Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các dự án đầu tư mới trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
Sau 25 năm quy hoạch và phát triển, các Khu công nghiệp (KCN) đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều năm liền, Bắc Ninh duy trì là tỉnh thuộc nhóm đứng đầu của cả nước, cơ bản đáp ứng tiêu chí tỉnh công nghiệp hiện đại, là cực tăng trưởng kinh tế vùng đồng bằng sông Hồng và từng bước trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Khu công nghiệp Yên Phong (huyện Yên Phong)
Bắc Ninh hiện có 16 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch với tổng diện tích 6.397,68 ha; 24 Dự án đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng KCN đã và đang được triển khai thực hiện. Trong đó: Diện tích đất đã thực hiện quy hoạch là: 6364,93 ha; diện tích đất đã thu hồi giao (cho thuê) để thực hiện các Dự án là: 4.317,57 ha; diện tích đất công nghiệp đã đưa vào sử dụng (cho thuê) là: 2,238,92 ha; tỷ lệ lấp đầy bình quân trên diện tích đất quy hoạch của các KCN đã được thành lập đạt 54,23%.
Mặc dù diện tích đất sử dụng cho phát triển KCN chiếm tỷ lệ ít (chiếm 7,776% trên tổng diện tích đất tự nhiên, 14,64% diện tích đất nông nghiệp của toàn tỉnh), mới có 05/15 KCN được lấp đầy; tuy nhiên, đã tạo ra những chỉ số về số doanh nghiệp hoạt động, giá trị SXKD, giá trị xuất, nhập khẩu, GDP bình quân đầu người, giá trị nộp ngân sách… vô cùng to lớn, góp phần đưa tỉnh Bắc Ninh luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành đứng đầu của khu vực và cả nước về phát triển kinh tế - xã hội; năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7,39%; quy mô nền kinh tế đạt 248.376 tỷ đồng, đứng thứ 9 cả nước; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1,5 triệu tỷ đồng, đứng thứ nhất cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 166,9 triệu đồng, đứng thứ 3 cả nước; tổng thu ngân sách 3 năm (2020, 2021, 2022) đạt 94,8 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 14 cả nước; kim ngạch xuất, nhập khẩu đứng thứ 2 cả nước; cấp mới và điều chỉnh vốn 242 dự án FDI, tổng vốn 2,1 tỷ USD, đứng thứ 6 cả nước. Đồng thời, Bắc Ninh vẫn còn rất nhiều tiềm năng để tiếp tục phát triển KCN.
Hiệu quả hoạt động của các KCN từng bước được nâng cao. Việc phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật KCN đã có tác động lan tỏa, thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng kết nối và dịch vụ tiện ích cho các KCN đồng thời tạo nguồn thu cho NSNN để tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng của địa phương. Qua đó, từng bước thúc đẩy phát triển quá trình đô thị hóa theo hướng chuyển đổi vùng nông nghiệp lạc hậu thành Khu đô thị - công nghiệp phát triển. Đồng thời, KCN là mô hình sản xuất công nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ môi trường, thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng, và góp phần củng cố an ninh, quốc phòng cho địa phương.
Những năm gần đây, với điểm nhấn là sự phát triển nhanh chóng của các KCN, tỉnh Bắc Ninh đang được xem như là thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư phát triển, nhờ đó đã đưa tỉnh Bắc Ninh trở thành trung tâm phát triển công nghiệp của vùng và cả nước.
Các KCN phát triển đã tạo ra không gian kinh tế góp phần thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào địa phương, có vai trò đáng kể trong dịch chuyển cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất công nghiệp, thúc đẩy ngành công nghiệp của tỉnh phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, góp phần giải quyết việc làm, ổn định và nâng cao thu nhập cho người lao động trong và ngoài tỉnh, gián tiếp thúc đẩy kinh tế thương mại và dịch vụ.
Việc hình thành các KCN tập trung giúp tạo ra động lực để hình thành và phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động và thu nhập bình quân, thu hẹp khoảng cách chênh lệch phát triển giữa nông thôn và thành thị. Từ đó, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Phát triển các KCN tạo ra hiệu ứng lan tỏa, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa khu vực. Thông qua sự phát triển của các KCN, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật được hình thành, ngày càng hoàn chỉnh, đồng bộ và có chất lượng, tạo đà cho các ngành kinh tế khác phát triển, đặc biệt là hệ thống những tuyến đường giao thông huyết mạch, mạng lưới điện, mạng lưới thông tin... thúc đẩy nông thôn phát triển, đa dạng hóa ngành nghề, giảm lao động thủ công trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề phi nông nghiệp, nâng cao năng suất chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Một số kết quả nổi bật trên các lĩnh vực:
Thu hút đầu tư: Lũy kế đến thời điểm hiện tại đã cấp 1.758 Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án thứ cấp đầu tư vào các KCN (trong nước là 560 dự án, FDI là 1.198 dự án) với tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh đạt 22.980,05 triệu USD (cụ thể: trong nước là 66.783,07 tỷ đồng tương đương 3.087,33 triệu USD, FDI là 19.892,71 triệu USD)..
