Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh

10/09/2021 08:22 Số lượt xem: 163

8 tháng đầu năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid nhưng sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu như Máy in-copy, in bằng công nghệ in phun có kết nối, đồng hồ thông minh, điện thoại di động thông thường, bàn bằng gỗ các loại, linh kiện điên tử... đều duy trì được lượng sản xuất tăng, góp phần tăng trưởng sản xuất công nghiệp trên địa bàn.

Những chính sách hỗ trợ kịp thời sẽ tiếp thêm động lực để doanh nghiệp

yên tâm phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh

Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 6,18% so với cùng kỳ, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,67% và tăng 6,21%; cụ thể, ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có 10/20 ngành có chỉ số tăng so với cùng kỳ, một số ngành chủ lực của tỉnh có tỷ trọng lớn và tăng mạnh như: In, sao chép bản ghi các loại tăng 123,6%; Sản xuất trang phục tăng 30,4%; Sản xuất đồ uống tăng 23,1%; Sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 83,5%... Tính chung 8 tháng, IIP toàn ngành công nghiệp tăng 9,81% so với cùng kỳ. Nhiều mặt hàng có lượng sản xuất tăng cao so với tháng trước như: Máy in-copy, in bằng công nghệ in phun có kết nối tăng 73,1%; Đồng hồ thông minh tăng 61,7%; Điện thoại di động thông thường tăng 60,6%; Bàn bằng gỗ các loại tăng 49,4%; Linh kiện điên tử tăng 20,5%;... Tuy nhiên, một số ít sản phẩm có mức sản xuất giảm như: Nước máy thương phẩm giảm 1,4%; Điện thoại thông minh giảm 19,2%; Bình đun nước nóng giảm 11,1%; Dược phẩm có chứa Vitamin giảm 11,3%...

Hoạt động thương mại trên địa bàn cũng đã dần bình ổn trở lại, đa số các cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu, dịch vụ toàn tỉnh 8 tháng ước đạt 38.585,3 tỷ đồng, tăng 0,8% so với cùng kỳ, trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước 30.083,2 tỷ đồng, tăng 3,1%; doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống ước 3.266,4 tỷ đồng, giảm 1,3% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành ước 3,1 tỷ đồng, giảm 57,7%; doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác ước 4.180,8 tỷ đồng, giảm 12,9%.

Để thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn, thời gian qua, tỉnh đã có những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đầu tư xây dựng và sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới cho phát triển công nghiệp; tích cực giám sát vật tư nông nghiệp; thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trong tình hình dịch covid-19 đang diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thực hiện mục tiêu kép vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa nghiêm túc phòng, chống dịch Covid-19, vì vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa vẫn giữ được sự tăng trưởng so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, hàng tồn kho lớn, tăng trưởng thấp hơn kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, phần lớn vùng nguyên liệu chế biến nông sản xuất khẩu chưa được quy hoạch tốt, thiếu tập trung, phân tán và không ổn định, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất quy mô lớn. Giá một số nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng so với năm trước và cùng kỳ (xi măng, sắt thép, gỗ nguyên liệu...) ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Để thực hiện đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2021, 4 tháng cuối năm, tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại...; tập trung tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho các doanh nghiệp để khôi phục sản xuất, nhất là khối doanh nghiệp FDI trong các khu công nghiệp. Tăng cường các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Tư vấn, hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện các hoạt động chuyển giao công nghệ, bảo hộ sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, hướng dẫn chuyển giao công nghệ, xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng thương hiệu; tăng cường công tác xúc tiến thương mại để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng hàng hóa do doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất; tập trung củng cố thị trường nội địa, phát triển mạng lưới kinh doanh thương mại ở cả khu vực thành phố, nông thôn; gắn sản xuất với lưu thông nhằm tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm cho nông dân và doanh nghiệp./.

Nguyễn Thị Mai, Văn phòng Tỉnh ủy