Tinh thần tự phê bình và phê bình trong tác phẩm “Tự chỉ trích” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ

09/07/2021 07:55 Số lượt xem: 287

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 09/7/1912, trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống khoa bảng tại Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh. Với 29 tuổi, hơn 13 năm tham gia cách mạng, 7 năm bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, hơn 2 năm làm Tổng Bí thư của Đảng, hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, cho lý tưởng cao đẹp của Đảng ta. Toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là một mẫu mực về phẩm chất cao quý của người cộng sản. Không chỉ có tinh thần tự học tập, rèn luyện trong thực tiễn, đồng chí Nguyễn Văn Cừ còn là tấm gương sáng về sự liên hệ với quần chúng, gắn bó máu thịt với quần chúng, vận động quần chúng. Bất kỳ ở đâu, sống và chiến đấu trong hoàn cảnh nào đồng chí Nguyễn Văn Cừ luôn thể hiện là người cán bộ có đạo đức cách mạng trong sáng, chân thành, giản dị, gương mẫu trong cuộc sống, có tác phong chan hòa, gần gũi với mọi người, có khả năng tập hợp, đoàn kết, được cán bộ, đảng viên và nhân dân mến yêu và cảm phục.

Tháng 11/1939, trước khi vào Nam chỉ đạo và chuẩn bị Hội nghị Trung ương, đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Tổng Bí thư của Đảng đã viết tác phẩm Tự chỉ trích. Tác phẩm được Nhà xuất bản Dân chúng phát hành vào ngày 20-7-1939 tại Hà Nội. Tác phẩm ra đời đã kịp thời lãnh đạo và giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân lao động đang tranh luận và bàn tán về nguyên nhân thất bại của Mặt trận Dân chủ trong việc tranh cử vào Hội đồng Quản hạt ở Nam Kỳ.

Tác phẩm Tự chỉ trích gồm các nội dung: 1. Nguyên tắc tự phê bình và phê bình của Đảng; 2. Bài học về cuộc tuyển cử Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ; 3. Đấu tranh về bảo vệ đường lối Mặt trận Dân chủ của Đảng chống tả khuynh và hữu khuynh; 4. Tóm tắt đường lối chiến lược và sách lược của Mặt trận Dân chủ Đông Dương.

Tự chỉ trích có ý nghĩa và tác dụng quan trọng trong cuộc đấu tranh tư tưởng trong Đảng; tác phẩm chỉ rõ những nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng, toàn dân ta trong cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, hoà bình. Đây thực sự là một công cụ sắc bén trong cuộc đấu tranh phê bình và tự phê bình trong Đảng, làm cho Đảng ngày càng thống nhất về tư tưởng và hành động, quần chúng nhân dân càng tin tưởng vào đường lối đúng đắn và sáng tạo của Đảng. Trong tác phẩm Tự chỉ trích, đồng chí Nguyễn Văn Cừ phân tích về những phương pháp “tự chỉ trích”, rằng: “Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch ra những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng, mà là làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ. Trái lại, nếu “đóng kín cửa bảo nhau, giữ cái vỏ thống nhất mà bề trong thì hổ lốn một cục, đầy rẫy bọn hoạt đầu, đó mới chính là để cho quân thù chửi rủa; hơn nữa, đó tỏ ra không phải một đảng tiền phong cách mạng, mà là một đảng hoạt đầu cải lương”.

Như vậy, tinh thần “tự chỉ trích Bônsơvích” là một phương thức phát triển không chỉ của Đảng, mà còn là của lực lượng, phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo. Tư tưởng của Nguyễn Văn Cừ về phương pháp tự chỉ trích có giá trị lớn từ phương diện vận dụng phép biện chứng duy vật vào việc giải quyết các vấn đề, các mâu thuẫn chính trị - xã hội đương đại.

Kỷ niệm 109 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, ôn lại để thấm sâu, kiên quyết thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần của Tự chỉ trích cũng chính là thêm một lần các cấp ủy đảng và mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, ý nghĩa,  nguyên tắc, nội dung và hình thức trong tự phê bình và phê bình. Để việc tự phê bình và phê bình gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII theo đúng phương châm và đạt được mục tiêu đề ra, từng tổ chức đảng, từng cán bộ, đảng viên phải luôn nhận thức đúng về tính tất yếu và về vai trò động lực của việc phê bình và tự phê bình trong toàn bộ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Theo đó, phải quán triệt tinh thần xem tự phê bình và phê bình là một trong những nguyên tắc tổ chức và hoạt động cơ bản của Đảng, là vũ khí sắc bén, là quy luật tồn tại và phát triển của chính đảng cách mạng. Đảng ta phải luôn tự chỉ trích, tự chỉ trích là đấu tranh với chính mình, dám nhìn thẳng vào sự thật, nói ra sự thật những biểu hiện sai trái của mình, của đồng chí mình trên cơ sở thống nhất một nguyên tắc: cái đúng phải được bảo vệ, được trân trọng, cái sai thì kiên quyết đấu tranh để loại bỏ. Tiếp tục thực hiện và phát huy dân chủ, tăng cường khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị cần phải chú trọng thực hiện tự phê bình và phê bình, đưa tự phê bình và phê bình trở thành nền nếp trong sinh hoạt Đảng. Trong đó, kết hợp chặt chẽ giữa tự phê bình và phê bình trong Đảng với sự tham gia, đóng góp ý kiến của quần chúng ở mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị và cả nơi cư trú. Đồng thời, gắn tự phê bình và phê bình với công tác kiểm tra giám sát và xử lý kỷ luật của Đảng. Cùng với đó, gắn tự phê bình và phê bình với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; với việc nhân rộng những tấm gương người tốt, việc tốt để tạo một bước chuyển mới trong công tác xây dựng Đảng, góp phần làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh

Kỷ niệm 109 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ cũng là dịp để mỗi chúng ta khẳng định những đóng góp lớn lao của các đồng chí lãnh đạo tiền bối cách mạng, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Cừ qua các thời kỳ lịch sử đối với Đảng, cách mạng Việt Nam. Tôn vinh, tri ân đồng chí Nguyễn Văn Cừ, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, cách mạng Việt Nam, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, là việc làm có ý nghĩa thiết thực nhằm bồi dưỡng truyền thống cách mạng, lý tưởng, đạo đức và lối sống trong sáng, giản dị cho cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau… Mỗi cán bộ, đảng viên học tập đồng chí Nguyễn Văn Cừ tinh thần học tập, rèn luyện và bản lĩnh trong đấu tranh tự phê bình và phê bình nhằm tăng cường đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng. Bài học về tự phê bình và phê bình trong Đảng theo tinh thần “Tự chỉ trích” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ vẫn còn nguyên giá trị sâu sắc cho đến ngày hôm nay./.

Nguyễn Đắc Thu

Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