Tăng cường chỉ đạo, định hướng thông tin trên Internet, mạng xã hội trên địa bàn tỉnh

25/08/2021 15:46 Số lượt xem: 325

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, hiệu quả của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, tình hình chính trị trên địa bàn tỉnh ổn định, an ninh kinh tế được đảm bảo, chưa phát hiện các hành vi lừa đảo trong đầu tư, liên doanh hoặc dùng kinh tế làm tác động chuyển hóa chính trị; các vấn đề phức tạp được quan tâm giải quyết kịp thời, không để các thế lực thù địch có điều kiện lợi dụng, kích động người dân khiếu kiện, gây mất ổn định xã hội; các chính sách về quyền con người, chính sách xã hội được chỉ đạo thực hiện tốt, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, làm nền tảng thực hiện tốt công tác đấu tranh và bảo vệ nhân quyền. Trên địa bàn tỉnh không có tình trạng lợi dụng báo chí chính thống và các phương tiện thông tin đại chúng (Báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh, Tạp chí Người Kinh Bắc, Cổng thông tin điện tử tỉnh, các trang thông tin điện tử; Đài Phát thanh 8 huyện, thị xã, thành phố; 126 Đài truyền thanh cơ sở) để tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện tình trạng một số cá nhân như Đỗ Công Đương, Trịnh Viết Bảng, Ngô Bá Khá (Khá bảnh)... lợi dụng các trang mạng xã hội để phát tán thông tin phản cảm, sai lệch, không có thật, không đúng bản chất, nhất là các thông tin xuyên tạc, hạ uy tín, danh dự của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, gây tâm lý hoang mang, phản ứng trái chiều trong dư luận xã hội, làm mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đặc biệt, trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, lợi dụng các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, của tỉnh, nhất là công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, tình trạng phát tán các thông tin giả, bịa đặt, không đúng bản chất trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng, làm suy giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp. Các cơ quan chức năng của tỉnh đã tiến hành điều tra, xác minh, đấu tranh làm rõ hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân vi phạm, như: Chủ tài khoản facebook “Dương Phúc”, “Hoang Nguyên Cong”, “Vu Quynh Mai”, “Quan Bds”, “Quốc Việt Bư Kon”... góp phần cảnh tỉnh người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm với cộng đồng khi đăng tải, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.

Thời gian tới, cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, truyền thông toàn cầu, mạng xã hội sẽ ngày càng thu hút đông đảo người dân sử dụng. Bên cạnh những thông tin tích cực, đúng đắn, có tính định hướng xã hội cao, mạng xã hội sẽ còn tồn tại nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, thiếu khách quan, thậm chí còn có thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc lịch sử, thù địch, phản động... được viết và đăng tải dưới nhiều hình thức để dễ dàng tiếp cận với người đọc, gây ra những luồng thông tin trái chiều và hệ lụy cho xã hội. Đặc biệt, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tiếp tục sử dụng Internet và mạng xã hội làm công cụ để tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá cách mạng Việt Nam.

Để có môi trường thông tin lành mạnh trên Internet và mạng xã hội, công tác tuyên truyền cần tiếp tục được đẩy mạnh, phải giữ vai trò chủ đạo trong dẫn dắt, chỉ đạo, định hướng thông tin chính thống, nhằm nâng cao “sức đề kháng”, “tự miễn dịch” góp phần đẩy lùi, giảm thiểu tác hại từ các thông tin giả, xấu độc và các quan điểm sai trái, thù địch. Trước mắt, công tác tuyên truyền trên địa bàn tỉnh cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, công tác tuyên truyền phải góp phần trang bị kiến thức giúp người dân nhận biết tính hai mặt của Internet và mạng xã hội; nhận diện rõ thủ đoạn, nội dung, hình thức và tính chất của thông tin xấu, độc đối với cá nhân và xã hội.