Về dự án hạ tầng KCN: 24 dự án hạ tầng KCN được Quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh 2.118,45 triệu USD, trong đó: 03 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh 263,91 triệu USD; 21 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh là 35.875,10 tỷ đồng tương đương 1.854,54 triệu USD.
Sử dụng lao động, tạo việc làm: Tính đến hết năm 2022, các KCN Bắc Ninh sử dụng 319.268 lao động, trong đó: lao động địa phương là 86.673 người (27,1%.), lao động nữ là 179.398 người (56,2%), lao động nước ngoài 8.673 người (2,71%).
Sản xuất công nghiệp: Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN làm gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp (chiếm gần 90% GTSXCN của tỉnh), kim ngạch xuất khẩu và nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Thủ tục hành chính: Tỉnh đã và đang quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính theo hướng “hỗ trợ và phục vụ” nhà đầu tư vào các KCN, thiết lập bộ phận “Một cửa tại chỗ” ngay tại các KCN (hiện đang tiến hành thử nghiệm tại KCN Tiên Sơn). Triển khai thực hiện quy định về công khai thủ tục hành chính, một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; 100% hồ sơ thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Thường xuyên rà soát và đăng ký việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến theo các mức độ 3, 4.
Trong thời gian tới, Bắc Ninh tiếp tục định hướng, đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với hoạt động thu hút các dự án đầu tư mới vào các KCN trên địa bàn tỉnh.
Về định hướng phát triển hạ tầng KCN theo chức năng, vai trò vùng:
Thung lũng công nghệ điện tử - Huyện Yên Phong: Phát triển trọng tâm vào các ngành sản xuất thiết bị điện tử, linh kiện điện tử quy mô lớn. Khuyến khích phát triển trung tâm nghiên cứu và phát triển thiết bị điện tử trên địa bàn; Mở rộng hạ tầng các KCN sẵn có như KCN Yên Phong I, KCN Yên Phong II.
Hành lang công nghiệp huyện Quế Võ: Hướng tới phát triển hành lang công nghiệp, dịch vụ, trở thành Thị xã – Đô thị vệ tinh của tỉnh Bắc Ninh. Tập trung vào các ngành sản xuất linh kiện điện tử; Hàng không vũ trụ; Sản xuất công nghệ cao, tận dụng tuyến đường kết nối đến cảng Hải Phòng.
KCN mới - Huyện Thuận Thành, Lương Tài và Gia Bình (dự kiến phát triển công nghiệp tại 03 khu vực: Khu vực xã An Thịnh nằm ở phía Đông; khu vực xã Lâm Thao, Phú Lương nằm ở phía Tây Nam; khu vực xã Bình Định, Quảng Phú nằm ở phía Tây huyện Lương Tài): KCN mới tập trung vào mô hình KCN sinh thái; tận dụng lợi thế về môi trường và vùng nguyên liệu để phát triển Dược phẩm và thiết bị y tế, công nghệ y khoa; sản xuất công nghệ cao.
Trung tâm CNTT và Công nghệ cao - Huyện Tiên Du: Phát triển trọng tâm vào công nghiệp, công nghệ cao và công nghệ thông tin, định hướng trở thành một cụm phát triển công nghiệp và công nghệ thông tin hàng đầu của tỉnh Bắc Ninh và khu vực đồng bằng sông Hồng; với các trung tâm dữ liệu, trung tâm nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ.
Định hướng thu hút đầu tư vào các KCN theo hướng ưu tiên các dự án đầu tư phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ:
Thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng định hướng bố trí không gian và nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp tích hợp vào quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát triển KCN theo chiều sâu, xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật đối với các ngành công nghiệp phụ trợ nhằm phát huy nội lực, đảm bảo phát triển bền vững, giảm thiểu tác động bất lợi của thị trường và đầu tư từ bên ngoài.
Quan tâm và tạo các điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn tạo động lực cho phát triển kinh tế; tiếp tục thu hút nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, thu hút các dự án có công nghệ cao, tăng hàm lượng khoa học, sản xuất đầu tư lớn, giảm định mức về sử dụng đất, tài nguyên, năng lượng, lao động, hiệu quả cao, thân thiện với môi trường, nâng cao tỷ trọng giá trị nội địa hóa trong sản phẩm. Ưu tiên các dự án vệ tinh trong chuỗi giá trị sản xuất hoàn chỉnh sản phẩm, các dự án điện tử, cơ khí chính xác, công nghiệp công nghệ cao, sản xuất thực phẩm đồ uống.
Ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp điện, điện tử, cơ khí chế tạo, rút ngắn khoảng cách trình độ công nghệ giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài; xây dựng cơ chế hỗ trợ liên kết các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước đầu tư trong các KCN.
Đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với hoạt động thu hút các dự án đầu tư mới vào các KCN:
Nghiêm túc triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 18/01/2022 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 và Kế hoạch số 1964/KH-UBND ngày 02/07/2021 của UBND tỉnh về Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, tạo đột phá, động lực và thiết thực trong cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh bền vững.
Đồng hành tư vấn cùng các nhà đầu tư thực hiện có hiệu quả Thông điệp “4 sẵn sàng” để bứt phá, đón bắt cơ hội mới đầu tư vào các KCN:
Sẵn sàng về mặt bằng đầu tư: với 16 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có tổng diện tích 6.397,68 ha; Các KCN được đầu tư đồng bộ về hạ tầng về môi trường, giao thông, khả năng cung cấp điện, nước, thông tin liên lạc…
Sẵn sàng về nhân lực: Với nguồn lao động tương đối trẻ, đã qua đào tạo chiếm 72% năm 2019, có khả năng tiếp cận nhanh chóng các công nghệ hiện đại cũng như trình độ quản lý tiên tiến, tỉnh cũng định hướng phát triển các khu đại học thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ tầm cỡ quốc gia và quốc tế; hình thành và phát triển Khu đô thị đại học hiện đại, văn minh với hàm lượng cao về kinh tế tri thức. Trên địa bàn hiện có 3 khu làng đại học, trong đó khu Đại học 1 đã cơ bản được đăng ký lấp đầy, thu hút các trường đại học, cao đẳng từ Hà Nội góp phần đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao của vùng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các KCN.
Sẵn sàng cải cách: Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính theo hướng “hỗ trợ và phục vụ” nhà đầu tư vào các KCN; nhân rộng mô hình “ Một cửa tại chỗ” tại các KCN, nhằm hỗ trợ tối đa doanh nghiệp, hạn chế thời gian đi lại và các chi phí phát sinh khi thực hiện TTHC; thực hiện công tác rà soát TTHC thường xuyên hơn nữa để cắt giảm tối đa thành phần hồ sơ TTHC và cắt giảm thời gian giải quyết TTHC. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, triển khai số hóa, chuyển đổi số gắn với xây dựng, vận hành hiệu quả hệ thống thông tin về quản lý các KCN trên địa bàn tỉnh.
Sẵn sàng hỗ trợ: Đối với các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài, Ban quản lý các KCN đóng vai trò cầu nối tiếp nhận thông tin, sẵn sàng lắng nghe tâm tư của doanh nghiệp; tham mưu cho tỉnh triển khai chính sách hỗ trợ công nhân và phát triển doanh nghiệp, qua đó củng cố niềm tin trong cộng đồng đầu tư trong các KCN trên địa bàn tỉnh.
Giám sát chặt chẽ, kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền điều chỉnh bổ sung quy hoạch các KCN trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình dự án trọng điểm, có tính chất liên kết phát triển vùng; tăng cường công tác quản lý chất lượng các công trình xây dựng trong các KCN; quản lý việc sử dụng hiệu quả diện tích đất đã được quy hoạch phát triển các KCN.
Tích cực sáng tạo linh hoạt trong hỗ trợ, xúc tiến đầu tư, chủ động từ mở cửa sang gõ đúng cửa, đúng trọng tâm, tăng trưởng cả chất và lượng, thu hút được những dự án lớn có tính chất lan toả, kiên định thực hiện tiêu chí: ‟hai ít; ba cao; năm sẵn sàng và một khôngˮ (ít sử dụng lao động, ít sử dụng đất; suất vốn đầu tư cao, hiệu quả kinh tế cao và công nghệ cao; sẵn sàng mặt bằng, nhân lực, cải cách, hỗ trợ và chống dịch; không ô nhiễm môi trường).
Dự báo tốt nhu cầu sử dụng lao động, phối hợp tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; duy trì hoạt động hiệu quả của tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp, đường dây nóng vv... góp phần duy trì ổn định và đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tăng cường công tác quản lý môi trường phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu về môi trường, đảm bảo 100% doanh nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo tiêu chuẩn.
Tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra, khôi phục hoạt động trở lại của Bộ phận đại diện tại các KCN; phối hợp với Trung tâm Hành chính công tỉnh tổ chức hoạt động có hiệu quả mô hình “ một cửa tại chỗ” ngay tại các KCN nhằm phát hiện kịp thời, hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết có hiệu quả những vụ việc phát sinh có vương mắc ngay tại các doanh nghiệp trong các KCN; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng, chống cháy nổ được phát hiện và khắc phục kịp thời, không để xảy ra các trường hợp nghiêm trọng.
Tổ chức phát động các phong trào thi đua và khen thưởng cho doanh nghiệp trong KCN./.
Triệu Bích Hồng, Văn phòng Tỉnh ủy