Thực hiện Quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở trên địa bàn huyện Yên Phong

06/05/2021 10:48 Số lượt xem: 195

Sau 05 năm triển khai thực hiện Kết luận số 120-KL/TW, ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị khóa XI “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở” trên địa bàn huyện Yên Phong đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, nhận thức của các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về dân chủ và dân chủ trực tiếp của nhân dân có những chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Người dân phát biểu tại Hội nghị đối thoại của Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Yên Phong về một số nội dung liên quan đến chính sách đền bù, GPMB tại các thôn An Tập, Cầu Giữa, An Ninh xã Yên Phụ

Thực hiện QCDC ở xã, thị trấn theo Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, các kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương đều được các xã, thị trấn trên địa bàn huyện thực hiện công khai dân chủ đúng quy định của pháp luật. Các cấp chính quyền niêm yết công khai các nội dung như: Quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các dự án, công trình đầu tư tại cơ sở (phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, công khai các loại thủ tục hành chính và các loại phí, lệ phí, các quy định về chế độ, chính sách của nhà nước có liên quan đến người dân, các đối tượng chính sách…). Hầu hết các xã, thị trấn triển khai thực hiện tốt những việc nhân dân được tham gia, bàn và quyết định trực tiếp như: Mức đóng góp xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, đường giao thông liên thôn, bình chọn các đối tượng được hưởng chính sách xã hội, xây dựng các công trình phúc lợi liên quan trực tiếp đến người dân.

Việc tiếp xúc cử tri, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, đặc biệt là việc tổ chức đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo với nhiều giải pháp đối mới cả về nội dung và hình thức đã đem lại hiệu quả thiết thực; việc xây dựng, bổ sung quy ước, hương ước, thực hiện chế độ chính sách người có công, chính sách xã hội, vận động nhân dân đóng góp xây dựng các loại quỹ ở cơ sở, xây dựng nhà Đại đoàn kết, bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trưởng thôn, thành viên Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng… được thực hiện nghiêm túc bằng nhiều hình thức như: Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, họp thôn, xóm, khu phố và các cuộc họp của các chi, tổ hội hoặc hòm thư góp ý. Huyện đã tổ chức được 224 hội nghị đối thoại trực tiếp của lãnh đạo huyện, xã, thị trấn với nhân dân, trong đó đa số được tổ chức ở xã, thị trấn, nội dung các hội nghị đối thoại phù hợp với tình hình cơ sở, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn đặt ra.

Thực hiện dân chủ trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập (theo Nghị định số 04/2015/NĐ-CP) đã được chú trọng, góp phần cải tiến lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả công tác với phong cách gần dân và vì dân. 100% cơ quan, đơn vị phối hợp với công đoàn tổ chức hội nghị cán bộ, công chức. Công tác cải cách hành chính của huyện được tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt bám sát yêu cầu theo Nghị định số 30/NQ-CP, ngày 08/11/2011 của Chính phủ. Duy trì tốt hoạt động của Trung tâm hành chính công của huyện, UBND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện hiệu quả cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; minh bạch quy trình tiếp nhận, xử lý công việc. Hiện nay 100% các cơ quan, đơn vị , các xã, thị trấn trong huyện đã áp dụng thực hiện hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN ISO 9001-2015) tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân kiểm tra, giám sát các hoạt động của cơ quan, đơn vị; qua đó tác phong làm việc, tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ được nâng cao.

Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc (theo Nghị định số 149/2018/NĐ-CP) luôn được cấp ủy đơn vị, Giám đốc, chủ doanh nghiệp quan tâm lãnh đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc; đa số các đơn vị, doanh nghiệp đã ban hành quy chế dân chủ để thực hiện, góp phần cải thiện quan hệ lao động, ổn định việc làm và thu nhập, từng bước nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho công nhân lao động.

Công đoàn trong doanh nghiệp đã tích cực tham gia với lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng các nội quy, quy chế liên quan đến lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân, nhân viên và người lao động; công khai các chế độ tiền lương, BHXH, BHYT, công tác nhân sự... Trên địa bàn huyện có 120 công đoàn cơ sở (Khối xã 14 đơn vị, khối cơ quan HCSN 20 đơn vị, khối giáo dục 49 đơn vị, khối ngoài quốc doanh 36 đơn vị); có 435 công ty TNHH, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân. Chi bộ đảng có 2 đơn vị: Nhà máy gạch tuynel Tahaka Đông Tiến và công ty cổ phần Catalan Đông Thọ. Các công ty đều thực hiện khá tốt các chế độ chính sách của nhà nước liên quan đến người lao động; nhiệm vụ và chỉ tiêu, kế hoạch của doanh nghiệp.

Việc thực hiện tốt QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc đã tạo điều kiện cho người lao động được trực tiếp góp ý kiến, được quyết định và kiểm tra, giám sát những nội dung theo Nghị định số 149/2018/NĐ-CP; qua đó giúp người lao động yên tâm lao động, sản xuất, kinh doanh, tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa chủ doanh nghiệp và người lao động./.

Triệu Bích Hồng, Văn phòng Tỉnh ủy