Những giá trị tích cực mà mạng xã hội mang lại là không phải bàn cãi và sử dụng mạng xã hội là một nhu cầu chính đáng của con người trong xã hội thông tin. Mạng xã hội không chỉ giúp con người tiếp cận với thông tin một cách nhanh nhất mà còn đáp ứng các nhu cầu khác của mỗi người như giải trí, giao lưu, chia sẻ... Tuy nhiên, nhiều người tham gia mạng xã hội nhưng lại thiếu kiến thức pháp luật, thiếu trách nhiệm bản thân dẫn đến vi phạm pháp luật.

Thực tế, khi có hiểu biết pháp luật thì người sử dụng mạng xã hội sẽ có ý thức, trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, không dễ tin và làm theo các quan điểm sai trái, thù địch. Do đó, các cấp, các ngành chức năng từ tỉnh tới cơ sở cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Luật An ninh mạng, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí... để các cá nhân, tổ chức khi tham gia mạng xã hội tuân thủ theo quy định của pháp luật. Tăng cường tuyên truyền với nhiều hình thức để người dân hiểu thông tin xấu, độc là những thông tin không có thật, những thông tin bị bóp méo, “đổi trắng thay đen”, lẫn lộn đúng- sai, thật- giả, hoặc những thông tin có một phần sự thật nhưng được “biên tập” lại với dụng ý xấu, bằng nhiều thủ đoạn như: Cường điệu hóa một mặt nào đó, hoặc đưa ra những bình luận nhằm dẫn dắt dư luận, bôi nhọ chế độ, tuyên truyền, cổ vũ cho hành vi chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ... góp phần tạo “đề kháng” cho người sử dụng mạng xã hội.

Thứ hai, các cơ quan báo chí (Báo Bắc Ninh, Đài PT-TH tỉnh, Tạp chí Người Kinh Bắc), Cổng thông tin điện tử tỉnh tiếp tục tạo dòng thông tin chủ đạo, chi phối mạng xã hội.

Trong công tác thông tin, tuyên truyền phải nhất quán quan điểm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực”; gắn kết chặt chẽ giữa "xây" và “chống”, "xây" là cơ bản, "chống" phải quyết liệt, hiệu quả. Chú trọng tuyên truyền nội dung: Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thành tựu trong phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, của tỉnh; công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước, của tỉnh; đất nước, con người Việt Nam và quê hương Bắc Ninh; gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực...

Để thu hút cư dân mạng đọc báo trên mạng xã hội thì trước hết các cơ quan báo chí phải tiên phong trong việc cung cấp thông tin chính thống nhanh chóng, kịp thời, chính xác, có chất lượng. Đối với các thông tin quan trọng, nhạy cảm, phức tạp được người dân quan tâm, báo chí phải dự báo trước được tình hình, xu hướng để chủ động chiếm lĩnh truyền thông trên mạng. Khi xuất hiện những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, các cơ quan báo chí phải tiên phong, nhanh nhạy nắm bắt, đánh giá tác động cụ thể, “giải độc” thông tin kịp thời, giúp người đọc nắm rõ bản chất vấn đề, không để những tin này ảnh hưởng xấu đến người đọc. Đặc biệt, khi các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc, lôi kéo, kích động bạo loạn, biểu tình, gây rối trật tự công cộng, báo chí phải là công cụ, phương tiện, vũ khí sắc bén trực diện, phân tích, làm rõ nội hàm, bản chất quan điểm sai trái, thù địch, hành động vi phạm pháp luật. Đấu tranh, phản bác nhanh nhạy, kịp thời, đồng thời tuyên truyền và huy động đông đảo cộng đồng mạng tham gia đấu tranh để đưa nguồn thông tin chính thống của báo chí thành dòng chủ lưu, chi phối trên mạng. Các cơ quan báo chí cần lựa chọn các tin bài, hình ảnh tích cực, biên tập ngắn gọn, phù hợp với ngôn ngữ của cộng đồng mạng đăng tải lên các trang mạng và chia sẻ cho đồng nghiệp, bạn bè, người thân để lan tỏa thông tin tích cực. 

