Bắc Ninh chuyển đổi, di dời một số CCN, làng nghề gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn

21/01/2025 14:06 Số lượt xem: 336

Năm 2024, Bắc Ninh tập trung giải quyết, xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường ở làng nghề giấy Phong Khê, (thành phố Bắc Ninh) và làng nghề cô đúc nhôm xã Văn Môn (huyện Yên Phong), cụm công nghiệp giấy Phú Lâm (Tiên Du) với phương châm “Không châm chước, không thoả hiệp, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Người dân làng nghề Mẫn Xá tự tháo dỡ lò tái chế kim loại

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tổng số 37 cụm công nghiệp đã thành lập với tổng diện tích 1158,21ha, 29 làng nghề. Trong số đó có 26 cụm công nghiệp đang đi vào hoạt động với tổng diện tích 819,82 ha, 11 CCN trong quá trình đầu tư hạ tầng. Các CCN trên địa bàn tỉnh được hình thành, phát triển sớm, chủ yếu trong thời kỳ trước năm 2009, khi chưa có quy định pháp luật riêng về quản lý cụm công nghiệp. Các cụm công nghiệp hình thành đáp ứng nhu cầu mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh mở rộng và phát triển sản xuất đặc biệt trong giai đoạn mới tái lập tỉnh. Tuy nhiên, do phát triển sớm, bên cạnh những mặt tích cực to lớn mà các cụm công nghiệp mang lại, còn tồn tại một số vấn đề kéo dài, khó giải quyết, chưa có quy định của pháp luật. Trong đó, nổi cộm là vấn đề ô nhiễm môi trường tại một số cụm công nghiệp như: Phong Khê, Phú Lâm, Mẫn Xá-Văn Môn…

Để giải quyết ô nhiễm, Tỉnh ủy Bắc Ninh đã thông qua các đề án “Tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh 2019 - 2025”, “Tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, giai đoạn 2022 - 2030” và “Đề án tổng thể xử lý môi trường làng nghề xã Văn Môn, huyện Yên Phong giai đoạn 2022 - 2026”. Tỉnh đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra về môi trường, phòng chống cháy nổ, xây dựng ở Cụm công nghiệp làng nghề Mẫn Xá, thành phố Bắc Ninh kiểm tra cở sở sản xuất vi phạm ở Cụm công nghiệp Phong Khê và huyện Yên Phong tiến hành kiểm tra, xử lý các hộ sản xuất ở làng nghề thuộc xã Văn Môn và Đông Thọ.

Những tồn tại về môi trường ở các CCN, làng nghề nhiều năm qua  cơ bản được giải quyết

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, hiện nay ô nhiễm môi trường tại các làng nghề đã được kiềm chế giải quyết. Đến nay, sản xuất trong khu dân cư tại 2 làng nghề Phong Khê (thành phố Bắc Ninh) và Mẫn Xá (Yên Phong) đã dừng hoạt động, cụ thể: Tại Phong Khê, 228 cơ sở sản xuất giấy dừng hoạt động, toàn bộ cơ sở sản xuất trong khu dân cư và ngoài Cụm công nghiệp Phong Khê 1 và 2 dừng hoạt động; tại Văn Môn, 100% cơ sở cô đúc nhôm tại khu dân cư, CCN làng nghề Mẫn Xá dừng hoạt động; tại Phú Lâm (huyeenjk Tiên Du), có 7/8 cơ sở sản xuất ngoài CCN dừng hoạt động… Các nguồn phát thải bị ngăn chặn triệt để, môi trường tại hai làng nghề đã có những chuyển biến tích cực. Tại xã Văn Môn, khói bụi cũng đã không còn bủa vây, môi trường trong lành đã quay trở lại với nhịp sống thường ngày của người dân.

Thời gian tới, để giải quyết cơ bản vấn đề ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê, xã Văn Môn, xã Phú Lâm, tỉnh dự kiến ban hành chính sách hỗ trợ các cơ sở, hộ gia đinh, cá nhân di dời đến khu vực được phép hoạt động, chuyển đổi ngành nghề tại địa phương nhằm tạo việc làm, ổn định đời sống của người dân tại 3 làng nghề. Bên cạnh đó lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương và lực lượng chức năng tuyên truyền nhằm làm chuyển biến nhận thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại các làng nghề; tăng cường công tác quản lý, nắm chắc địa bàn, tuần tra, phát hiện đấu tranh, xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường; tham mưu các giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, xử lý vi phạm… không để tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

Lộ trình thực hiện di dời các cơ sở sản xuất hoàn trả mặt bằng để đầu tư theo định hướng quy hoạch mới, dự kiến từ 2025 đến 2030, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền rộng rãi tới cộng đồng doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh trong cụm tạo động thuận trong dư luận, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị kế hoạch đầu tư kinh doanh; Rà soát, đánh giá nhu cầu ưu tiên chuyển đổi tại chỗ cho doanh nghiệp có nhu cầu có năng lực và có dự án phù hợp. Đối với các cơ sở có nhu cầu di dời tới địa điểm khác áp dụng chính sách hỗ trợ di dời nhà xưởng, bồi thường thỏa đáng đối với các trường hợp đã được giao đất và đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, trường hợp thuê đất trả tiền một lần; hỗ trợ chênh lệch tiền thuê đất giữa giá đất cụm công nghiệp và đất sản xuất phi nông nghiệp phát sinh kể thời điềm bãi bỏ “Quyết định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp” đến thời điểm thực hiện di dời…

 

Nguyễn Thị Mai – Văn phòng Tỉnh ủy