn Độ và Nepal, các tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Qatar, Nam Phi, Ca-dắc-xtan... góp phần quảng bá môi trường đầu tư hấp dẫn của Bắc Ninh tới các đối tác tiềm năng, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh cũng như các lĩnh vực thế mạnh của các nước đến thăm và tìm hiểu đầu tư. Bảy tháng đầu năm 2024, dòng vốn FDI vào Bắc Ninh 7 tháng qua vẫn duy trì đà tăng trưởng mạnh, cho thấy hiệu quả trong việc nỗ lực thu hút vốn đầu tư FDI của tỉnh. Với môi trường đầu tư thông thoáng, cơ sở hạ tầng hiện đại, nguồn lao động dồi dào, Bắc Ninh đã và đang khẳng định được vị thế của mình là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Tỉnh Bắc Ninh đã thu hút thêm 31 dự án trong nước với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 8.636 tỷ đồng; 279 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới tăng đột biến với 1.467,9 triệu USD vốn đăng ký. Thành lập mới 2.244 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 27.546 tỷ đồng, tăng 11% về số doanh nghiệp và tăng 31,5% về tổng vốn đăng ký bổ sung.

Tại các KCN Bắc Ninh đã hiện diện các tập đoàn danh tiếng thế giới như Samsung, Amkor Technology Việt Nam, Tập đoàn Công nghệ CMC, Công ty Kine SIC Semi (Mỹ), Microsoft, Canon, Suntory PepsiCo, Foxconn… Mỗi KCN có một vài tập đoàn đầu tư quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, thương hiệu khu vực và toàn cầu để kéo theo chuỗi các nhà đầu tư vệ tinh tạo giá trị gia tăng cao, tạo lập ngành công nghiệp phụ trợ.

Để tiếp tục thu hút đầu tư, Bắc Ninh còn đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các địa phương, đơn vị thông qua việc ký kết Biên bản ghi nhớ giữa tỉnh Bắc Ninh và Thủ đô Hà Nội về việc trao đổi hợp tác kết nối giao thông và không gian đô thị; Chương trình hợp tác phát triển giữa hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh; ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Bắc Ninh và thành phố Nam Ninh (Trung Quốc), giữa thành phố Bắc Ninh với thành phố Duy Phường (tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc), thành phố Cheongju (tỉnh Chungcheongbuk-do, Hàn Quốc)…

Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, Bắc Ninh sẽ tiếp tục tận dụng các cơ hội, lợi thế để thu hút FDI vào ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo, lắp ráp, công nghiệp phụ trợ, sản xuất linh kiện và lắp ráp thiết bị điện tử, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp chế biến; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển cơ sở hạ tầng, từng bước nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Để thực hiện được điều đó, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục đổi mới và tạo đột phá về cải cách thể chế, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng để phát triển nhanh, bền vững, coi trọng ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội - xã hội của tỉnh trên cơ sở phát huy nội lực gắn với tranh thủ tối đa ngoại lực trong thế chủ động hội nhập và cạnh tranh quốc tế; hợp tác chặt chẽ với các địa phương trong cả nước, đặc biệt là các địa phương trong vùng Thủ đô và vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ.

Nắm bắt cơ hội cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phát huy giá trị bản sắc văn hóa Kinh Bắc, nâng cao chất lượng quản lý điều hành phù hợp với quá trình chuyển đổi số, quản trị điện tử, đô thị thông minh,...

Thu hút đầu tư “Xanh”, công nghiệp công nghệ cao (pin năng lượng, chất bán dẫn, chíp…), công nghiệp hỗ trợ (sản xuất phụ tùng ô tô…) gắn với phương pháp quản lý, quản trị tiên tiến; công nghệ đầu cuối 5G, 6G; nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; các tổ hợp thương mại dịch vụ cao cấp (trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, dịch vụ về đào tạo, y tế quốc tế…); các dự án đầu tư hạ tầng, phát triển đô thị, sinh thái, thương mại dịch vụ…

Lựa chọn các dự án đầu tư theo tiêu chí 2 ít 3 cao (sử dụng ít đất, ít lao động; suất vốn đầu tư cao, hiệu quả kinh tế cao và hàm lượng công nghệ cao) nhằm khai thác lợi thế của địa phương, thu hút các dự án phù hợp với quy hoạch tỉnh theo hướng tăng hàm lượng các dự án sử dụng công nghệ cao và sử dụng đất có hiệu quả.

Thu hút đầu tư có chọn lọc gắn với việc thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước. Hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nhằm nâng cao năng lực, kinh nghiệm quản lý và vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời xây dựng mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, hình thành các chuỗi cung ứng mới./.

Nguyễn Thị Mai – Văn phòng Tỉnh ủy