Chú trọng đổi mới, nâng cao phần mềm tương tác và giao diện theo kịp với thiết bị hiện đại như: Điện thoại thông minh, các thiết bị di động và các thiết bị công nghệ mới khác, tạo điều kiện cho số đông cư dân mạng, nhất là giới trẻ có thể dễ dàng truy cập khai thác... tìm kiếm, chia sẻ và tương tác thông tin chính thống của báo chí. Không ngừng hoàn thiện những trang, địa chỉ đã lập, có biện pháp đầu tư, xây dựng hình ảnh, nâng cao chất lượng và uy tín các trang có trọng tâm, trọng điểm để tăng tính hấp dẫn, thu hút số lượng đông người truy cập. 

Ba là, các cấp, các ngành cần coi việc cung cấp thông tin về hoạt động của địa phương, đơn vị mình cho các cơ quan báo chí là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.

Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội ở địa phương, đơn vị, cấp ủy, chính quyền cần nắm chắc tình hình, dự báo và bám sát những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, đánh giá khả năng tác động đến tâm lý, tư tưởng, dư luận xã hội, đặc biệt, khi xảy ra vụ việc, vấn đề gây bức xúc tại địa phương, đơn vị, cần chủ động, kịp thời cung cấp những thông tin khách quan, trung thực cho báo chí. Cùng với việc chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, phải kịp thời có văn bản báo cáo lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí của  tỉnh (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông) để kịp thời định hướng thông tin, hạn chế, khắc phục tình trạng báo chí thông tin một chiều, thiếu chính xác, gây bức xúc dư luận. Thực hiện nghiêm Quy định số 392/QĐ - UBND ngày 08/9/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về “Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Bắc Ninh”.

Bốn là, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Thông tin- truyền thông là lực lượng nòng cốt trong tổ chức nắm bắt thường xuyên thái độ của người sử dụng mạng xã hội đối với các vấn đề, sự kiện đang được dư luận xã hội quan tâm để kịp thời định hướng tư tưởng, định hướng tuyên truyền.

Theo dõi chặt chẽ tình hình và xu hướng của dư luận xã hội, nghiên cứu, phân tích, kịp thời phát hiện vấn đề mang tính khuynh hướng, những vấn đề mới xuất hiện có mức độ ảnh hưởng đến bộ phận lớn các giai tầng xã hội. Trên cơ sở đó, tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền nhận định, đánh giá tình hình tư tưởng trong Đảng, trong xã hội qua từng tháng, từng quý, từng giai đoạn, từng sự kiện, dự báo tình hình tư tưởng trong thời gian tới để đề ra những chủ trương, biện pháp tuyên truyền phù hợp.

Năm là, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên khi tham gia mạng xã hội.

Trong vòng xoáy thông tin trên Internet và mạng xã hội với các loại tin giả, thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng đã làm lệch lạc nhận thức của nhiều người, trong đó có cả một số cán bộ, đảng viên. Tiếp xúc với thông tin trên mạng xã hội, nếu cán bộ, đảng viên thiếu bản lĩnh chính trị, rất dễ bị dư luận xấu dẫn dắt, gài bẫy, rơi vào quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vì thế hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị và thực hiện đúng Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Khi tham gia mạng xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên phải là nhân tố tích cực, với cảm xúc lành mạnh, suy nghĩ chín chắn, mọi ý kiến đều dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, thẳng thắn phản biện, đấu tranh với ý kiến phiến diện, sai trái, xấu độc... sẽ góp phần quan trọng định hướng thông tin, lành mạnh hóa mạng xã hội, để mạng xã hội phát huy được hiệu quả trong đời sống, góp phần ổn định trật tự xã hội, tạo động lực cho sự phát triển.

Trần Văn Vững, TUV,

Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy